Muốn bệnh viện tự chủ phải hoàn thiện cho họ cơ chế!

Thứ sáu, 11/11/2022 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Vấn đề tự chủ của bệnh viện một lần nữa lại thu hút sự quan tâm của dư luận khi các bệnh viện lại liên tiếp xin dừng cơ chế tự chủ. Một chủ trương lớn được đánh giá là đúng đắn và cần thiết, tại sao lại thất bại?

Sự kiện: Bệnh viện

Một ngày sau khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có ý kiến về việc thực hiện thí điểm tự chủ bệnh viện theo Nghị quyết 33, ngày 8/11, trao đổi với báo chí, PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết theo văn bản này, Chính phủ cho phép Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K dừng tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33, thực hiện tự chủ theo Nghị định 60. Vấn đề tự chủ của bệnh viện một lần nữa lại thu hút sự quan tâm của dư luận khi các bệnh viện lại liên tiếp xin dừng cơ chế tự chủ. Một chủ trương lớn và được đánh giá là đúng đắn và cần thiết, tại sao lại thất bại? Và trong tương lai, nếu vẫn tiếp tục chủ trương tự chủ, thì ngành Y sẽ phải làm gì để tiếp sức cho bệnh viện.

Bệnh viện khó khăn đủ đường

Nghị định 60/NĐ-CP của Chính phủ chia các bệnh viện thành 4 nhóm tự chủ, gồm: Nhóm một tự chủ toàn diện; nhóm hai tự chủ chi thường xuyên; nhóm ba tự chủ một phần chi thường xuyên; nhóm bốn nhà nước đảm bảo 100% chi thường xuyên.

Ngày 8/11, trao đổi với báo chí, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ cho biết: Nghị định 60 rất linh hoạt, cho phép đơn vị sự nghiệp công lập xem xét thực hiện theo nhóm nào. Sau khi nghiên cứu Bệnh viện Bạch Mai đã có tờ trình phê duyệt phương án tự chủ tài chính giai đoạn 2022-2026. Theo đó, bệnh viện kiến nghị và đề xuất Bộ Y tế trình Chính phủ dừng thí điểm tự chủ theo nghị định số 33/NQ-CP, cho phép Bệnh viện Bạch Mai thực hiện phương án tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo chi thường xuyên giai đoạn 2022-2026 - đơn vị nhóm 2 theo Nghị định 60/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ.

Tự chủ theo nhóm 2, bệnh viện chỉ chi thường xuyên và vẫn được hỗ trợ xây dựng cơ bản, sửa chữa, mua sắm các thiết bị, điều mà Bệnh viện Bạch Mai trong giai đoạn này khó lòng thực hiện được do tài chính ít” - PGS.TS Cơ cho biết.

Cũng theo PGS.TS Đào Xuân Cơ: “Sau này điều kiện, cơ sở hạ tầng tốt, có văn bản pháp quy rõ ràng thì sẽ nghĩ đến tự chủ toàn diện, phải có lộ trình. Thời gian qua, Chính phủ đã tháo gỡ nhiều vướng mắc, đang chờ đợi Luật Khám chữa bệnh mới để các bệnh viện hoạt động bám sát luật pháp. Có như vậy, hệ thống y tế mới vững chắc, phát triển”.

PGS.TS Đào Xuân Cơ đưa ra những lý do để Bệnh viện Bạch Mai xin tự chủ tài chính theo nhóm 2.  

Theo đó, hơn 10 năm qua, thực hiện dự án liên doanh liên kết, Bệnh viện Bạch Mai không thiếu thốn tài chính. Giá thu bảo hiểm y tế, còn thu thêm thiết bị liên doanh liên kết, tạo nguồn chênh lệch thu chi, có nguồn tài chính tốt, đảm bảo chi thường xuyên, đời sống cán bộ nhân viên ổn định, an tâm công tác. Hiện nay, khi không thực hiện dự án liên doanh liên kết, bệnh viện gặp nhiều khó khăn.

muon benh vien tu chu phai hoan thien cho ho co che hinh 1

Khi cơ quan tư pháp vào kiểm tra, thấy các dự án liên doanh liên kết vướng pháp lý, không chặt chẽ, có những đề án vi phạm pháp luật. 11 trong số 27 dự án được thanh tra Chính phủ kiểm tra có vi phạm. Một loạt dự án liên doanh liên kết không tiếp tục được nữa, cơ sở pháp lý không có, hoạt động không phù hợp. Do vậy, bệnh viện dừng nhiều đề án liên doanh liên kết, chỉ còn một vài đề án thực hiện trong những tháng cuối cùng của hợp đồng. Trước đây, bệnh viện có máy chụp 256 dãy thì nay không còn hoạt động; Hệ thống nội soi không thực hiện đủ nhu cầu; Phẫu thuật nội soi, thần kinh, robot, rosa đều dừng hoạt động do liên quan đến vật tư tiêu hao không có, đắp chiếu để đấy...

Năm 2022, bệnh nhân vào các chuyên khoa nội và ngoại tăng, tuy nhiên chênh lệch thu chi rất thấp, nguồn quỹ dành cho chi thường xuyên không tăng nên đời sống nhân viên không đảm bảo. Cán bộ đi làm đêm hôm, sáng sớm nhưng không có nguồn chi trả, đời sống thấp, bằng 1/3 đến 1/2, thậm chí có khoa bằng 1/5 nên cán bộ đã nghỉ việc. “Anh bắt em đi làm từ sáng sớm đến khuya mới về mà bây giờ em không có tiền để nộp học ngoại ngữ cho con. Em xin đi làm đúng giờ để có thời gian dạy con học. Trước đi làm nhiều giờ thì có tiền thuê cô giáo dạy, đóng học phí cho con, nay không có. Hai vợ chồng đều làm điều dưỡng thì rất khó” - một nhân viên y tế chia sẻ với Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. Cán bộ y tế cả bác sĩ, y tá, thậm chí kế toán giỏi cũng xin đi. Trong năm 2022, đã có hơn 100 cán bộ nhân viên y tế của bệnh viện xin nghỉ việc, chuyển việc.

Bệnh viện Bạch Mai còn một ít thiết bị, hiện tích cực mua sắm nhưng nguồn tài chính không cho phép, cần hàng nghìn tỷ đồng song không có tiền để mua. 95% máy xét nghiệm trong bệnh viện là máy đặt, máy mượn. Thời gian qua, BHXH không cho phép dùng máy đặt máy mượn, gây khó khăn cho bệnh viện trong chẩn đoán điều trị bệnh nhân. Nay nghị quyết mới của Chính phủ vừa ban hành đã tháo gỡ vướng mắc này trong một năm.

Bệnh viện đang nghiên cứu, hết một năm nay, tính đến mua sắm tiếp hoặc cần cơ chế thuê khoán, nhưng cần phải có văn bản hướng dẫn không thì các bệnh viện lâm vào cảnh tắc” - ông Cơ cho biết.

 Bất cập trong mô hình tự chủ toàn diện 

Tự chủ bệnh viện được xem là chính sách “cởi trói” cho các đơn vị y tế công lập từng bước chủ động nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Thế nhưng, tình trạng không có bệnh nhân, không có doanh thu, giá viện phí chưa được tính đúng, tính đủ khiến cho đời sống của cán bộ, nhân viên y tế không được đảm bảo, chất lượng dịch vụ y tế không phát triển được... đã khiến cho việc thí điểm bệnh viện tự chủ toàn diện thất bại. Chính bệnh nhân là người chịu tác động trực tiếp trong “vòng xoáy” tự chủ bệnh viện.

TS. Nguyễn Huy Quang - nguyên Vụ trưởng vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết: Mỗi cuộc thử nghiệm, chúng ta đều mong muốn trước hết có được một bệnh viện tự chủ toàn diện, nhằm sử dụng có hiệu quả tất cả các nguồn lực (nhân lực, vật lực, tài lực) để xây dựng và phát triển bệnh viện với 1 mô hình quản trị bệnh viện tiên tiến. Hai là mong muốn các bệnh viện khi được tự chủ toàn diện sẽ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh theo yêu cầu đồng thời đảm bảo chăm lo cho các đối tượng người nghèo, người có công với cách mạng… nhằm bảo đảm chính sách an sinh xã hội. Ba là bệnh viện tự chủ nhằm thực hiện tất cả các nhiệm vụ được giao.

TS. Nguyễn Huy Quang cho rằng chúng ta đã thành công trong việc tự chủ bệnh viện một phần tại các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các bệnh viện công lập của Nhà nước. Mong muốn tự chủ toàn diện nhưng lại chỉ thí điểm ở 4 bệnh viện trên tổng số 1.400 bệnh viện công lập và sau 2 năm triển khai chỉ có 2 bệnh viện thực hiện và 2 bệnh viện không thực hiện được bởi chúng ta đã thiếu cơ chế về mặt pháp lý.

muon benh vien tu chu phai hoan thien cho ho co che hinh 2

Nhận định về việc mô hình tự chủ toàn diện còn nhiều bất cập dẫn đến thí điểm thất bại ở 2 bệnh viện lớn là Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai, TS. Quang phân tích: Thứ nhất, vẫn giao các bệnh viện này là tuyến đầu để hỗ trợ chuyên môn y tế cho tuyến dưới - tức là làm công tác chỉ đạo tuyến, đào tạo, chuyển giao công nghệ nhưng ngân sách Nhà nước không chi mà bệnh viện phải tự chủ. Trong khi đó, vấn đề tài chính của bản thân bệnh viện cũng không đủ.

Thứ hai, để thực hiện công tác nhân sự bệnh viện vẫn phải xin ý kiến Bộ Y tế. Rồi về tổ chức nhân sự cũng có các bất cập. Bệnh viện thành lập Hội đồng quản lý (HĐQL) để ra quyết định cho Ban Giám đốc thực hiện nhưng mối quan hệ giữa HĐQL và Ban Giám đốc bệnh viện, Đảng ủy bệnh viện cũng chưa được phân định rõ ràng, chưa xác định rõ ai là người đứng đầu bệnh viện.

Ngoài ra, bệnh viện tự chủ thiết lập mô hình Ban kiểm soát, có nhiệm vụ kiểm soát toàn bộ các hoạt động của HĐQL và Ban Giám đốc bệnh viện nhưng người trong Ban kiểm soát này đều là người của bệnh viện do bệnh viện bổ nhiệm, chi trả lương nên không đảm bảo tính khách quan, minh bạch và cũng không bảo đảm về cơ chế kiểm soát các hoạt động.

Thứ ba, về đầu tư mua sắm, quản lý tài sản: Do quy định đầu tư mua sắm chưa có cơ chế pháp lý rõ ràng nên vấn đề đầu tư mua sắm các thuốc, vật tư y tế, các vấn đề tài sản gặp rất nhiều khó khăn ở cả bệnh viện tự chủ toàn diện như Bạch Mai và Bệnh viện K lẫn các bệnh viện khác.

Thứ tư, đất đai, tài sản thuộc sở hữu Nhà nước nhưng nếu thực hiện theo cơ chế tự chủ, bệnh viện phải đóng thuế sử dụng đất. Bệnh viện khó khăn về mặt tài chính lại phải trả tiền thuế đất, khó khăn càng chồng chất khó khăn.

Thứ năm, đó là khó khăn về giá dịch vụ y tế. Muốn tự chủ tài chính giá dịch vụ y tế phải tính đúng, tính đủ giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT. Nhưng hiện nay Nhà nước chỉ cho phép áp dụng 4/7 yếu tố cấu thành giá. Bên cạnh đó, bệnh viện tự chủ được khám chữa bệnh theo yêu cầu nhưng giá bệnh viện quyết định theo khung giá do Bộ Y tế ban hành nhưng hiện chưa ban hành.

Thứ sáu, về tiền lương. Bệnh viện có quỹ tiền lương để chi trả theo doanh thu nhưng không có cơ chế nếu bệnh viện không đạt doanh thu đó, khi có thiên tai, dịch bệnh không có tiền, ai sẽ chi trả lương cho cán bộ công nhân viên.

Có nên tiếp tục?

Ngày 7/11, Văn phòng Chính phủ trả lời về kết quả thực hiện thí điểm tự chủ bệnh viện theo Nghị quyết số 33. Trả lời báo cáo của Bộ Y tế về việc tiếp tục thực hiện tự chủ Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K sau thời gian thí điểm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Y tế thực hiện theo quyết nghị của Chính phủ tại Nghị quyết số 33. Theo Nghị quyết số 33, sau hai năm thí điểm tự chủ toàn diện, nếu không hiệu quả sẽ thực hiện theo quy định hiện hành, tức là Nghị định 60 hiện đang áp dụng tại một số cơ sở y tế như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Việt Đức...

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế báo cáo rõ nguyên nhân chưa thực hiện thí điểm tự chủ của Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Chợ Rẫy. Bên cạnh đó, làm rõ bài học kinh nghiệm, tồn tại, hạn chế, vướng mắc cần phải khắc phục, điều chỉnh. Đồng thời, nêu rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với các tồn tại, hạn chế và đề xuất, kiến nghị cụ thể các cơ chế, chính sách cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện cơ chế tự chủ các bệnh viện công lập. Bộ Y tế tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến các bộ, ngành đối với nội dung đánh giá nêu trên, khẩn trương hoàn thiện báo cáo, trình Chính phủ trước ngày 25/11.

Tự chủ bệnh viện là con đường duy nhất để giải quyết những khó khăn bất cập hiện nay của ngành y tế. Tuy nhiên mỗi bệnh viện có đặc thù riêng nên cần có Nghị quyết riêng cho từng bệnh viện… Đó là chia sẻ của TS. Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ. TS. Nguyễn Đức Kiên cho rằng, một nhiệm vụ hết sức cấp bách của ngành y tế lúc này là phải tổ chức lại hệ thống y tế cho phù hợp. Trong đó các Sở Y tế thì tập trung vào làm công tác quản lý nhà nước, công tác khám chữa bệnh và quản lý y tế dự phòng. Đối với các bệnh viện thì Bộ Y tế phải hình thành ra nhóm các bệnh viện khu vực, trực thuộc Bộ và xây dựng nó thành bệnh viện tuyến cuối ở từng khu vực, như vậy mới giảm tải được cho các bệnh viện đặc biệt.

Ở góc nhìn khác, PGS.TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, vấn đề tự chủ xảy ra bất cập với những trường hợp như trước khi tự chủ, chúng ta rà soát không đầy đủ các điều kiện, cơ sở. Ví dụ như điều kiện trước khi tự chủ là cơ quan chủ quản đều rà soát (về cơ sở vật chất, tiềm năng con người…), khi đầy đủ các điều kiện đó, cơ quan chủ quản mới quyết định cho đơn vị đó tự chủ. “Tự chủ mới có thể thể hiện được năng lực, sự sáng tạo nhưng có lẽ giờ đây chúng ta cần phải nhìn nhận lại câu chuyện tự chủ một cách thấu đáo hơn” - PGS.TS Bùi Thị An nói.

Theo PGS.TS Bùi Thị An, giải pháp tháo gỡ, mở rộng mô hình tự chủ bệnh viện công quan trọng nhất vẫn là vấn đề con người, các cơ quan chủ quản chọn được đội ngũ lãnh đạo của cơ quan tự chủ đó. Tất cả mọi chủ trương chính sách, thiết bị… vẫn là chủ trương, còn người tổ chức thực hiện (con người cụ thể), tức là những người lãnh đạo cụ thể ở đơn vị đó chọn cho đúng người. Đây là giải pháp quan trọng nhất. Đây là vấn đề đặt ra với các cơ quan quản lý, phải quản lý thật chặt, giám sát họ trong quá trình thực hiện có sai sót phải điều chỉnh ngay.

Theo các chuyên gia, Chính phủ tìm cách tháo gỡ những bất cập khi thực hiện tự chủ bệnh viện, nếu chưa tháo gỡ được, chúng ta phải bình tĩnh xem lại chủ trương này. Các chuyên gia cũng cho rằng, tự chủ bệnh viện mặc dù được xem là có những lợi ích nhất định cần được nghiên cứu thấu đáo, có lộ trình và điều kiện cụ thể để áp dụng theo từng phạm vi và mức độ tự chủ.

Khánh An

Bình Luận

Tin khác

Tài thao lược kiệt xuất của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tài thao lược kiệt xuất của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh

(NB&CL) 70 năm qua, nhiều nhà khoa học quân sự thế giới đã và vẫn dày công tìm hiểu, nghiên cứu phân tích, lý giải: Tại sao “Việt Minh” đánh thắng! Tại sao đội quân viễn chinh nhà nghề của thực dân Pháp có số quân đông là lực lượng mạnh nhất lúc bấy giờ, với đầy đủ trang bị kỹ thuật hiện đại, với mọi thủ đoạn nham hiểm xảo quyệt lại chịu thất bại thảm hại tại Điện Biên Phủ? Trong rất nhiều nhân tố mang lại chiến thắng lịch sử, tài thao lược kiệt xuất, sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình, sáng tạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, là yếu tố hàng đầu.

Góc nhìn
Thế trận hậu cần nơi lòng chảo Điện Biên

Thế trận hậu cần nơi lòng chảo Điện Biên

(NB&CL) Khi Điện Biên Phủ, vùng rừng núi hiểm trở cách xa hậu phương 600 đến 700 km, trở thành nơi quyết chiến chiến lược của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận định: “Trên mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược là nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật, khó khăn về cung cấp lương thực không kém khó khăn về tác chiến”.

Góc nhìn
Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Thành phố Hồ Chí Minh: Tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng để thúc đẩy liên kết vùng

Thành phố Hồ Chí Minh: Tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng để thúc đẩy liên kết vùng

(NB&CL) Nằm trong xu thế phát triển chung, vấn đề liên kết vùng, liên kết ngành là định hướng quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là một trong những vấn đề được TP.HCM đặc biệt coi trọng, xem đây là một trong những nguồn lực quan trọng trong quá trình phát triển.

Góc nhìn
Việt Nam quê hương ta đẹp lắm…

Việt Nam quê hương ta đẹp lắm…

(CLO) Trong những ngày này, cả nước đang hồ hởi, phấn khởi chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Góc nhìn