"Luôn đặt đích đến cho mình là đi tìm sự thật"

Thứ ba, 09/07/2019 09:18 AM - 0 Trả lời

 (CLO) Đó là chia sẻ của phóng viên Phạm Đông - báo Lao Động- người từng tham gia thực hiện nhiều tuyến bài điều tra có tiếng vang, mới đây nhất là phóng sự “Nườm nượp cảnh kẹp tiền, đưa- nhận tại Hải quan Hải Phòng”. Tác phẩm đoạt giải C - Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIII- năm 2018.

Còn khá trẻ, mới chỉ bắt đầu đến công việc làm báo được hơn 2 năm nhưng qua trò chuyện, tôi đã phần nào cảm nhận được khát khao làm nghề đang hừng hực cháy trong chàng phóng viên sinh năm 1994 này.

Hơn 2 năm làm báo chuyên nghiệp, Phạm Đông đã có một số bài điều tra tương đối thành công và cùng tác nghiệp với đồng nghiệp, đã tạo được dư luận xã hội và lòng tin của người dân vào cơ quan báo chí, như loạt bài: “Lạc giữa ma trận làm luật trên sông”, “Xảo trá như thị trường thực phẩm chức năng” hay loạt bài “Bát nháo thị trường thuốc Đông y”… Và để có được những phóng sự điều tra này, theo Phạm Đông thì một phần là vì đã may mắn học được cách viết, cách tác nghiệp và sự chỉ dạy của các đồng nghiệp đi trước.

Phạm Đông - báo Lao Động nhận giải C Giải báo chí quốc gia lần thứ XIII- năm 2018

Phạm Đông - báo Lao Động nhận giải C Giải báo chí quốc gia lần thứ XIII- năm 2018

Khi được hỏi về cách thức thực hiện bài phóng sự điều tra đoạt giải vừa qua,  phóng viên Phạm Đông chia sẻ:

Để thực hiện được loạt phóng sự điều tra đó, chúng tôi đã dành thời gian nghiên cứu rất kĩ đề tài, thu thập thông tin bằng sự “nhập cuộc thực tế” một cách khách quan nhất. Dù gặp không ít những khó khăn từ việc đi thực tế đến khi đặt bút viết sao cho hay, hấp dẫn, lôi cuốn nhưng tôi luôn đặt đích đến cho mình là đi tìm sự thật và quyết theo bám sự việc đến cùng. Cái khó của người viết điều tra chính là làm thế nào để tiếp cận được sự thật thông qua các nguồn tin chính xác, nhận rõ bản chất vấn đề và cuối cùng là thể hiện bài viết sao cho có phong cách, mới mẻ, hấp dẫn.  

Tác phẩm “Nườm nượp cảnh kẹp tiền, đưa - nhận tại Hải quan Hải Phòng” là phóng sự mà nhóm phóng viên chúng tôi đã nắm bắt nguồn tin từ hai nguồn. Thứ nhất là từ chính một phóng viên trong nhóm trong quá trình đi tác nghiệp vô tình thấy những nhân viên chạy lệnh (người khai thuê Hải quan) thường xuyên phải gấp tiền vào trong một tờ giấy và ghim lại, cũng như để tiền trong bộ hồ sơ để nộp lệ phí Hải quan và tiếp nhận Hải quan. Thứ hai là sau đó nhóm nhận được nguồn tin từ bạn đọc, nói về những tiêu cực xảy ra tại đây.

Khi bắt tay vào điều tra, nhóm đã tìm hiểu và thực hiện đề tài nhưng không thể hiểu được hết bản chất của vấn đề và không thể tiếp cận được. Sau đó, nhóm đã phải chuyển hướng bằng cách nhập vai khác, đó là nộp hồ sơ xin làm chính nhân viên chạy lệnh. Tuy nhiên, điều này không hề đơn giản khi những hồ sơ nhóm nộp vào các công ty chạy lệnh liên tục thất bại, không được xét tuyển và nhận vào làm việc. Tưởng chừng mọi việc rơi vào bế tắc nhưng rất may mắn khi nhóm được nhận vào làm việc tại một công ty trên đường Lê Hồng Phong (Hải Phòng). Tại đây nhóm đã mất rất nhiều thời gian để học việc của những người đi trước.

Để bài báo được khách quan, trung thực nhóm không thể trực tiếp thực hiện được việc kẹp tiền trong hồ sơ và đưa vào. Tại Chi cục Hải quan nhóm chỉ là người đi theo, quan sát và quay chụp những nhân viên chạy lệnh khác. Trên thực tế việc tác nghiệp cũng rất khó khăn khi không phải lúc nào công ty cũng có mối, có hàng để có thể thường xuyên đến Chi cục Hải quan để tác nghiệp. Cũng có khi hàng về thường xuyên để làm việc nhưng cũng có khi cả tháng mới về được một vài chuyến hàng để nhận hồ sơ.

Một khó khăn khác mà tôi cùng đồng nghiệp phải đối mặt đó là bàn làm việc tại Chi cục Hải quan rất cao, rất khó cho việc quay chụp khi nhân viên chạy lệnh đưa hồ sơ vào. Để quay được đủ một quy trình lặp đi lặp lại việc gấp tiền -> ghim tiền vào giấy -> kẹp tiền vào bộ hồ sơ -> đưa vào bên trong… là điều không hề dễ dàng. Ngoài ra, cán bộ hải quan cũng quan sát rất kỹ trong phòng làm việc, để ý những nhân viên chạy lệnh thì mới nhận hồ sơ.

Theo ghi nhận của nhóm phóng viên những hồ sơ không có tiền nộp vào đều bị trả lại và được cán bộ hải quan nhắc nhở, gợi ý về vấn đề lệ phí đi kèm. Tuy nhiên, việc thu tiền lại không có hóa đơn, chứng từ là điều rất phổ biến tại đây.

Một khó khăn khác mà nhóm phải đối mặt đó là ngoài việc nhập vai điều tra, vì chúng tôi vẫn phải thực hiện những công việc khác, những đề tài thời sự hằng ngày do tòa soạn phân công. Điều này khiến nhóm phải nỗ lực hơn nữa trong từng công việc, phân bổ thời gian hợp lý để thực hiện.

Phóng viên Phạm Đông(áo trắng) trong một chuyến công tác

Phóng viên Phạm Đông(áo trắng) trong một chuyến công tác

Thế nhưng, rất may mắn là khi bài viết được đăng tải, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính và sau đó là Văn phòng Chính phủ đã có văn bản phản hồi yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý vấn đề mà Báo Lao động nêu. Ngoài ra, trực tiếp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo và kiểm tra tại Hải quan Hải Phòng. Đáng chú ý, sau đó rất nhiều cán bộ hải quan đã bị kỷ luật, điều chuyển công việc và đặc biệt là tình trạng nhận tiền "bôi trơn" đã không còn xuất hiện tại đây nữa. Tất cả, nhóm đã có 11 bài phản ánh xung quanh vấn đề này.

Là phóng viên trẻ, chúng tôi biết mình cần phải chấp nhận những khó khăn, nguy hiểm để thực hiện cho ra những bài viết trung thực, khách quan nhất đến với bạn đọc. Từ đó phơi bày những sự việc tiêu cực, những mặt trái của xã hội và sự nhũng nhiễu, gây phiền hà của cán bộ đến với người dân. Từ đó cơ quan quản lý nhà nước có sự điều chỉnh, xử lý những cá nhân vi phạm. Điều này là sự động viên tinh thần không hề nhỏ, niềm an ủi, khích lệ của xã hội đối với sự đóng góp lớn lao của phóng viên và nhấn mạnh sức mạnh của báo chí điều tra. Qua đó, khuyến khích chúng tôi và các đồng nghiệp tiếp tục đấu tranh cống hiến nhiều hơn, cho ra những sản phẩm báo chí có chất lượng ngày càng cao.

Giang Phú (ghi)

Tin khác

Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

(CLO) Trong những ngày tháng diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có những bài báo, những bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc lịch sử hào hùng, phản ánh chân thực, sinh động nhất về diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ và 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường… Những câu chuyện ấy phần nào được kể qua hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam hôm nay.

Nghề báo
Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

(CLO) Chiều 26/4, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Cuộc thi ảnh báo chí, nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam và Quốc phòng toàn dân năm 2024.

Nghề báo
Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chương trình trọng điểm, phát sóng đa nền tảng trên các kênh và nền tảng số của VTV.

Nghề báo
Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(CLO) Ngày 26/4, Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho gần 100 hội viên, nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí trong tỉnh.

Nghề báo
Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống Báo Khánh Hòa, ngày 26/4, Báo Khánh Hòa tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Nước giải khát yến sào Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”.

Nghề báo