“Mẹ tôi chửi kẻ trộm” hay đàn gà đi lạc vào thơ?

Chủ nhật, 11/04/2021 16:20 PM - 0 Trả lời

(CLO) Một số người thậm chí còn không xem tác phẩm “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” đạt giải B (không có giải A) cuộc thi thơ lớn nhất nước là… một bài thơ. Thế nên, việc chê bai, bè dỉu nó chẳng khác nào đang đánh nhau với… cối xay gió.

Bài thơ được giải cao nhất nước đang gây

Bài thơ được giải cao nhất nước đang gây "bão" trên mạng xã hội

Sáng 9/4, Báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) tổ chức trao giải cuộc thi thơ giai đoạn 2019-2020. Kỳ này, cuộc thi không tìm được “Trạng nguyên” mà chỉ có 2 “Bảng nhãn” (hai giải B không có giải A).

Cuộc thi không có giải A, đồng nghĩa với việc, Giải B là giải thưởng danh giá nhất. Nhưng khi sự danh giá vừa được xướng lên thì dư luận đã dậy sóng. Nhiều nhà thơ, nhà phê bình văn học và cả độc giả đã… ngã ngửa khi đọc 1 trong những bài thơ được vinh danh ở ngôi vị cao nhất. Đó là bài: “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” của tác giả Tòng Văn Hân (Điện Biên). Xin trích nguyên văn bài thơ:

Mẹ tôi chửi kẻ trộm

(Tòng Văn Hân)

Những lần gà nhà tôi bị mất

Mẹ tôi chửi:

- Cái đứa trộm gà ơi

Ta cầu mong cho ngươi

Nuôi được gà đầy đàn

Lứa này tiếp lứa khác

Có nhiều gà nhất bản

Có nhiều gà nhất mường!

Những lần lợn con nhà tôi bị mất

Mẹ tôi chửi:

- Đứa nào trộm lợn nhà tôi

Thì hãy có nhiều lợn

Đàn tiếp đàn núc ních

Lứa tiếp lứa không ngừng

Bán được nhiều tiền nhé!

Từ thuở bé đến giờ

Hễ nhà mình mất gà mất lợn

Tôi đều nghe thấy mẹ tôi chửi như thế

Cầu mong cho kẻ trộm kia khá giả

Không bao giờ đến nhà tôi ăn trộm nữa.

Tôi là đứa con gái dưới mức bình thường

Nhan sắc không bằng đám bạn

Khéo léo không bằng người ta

Thế mà có hẳn bốn nhà

Muốn được tôi làm con dâu của họ.

Tranh cãi nảy lửa

Nhiều nhà thơ đã bày tỏ trên trang cá nhân về nỗi thất vọng “khổng lồ” khi Ban tổ chức trao giải cho một bài thơ có câu chữ ngô nghê. Một số còn kêu gọi “tẩy chay” giải thưởng thơ được xem là uy tín nhất nước, nơi đã phát hiện và làm nên tên tuổi của một thế hệ nhà thơ Việt Nam nửa thế kỷ qua.

Cùng với đó là một làn sóng thơ chế kiểu “đu trend” nhịp điệu của bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm”. Từ vợ tôi chửi kẻ trộm, bố tôi chửi kẻ trộm… đến bồ tôi chửi kẻ trộm liên tiếp ra đời bằng ngôn ngữ xách mé, bè dỉu, chê bai thậm tệ. Đáng chú ý, sự chê bai, thậm chí công kích không nhắm đến tác giả bài thơ mà chủ yếu là Ban tổ chức, Hội đồng chung khảo, những người đã trao giải cho bài thơ của tác giả ở Điện Biên.

Bởi ngay cả tác giả Tòng Văn Hân cũng tâm sự rất thật thà: "Tôi làm thơ với mong muốn góp phần nhỏ bé của mình quảng bá hình ảnh tươi đẹp trong không gian sống của người Thái nói riêng, của người miền núi trên địa phương tôi nói chung đến với đông đảo bạn đọc".

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, Ủy viên Hội đồng thơ, Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, ý tưởng "phúc đức tại mẫu" rất được. Người mẹ có tấm lòng rộng lớn thì người con sẽ gặp nhiều báo đáp may mắn. Tuy nhiên, tác giả viết quá vụng về, nên phơi bày sự ngây ngô. "Mẹ tôi chửi kẻ trộm" được chọn đăng trên báo, đã là một sự châm chước. Còn trao giải cho "Mẹ tôi chửi kẻ trộm" thì hơi xem thường độc giả và xem thường thi ca.

Có nhà thơ còn ví, thơ ca là thánh đường nhưng người ta lại mang hài kịch vào diễn. Và, đây cũng là dịp để làng thơ hóa thành làng cười.

Một số người thậm chí còn không xem tác phẩm “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” đạt giải B (không có giải A) cuộc thi thơ lớn nhất nước là… một bài thơ. Thế nên, việc chê bai, bè dỉu nó chẳng khác nào đang đánh nhau với… cối xay gió.

Nhưng không phải tất cả các nhà thơ, công chúng thi ca đều “ghét” bài thơ vừa đạt giải B. Có người còn cho rằng, bài thơ độc và lạ. Đó là lối viết của người dân tộc, không sính chữ, không mơn trớn ngôn ngữ. Viết về chửi kẻ trộm – kẻ xấu mà rất đỗi nhân văn. Mong kẻ trộm giàu lên để khỏi phải ăn trộm.

Trả lời trên báo Tuổi trẻ, Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch hội đồng chung khảo của giải thơ cho rằng bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” mà nhiều người mang ra "cười cợt", thực ra rất thú vị ở sự nhân văn, độ lượng. “Lấy ân báo oán thì oán giảm đi, lấy oán báo oán thì oán chồng chất. Đấy là đạo lý rất hay của dân tộc mình", ông Hữu Thỉnh lý giải về cái tứ thơ khiến ông rất thích và xúc động.

Làm thơ không phải đi cày

Nói như thế không phải hạ thấp người cày ruộng mà là để phân biệt những công việc hoàn toàn khác nhau. Và cũng không có nghĩa, thơ ca chỉ có giá trị khi viết về những điều lớn lao. Đưa một con gà vào thơ cũng có thể làm chuyển suy thế giới nhưng đưa vũ trụ vào thơ có thể vẫn chẳng thành thơ. Biên giới đề tài của thi ca rộng lớn vô biên, chỉ có “bà đỡ” cho thơ đang biến người làm thơ thành những con gà đi lạc vào thế giới thi ca.

Làm thơ sòn sòn như đẻ trứng gà. Tiếng thơ vang như tiếng gà trưa cục tác.

Có một thời, chúng ta cứ tự hào: Việt Nam là cường quốc thi ca. Cho dù chưa có bất kỳ nhà thơ nào chôn rau cắt rốn ở giải đất hình chữ S đoạt giải Nobel văn chương. “Cường quốc thi ca” ở đây dựa trên tiêu chí, người yêu thơ đông như… cổ động viên bóng đá, người làm thơ nhiều hơn người… cày ruộng.

Đúng là thơ ca, ở một giai đoạn lịch sử nào đó, có ý nghĩa hiệu triệu rất lớn còn hơn “sức mạnh của một sư đoàn”. Nhưng không vì thế mà cường điệu hóa sức mạnh của thi theo kiểu “lấy thịt đè người”.

Nếu làm thơ, đơn giản chỉ là chép lại cảm xúc, thì chỉ cần biết đọc, biết viết, nhiều người cũng có thể thành nhà thơ. Nhưng thi ca, không phải ngẫu nhiên được mệnh danh là thánh đường. Vào cõi thi ca nghĩa là phải có khả năng dựng tạc những tháp ngà nghệ thuật. Cảm xúc, trí tuệ, tư tưởng phải gặp nhau thể hiện qua con chữ ở tầm mức cao nhất. Làm thơ phải là lao động nghệ thuật “tinh xảo” nhất. Khác với nó thì chỉ là… chơi thơ, thả thơ. Những thứ na ná thơ chỉ nên xuất hiện sau cuộc cờ, chén rượu, ngắm trăng suông. Còn đã là thơ được vinh danh ở tầm quốc gia, phải thực sự nổi trội về tư tưởng, thi pháp, ngôn ngữ…

Người ta đang lầm tưởng sự chân chất, mộc mạc đồng nghĩa với tinh thần nhân văn, có thể hàn gắn thế giới. Rằng đó là của hiếm, sự độc đáo giữa thời buổi chữ nghĩa bị lạm dụng. Nhưng chắc chắn, tất cả chúng ta đều hiểu, chỉ có những người hay chữ mới làm thơ, viết văn. Nhà thơ, nhà văn phải là những bậc “phù thủy của ngôn từ”.

Hãy để những đàn gà con mới nở nhặt từng hạt thóc trong khoảng sân của nó. Và cũng đừng bắt những chú chim non phải bay trên đôi cánh của đại bàng. Làm như thế là đang… cắt cánh chứ không phải là chắp cánh cho thơ.

Quang Duy

Tin khác

Bảo tàng tỉnh Gia Lai tiếp nhận hơn 200 kỷ vật của Anh hùng Núp

Bảo tàng tỉnh Gia Lai tiếp nhận hơn 200 kỷ vật của Anh hùng Núp

(CLO) Việc trao tặng những kỷ vật của Anh hùng Núp cho Bảo tàng tỉnh Gia Lai với mong muốn lan tỏa những câu chuyện vô cùng thú vị về một người con ưu tú của các dân tộc Tây Nguyên.

Đời sống văn hóa
Chiêm ngưỡng bức tranh panorama tái hiện sinh động, hào hùng về chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiêm ngưỡng bức tranh panorama tái hiện sinh động, hào hùng về chiến dịch Điện Biên Phủ

(CLO) Bức tranh panorama được vẽ bằng chất liệu sơn dầu với chiều dài 132m, cao 20,5 m, đường kính 42 m (tổng diện tích 3.225 m2) đã tái hiện hoàn toàn chiến dịch Điện Biên Phủ hào hùng, đầy máu xương mà ông cha đã hi sinh để giành lại độc lập dân tộc.

Đời sống văn hóa
Khẳng định công lao của Giáo sư Đào Duy Anh đối với cách mạng và nền học thuật Việt Nam

Khẳng định công lao của Giáo sư Đào Duy Anh đối với cách mạng và nền học thuật Việt Nam

(CLO) Ngày 28/4, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Hoạt động Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám tổ chức Hội thảo “Giáo sư Đào Duy Anh: Từ chiến sĩ cách mạng đến học giả uyên bác” nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Giáo sư Đào Duy Anh (1904 - 2024).

Đời sống văn hóa
Quân dân cả nước và bạn bè quốc tế đồng lòng chung sức với chiến sĩ Điện Biên

Quân dân cả nước và bạn bè quốc tế đồng lòng chung sức với chiến sĩ Điện Biên

( CLO) Khi Chiến dịch Điện Biên Phủ bước vào giai đoạn then chốt, Trung ương Đảng quyết tâm giành toàn thắng, đã động viên quân dân toàn quốc cùng nỗ lực hết sức để hỗ trợ cho các chiến sĩ, đảm bảo cung cấp đầy đủ cho đồng đội trên tiền tuyến và phối hợp chiến đấu với chiến trường Điện Biên Phủ.

Đời sống văn hóa
Du khách mãn nhãn với màn pháo hoa khai mạc Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn năm 2024

Du khách mãn nhãn với màn pháo hoa khai mạc Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn năm 2024

(CLO) Tối ngày 27/4, chương trình bắn pháo hoa tại Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) đã diễn ra khiến nhiều người dân hò reo, dùng điện thoại ghi lại những khoảnh khắc đẹp của màn pháo hoa nghệ thuật.

Đời sống văn hóa