Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ V năm 2022: “Làm mới” sân khấu trên nền tảng giá trị truyền thống

Thứ năm, 01/12/2022 09:44 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Hầu hết các vở diễn tham dự LHQT Sân khấu thử nghiệm lần thứ V đều tập trung vào yếu tố thử nghiệm ý đồ sáng tạo và trình diễn nghệ thuật. Những thử nghiệm này dù thành công hay chưa đều có ích, đều là những bài học vô giá, để sân khấu được làm mới, bắt nhịp cùng xu thế thời đại...

1. Sau hơn 10 ngày tranh tài sôi nổi, Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ V năm 2022 đã khép lại với 82 giải thưởng được trao.

Năm nay, các đoàn mang đến Liên hoan 19 vở diễn, chương trình đặc sắc với nhiều thử nghiệm mới mẻ. Nước chủ nhà Việt Nam tham gia Liên hoan với số lượng áp đảo (15 đơn vị so với 4 đoàn nghệ thuật quốc tế đến từ Italy, Ba Lan, Singapore, Hàn Quốc). Không những thế, nước chủ nhà còn nhận hầu hết giải thưởng, bao gồm toàn bộ những giải thưởng quan trọng. Trong đó phải kể đến 4 Huy chương Vàng, 5 Huy chương Bạc được trao cho các vở diễn xuất sắc; 5 giải thưởng cá nhân xuất sắc cho các thành phần sáng tạo của vở diễn như Họa sĩ xuất sắc, Nhạc sĩ xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc, Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc...

Trong số 28 Huy chương Vàng cá nhân, chỉ có sự góp mặt của 2 nghệ sĩ nước ngoài là Sungtae Kim với vở “Then there were none” và nghệ sĩ Tom Corradini với vở “I fratelli Lehman”. Và cũng chỉ có 6 nghệ sĩ nước ngoài giành Huy chương Bạc trong tổng số 39 huy chương đã được trao.

lien hoan quoc te san khau thu nghiem lan thu v nam 2022 lam moi san khau tren nen tang gia tri truyen thong hinh 1

Thử nghiệm sân khấu tầng, sân khấu khung trong vở “Đến bờ bên kia” của đoàn Kịch nói Hải Phòng.

2. Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm là sự kiện rất được mong đợi của giới làm nghề cũng như khán giả yêu sân khấu. Với sự kiện này, bất cứ diễn viên hay đạo diễn sân khấu nào cũng ý thức được rằng, đây là một sân chơi cho tất cả những người có óc sáng tạo, mong muốn giới thiệu những điểm mới trong cách tiếp cận đề tài, dàn dựng tác phẩm.

Theo PGS.TS Nguyễn Tất Thắng - Chủ tịch Hội đồng giám khảo, kỳ Liên hoan lần thứ V đã thành công khi hầu hết các vở diễn tham dự, tuy mức độ khác nhau nhưng đều tập trung vào yếu tố thử nghiệm ý đồ sáng tạo và trình diễn nghệ thuật. Trong đó, 4 vở diễn từ sân khấu nước ngoài đều thể hiện được ý đồ thử nghiệm khi bố trí sân khấu chỉ vài ba nhân vật, diễn xuất chủ yếu là trò nhời có sự kết hợp với trò diễn, tổng hợp các yếu tố nói, hát, động tác biểu hiện ước lệ, cách điệu và vũ đạo, diễn với con rối và các đạo cụ hiện diện trên sàn diễn.

Nước chủ nhà cũng đóng góp một số vở kịch nước ngoài dàn dựng thử nghiệm theo xu thế Việt hóa. Với vở “Antigone”, sân khấu Trần Lực đã kể một câu chuyện ở phương Tây cách đây 2.500 năm trong một không khí hiện đại; kết hợp cách diễn thoại, nhảy, múa, ca kịch và nét tinh túy của nghệ thuật tuồng, chèo Việt Nam. Vở “Ê Đíp làm vua” của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội lại là sự thử nghiệm hiện đại hóa kịch cổ đại Hy Lạp bằng phục trang của nhân vật chính cùng biện pháp mỹ học phân thân nhân vật Jocaste Hoàng hậu - nhân vật kết tinh tính bi kịch của vở diễn...

Nói về sự táo bạo trong thử nghiệm cũng cần phải nhắc đến vở “Thượng thiên Thánh Mẫu”, khi lần đầu tiên, nghệ thuật xiếc được kết hợp biểu diễn với nghệ thuật cải lương. Những tưởng hai loại hình này khó đứng cùng nhau vì một mang tính tự sự, một dùng hình thể để diễn tả ngôn ngữ sân khấu, nhưng tất cả lại được kết hợp khá ăn ý trong vở diễn.

lien hoan quoc te san khau thu nghiem lan thu v nam 2022 lam moi san khau tren nen tang gia tri truyen thong hinh 2

Một cảnh trong vở “Antigone” của sân khấu Trần Lực biểu diễn tại Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ V.

“Khi cải lương cất lời ca thì xiếc minh họa cho nỗi niềm; khi xiếc cần lên tiếng thì âm nhạc cải lương, lời ca đã khoe sắc, tạo nên sự dung hòa hết sức thú vị” - nhà nghiên cứu văn hóa, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái nhận xét.

Hội đồng Giám khảo, trong đó có 2 vị là người nước ngoài đều thống nhất đánh giá cao những thử nghiệm sáng tạo của sân khấu Việt Nam. Có thể điểm qua những “phép thử” khá thành công như diễn viên biểu diễn cùng con rối trong hai vở “Bản tình ca trên núi” và “Lời thề”; thử nghiệm trang trí chất liệu kim khí để thể hiện các khoang chật hẹp, bức bối của con thuyền khi qua sông trong “Đến bờ bên kia”... Theo Hội đồng giám khảo, nhìn chung, các vở diễn trong nước trình diễn tại Liên hoan đã để lại những dấu ấn đậm nét với những thử nghiệm trong trang trí, thiết kế sân khấu; việc sử dụng tổng hòa các loại hình, thể loại trong một vở, giúp vở diễn trở nên đa sắc, thuận tai, bắt mắt.

“Cần ghi nhận các loại hình sân khấu hộp, sân khấu tầng, sân khấu quay, sân khấu khung được thử nghiệm thành công trên sàn diễn của Liên hoan lần này”, PGS.TS Nguyễn Tất Thắng đánh giá.

lien hoan quoc te san khau thu nghiem lan thu v nam 2022 lam moi san khau tren nen tang gia tri truyen thong hinh 3

Cảnh trong vở “Bản tình ca trên núi” của Nhà hát Múa rối Việt Nam, tham dự Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ V.

3. Cách đây 10 năm, Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ nhất được tổ chức và đến nay đã bước vào kỳ liên hoan thứ 5. Mỗi kỳ liên hoan đều đem đến cho công chúng yêu sân khấu không ít háo hức cùng sự kỳ vọng sẽ có nhiều thử nghiệm mang tính đột phá. Tuy nhiên, những kỳ vọng ấy dường như vẫn chưa được thỏa mãn khi những thử nghiệm cho thấy nhiều nỗ lực sáng tạo, song không phải tất cả đều thành công.

Theo đánh giá của Hội đồng Giám khảo, tại Liên hoan lần này, có vở của đoàn quốc tế khá sơ sài, chưa có sự đầu tư thỏa đáng. Một số vở diễn trong nước chỉ thử nghiệm đơn thuần, trộn các loại hình với nhau hoặc cách tân khác xa với nguyên gốc… Cũng có ý kiến cho rằng, một trong những thử nghiệm đáng nói của Liên hoan là sử dụng rất ít nhân vật, xu thế độc diễn được thể hiện tập trung. Dù vậy, nhiều nhà chuyên môn cho rằng, sự giản lược chỉ phù hợp với các đơn vị nghệ thuật quy mô nhỏ, với tầm cỡ nhà hát chuyên nghiệp thì những thử nghiệm phải được đầu tư quy mô hơn.

Là đạo diễn hai vở tham gia Liên hoan lần này là “Bản tình ca trên núi”“Lời thề”, NSND Nguyễn Tiến Dũng cũng cho rằng, dù thử nghiệm bằng cách kết hợp các loại hình, tính truyền thống và hiện đại, ít lời hoặc không lời… vẫn phải làm rõ được thông điệp và đích cuối cùng là hướng đến khán giả, khiến họ thấy thích thú, hấp dẫn và đến với sân khấu.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Tất Thắng lưu ý, cần xác định rõ giữa thử nghiệm và thể nghiệm. Nhiều đơn vị tham dự liên hoan vẫn còn lẫn lộn giữa 2 khái niệm này.

“Thử nghiệm cái mới trong cách làm vở, còn thể nghiệm là đã trải nghiệm và kể lại cách làm của mình. Thử nghiệm chính là tìm ra chìa khóa sáng tạo mới cho các khâu. Có thể cách thử nghiệm này thì hợp lý nhưng với cách khác thì không”, PGS.TS Nguyễn Tất Thắng nói.

Còn theo NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu, Trưởng ban Chỉ đạo Liên hoan, thử nghiệm trong nghệ thuật sân khấu chính là đi tìm cái mới, những cái mà từ xưa đến nay chúng ta chưa làm hoặc có thể đã làm nhưng chưa thành công hoặc thất bại trong quá trình sáng tạo. Tuy nhiên, dù thất bại hay thành công đều là có ích cho đội ngũ quản lý và những người trực tiếp sáng tạo nghệ thuật sân khấu, bởi đó là những bài học vô giá mở ra một con đường mới, con đường ấy “có cả hoa thơm trái ngọt và những chông gai...”

NSND Trịnh Thúy Mùi cho rằng, với cả mặt tích cực và hạn chế, Liên hoan sẽ giúp các nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và quốc tế có những khoảng lặng để chiêm nghiệm, để tìm được những điều mới mẻ trong nghệ thuật, biên kịch, đạo diễn, diễn xuất, mỹ thuật, âm nhạc… từ đó sẽ “làm mới” sân khấu dựa trên nền tảng giá trị truyền thống của mỗi quốc gia. Bà Mùi mong muốn, sau liên hoan, sân khấu Việt Nam sẽ xuất hiện thêm nhiều vở diễn mới với những thủ pháp dàn dựng, ngôn ngữ nghệ thuật mới, cũng như xử lý một cách có hiệu quả những vấn đề đang đặt ra trong cuộc sống xã hội hiện nay.

Thế Vũ

Bình Luận

Tin khác

Phát động Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 7

Phát động Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 7

(CLO) Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 7 dành cho các họa sĩ, nhà điêu khắc, nghệ sĩ độ tuổi từ 18 đến 35, là công dân Việt Nam ở trong nước và người Việt Nam sống ở nước ngoài.

Đời sống văn hóa
Hà Nội yêu cầu Đàm Vĩnh Hưng cam kết vấn đề trang phục

Hà Nội yêu cầu Đàm Vĩnh Hưng cam kết vấn đề trang phục

(CLO) Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội yêu cầu đơn vị tổ chức và phía Đàm Vĩnh Hưng cam kết các vấn đề liên quan đến trang phục, đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Đời sống văn hóa
Công nhận Mộc bản chùa Dâu là Bảo vật Quốc gia

Công nhận Mộc bản chùa Dâu là Bảo vật Quốc gia

(CLO) Ngày 13/5, tại chùa Dâu, tỉnh Bắc Ninh diễn ra lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công nhận Bảo vật quốc gia đối với Mộc bản chùa Dâu và khai mạc Lễ hội chùa Dâu năm 2024.

Đời sống văn hóa
Công bố Lễ hội truyền thống đền An Xá - Lễ hội Đậu An là Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

Công bố Lễ hội truyền thống đền An Xá - Lễ hội Đậu An là Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

(CLO) Ngày 13/5, huyện Tiên Lữ (Hưng Yên) tổ chức Lễ công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội truyền thống đền An Xá - Lễ hội Đậu An và khai mạc lễ hội năm 2024.

Đời sống văn hóa
Lễ hội làng Keo là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Lễ hội làng Keo là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

(CLO) Lễ hội làng Keo được cộng đồng lưu truyền, giữ gìn qua các thế hệ với nét văn hóa, độc đáo, đặc sắc riêng, sự giao hòa của tín ngưỡng - tôn giáo...

Đời sống văn hóa