Mối quan hệ hợp tác Trung Quốc – Israel trước sức ép của Mỹ

Thứ tư, 27/01/2021 06:00 AM - 0 Trả lời

(CLO) Trung Quốc và Israel bình thường hóa quan hệ vào năm 1992 và kể từ đó hợp tác được mở rộng tối đa khi Trung Quốc nhanh chóng trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Israel. Là thủ tướng tại vị lâu nhất trong lịch sử Israel, Benjamin Netanyahu có ảnh hưởng sâu sắc đến quan hệ Trung Quốc - Israel.

Thủ tướng Netanyahu và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay trong một cuộc gặp thượng đỉnh - Ảnh: Reuters

Thủ tướng Netanyahu và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay trong một cuộc gặp thượng đỉnh - Ảnh: Reuters

Bài liên quan

Hợp tác cùng có lợi

Trung Quốc và Israel kết nối gần 3 thập niên trước, nhưng phải đến sau những năm 2000 mối quan hệ này mới thực sự nở rộ, đặc biệt sau khi Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2010.

Khi đó, Trung Quốc xác định công nghệ tiên tiến là ưu tiên quốc gia trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 và bắt đầu hướng tới 'Quốc gia khởi nghiệp' để có các giải pháp sáng tạo cho những thách thức trong nước.

Về phần mình, thủ tướng Netanyahu vừa khởi động mục tiêu xoay trục của Israel sang châu Á để đa dạng hóa nền kinh tế của mình ngoài Hoa Kỳ và châu Âu. Đại sứ quán của Israel và bốn lãnh sự quán ở Trung Quốc đều được hướng dẫn để thúc đẩy quan hệ kinh doanh với Bắc Kinh. Israel coi Trung Quốc là một 'câu chuyện tốt lành', hứa hẹn một dòng tiền đầu tư.

Trong khi đó, Trung Quốc xác định Israel là nguồn đổi mới chính sau chuyến thăm năm 2012 của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế của Trường Đảng Trung ương.

Hàng trăm triệu đô la sau đó đã chảy từ Trung Quốc vào các công ty công nghệ sáng tạo và các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) ở Israel. Toga Networks trở thành trung tâm R&D cho gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei. Hiện Alibaba, ChemChina, Kung-Chi, Legend, Lenovo và Xiaomi đều đã thành lập chi nhánh tại Israel.

Nhiều khoản đầu tư và mua lại dự án thuộc về các công ty Trung Quốc tập trung vào điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn và mạng truyền thông - những lĩnh vực có tầm quan trọng lớn về chiến lược và kinh tế.

Chính những khoản đầu tư, hợp tác với các công ty công nghệ của Israel mang lại kiến thức, kinh nghiệm, thúc đẩy sự đổi mới công nghệ cũng như sự lựa chọn đa dạng cho sự phát triển một nền công nghiệp giàu tiềm năng của Trung Quốc.

Chính phủ của Thủ tướng Netanyahu cũng tìm đến Trung Quốc về nhu cầu cơ sở hạ tầng của Israel, đặc biệt là trong trường hợp các công ty Mỹ được mời tham gia đấu thầu và bị từ chối. Đây là những gì đã xảy ra khi Israel tìm kiếm các công ty nước ngoài để vận hành khu cảng Haifa mới được tư nhân hóa vào năm 2015.

Sự xuất hiện của các doanh nghiệp Trung Quốc tạo ra nhiều thay đổi tích cực trong nhiều lĩnh vực, trong đó có thương mại. Năm 2014, dấu chân ngày càng mở rộng của Trung Quốc tại Israel bắt đầu báo động các quan chức, khi cựu lãnh đạo cơ quan tình báo Israel, Efraim Halevy, chỉ trích việc tập đoàn sữa Israel Tnuva bị thâu tóm bởi doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, Bright Food. Ông này cho rằng an ninh lương thực là lợi ích quốc gia quan trọng và không nên nằm trong tay các chính phủ nước ngoài.

Song, Israel không hoàn toàn ngây thơ về những rủi ro liên quan đến việc các thực thể nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng. Trong thời gian giữ chức vụ Ủy viên Thị trường Vốn, ông Dorit Salinger đã ngăn chặn nhiều nỗ lực của các công ty Trung Quốc nhằm mua lại các công ty bảo hiểm Phoenix và Clal của Israel.

Ngoài lĩnh vực tài chính, Israel vẫn tiếp tục chào đón nguồn vốn của Trung Quốc mà không cần phải xem xét kỹ lưỡng, trong đó các lĩnh vực hợp tác dân sự giữa hai bên nở rộ với những mối liên kết chặt chẽ.

Tuy nhiên, mối giao hảo giữa hai nước không ngăn được sự chấm dứt trong quan hệ quốc phòng vào đầu những năm 2000, khi Washington buộc Israel hủy bỏ một loạt hợp đồng quốc phòng với Bắc Kinh.

Thủ tướng Netanyahu đã xử lý khéo léo mối quan hệ Trung Quốc - Israel trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung dưới thời chính quyền ông Donald Trump (trái) - Ảnh: Reuters

Thủ tướng Netanyahu đã xử lý khéo léo mối quan hệ Trung Quốc - Israel trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung dưới thời chính quyền ông Donald Trump (trái) - Ảnh: Reuters

Sự thay đổi và cảnh báo của Mỹ

Bối cảnh địa chính trị bắt đầu thay đổi vào năm 2017 khi đồng minh quan trọng nhất của Jerusalem coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược. Hoa Kỳ bày tỏ lo ngại về việc các công ty Trung Quốc tiến hành hoạt động gián điệp và coi các dự án phát triển cơ sở hạ tầng và việc mua lại các công nghệ tiên tiến của Trung Quốc từ Israel và các quốc gia khác là mối đe dọa đối với vị thế đứng đầu toàn cầu của họ.

Hoa Kỳ đã áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với các công ty đa quốc gia của Trung Quốc muốn mua công nghệ của Hoa Kỳ và thực hiện một chiến dịch gây áp lực lên các đồng minh của mình để hạn chế quan hệ với Trung Quốc.

Tại một hội nghị hàng hải được tổ chức tại Đại học Haifa, Israel vào năm 2018, các thành viên của cộng đồng nghiên cứu chính sách Hoa Kỳ đã chỉ trích các đối tác Israel về việc thông qua thỏa thuận cảng Haifa năm 2015 với Tập đoàn Cảng Quốc tế Thượng Hải.

Trong khi đó, chính phủ Netanyahu tiếp tục trao thầu cho các công ty Trung Quốc cho các dự án cơ sở hạ tầng và thúc đẩy đầu tư của Trung Quốc vào các ngành công nghệ cao của họ. Trước sức ép ngày càng lớn của Mỹ, Israel vẫn tìm cách duy trì quan hệ thương mại và đầu tư với Trung Quốc.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung về mặt nào đó đã đưa Israel và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn. Ngành công nghiệp bán dẫn của Israel đã chứng kiến ​​xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 80% trong năm 2018. Khi Hoa Kỳ đóng cửa đối với các công ty công nghệ Trung Quốc, họ bắt đầu tìm đến Silicon Wadi – Thung lũng Silicon của Israel.

Khi hợp tác công nghệ Trung Quốc - Israel tiếp tục không suy giảm, Washington bắt đầu gia tăng áp lực lên Israel liên quan đến các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc, vì điều này giúp Hoa Kỳ có cơ hội làm việc cùng với Israel trong các dự án quan trọng. Gần đây, Hoa Kỳ đã công khai cảnh báo Israel về việc gia tăng sự tham gia của Trung Quốc vào lĩnh vực công nghệ cao của Israel.

Israel đã không hoàn toàn phớt lờ những lo ngại của Mỹ. Sau đánh giá độc lập của Bộ Quốc phòng Israel và tham vấn chặt chẽ với Hoa Kỳ, Jerusalem dự kiến ​​sẽ loại trừ các công ty Trung Quốc tham gia đấu thầu xây dựng cơ sở hạ tầng mạng viễn thông thế hệ thứ 5 (5G) của Israel.

Vào năm 2019, Israel cũng thành lập một Ủy ban giám sát đầu tư nước ngoài, theo cách làm của Mỹ.

Kể từ năm 2010 đến nay, thương mại song phương giữa Israel và Trung Quốc đã tăng gấp đôi, với 11,53 tỷ USD vốn Trung Quốc chảy vào các công ty công nghệ và hợp đồng cơ sở hạ tầng của Israel. Tuy nhiên, con số này chiếm chưa đến 3% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc. Điều đó cho thấy, tiềm năng của mối quan hệ giữa Trung Quốc và Israel là rất lớn nếu tỷ trọng đầu tư và hợp tác được nâng lên.

Chính phủ Netanyahu chưa bao giờ ban hành một chiến lược chính thức, rõ ràng về Trung Quốc. Mặc dù điều này tạo ra sự linh hoạt trong điều chỉnh chiến thuật, nhưng nó cũng hạn chế những lợi ích mà Israel có thể gặt hái được từ mối quan hệ này.

Khi căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tiếp tục bùng phát, Israel rơi vào tình thế khó xử. Vấn đề lúc này là liệu Israel có thể duy trì hành động cân bằng mong manh của mình, hay cuối cùng buộc Washington hạ bức màn sắt - giống như họ đã làm vào đầu những năm 2000?

Phan Nguyên

Tin khác

Ngoại trưởng Blinken nói Mỹ không kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc

Ngoại trưởng Blinken nói Mỹ không kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc

(CLO) Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip tiên tiến sang Trung Quốc không nhằm mục đích kìm hãm nền kinh tế hoặc sự phát triển công nghệ của Trung Quốc.

Thế giới 24h
Nhiều người biểu tình ủng hộ Palestine tại các trường đại học Mỹ bị bắt

Nhiều người biểu tình ủng hộ Palestine tại các trường đại học Mỹ bị bắt

(CLO) Những người biểu tình ủng hộ Palestine tại một số trường đại học Mỹ đã bị bắt vào thứ Bảy (27/4), khi họ tuyên bố sẽ tiếp tục phong trào nhằm tìm kiếm lệnh ngừng bắn trong cuộc chiến giữa Israel với Hamas.

Thế giới 24h
Ngoại trưởng Pháp đến thăm Lebanon, tìm cách ngăn chặn xung đột Israel-Hezbollah

Ngoại trưởng Pháp đến thăm Lebanon, tìm cách ngăn chặn xung đột Israel-Hezbollah

(CLO) Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Stephane Sejourne sẽ thúc đẩy các đề xuất nhằm ngăn chặn sự leo thang trong xung đột giữa Israel và Hezbollah trong chuyến thăm Lebanon vào Chủ nhật (28/4).

Thế giới 24h
Iraq phạt tù quan hệ đồng giới lên tới 15 năm

Iraq phạt tù quan hệ đồng giới lên tới 15 năm

(CLO) Quốc hội Iraq hôm thứ Bảy (27/4) đã thông qua luật hình sự hóa các mối quan hệ đồng giới với mức án tối đa 15 năm tù.

Thế giới 24h
Nga có thể tịch thu tài sản tư nhân của Mỹ

Nga có thể tịch thu tài sản tư nhân của Mỹ

(CLO) Nếu Mỹ tịch thu tài sản và tiền mặt bị đóng băng của Nga ở phương Tây, Nga cũng sẽ tịch thu tài sản của các công dân và nhà đầu tư Mỹ ở Nga, theo ông Dmitry Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga, tuyên bố vào thứ Bảy (27/4).

Thế giới 24h