Nếu Tết không về Quảng thì ghé chợ Bà Hoa

Thứ ba, 01/02/2022 19:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Trên bao lơn của căn hộ tầng 11 ngay tại khu Phú Mỹ Hưng nhìn xuống nhánh sông nhỏ và lòng đường rộng thoáng, bạn tôi vừa nhâm nhi trà vừa cắn mứt gừng. Trước mặt anh, trên mặt bàn là đĩa bánh ú chưa bóc vỏ, còn xanh màu lá, bên cạnh mấy chiếc bánh thuẫn vàng nâu.

Không gặp nhau trong mùa dịch bệnh, anh chụp và chuyển tấm ảnh thư thái sớm mai này chia sẻ với bạn bè. Hơi ấm chén trà, màu xanh bánh ú, sắc vàng bánh thuẫn trên nền xa là các tầng cao ốc chót vót uy nghi giữa một góc phố hoa lệ, tôi nhìn ra từ bức ảnh bạn gửi một dáng xuân phảng phất niềm mong nhớ Tết quê nhà.

Tôi biết mứt gừng, bánh ú, bánh thuẫn ấy bạn tôi vừa mua về từ đâu rồi. Chính là tại chợ Bà Hoa, tên gọi quen của cư dân quận Tân Bình – TP.HCM về cái chợ nhỏ thuộc phường 11 nằm trên đường Nguyễn Bá Tòng. Lập tức, hiện ra trong tôi khung cảnh thân quen gần gụi mà mình thường thích thú dừng lại, kín đáo ngắm nhìn mỗi lần thả bộ trong khu chợ nhỏ đầy chất quê kiểng này.

Các quầy hàng san sát bên nhau bày đủ thức món đến từ đất Quảng hoặc do chính người Quảng Nam sống tại các tỉnh thành phương Nam tự tay sản xuất, chế biến. Từ bánh in, bánh tổ, bánh rò, bánh tét đến đường bát, đường phèn; từ củ tỏi, củ nén, củ nghệ đến con cá chuồn muối, cá mòi trụng, hũ mắm cái, không thiếu một món nào có xuất xứ và hương vị đặc trưng của món ăn xứ Quảng. Như thể người ta bê nguyên xi các quầy chợ ở Điện Bàn, Quế Sơn, Đại Lộc vào đây, không chỉ các mặt hàng, vật phẩm và cách bày biện mà cả mùi hương quen phả ra từ các sạp quầy.

neu tet khong ve quang thi ghe cho ba hoa hinh 1

Cả hơi nóng tỏa ra từ các quầy bánh tráng nướng nữa chứ! Cận Tết, hai bên đường vào chợ lúc nào cũng rộn rã cảnh các chị các bà tay quạt tay trở thoăn thoắt bên các lò than. Người Quảng thường dùng bánh tráng nướng để ăn kèm không chỉ với mỳ Quảng mà còn với nhiều món ăn phổ biến khác.

Thanh âm rôm rốp của miếng bánh tráng khi bẻ, lúc nhai là một phần không thể thiếu trong các bữa ăn và vì thế chẳng ai ngạc nhiên khi bốn bên khu chợ này lúc nào cũng hừng hực các bếp than rực đỏ. Thú vị biết bao vào dịp cuối năm, trong tiết trời se lạnh phương Nam vừa đủ khoác chiếc áo dài tay để bước vào lòng chợ, dừng lại bên các quầy nướng bánh và nghe hương thơm toát ra từ những mặt bánh nở phồng trên vỉ than hồng. Đâu chỉ hương trầm hay mùi pháo mới làm nên hương Tết!

Còn một “đặc sản” riêng có nữa ở khu chợ này: giọng nói không hề pha tạp, thẳng thừng đến độ cục cục hòn hòn, mới nghe qua cứ tưởng người nói lạnh lùng, không thân thiện nhưng nếu quen tai rồi thì lại thấy nó gần gụi, thân tình. Giọng nói ấy không chỉ phát ra ở những người lớn tuổi, rời đất Quảng vô Nam lập nghiệp từ thời trai tráng mà cả ở các chàng trai trẻ, các thiếu nữ đương xuân, thế hệ người Quảng sinh ra, lớn lên ngay tại đất Sài Gòn này.

Đó là điều lạ chưa ai lý giải được, cứ như ngoài việc hình thành, tiếp nhận các đặc điểm của huyết thống cha ông thì giọng nói kia còn được nuôi nấng từ các món dinh dưỡng đậm đà hương vị quê xứ, được hun đúc từ tình cảm và khí chất của một cộng đồng yêu nước luôn hoài nhớ quê nhà. Hỏi bất cứ bà chị ông anh nào lớn lên từ khu vực Bảy Hiền và chợ Bà Hoa về cái chất “bảo thủ” trong giọng nói kia thì thế nào cũng được đáp lại bằng giọng hùng hồn: “Mắc mớ chi mà đổi giọng hè! Cái giọng của quê mình đã thấm vào máu thịt rồi thì đổi làm răng cho được kia chứ!”.

neu tet khong ve quang thi ghe cho ba hoa hinh 2

Gắn với khu Bảy Hiền và cộng đồng người Quảng đến lập nghiệp ở thành phố này từ bao đời nay với phần lớn hàng hóa mang hương vị đặc trưng của miền Trung, chợ Bà Hoa là nơi người ta tìm đến đông đúc nhất vào dịp Tết đến Xuân về. Từ ngày hai mươi tháng Chạp cho đến đêm giao thừa thời chưa xảy ra dịch bệnh, khách vào chợ đông kín, thật khó chen chân. Các quầy mở bán thâu đêm, đèn điện sáng trưng bốn phía đường quanh khu chợ.

Tìm cho được các loại bánh trái, vật phẩm mang tính truyền thống để dâng cúng tổ tiên và dùng cho cả nhà trong ba ngày Tết là phong tục không thể thiếu của gia đình người Quảng xa quê, không về đón Tết ở quê nhà. Các loại hàng này lác đác vẫn bày bán ở nhiều chợ khác của thành phố nhưng trong mắt nhiều người thì không đâu cô đúc, thi vị và giàu chất Quảng hơn là ở chợ Bà Hoa. Bước vào lòng chợ với nỗi háo hức tìm về thì lúc bước ra có khi lại dày thêm niềm bâng khuâng hoài nhớ.

Người bạn sống ở căn hộ hiện đại Phú Mỹ Hưng kia hăm hở dạo chợ này từ rất sớm, lúc Tết chưa rục rịch, cũng vì lý do ấy. Xa đất Quảng từ thời tuổi trẻ và đến lập nghiệp ở thành phố này lâu lắm rồi, anh vẫn không quên hương vị Tết quê, không quên những ngày xuân đầm ấm bên cha mẹ, người thân. Bao bươn chải, tất bật lôi anh xa dần ký ức ngày thơ cho đến hôm tình cờ theo chân người bạn dạo chợ Bà Hoa.

Chính ở đó, anh tìm thấy hương vị Tết trong từng thức món bày biện ấm áp ở các quầy hàng, trong vị nồng lát mứt gừng vừa đưa lên môi cắn thử, trong sắc nâu hạt mè giữa mặt chiếc bánh tổ, trong hương trầm ngào ngạt ai đó vừa đốt lên và trong giọng nói nồng đượm âm quê, chân chất, thật thà.

neu tet khong ve quang thi ghe cho ba hoa hinh 3

Và rồi bây giờ, trong khí trời thanh tân xuân mới sắp về, quên đi bao nhọc nhằn những ngày đương đầu với mối nguy dịch bệnh, bằng hương vị của mứt gừng, bánh thuẫn mang về từ khu chợ nhỏ kia, anh lại rưng rưng thấy mình trở lại với xuân xưa…

TP.HCM, tháng 12/2021

Nguyễn Đình Xê

Bình Luận

Tin khác

Đặc sắc chương trình nghệ thuật đặc biệt 'Từ mùa hè Điện Biên đến mùa thu Hà Nội'

Đặc sắc chương trình nghệ thuật đặc biệt "Từ mùa hè Điện Biên đến mùa thu Hà Nội"

(CLO) Tối 2/5, tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội), Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt "Từ mùa hè Điện Biên đến mùa thu Hà Nội" - là một trong các hoạt động giàu ý nghĩa chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024).

Đời sống văn hóa
Vòng bán kết cuộc thi “Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2024” tổ chức tại Sa Pa

Vòng bán kết cuộc thi “Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2024” tổ chức tại Sa Pa

(CLO) Bà Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai vừa ký công văn gửi Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, đồng ý cho phép tổ chức vòng bán kết Cuộc thi “Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2024”.

Đời sống văn hóa
Nghề cói Kim Sơn là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Nghề cói Kim Sơn là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

(CLO) Nghề chế biến cói đã có từ lâu và là nghề gắn liền với cây lúa, đánh bắt thủy, hải sản để nuôi sống người dân Kim Sơn.

Đời sống văn hóa
Bắc Ninh đón khoảng 65.000 lượt du khách trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Bắc Ninh đón khoảng 65.000 lượt du khách trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

(CLO) Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh, trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, lượng khách đến Bắc Ninh ước đạt 65.000 lượt, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023; doanh thu du lịch đạt 45 tỷ đồng.

Đời sống văn hóa
Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt 17 ấn phẩm kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt 17 ấn phẩm kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng giới thiệu tới bạn đọc 17 tác phẩm đa dạng thể loại.

Đời sống văn hóa