Nhân ngày thơ Việt Nam Rằm Tháng Giêng:

Mất một mùa chữ, mất chín mùa người!

Thứ sáu, 26/02/2021 09:37 AM - 0 Trả lời

(CLO) Những câu lục bát tình nhân phả vào hồn tôi như một lọn gió mới gọi những mùa yêu xa. Câu sáu, câu tám dan díu vào nhau, cồn cào yêu và da diết nhớ, gợi nên những khát khao ái ân giữa mùa xuân sinh sôi nảy nở rồi bất chợt chùng xuống như một nốt trầm xao xuyến buổi chia ly.

Ngày thơ Việt Nam năm nay sẽ không diễn ra vì dịch bệnh Covid-19 nhưng dòng chảy thi ca vẫn bất tận. Ảnh: TL

Ngày thơ Việt Nam năm nay sẽ không diễn ra vì dịch bệnh Covid-19 nhưng dòng chảy thi ca vẫn bất tận. Ảnh: TL

Đón nhận tập bản thảo thơ tình của một người bạn đúng ngày thơ Việt Nam, tôi như muốn “cắn” vào xuân hồng hây hẩy giêng hai, xênh xênh nõn nà trong từng câu lục bát.

Bao nhiêu năm đi làm báo, chữ nghĩa chạy theo thông tấn, cảm xúc cá nhân đành lên “đoạn đầu đài” dành chỗ cho lý trí khách quan. Những tưởng tôi không còn chút hứng thú nào với thơ. Ấy vậy mà, tháng Giêng, mùa xuân, những giọt mùa lẳng lơ của hóa công như níu tôi lại lạc vào thế giới thi ca.

Những câu lục bát tình nhân phả vào hồn tôi như một lọn gió mới gọi những mùa yêu xa. Câu sáu, câu tám dan díu vào nhau, cồn cào yêu và da diết nhớ, gợi nên những khát khao ái ân giữa mùa xuân sinh sôi nảy nở rồi lại chùng xuống như một nốt trầm xao xuyến buổi chia ly.

Thi ca, với quyền năng đặc biệt đã cho tôi cùng một lúc được sống trong nhiều chiều góc cảm xúc khác nhau.

Bất chợt tôi nảy ra ý định làm thơ nhưng vợ tôi gạt phắt đi, rằng anh làm gì thì làm, làm ơn xin đừng làm thơ. Cảm xúc vừa đâm chồi, đã bị búa rìu đâm trụi, tôi không hiểu vì sao nàng từng học chuyên văn, từng một thời mộng mơ con chữ mà giờ đây “tàn bạo” với thi ca đến vậy?

Có phải thi ca đã lên “đoạn đầu đài” hay lòng người đã khép chặt với thi ca?

Tôi tự hỏi rồi tự đi tìm câu trả lời cho chính mình.

Bạn tôi, hơn 40 mùa xuân cuộc đời thì mất hơn 20 năm bị nàng thơ bỏ bùa. Gia tài 4 tập thơ, trong đó có 2 tập đạt giải nhưng tập nào in ra cũng lỗ nặng. Gã bảo, làm thơ, nếu không có tình yêu lớn hơn tình yêu bình thường, đam mê lớn hơn đam mê bình thường thì chỉ là những mối tình thoảng qua như một cơn gió nhẹ.

Gã thăng hoa trong đêm cảm xúc hôn phối với ngôn ngữ để chắt ra từ đáy chữ những câu thơ – điệu hồn rung lên trong cõi người. Có những câu thơ, bài thơ, ý thơ, gã làm như để giải phóng con người cô đơn, như độc thoại với chính mình. Tìm được người tri kỷ để thả chiếc thuyền thơ khó như mò kim đáy bể.

In thơ không bán được, đến tặng thơ cũng bị bỉ bai: “Gặp nhau tay bắt mặt mừng/ Tặng gì thì tặng, xin đừng tặng thơ”, gã bèn quăng thơ lên Facebook những mong “Có ai nghe thấy một tiếng vọng/ Thì thả con thuyền sang với tôi” (thơ Trần Lê Văn). Nhưng bạn bè trên Facebook của gã chỉ thả tim, nhấn like mà không hề đọc. Người ta còn bận hóng tin giật gân, nghe ngóng đất đai, chứng khoán, rảnh thì xem phim bom tấn, hơi sức đâu mà đọc thơ. Thi thoảng có người đọc thì cũng chỉ comment những câu xã giao như kiểu chúc mừng… năm mới.

Cứ thế, gã và lâu đài thi ca của mình trở thành ốc đảo ở ngay trên cái cõi phẳng tưởng chừng như vô biên - mạng xã hội.

Cháu tôi, chàng trai mười tám mộng mơ, thư sinh như “học trò trường huyện” thời cụ Nguyễn Bính từng ôm mộng thành tài tử văn nhân. Cậu không bắt trend, đu trend trên mạng xã hội, đứng ngoài K-pop, nói không với Hip-hop, chỉ có thơ là niềm đam mê bất tận. Cậu tìm thấy niềm tin lấp lánh từ ngôn ngữ thi ca nhưng cuộc sống thực tại lại không nhìn thấy cậu. Vần điệu, thi pháp không bằng... đạo hàm, tích phân. Tài năng thi ca vừa hé nụ đã bị lụi tàn bởi áp lực cuộc sống mới. Thi ca thời 4.0 không phải và không thể là bệ phóng để phấp phới tương lai. Giấc mộng văn nhân bỗng chốc tan thành mây khói. Áo cơm thời thế giới phẳng cũng chẳng đùa với khách thơ là vậy!

Bác tôi, cả một đời lắt léo quan trường, chẳng mảy may chữ nghĩa. Ấy vậy mà mới nghỉ hưu được nửa năm, đã chễm chệ vào hội thơ của xã. Bác bảo, từ ngày được các cụ cao niên rủ rê làm thơ, sức khỏe tốt hẳn lên. Kết hợp với tập dưỡng sinh và chăm cây cảnh, làm thơ khiến bác cảm thấy sống vui, sống khỏe, sống có ích hơn. Té ra, thơ ca, chừng mực nào đó, vẫn còn có giá trị như những liều thuốc tinh thần.

Chỉ có điều, không hiểu vì sao, thánh đường thơ lại mở rộng cửa đến thế với những người như bác tôi. Thơ ca là nghệ thuật ngôn từ. Nhà thơ là người đánh vật trên cánh đồng chữ. Vậy mà những câu chữ ngô nghê vần điệu vẫn có thể được xem là thơ.

Dẫn ra đây những câu chuyện như thế để tôi tự lý giải cho thắc mắc của chính mình, rằng vì sao thi ca hôm nay lại… rớt giá đến vậy!

Ngày thơ Việt Nam Rằm Tháng Giêng Tân Sửu bị hoãn vì Covid-19. Các nhà thơ sẽ không còn cảnh chen lấn đọc thơ trên lễ đài tôn vinh cứ như ngày mai đã là tận thế. Ban tổ chức ngày thơ Việt Nam sẽ không còn phải đau đầu lựa chọn câu thơ nào, bài thơ nào để thả thơ lên trời xanh. Nhưng chắc chắn, dòng chảy thi ca sẽ không bị… hoãn vì bất cứ lý do gì. Không có biên giới cảm xúc, không có quyền lực cản bước thi ca. Chỉ có con người thờ ơ với thơ, tự mình làm rớt giá thi ca. Còn giá trị đích thực của thi ca vẫn vậy. Nói như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thì: “Mất một mùa chữ, mất chín mùa người”.

Quang Duy

Tin khác

Lễ hội đường phố Đồng Hới rực rỡ sắc màu

Lễ hội đường phố Đồng Hới rực rỡ sắc màu

(CLO) Ngày 28/4, tại trung tâm thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), Ủy ban nhân dân thành phố Đồng Hới đã tổ chức Lễ hội đường phố năm 2024, với sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ biểu diễn nhiều tiết mục văn nghệ, thời trang...

Đời sống văn hóa
Trên đỉnh đồi C4 anh hùng

Trên đỉnh đồi C4 anh hùng

(CLO) Được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như: Đồi C4 anh hùng, Đồi Ba cây thông… từ năm 1965 đến năm 1973 của thế kỷ trước, trên Đồi C4 đã diễn ra những trận chiến đấu ác liệt của các chiến sĩ Đại đội 4 thuộc Trung đoàn 228 nhằm tiêu diệt máy bay của Đế quốc Mỹ dội bom xuống cầu Hàm Rồng.

Đời sống văn hóa
Âm nhạc hòa quyện cùng mỹ thuật tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Âm nhạc hòa quyện cùng mỹ thuật tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

(CLO) Chương trình "Khi âm nhạc hòa quyện cùng mỹ thuật" của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam diễn ra vào chủ nhật cuối cùng mỗi tháng, miễn phí cho tất cả khách tham quan.

Đời sống văn hóa
Bảo tàng tỉnh Gia Lai tiếp nhận hơn 200 kỷ vật của Anh hùng Núp

Bảo tàng tỉnh Gia Lai tiếp nhận hơn 200 kỷ vật của Anh hùng Núp

(CLO) Việc trao tặng những kỷ vật của Anh hùng Núp cho Bảo tàng tỉnh Gia Lai với mong muốn lan tỏa những câu chuyện vô cùng thú vị về một người con ưu tú của các dân tộc Tây Nguyên.

Đời sống văn hóa
Chiêm ngưỡng bức tranh panorama tái hiện sinh động, hào hùng về chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiêm ngưỡng bức tranh panorama tái hiện sinh động, hào hùng về chiến dịch Điện Biên Phủ

(CLO) Bức tranh panorama được vẽ bằng chất liệu sơn dầu với chiều dài 132m, cao 20,5 m, đường kính 42 m (tổng diện tích 3.225 m2) đã tái hiện hoàn toàn chiến dịch Điện Biên Phủ hào hùng, đầy máu xương mà ông cha đã hi sinh để giành lại độc lập dân tộc.

Đời sống văn hóa