Lai Châu khai thác bản sắc văn hóa các dân tộc để phát triển du lịch

Thứ hai, 11/12/2023 22:27 PM - 0 Trả lời

(CLO) Tỉnh Lai Châu phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc, phát triển du lịch cộng đồng với điểm nhấn là loại hình du lịch homestay, tham quan, trải nghiệm…

Khai thông những “điểm nghẽn”

Tỉnh Lai Châu có nhiều tiềm năng và lợi thế to lớn để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi ban tặng nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, cộng với khí hậu ôn hòa, quanh năm mát mẻ. Bên cạnh đó, Lai Châu còn là nơi sinh sống của 20 dân tộc anh em với kho tàng văn hóa truyền thống vô cùng phong phú, độc đáo và giàu bản sắc.

lai chau khai thac ban sac van hoa cac dan toc de phat trien du lich hinh 1

Lai Châu có nhiều lễ hội truyền thống độc đáo - đây là những tài nguyên du lịch quý giá. Ảnh: TL

Theo ông Trần Quang Kháng - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Lai Châu, thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch” (Dự án 6), ngành Du lịch tỉnh Lai Châu đã tập trung quy hoạch, xây dựng một số bản văn hóa du lịch cộng đồng, khai thác, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc với điểm nhấn là loại hình du lịch homestay, phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm và dần dần trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Hiện nay, tỉnh Lai Châu đang có 5 bản du lịch cộng đồng tiêu biểu thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Đó là các bản Sin Suối Hồ, Vàng Pheo (huyện Phong Thổ), bản Thẳm, Sì Thâu Chải (huyện Tam Đường) và bản San Thàng (thành phố Lai Châu).

Theo số liệu của Sở VHTT&DL tỉnh Lai Châu, ước tính hết năm 2023, toàn tỉnh Lai Châu đón hơn 1 triệu lượt khách du lịch, tăng 37,1% so với năm 2022; tổng doanh thu du lịch đạt 784,3 tỷ đồng, tăng 41,2%.

Mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng du lịch Lai Châu còn chưa xứng với tiềm năng vốn có. Nhiều chuyên gia đánh giá thực trạng du lịch của Lai Châu hiện nay “thừa tiềm năng, thiếu thông tin, ít sản phẩm”; việc khai thác các sản phẩm du lịch vẫn chủ yếu dựa vào tài nguyên sẵn có, chưa bao hàm nhiều giá trị gia tăng và tính chuyên nghiệp.

Loại hình và sản phẩm du lịch ở Lai Châu chưa đặc sắc, chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và cả nước. Cơ sở hạ tầng tại một số điểm du lịch chưa đáp ứng nhu cầu, hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đồng bộ, các dự án đầu tư lớn về du lịch còn hạn chế.

lai chau khai thac ban sac van hoa cac dan toc de phat trien du lich hinh 2

Đồng bào các dân tộc ở Lai Châu vẫn bảo tồn được nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo như trang phục, nghề thủ công. Ảnh: dulich.laichau.gov.vn

Tỉnh cũng chưa tham gia các hoạt động xúc tiến, quảng bá ở nước ngoài, hình ảnh du lịch Lai Châu chưa đến được các thị trường quốc tế. Nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, thiếu đội ngũ lao động chuyên nghiệp, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên du lịch và porter tại các điểm du lịch. Do đó, hiệu quả kinh tế, xã hội từ hoạt động du lịch chưa tương xứng với tiềm năng.

“Điểm nghẽn lớn nhất của du lịch tỉnh Lai Châu hiện nay vẫn là hạ tầng giao thông. Quãng đường di chuyển từ trung tâm các thành phố lớn đến Lai Châu mất rất nhiều thời gian. Hơn nữa, du lịch Lai Châu có tính chất theo mùa, thường là tháng 9 đến tháng 4 năm sau. Còn từ tháng 5 đến tháng 8 là những tháng cao điểm mùa mưa, địa hình của Lai Châu có nhiều khó khăn cho việc triển khai các hoạt động du lịch, đặc biệt là du lịch mạo hiểm. Trong thời gian này, đường kết nối với các bản thường xuyên bị sạt lở”, ông Trần Quang Kháng chia sẻ

Mục tiêu doanh thu nghìn tỷ

Để cải thiện hạ tầng giao thông, theo ông Trần Quang Kháng, tỉnh Lai Châu đang xúc tiến 3 dự án xây dựng đường giao thông lớn để thúc đẩy phát triển du lịch. Một là đường kết nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai đang thực hiện. Hai là xúc tiến thực hiện đường hầm xuyên đèo Hoàng Liên Sơn để kết nối thị xã Sa Pa (Lào Cai) với huyện Tam Đường (Lai Châu). Ba là xúc tiến xây dựng sân bay.

lai chau khai thac ban sac van hoa cac dan toc de phat trien du lich hinh 3

Ẩm thực của đồng bào dân tộc thiểu số hấp dẫn du khách. Ảnh: XD

Bên cạnh đó, cùng với tìm tòi phát triển các sản phẩm du lịch mới, tỉnh Lai Châu vẫn sẽ ưu tiên phát triển du lịch cộng đồng. Trong giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh Lai Châu đặt ra mục tiêu xây dựng 5 sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó có ít nhất 1 sản phẩm du lịch đạt sản phẩm OCOP 4 - 5 sao. Tỉnh cũng sẽ phấn đấu xây dựng 1 bản du lịch cộng đồng tiêu biểu quốc gia, tiến tới đề nghị công nhận điểm du lịch cộng đồng ASEAN.

Ông Trần Quang Kháng cho biết, Lai Châu đang đẩy mạnh triển khai các chương trình hỗ trợ 5 bản du lịch cộng đồng nổi bật của tỉnh, định hướng xây dựng thành các bản du lịch kiểu mẫu và gắn kết các bản thành chuỗi.

“Đây là các bản có vị trí địa lý gần nhau, có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên và có sự khác biệt về văn hóa, bao gồm 1 bản người Mông, 1 bản người Giáy, 1 bản người Dao, 1 bản người Thái và 1 bản người Lự. Các bản này thuộc 2 huyện và 1 thành phố, nằm trong phạm vi bán kính khoảng 30km nên có thể liên kết với nhau, nhưng vẫn đảm bảo sự khác biệt về văn hóa để thu hút khách du lịch, tạo thành một tour du lịch cộng đồng đặc sắc”, ông Kháng nói.

lai chau khai thac ban sac van hoa cac dan toc de phat trien du lich hinh 4

Kiến trúc nhà ở truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Lai Châu. Ảnh: dulich.laichau.gov.vn

Theo đó, bản Sin Suối Hồ ở huyện Phong Thổ sẽ bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp dân tộc Mông gắn với du lịch sinh thái, nông nghiệp (phát triển cây hoa Lan, cây ăn quả ôn đới, mô hình trồng rau sạch, khám phá rừng nguyên sinh…). Bản du lịch cộng đồng Vàng Pheo ở huyện Phong Thổ bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc Thái gắn với trải nghiệm bản sắc văn hóa (lễ hội Gội đầu Áp hô chiêng, chợ phiên Dào San, hát Then, Đàn tính, Xòe Thái).

Bản Thẳm ở huyện Tam Đường bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc Lự gắn với bản sắc văn hóa độc đáo (Tết Cơm mới, dệt thổ cẩm, nhuộm răng đen). Bản Sì Thâu Chải ở huyện Tam Đường bảo tồn, phát huy văn hóa của dân tộc Dao (nhóm ngành Dao Đầu bằng) gắn với du lịch mạo hiểm (dù lượn, chinh phục đỉnh Pu Ta Leng). Bản San Thàng ở thành phố Lai Châu bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc Giáy gắn với chợ phiên và chợ đêm San Thàng.

Để đạt được những mục tiêu đề ra, ngành Du lịch tỉnh Lai Châu đang đẩy mạnh nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, lưu giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; sử dụng các giá trị văn hóa đặc sắc để phát triển du lịch. Tỉnh cũng sẽ tăng cường hoàn thiện cơ chế, chính sách; tập trung các nguồn lực cho bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực và tăng cường liên kết, hợp tác trong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch.

lai chau khai thac ban sac van hoa cac dan toc de phat trien du lich hinh 5

Tỉnh Lai Châu đang định hướng liên kết 5 bản du lịch cộng đồng với các sản phẩm du lịch đặc trưng. Ảnh: XD

Ngoài ra, tỉnh Lai Châu ban hành kế hoạch triển khai các nhiệm vụ cụ thể như: Liên kết hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP Hồ Chí Minh năm 2023; ban hành Quy định mô hình quản lý khu du lịch cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

“Năm 2024, Lai Châu phấn đấu đón trên 1,1 triệu lượt khách, doanh thu du lịch khoảng trên 974,7 tỷ đồng, tổng lượt khách du lịch tăng 7,9% so với năm 2023. Đến năm 2025, tỉnh dự kiến đón khoảng 2 triệu lượt khách/năm, đến năm 2030 là 5 triệu lượt khách/năm. Tỉnh nỗ lực hoàn thiện các bản du lịch cộng đồng, hỗ trợ người dân hoàn thiện hạ tầng và thu hút các doanh nghiệp thực hiện các dự án lớn để du lịch sẽ trở thành một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh”, ông Kháng thông tin.

Khánh Ngọc

Bình Luận

Tin khác

Lò đúc gang từ thời Pháp nằm trong hang núi ở Thanh Hóa

Lò đúc gang từ thời Pháp nằm trong hang núi ở Thanh Hóa

(CLO) Lò cao kháng chiến Hải Vân nằm trong một hang núi (ở thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá). Hơn 70 năm về trước, nơi đây là địa điểm sản xuất ra hàng trăm tấn gang, phục vụ cuộc kháng chiến chống Pháp. Đến nay, những dấu tích còn lại trong hang đã thu hút nhiều người dân, du khách đến tham quan, tìm hiểu.

Đời sống văn hóa
Rực rỡ sắc tím hoa bằng lăng khắp phố phường Hà Nội

Rực rỡ sắc tím hoa bằng lăng khắp phố phường Hà Nội

(CLO) Vào đầu tháng 5, những cây hoa bằng lăng trên các con phố tại Hà Nội lại đua nhau bung nở khoe sắc tím rực rỡ, mang lại vẻ đẹp nên thơ cho Thủ đô vào những ngày đầu mùa Hè.

Đời sống văn hóa
Các họa sĩ trẻ đang dần 'chạm' gần hơn tới lịch sử Việt Nam

Các họa sĩ trẻ đang dần 'chạm' gần hơn tới lịch sử Việt Nam

(CLO) Ngày 4/5, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc Gia Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm chuyên đề “Lịch sử dưới góc nhìn của thế hệ trẻ” hướng tới kỉ niệm 70 năm Chiến Thắng Điện Biên Phủ và nâng cao vai trò của thanh – thiếu niên trong sáng tạo nghệ thuật.

Đời sống văn hóa
Trưng bày 150 tư liệu, sách, báo về Chiến dịch Điện Biên Phủ

Trưng bày 150 tư liệu, sách, báo về Chiến dịch Điện Biên Phủ

(CLO) Triển lãm “Chiến dịch Điện Biên Phủ - Quyết định lịch sử” vừa được tổ chức vào chiều ngày 4/5 tại Nhà triển lãm số 45 Tràng Tiền (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), nhằm giới thiệu đến độc giả Thủ đô về các sự kiện, dấu mốc, diễn biến quan trọng của Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra từ ngày 13/3/1954 đến ngày 7/5/1954...

Đời sống văn hóa
'Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ”: Những hình ảnh chân thực và xúc động về lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam

"Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ”: Những hình ảnh chân thực và xúc động về lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam

(CLO) Tối 3/5, tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương (Hà Nội), hai bộ phim tài liệu “Hồi ức Điện Biên” và “Những người lính già” đã được chiếu mở màn khai mạc “Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ”.

Đời sống văn hóa