Lạng Sơn phát triển du lịch từ di sản địa chất

Thứ hai, 13/03/2023 06:20 AM - 0 Trả lời

(CLO) Lạng Sơn là một trong những khu vực giàu tiềm năng du lịch di sản, trong đó có di sản địa chất. Những năm gần đây, Lạng Sơn nghiên cứu và phát triển di sản địa chất để mang lại nguồn lợi cho địa phương, góp phần thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Với đặc điểm là tỉnh miền núi, quá trình hình thành và phát triển địa hình, địa chất, tạo hóa đã ban cho mảnh đất Xứ Lạng nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ. Đó là những cảnh quan địa mạo, các di chỉ cổ sinh, các hang động, sông hồ tự nhiên, các thác nước đã lộ diện hay đang tiềm ẩn chưa phát lộ.

Ông Nông Đức Kiên, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn cho biết: Hằng năm, chúng tôi phối hợp với Viện Khảo cổ học, Bảo tàng lịch sử quốc gia Việt Nam… để khảo sát, thám sát, khai quật, nghiên cứu về di sản địa chất trên địa bàn tỉnh. Qua những chuyến khảo sát, cán bộ bảo tàng tỉnh và các chuyên gia đều nhận thấy rõ tiềm năng về di sản địa chất (DSĐC) của tỉnh như: sự đa dạng về sinh địa tầng và cổ sinh vật học; đa dạng thạch địa tầng, nhiều mặt cắt địa chất chuẩn… Những giá trị DSĐC này đến nay được nhận diện, phát hiện, khai thác sử dụng với tên thường gọi là di tích khảo cổ, danh lam thắng cảnh.

Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL), toàn tỉnh hiện có hơn 110 di tích khảo cổ, danh lam thắng cảnh. Tiêu biểu như: quần thể di tích danh thắng Nhị - Tam Thanh - Thành Nhà Mạc - núi nàng Tô Thị (thành phố Lạng Sơn); quần thể núi Mẫu Sơn, Linh địa cổ Mẫu Sơn, núi Phặt Chỉ, Thác Bản Khiếng (Lộc Bình); hang Thẩm Hai, hang Thẩm Khuyên (Bình Gia); di chỉ Hang Dơi (Bắc Sơn)…

lang son phat trien du lich tu di san dia chat hinh 1

Thung lũng Bắc Sơn

lang son phat trien du lich tu di san dia chat hinh 2

Đập Bó Kheo huyện Văn Quan

lang son phat trien du lich tu di san dia chat hinh 3

Hang Keng Tao, xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn

Ngoài ra, một số di tích thuộc loại hình di tích lịch sử nhưng là hang động, núi đồi. Điển hình như: khu di tích Khởi nghĩa Bắc Sơn có hang Sa Khao (xã Tân Hương); hang Mỏ Rẹ (xã Tân Hương); hang Lân Pán (xã Tân Lập)… Khu di tích lịch sử Chi Lăng với núi Ba Đăng, núi Kỳ Lân, núi Phượng Hoàng, núi Mặt Quỷ (xã Chi Lăng), Lũng Ngần (thị trấn Chi Lăng)… Những tài nguyên kể trên đang là tiềm năng quan trọng để phát triển du lịch mà không phải địa phương nào cũng có.

Với mục tiêu xây dựng và phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó, lấy di sản văn hóa là nền tảng, động lực để phát triển, Sở VH, TT&DL đã nghiên cứu, xây dựng và tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Đề án bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 (Quyết định số 855/QĐ-UBND ngày 22/4/2021). Đề án nêu rõ các giải pháp bảo vệ, quản lý, phát huy giá trị đối với các di tích khảo cổ học. Trong đó, tập trung vào một số giải pháp cụ thể như: đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục về văn hóa khảo cổ, các di tích tiền - sơ sử tại Lạng Sơn; mở rộng hợp tác giữa các bảo tàng và các tổ chức quốc tế; tiếp tục điều tra, khảo sát, thăm dò thám sát và trưng bày tại chỗ kết quả của các cuộc khai quật; động viên, khen thưởng kịp thời những người dân có ý thức phát hiện, bảo vệ di sản văn hóa cũng như nghiên cứu xử lý những ai cố tình xâm phạm, phá hủy di tích…

Theo đó, ngành VH, TT&DL đã quan tâm thực hiện tốt công tác quản lý bảo tồn và khai thác giá trị của hệ thống di tích, trong đó có các di tích khảo cổ, danh lam thắng cảnh - có giá trị di sản địa chất trên địa bàn tỉnh. Cụ thể như: ban hành các văn bản về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; lập hồ sơ lý lịch bảo vệ di tích, thực hiện công tác quản lý di tích; lập quy hoạch phát triển các điểm di tích thành các khu, điểm du lịch của tỉnh như: Khu di tích danh thắng Nhị Tam Thanh - Thành Nhà Mạc, Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn và gần đây nhất là xây dựng đề án xây dựng và phát triển Công viên địa chất.

Cùng với đó, Lạng Sơn đã tăng cường việc nắm bắt thông tin, tình hình của các di tích thông qua các hoạt động nghiệp vụ như: khảo sát, kiểm kê lập danh mục hệ thống di tích trên địa bàn, lập hồ sơ lý lịch, khoanh vùng bảo vệ và đề nghị các cấp có thẩm quyền xếp hạng nhằm tạo ra hành lang pháp lý và khoa học trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích. Đến nay, toàn tỉnh đã có 33 di tích khảo cổ, danh lam thắng cảnh được xếp hạng.

Công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, phát huy các giá trị di tích được thực hiện thường xuyên và có hiệu quả theo xu hướng đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di tích trên địa bàn. Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh có 58 lượt di tích, trong đó có di tích khảo cổ, danh lam thắng cảnh được đầu tư, tôn tạo với số tiền trên 84 tỷ đồng (trong đó nguồn lực xã hội hóa chiếm 55,1%). Từ đó, tạo một quần thể khép kín đa dạng, bước đầu phục vụ tốt nhu cầu tham quan của du khách và nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của mọi tầng lớp nhân dân.

Đặc biệt, UBND tỉnh Lạng Sơn đã và đang xem xét, điều chỉnh quy hoạch, đưa Mỏ than Na Dương, huyện Lộc Bình vào khu vực công viên địa chất. Ban quản lý công viên địa chất sẽ tiếp tục khai thác giá trị tiềm năng di sản địa chất để phục vụ du lịch bằng một số giải pháp như: tiến hành nghiên cứu, khai quật đưa thêm các hiện vật vào trưng bày tại các thiết chế văn hóa; xây dựng thêm trung tâm giới thiệu di sản địa chất tại các huyện trong vùng công viên địa chất, nâng cao công tác tuyên truyền giáo dục cho người dân và du khách.

Với những nỗ lực của các cấp, các ngành tỉnh Lạng Sơn đã góp phần bảo tồn, phát huy giá trị khảo cổ - nguồn tài nguyên, di sản văn hóa quý giá phục vụ phát triển du lịch, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và nhu cầu tham quan, nghiên cứu, học tập của nhân dân trong và ngoài tỉnh. Qua đó, từng bước khai thác, đánh thức tiềm năng, mang lại nguồn lợi cho cộng đồng địa phương, góp phần thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Lạng Sơn trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Bình Luận

Tin khác

Hơn 1 triệu lượt khách du lịch đến tỉnh Điện Biên kể từ đầu năm 2024

Hơn 1 triệu lượt khách du lịch đến tỉnh Điện Biên kể từ đầu năm 2024

(CLO) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cho biết, từ ngày 01/01 đến ngày 07/5, toàn tỉnh Điện Biên đã đón trên 1 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước thu về gần 1.900 tỷ đồng.

Du lịch
TP HCM lọt top điểm đến có du khách lưu trú trung bình nhiều ngày ở châu Á

TP HCM lọt top điểm đến có du khách lưu trú trung bình nhiều ngày ở châu Á

(CLO) Theo Agoda, ứng dụng tìm kiếm và đặt phòng nổi tiếng thế giới, TP Hồ Chí Minh nằm trong top các điểm lưu trú dài ngày được yêu thích nhất tại châu Á.

Du lịch
Thái Lan tiếp tục chính sách miễn thị thực để kích cầu du lịch

Thái Lan tiếp tục chính sách miễn thị thực để kích cầu du lịch

(CLO) Nhằm thu hút khách quốc tế đến Thái Lan và kích cầu du lịch, chính phủ nước này tiếp tục gia hạn chính sách miễn thị thực kéo dài cho một số quốc gia.

Du lịch
Việt Nam là điểm đến yêu thích của du khách Trung Quốc

Việt Nam là điểm đến yêu thích của du khách Trung Quốc

(CLO) Mới đây, nền tảng dữ liệu du lịch Qunar của Trung Quốc đã bình chọn Việt Nam vào top 10 điểm đến được du khách Trung Quốc yêu thích nhất trong dịp nghỉ lễ của nước này.

Du lịch
Ninh Thuận kiểm tra, xử lý thông tin nữ du khách bị hành hung tại bãi Kinh

Ninh Thuận kiểm tra, xử lý thông tin nữ du khách bị hành hung tại bãi Kinh

(CLO) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Ninh Thuận đang phối hợp cơ quan chức năng khẩn trương làm rõ vụ việc nữ du khách “tố” bị một nam thanh niên trong nhóm cho thuê mô tô nước ở khu vực bãi Kinh (huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) hành hung.

Du lịch