Mai này, ai còn nhớ hát Dô…

Thứ năm, 17/03/2022 10:09 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Sau hàng chục năm tưởng chừng thất truyền, điệu hát Dô Liệp Tuyết với nhiều nét đặc sắc đã được khôi phục, chiếm được tình cảm của giới yêu nghệ thuật trong và ngoài nước. Vậy nhưng chính ở nơi phát tích, loại hình nghệ thuật này vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Vượt qua lời nguyền

Bên dòng sông Tích thơ mộng uốn khúc quanh co, có một vùng đất còn lưu giữ làn điệu hát Dô độc đáo gắn liền với câu chuyện ly kỳ của đức thánh Tản Viên, đó là xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai, Hà Nội.

Ở Liệp Tuyết, già trẻ ai cũng biết đến nghệ nhân Nguyễn Thị Lan - Chủ nhiệm CLB hát Dô. Bà chính là người đã “bước qua lời nguyền”, góp công rất lớn khôi phục những làn điệu hát Dô sau hàng chục năm tưởng chừng mai một.

Theo bà Lan, nhiều công trình nghiên cứu văn hóa đã xác định, hát Dô là một loại hình diễn xướng dân gian, phát tích ở vùng đất Lạp Hạ ven sông Tích, gắn với lễ hội đền Khánh Xuân vào tháng Giêng hằng năm.

Theo tục lệ xưa, từ tháng Tám Âm lịch, đền Khánh Xuân mở cửa để dân làng làm lễ xin thánh cho mở sách hát, sao chép bài hát. Các thôn cũng tuyển chọn các nam thanh nữ tú, gia đình gia giáo, không có “bụi” vào tập hát. Trong đội hình múa hát, có 1 đến 2 người làm “cái” lĩnh xướng, từ 8 đến 20 nữ làm “con hát” và múa phụ họa. “Cái” mặc áo the, khăn xếp; “con hát” tóc vấn đuôi gà, cổ đeo chuỗi hạt vàng, mặc áo năm thân đóng mớ ba, đi dép cong, cầm quạt.

Trên ngón tay đeo nhẫn còn có một túi vải màu hình múi cam có tua chỉ ngũ sắc. “Cái” xướng và điều chỉnh bằng tiếng sênh, “con hát” vừa hát vừa múa phụ họa nội dung từng đoạn như chèo đò, bắn cung, hái hoa, dệt cửi... Lời ca cầu thánh ban phước lành, kể chuyện thiên nhiên, mô tả cảnh sinh hoạt...

Tục lệ định rõ, sau khi mở hội hát Dô xong, làng phải cất tráp đựng sách thánh và cả khăn, váy áo, quạt, túi đeo tay đựng trầu và không ai nhắc được đến việc hát nữa. Đến kỳ lễ hội 36 năm sau, dân làng mới lại làm lễ xin thánh cho mở sách hát. Có một lời “hèm” rất nghiêm khắc, đó là ai dám hát Dô vào ngày thường sẽ mang tội bất kính và bị thánh thần trừng phạt, rằng họ sẽ gặp những tai ách bất thường trong cuộc sống, kể cả mất mạng.

mai nay ai con nho hat do hinh 1

Các thành viên CLB hát Dô Liệp Tuyết tập luyện tại sân đền Khánh Xuân, ngày mùng 3 Tết Nhâm Dần 2022.

Vì vậy, ở Liệp Tuyết vẫn còn lưu truyền câu ca nói về việc này: “Con hát tuổi hạn hai mươi/Nếu qua độ ấy thì thôi hát hò”. Chính vì tục “hèm” và quãng thời gian rất dài 36 năm giữa hai lần hội khiến hát Dô thiếu cơ hội trao truyền, lời hát chỉ được lưu trong trí nhớ của lớp người đã từng tham gia hội hát trước đó và đứng trước nguy cơ mai một.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Lan cho biết, lần hội đền Khánh Xuân gần nhất có tổ chức hát Dô là năm 1926. Vậy nên, trong vài chục năm, người dân Liệp Tuyết không biết hát Dô là gì, trừ những cụ tham gia hội hát Dô 1926 vẫn còn sống. Khi ngành văn hóa tỉnh Hà Tây cho người về Liệp Tuyết khôi phục, tìm lại điệu hát xưa và mở một lớp truyền dạy hát Dô tại xã, bà Lan đang là Chủ tịch Hội phụ nữ xã, được giao nhiệm vụ đi lấy người hát.

Bà tập hợp được 24 người và được ba cụ cao tuổi từng tham gia hát Hội đền Khánh Xuân năm 1926 truyền dạy. Lớp học được Hợp tác xã trả công bằng thóc, mỗi ngày 15 cân. Phương pháp dạy chủ yếu là truyền miệng, không có sách vở gì… Vậy nhưng sau nhiều năm kiên trì, cuối cùng bà Lan cũng sưu tầm được nhiều làn điệu hát Dô, thành lập được CLB hát Dô ở xã.

“Quà Thánh rơi ở giữa làng/Phúc tôi “nhặt” được phải năng giữ gìn/Hai con một nách, không tiền/Hát Dô tôi biết còn “hèm” thì... quên”. Đó chính là những lời trong sâu thẳm mà vị Chủ nhiệm CLB hát Dô bộc bạch, nó vắn tắt ghi lại quãng thời gian bà Lan và đội hát Dô dám vượt qua lời nguyền, phục dựng thành công điệu hát cổ.

Tìm đâu người kế cận?

Sau những chập chững ban đầu, hiện nay CLB hát Dô Liệp Tuyết duy trì ổn định trên 20 thành viên; sinh hoạt đều đặn và có thể hát biểu diễn được ngay mỗi khi có yêu cầu từ xã, từ huyện. Trong những năm qua, CLB đã tham gia biểu diễn hàng trăm buổi ở cả trong và ngoài nước, gây được nhiều sự chú ý, khen ngợi.

Làn điệu hát Dô được đánh giá là di sản quý, cần được bảo tồn, gìn giữ. CLB hát Dô Liệp Tuyết thì được công nhận là “Địa chỉ văn nghệ dân gian”, còn bản thân bà Lan được công nhận Nghệ nhân Ưu tú và hiện đang đề nghị Nhà nước phong tặng Nghệ nhân Nhân dân.

Vậy nhưng, thật trớ trêu, ngay ở nơi phát tích ra làn điệu này, hát Dô lại không nhận được sự quan tâm thỏa đáng, không đủ nguồn lực để hồi sinh nguyên vẹn cũng như chưa có được kế hoạch bảo tồn dài hạn, bài bản. Bà Lan chia sẻ rất thật rằng, dù đã là nghệ nhân, nhưng không phải làn điệu nào bà cũng hát được vì không có ai truyền dạy, hay nói cách khác là những làn điệu đó đã thất truyền.

Thêm nữa, khó khăn nhất vẫn là kinh phí để duy trì hoạt động của CLB. Hồi năm 2018-2020, do có dự án, huyện cấp cho CLB mỗi năm khoảng 20 triệu đồng để mở lớp, mua quần áo, đạo cụ, loa đài. Sau khi hết dự án, các thành viên CLB lại trở về sinh hoạt, tập luyện với tinh thần tự nguyện, với niềm đam mê và đương nhiên là không có bất kỳ khoản thù lao nào. Về phía chính quyền xã, không có kinh phí hỗ trợ đã đành, sự quan tâm về nhiều phương diện khác cũng không có nốt.

mai nay ai con nho hat do hinh 2

Nghệ nhân Nguyễn Thị Lan và cuốn sổ ghi lại những làn điệu hát Dô sưu tầm từ các cụ cao niên.

“Họ có quan tâm gì đâu. Ngày xưa lớp học còn được trả công bằng thóc, bây giờ mỗi năm quá lắm hát Dô chỉ được nhắc tên vài lần trong nghị quyết của xã, xong rồi lại bỏ đó”, bà Lan cho biết.

Sự thiếu quan tâm ấy không chỉ với đội hát Dô mà ngay cả cá nhân bà Lan. Từ một Chủ tịch Hội phụ nữ, bà phải chuyển qua nhiều công việc chẳng lấy gì làm phù hợp rồi còn bị đóng thiếu tiền bảo hiểm, dẫn đến khi nghỉ công tác, bà chỉ được hưởng chế độ ở dưới mức tối thiểu.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Lan chia sẻ thêm, thường là mỗi năm sẽ có vài thành viên CLB “bỏ cuộc chơi”, đó là khi các em lấy chồng hoặc đi học các trường chuyên nghiệp. Việc lấy người thay thế bây giờ không còn quá khó vì lời “hèm” như xưa, nhưng khi chỉ trông vào sự đam mê, tự nguyện thì cũng chẳng dễ dàng gì.

Về công tác bảo tồn, nhiều chuyên gia đã khuyến cáo, vai trò của cộng đồng luôn rất quan trọng. Nói về trường hợp hát Dô, GS.TS Kiều Thu Hoạch - nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian cho rằng, phải đặc biệt chú ý tới vai trò của cộng đồng dân cư sở tại.

Ông nhấn mạnh vai trò chủ thể của người dân bản địa, cho rằng họ là linh hồn của hát Dô, vì chỉ có ở đó thì hát Dô mới bộc lộ hết cái hay, cái đẹp, cho nên cần tạo điều kiện cho người dân làm tốt vai trò đó. Tuy nhiên, thực tế là trong suốt vài chục năm qua, hát Dô chưa một lần được biểu diễn chính thức tại lễ hội đền Khánh Xuân - không gian biểu diễn xưa của loại hình nghệ thuật này. Lý giải cho sự việc này, ông Tạ Văn Nguyệt - Phó Chủ tịch UBND xã Liệp Tuyết nói rằng, vì xã “không có thời gian”.

Không ai có thể phủ nhận việc khôi phục thành công và đưa hát Dô “đi đánh xứ người” là những nỗ lực không biết mệt mỏi của nghệ nhân Nguyễn Thị Lan trong suốt hàng chục năm trời. Cũng phải nói là hát Dô đã rất may mắn khi có được bà. Ở nghệ nhân Nguyễn Thị Lan hội đủ những tố chất là đam mê, nhiệt huyết cùng với năng khiếu bẩm sinh là hát hay, múa dẻo… Nếu thiếu một trong số đó thôi, hát Dô sẽ khó mà thành công được như ngày hôm nay.

Nhưng việc bảo tồn hát Dô một cách bền vững không thể chỉ dựa vào nỗ lực của một cá nhân đơn lẻ, nhất là bà Lan năm nay đã 67 tuổi. Khi chúng tôi đặt vấn đề, sau bà Lan, địa phương đã có phương án gì để bảo tồn một cách bền vững, đã chọn ai là người kế tục để làn điệu hát Dô ít nhất là không bị lãng quên - những cán bộ làm quản lý văn hóa ở huyện Quốc Oai giật mình thừa nhận, chính họ cũng chưa chuẩn bị cho việc này và việc để có được một người thay thế, giống như bà Lan là rất khó.

Khá “trần trụi” nhưng nhận xét của ông Phùng Thành Chủng - người đã có nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm các làn điệu và là đồng tác giả hai cuốn sách về hát Dô cũng rất đáng chú ý. Ông Chủng cho rằng, hát Dô sẽ không thất truyền bởi những mạch nguồn âm ỉ vẫn duy trì trong cộng đồng làng xã nhưng khó có thể phát huy được giá trị nếu vẫn giữ cách làm như hiện nay. “Khi người ta ứng xử với hát Dô như một thứ để làm mát mặt cán bộ, khi làm bảo tồn chỉ mang tính địa phương, đơn lẻ và thực chất cũng chẳng vì hát Dô thì còn nhiều chuyện khó lắm”, ông Chủng nói.

T.Toàn

Bình Luận

Tin khác

'Bữa tiệc của Elsa'- vở nhạc kịch đậm chất nhân văn

'Bữa tiệc của Elsa'- vở nhạc kịch đậm chất nhân văn

(CLO) Vở nhạc kịch “Bữa tiệc của Elsa” sẽ đưa các em nhỏ vào thế giới vui nhộn, ngộ nghĩnh, đáng yêu và thấm đẫm nhân văn.

Đời sống văn hóa
Cây hoa phượng vĩ bung nở rực rỡ 'gây sốt' tại Đông Anh

Cây hoa phượng vĩ bung nở rực rỡ 'gây sốt' tại Đông Anh

(CLO) Những ngày tháng 5, các bạn trẻ cùng nhiều chị em phụ nữ ở Hà Nội đua nhau kéo về thôn Đầm, xã Vân Nội, huyện Đông Anh để check in bên cây hoa phượng vĩ đang khoe sắc đỏ rực rỡ cả một góc trời.

Đời sống văn hóa
Lâm Đồng ra mắt mô hình văn hóa cồng chiêng du lịch của đồng bào K'Ho

Lâm Đồng ra mắt mô hình văn hóa cồng chiêng du lịch của đồng bào K'Ho

(CLO) Câu lạc bộ văn hóa cồng chiêng được xây dựng phù hợp với đời sống văn hóa, phong tục tập quán của tộc người K’Ho tại xã Tà Nung trước nguy cơ bị mai một.

Đời sống văn hóa
Đại lễ Phật đản năm 2024 tại Hà Nam: Ra sức làm các thiện sự, tích cực góp phần xây dựng đất nước

Đại lễ Phật đản năm 2024 tại Hà Nam: Ra sức làm các thiện sự, tích cực góp phần xây dựng đất nước

(CLO) Ngày 19/5 (ngày 12/4 năm Giáp Thìn), chùa Tam Chúc trang trọng tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568 – Dương lịch 2024. Hàng nghìn người dân, tăng, ni, phật tử đã tham dự Đại lễ.

Đời sống văn hóa
Siêu mẫu, diễn viên Đức Tiến đột ngột qua đời ở tuổi 44

Siêu mẫu, diễn viên Đức Tiến đột ngột qua đời ở tuổi 44

(CLO) Chiều 19/5 (theo giờ Việt Nam), ca sĩ Đan Kim lên tiếng thông báo siêu mẫu, diễn viên Đức Tiến qua đời ở tuổi 44 ở Mỹ.

Đời sống văn hóa