‘Mang tiền về’ cho sâm núi Dành

Thứ ba, 03/05/2022 09:51 AM - 0 Trả lời

(CLO) Cây sâm núi Dành đã giúp nhiều gia đình ở Tân Yên thoát nghèo, thậm chí giàu có. Nhưng huyện Tân Yên còn có “tham vọng” sản phẩm này thành thương hiệu quốc gia, gắn liền với địa chí văn hóa và phát triển du lịch.

Cây quý tiến vua

Nói đến sâm, người ta thường nghĩ ngay đến sâm Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc hoặc gần đây là sâm Ngọc Linh. Thế nhưng ít ai biết rằng ở một ngọn núi phía Bắc còn tồn tại loài sâm cũng rất quý, đó là sâm Nam núi Dành.

mang tien ve cho sam nui danh hinh 1

Sản phẩm rượu sâm núi Dành của HTX sâm núi Dành

Theo sách Địa chí Bắc Giang, núi Dành xưa kia còn có tên là núi Chung Sơn, nổi tiếng với nhiều kỳ hoa dị thảo. Sách “Đại Nam nhất thống chí” còn ghi lại, núi Chung Sơn ở xã Bảo Lộc, thuộc địa giới Yên Thế, sản xuất ra sâm Nam và cỏ thi.

Sách này còn lưu lại tư liệu: “Cát sâm sẵn ở đỉnh núi Chung Sơn. Cát Sâm cũng gọi là sâm Nam, ở đỉnh núi Chung Sơn, huyện Yên Thế, da vàng, thịt chắc, khí vị đều tốt, không như sâm sản ở xứ khác da trắng và nhiều nhớt”.

Núi Chung Sơn hay còn gọi núi Dành, hiện nay thuộc địa phận hai xã Liên Chung và Việt Lập, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Ở đây, người dân còn lưu truyền câu chuyện nhuốm màu huyền tích “sâm tiến vua” với câu ca “Sâm Nam nổi tiếng núi Dành/Chữa lòa cho mắt lại lành như xưa”. Câu ca này bắt nguồn từ câu chuyện mẹ vua Tự Đức được chữa khỏi bệnh lòa mắt từ củ sâm nam núi Dành.

Truyện kể rằng, vào thời vua Tự Đức, Thái hậu Từ Dũ mắc bệnh lạ, mắt lòa dần. Các thái y trong cung rồi lương y giỏi khắp nước được vời về chữa trị, nhưng bệnh vẫn không giảm.

Nghe tin, một vị quan xứ Kinh Bắc dâng lên vua củ sâm nam quý hiếm ở núi Dành. Chẳng ngờ, sâm quý đã giúp đôi mắt của mẹ nhà vua sáng lại. Từ đó, sâm núi Dành được ví như kỳ thảo, trở thành vật phẩm tiến vua, nên ngoài cái tên sâm nam, cát sâm, nó còn có tên là “sâm tiến vua”.

Nhưng có một thực tế rằng, câu chuyện trên mới chỉ được nhiều người biết đến trong vài năm gần đây cùng với việc cây sâm núi Dành được khôi phục. Còn trước năm 2010, giá trị cũng như tên tuổi cây sâm nam núi Dành chỉ thỉnh thoảng được nhắc đến trong câu chuyện của những cụ già cao niên.

Người dân trong vùng dù biết củ sâm có tác dụng bồi bổ sức khỏe nhưng cũng chỉ mang máng nghe truyền miệng và sử dụng theo kinh nghiệm từ xưa, ít người biết tường tận về giá trị, nguồn gốc của cây.

mang tien ve cho sam nui danh hinh 2

Ông Thân Hải Đăng bên cây sâm tổ

Hầu như không có ai trồng sâm, cây tồn tại được là nhờ may mắn còn mọc hoang dã trên núi. Năm 2007, sâm nam núi Dành được Sách Đỏ Việt Nam xếp ở mức độ sắp nguy cấp, cần được bảo tồn, phát triển.

Phục hồi loài sâm quý

Là một trong những người đầu tiên đưa cây sâm núi Dành trồng rộng rãi trong vườn, ông Thân Hải Đăng, ở thôn Đồng Sen, xã Việt Lập kể, gia đình ông vốn có một gốc sâm ở góc vườn do các cụ trồng từ xưa.

Mặc dù các cụ có truyền lại đó là loài cây quý nhưng mọi người chỉ biết vậy chứ ít quan tâm. Cây cứ mọc tự nhiên như vậy hàng chục năm, ít khi được khai thác, sử dụng; thậm chí vào mùa ít rau, cây thường bị gà ăn trụi hết lá.

Đến khoảng năm 2010, có thông tin qua sách báo về loại sâm quý núi Dành, ông tìm hiểu và sau đó được tỉnh Bắc Giang hỗ trợ bằng cách rất “thô sơ” đó là quây rào lại để gà không phá cây nữa!

Mãi đến năm 2018, các nhà khoa học của Trung tâm Thực nghiệm sinh học nông nghiệp công nghệ cao (Viện Di truyền nông nghiệp) mới có đề tài nghiên cứu, đánh giá về cây sâm nam núi Dành, mà hộ ông Đăng được chọn là nơi thực nghiệm.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, các chuyên gia xác định, sâm nam núi Dành có tên khoa học là Callerya speciosa, phân bố hẹp, chủ yếu ở xã Việt Lập và Liên Chung, nơi có thành phần thổ nhưỡng, khí hậu đặc biệt.

Cũng qua nghiên cứu của đề tài, nhóm chất chính để khẳng định loại cây này là sâm chính là hoạt chất saponin; ngoài ra còn có flavonoid (hoạt chất chống lão hóa), acid hữu cơ, acid amin...

Theo nghiên cứu, nhóm chất saponin ở củ sâm núi Dành 5 tuổi cao hơn so với 2 tuổi 253%, flavonoid là 595%. Đặc biệt, hàm lượng chất saponin có thể đạt tới 3,6% ở cây nhiều tuổi - tương đương với sâm Hàn Quốc và chỉ đứng sau sâm Ngọc Linh.

mang tien ve cho sam nui danh hinh 3

Một góc vườn sâm của gia đình ông Thân Hải Đăng.

Những đặc tính quý của sâm núi Dành có được là do điều kiện độc đáo về mặt tự nhiên và phương pháp canh tác tại khu vực địa lý. Đây là vùng chân núi, có độ cao từ 10 - 80m, nhiệt độ trung bình năm dao động từ 24,9 - 26,5 độ C, tổng lượng mưa trung bình năm từ 1.400 - 1.700mm, độ ẩm không khí trung bình đạt 82,5%.

Biên độ nhiệt ngày đêm tại khu vực địa lý vào tháng 9, tháng 10 dương lịch (thời kỳ cây ra hoa, tạo hạt) là từ 5 - 7 độ C. Thổ nhưỡng tại khu vực địa lý được hình thành từ hệ tầng Vân Lãng, giàu hợp chất hữu cơ và chất vi lượng.

Sâm núi Dành là loài dây leo mảnh, thường nằm bò trên mặt đất hoặc phải tựa, cuốn theo cành cây khác để vươn lên. Củ sâm tựa như củ sắn, có lớp vỏ bên ngoài hơi cứng, bên trong lõi màu vàng nhạt, mùi thơm dịu, vị hơi ngọt.

Cây sâm núi Dành có loại 5 lá và loại 3 lá. Củ sâm được thu hoạch khi đạt trên 4 năm tuổi… Năm 2021, Cục sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Núi Dành” cho sản phẩm và UBND tỉnh Bắc Giang đã xếp hạng sản phẩm 4 sao OCOP đối với sản phẩm sâm nam núi Dành.

Hướng tới phát triển du lịch

Sau khi sâm núi Dành được xác định là loại cây quý, thị trường tiêu thụ cũng như diện tích trồng loại cây này đã tăng lên nhanh chóng.

Theo UBND huyện Tân Yên, đến nay diện tích trồng sâm vào khoảng 25 ha, trong đó 2,4 ha cho thu hoạch củ, khoảng 15 ha cho thu hoạch hoa, giá trị thu được khoảng 5 tỷ đồng/ha cho chu kỳ 5 năm.

Hiện củ sâm loại 1 được bán với giá 1,5 - 2 triệu đồng/kg, hoa sâm dùng để pha trà, hãm nước uống cũng có giá 300 nghìn đồng/kg…

mang tien ve cho sam nui danh hinh 4

Vườn cây sâm tổ của gia đình ông Thân Hải Đăng.

Mấy năm gần đây, nhiều hộ trồng sâm đã có nguồn thu lớn và trở nên giàu có. Theo ông Thân Hải Đăng, với khoảng 1 ha trồng sâm, gia đình ông thu nhập khoảng 1 tỷ đồng/năm trong 2 năm gần đây, dự kiến các năm sau sẽ thu nhiều hơn.

Ông Đăng cho biết thêm, những gia đình có thu nhập khoảng vài trăm triệu đồng năm từ trồng sâm hiện nay rất nhiều.

Còn ông Nguyễn Đắc Văn, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Chung cho biết, hiện trên địa bàn xã có khoảng trên 100 hộ gia đình trồng sâm núi Dành với tổng diện tích khoảng trên 12 ha. Nhiều hộ gia đình trồng sâm cho thu nhập từ vài chục triệu đến hàng tỷ đồng/năm.

Từ những kết quả này, huyện Tân Yên đang có những ý tưởng mạnh dạn để đưa sâm núi Dành vào phát triển du lịch - dịch vụ. Đầu tháng 3/2022, huyện Tân Yên đã có Đề án phát triển sâm Nam núi Dành đến năm 2027.

Theo đó, phấn đấu diện tích sâm đạt 100 ha vào năm 2027; đến năm 2030 đạt trên 150 ha. Cùng với mở rộng diện tích trồng sâm, huyện sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch tâm linh, du lịch sinh thái để khai thác tối đa nguồn lợi bản địa đặc trưng này.

Một mục tiêu quan trong của Đề án này là sẽ đưa sản phẩm sâm núi Dành trở thành sản phẩm quốc gia. Theo Đề án, từ nay đến năm 2027, huyện Tân Yên sẽ đầu tư hơn 9 tỷ đồng để thực hiện những mục tiêu này.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo đó khu vực chân núi Dành đã được duyệt quy hoạch xây dựng sân golf và khu nghỉ dưỡng.

Thông tin ban đầu từ một số doanh nghiệp quan tâm dự định đầu tư sân golf núi Dành, vùng lõi trồng sâm dự kiến sẽ được giữ nguyên và doanh nghiệp sẽ xây dựng chùm thương hiệu sản phẩm từ sâm như rượu sâm, trà sâm.

Một số loại gia súc, gia cầm chăn nuôi từ sản phẩm phụ của cây sâm (lợn sâm, gà sâm…). Từ đó, sẽ hình thành nên những giá trị văn hóa riêng có của vùng đất núi Dành Tân Yên, làm nền tảng thúc đẩy du lịch - dịch vụ phát triển. 

Thế Anh

Bình Luận

Tin khác

Người lính trẻ tham gia trận chiến bảo vệ cầu Hàm Rồng lịch sử

Người lính trẻ tham gia trận chiến bảo vệ cầu Hàm Rồng lịch sử

(CLO) Hòa chung không khí cả nước kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cựu chiến binh Lê Xuân Giang, nguyên Chính trị viên Đại đội 4, Trung đoàn 228 không thể nào quên khoảng thời gian tham gia chiến đấu tại trận địa Hàm Rồng.

Đời sống
Miền Trung chống chọi hạn hán khốc liệt, Đồng bằng sông Cửu Long đối diện xâm nhập mặn kéo dài

Miền Trung chống chọi hạn hán khốc liệt, Đồng bằng sông Cửu Long đối diện xâm nhập mặn kéo dài

(CLO) Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo tình hình xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang ở cấp 2. Trong khi đó, hạn hán ở miền Trung, Tây nguyên vẫn rất khốc liệt trong đầu tháng 5.

Đời sống
Dự báo thời tiết 1/5/2024: Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An nắng nóng chấm dứt

Dự báo thời tiết 1/5/2024: Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An nắng nóng chấm dứt

(CLO) Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia: Dự báo thời tiết 1/5/2024, không khí lạnh tràn về chấm dứt đợt nắng nóng gay gắt diện rộng ở Bắc Bộ, Thanh Hoá và Nghệ An.

Đời sống
Gia Lai: Hai cán bộ và một người dân tử vong do đuối nước trên sông Pô Cô

Gia Lai: Hai cán bộ và một người dân tử vong do đuối nước trên sông Pô Cô

(CLO) Ba nạn nhân gồm hai cán bộ đang công tác trên địa bàn huyện Đức Cơ (Gia Lai) và một người dân tử vong trong lúc tắm tại sông Pô Cô, thuộc địa bàn xã Ia Dom.

Đời sống
Thiêng liêng giây phút chào cờ trên đảo Trường Sa lớn

Thiêng liêng giây phút chào cờ trên đảo Trường Sa lớn

(CLO) Trong không khí trang nghiêm, trước cột mốc chủ quyền và lá cờ Tổ quốc, lễ chào cờ trên đảo Trường Sa lớn đã diễn ra thật nhiều cảm xúc.

Đời sống