Nga gia hạn Sáng kiến Biển Đen: Màn 'cứu nguy' ấn tượng của Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ năm, 16/03/2023 16:47 PM - 0 Trả lời

(CLO) Nga vừa xác nhận sẽ gia hạn thỏa thuận ngũ cốc mang tên Sáng kiến Biển Đen thêm 60 ngày. Đây là một quyết định quan trọng với an ninh lương thực thế giới. Và để có được cái gật đầu từ phía Nga, một lần nữa Thổ Nhĩ Kỳ lại đóng vai trò rất quan trọng.

Hành trình trắc trở của một thỏa thuận

Thỏa thuận ngũ cốc mang tính bước ngoặt liên quan tới cuộc xung đột Ukraine - Nga, với tên gọi Sáng kiến Biển Đen, được ký kết vào ngày 22/7 năm ngoái ở Istanbul, với sự trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc.

nga gia han sang kien bien den man cuu nguy an tuong cua tho nhi ky hinh 1

Một con tàu đang tiếp nhận lúa mì tại cảng Odesa, Ukraine để vận chuyển qua Biển Đen. Ảnh: Alamy

Tuy nhiên, đó không phải là một thỏa thuận trực tiếp giữa Nga và Ukraine. Thay vào đó, Ukraine đã ký một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc, còn Nga cũng ký một thỏa thuận với riêng với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc.

Các thỏa thuận này cho phép vận chuyển an toàn ngũ cốc, thực phẩm và phân bón có liên quan, bao gồm cả amoniac từ các cảng Odesa, Chornomorsk và Yuzhne của Ukraine để xuất khẩu ra thế giới.

Các con tàu sẽ đi qua Biển Đen trong hành lang đặc biệt đã được rà phá mìn, thủy lôi. Tất cả các tàu qua tuyến đường này đều phải dừng ở Thổ Nhĩ Kỳ để kiểm tra bởi Trung tâm điều phối chung (JCC) do Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu, cùng đại diện từ Ukraine, Nga và Liên hợp quốc.

Việc thực hiện Sáng kiến Biển Đen đã giúp Ukraine xuất khẩu gần 23 triệu tấn ngũ cốc và các loại thực phẩm khác sang thị trường toàn cầu vào năm ngoái, giúp giảm nhiệt giá lương thực, đặc biệt là lúa mì cho thế giới. Nhưng thỏa thuận ngũ cốc này sẽ hết hạn vào ngày 18/3 tới đây.

Nếu cả hai bên không gia hạn, giá lương thực trên toàn thế giới có thể sẽ tăng lên do thiếu nguồn cung lúa mì và phân bón. Nhưng từ cuối năm ngoái, Nga đã cho thấy họ không mặn mà với việc gia hạn.

Giới chức Nga cho rằng, hành lang vận chuyển ngũ cốc khỏi Ukraine đã bị lợi dụng để trở thành tuyến đường tấn công những quân cảng của Nga. Đỉnh điểm là ngày 29/10, Nga tuyên bố rút khỏi Sáng kiến Biển Đen như một phản ứng đi kèm với cáo buộc Ukraine tấn công hạm đội của họ quanh thành phố Sevastopol.

Vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ

Ở thời điểm kể trên, một lần nữa Thổ Nhĩ Kỳ lại thể hiện được vai trò trung gian hiệu quả của mình để cứu vãn một thỏa thuận quan trọng. Bằng những cuộc đàm phán với cả đôi bên, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa Nga quay trở lại để có thể gia hạn thỏa thuận thêm 120 ngày.

Sở dĩ Nga ‘quay xe” là vì Ukraine, dưới sự thuyết phục của Thổ Nhĩ Kỳ, đã có “những đảm bảo bằng văn bản” rằng sẽ không sử dụng hành lang vận chuyển ngũ cốc này cho mục đích quân sự hoặc làm bàn đạp tổ chức các cuộc tấn công chống lại Nga.

Nhưng Điện Kremlin sau đó vẫn không hài lòng với việc thực thi thỏa thuận. Theo họ, Sáng kiến Biển Đen không mang lại nhiều lợi ích cho Nga vì Moscow không thể bán hầu hết các mặt hàng nông sản của mình do các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Đó là lý do Nga đã yêu cầu "tiếp cận không bị cản trở với thị trường thế giới" trước khi đồng ý gia hạn thỏa thuận thêm nữa. Đến đầu tháng 3 này, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Vershinin vẫn cứng rắn tuyên bố nếu muốn nối dài thỏa thuận phương Tây phải dỡ bỏ thực sự các hạn chế và trừng phạt đối với xuất khẩu nông sản của Nga.

Trong trường hợp các bên cứng rắn không lùi bước, dòng ngũ cốc từ Ukaine bị chặn lại, thế giới sẽ một lần nữa lao đao với cơn bão giá lương thực. Nhưng may mắn là Thổ Nhĩ Kỳ thêm một lần trở thành nhân tố chính giúp Sáng kiến Biển Đen được cứu vãn.

Mevlut Cavusoglu, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết trong bài phát biểu tại Hội nghị Liên hợp quốc về các nước kém phát triển nhất tổ chức ở Doha (Qatar) hôm 7/3 đã khẳng định: “Chúng tôi đang nỗ lực để thực hiện suôn sẻ và gia hạn hơn nữa thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen”.

Và quả thực, chỉ sau đó chưa đầy 1 tuần, đến hôm 13/3 vừa qua, Nga cho biết họ nhất trí nhất trí gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen thêm 60 ngày, sau khi thời hiệu của lần gia hạn thứ hai kết thúc vào ngày 18/3.

Giải cứu an ninh lương thực thế giới

Hiện tại, các bên vẫn chưa chính thức đặt bút ký vào bản gia hạn, nhưng Eugene Chausovsky, một chuyên gia quốc phòng và là nhà phân tích cấp cao tại Viện New Lines, tỏ ra lạc quan về triển vọng của thỏa thuận này nhờ vai trò rất tích cực của Thổ Nhĩ Kỳ.

nga gia han sang kien bien den man cuu nguy an tuong cua tho nhi ky hinh 2

Tổng thư ký LHQ António Guterres (trái) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại lễ ký kết Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Ảnh: UNCTAD

“Nói chung, Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen là thỏa thuận ngoại giao lớn duy nhất có sự tham gia của cả Nga và Ukraine kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột và nó đã được chứng minh là rất kiên cường bất chấp nhiều thách thức và trở ngại, phần lớn là do quá trình hòa giải của Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc”, Chausovsky nói.

Chausovsky phân tích: “Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng một vai trò quan trọng, cùng với Liên Hợp Quốc, trong việc môi giới và tạo điều kiện thuận lợi cho thỏa thuận ngũ cốc, và Ankara đã chứng tỏ có đủ đòn bẩy với cả Moscow và Kiev để duy trì thỏa thuận này trong gần một năm. Vì vậy, có thể kỳ vọng rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để gia hạn thỏa thuận một lần nữa”.

Các nhà đàm phán Thổ Nhĩ Kỳ cũng lạc quan. Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Hulusi Akar hôm 15/3 thậm chí cho biết, nước này sẽ tiếp tục thảo luận với các bên liên quan nhằm gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen thêm 120 ngày thay vì 60 ngày như ý tưởng của Nga.

Gia hạn 60 ngày đã là một thành công trong bối cảnh Nga hoàn toàn có thể phủ quyết mọi đề xuất và đơn phương rút lui khỏi Sáng kiến Biển Đen, nếu họ muốn làm thế. Vậy nên, nếu Thổ Nhĩ Kỳ thuyết phục được Nga gia hạn cho thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc thêm 120 ngày thì đấy có thể xem như một thắng lợi, một dấu ấn ngoại giao xuất sắc của Ankara.

Khi ấy, Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ càng nâng cao vị thế thương hiệu toàn cầu của mình với tư cách là một thế lực cân bằng trong các mối quan hệ quốc tế, một nhà môi giới trung thực, có khả năng nói chuyện với tất cả các bên.

Trong vai trò một bên giám sát thực thi Sáng kiến Biển Đen, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đảm bảo được việc thực thi Công ước Montreux - cơ chế cho phép các tàu thương mại tiếp cận không hạn chế các eo biển của Thổ Nhĩ Kỳ. Bằng cách đó, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn duy trì được vai trò kiểm soát tuyến liên kết chiến lược giữa Biển Đen và Địa Trung Hải.

Với việc vừa giúp giải cứu an ninh lương thực thế giới, vừa nâng cao vị thế quốc gia và vừa giữ vững được vùng ảnh hưởng chiến lược, rõ ràng là Thổ Nhĩ Kỳ có đủ lý do để tích cực hơn nữa trong vai trò trung gian gia hạn Sáng kiến Biển Đen, cũng như xa hơn là các thỏa thuận khác liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine trong tương lai.

Quang Anh

Bình Luận

Tin khác

Thủ tướng Robert Fico bị ám sát và sự phân cực sâu sắc trong xã hội Slovakia

Thủ tướng Robert Fico bị ám sát và sự phân cực sâu sắc trong xã hội Slovakia

(CLO) Trong vòng 6 năm, Slovakia đã chứng kiến 2 vụ ám sát gây chấn động. Năm 2018, nhà báo điều tra Ján Kuciak phải trả giá bằng mạng sống vì công việc. Đến hôm qua, Thủ tướng Robert Fico cũng đã bị ám sát khi đang làm công việc của mình. Hai vụ việc nhưng làm nổi bật một vấn đề: Sự phân cực sâu sắc ở Slovakia.

Tiêu điểm Quốc tế
Bầu cử Mỹ 2024 còn 6 tháng nữa: Cuộc đua sẽ diễn ra như thế nào?

Bầu cử Mỹ 2024 còn 6 tháng nữa: Cuộc đua sẽ diễn ra như thế nào?

(CLO) Khi cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11 đang đến gần, những thách thức mà các ứng cử viên tổng thống Joe Biden và Donald Trump phải đối mặt cũng ngày càng gia tăng.

Tiêu điểm Quốc tế
Người Trung Quốc đổ xô đi mua vàng như thể không có ngày mai

Người Trung Quốc đổ xô đi mua vàng như thể không có ngày mai

(CLO) Giá vàng toàn cầu đã đạt mức cao nhất khi các nhà đầu tư và người tiêu dùng Trung Quốc đang mua kim loại này với tốc độ kỷ lục, do cảnh giác với bất động sản và chứng khoán.

Tiêu điểm Quốc tế
Chiến sự ở Gaza: Làn sóng biểu tình sinh viên 'phản chiến' đã lan đến đâu trên thế giới?

Chiến sự ở Gaza: Làn sóng biểu tình sinh viên 'phản chiến' đã lan đến đâu trên thế giới?

(CLO) Khi các cuộc đụng độ giữa sinh viên và cảnh sát vẫn diễn ra rất căng thẳng tại nhiều trường đại học Mỹ, thì các cuộc biểu tình cũng đang được tổ chức ở các trường đại học khác trên khắp châu Âu, châu Á và Trung Đông.

Tiêu điểm Quốc tế
Đàm phán ngừng bắn ở Gaza: Mỹ gia tăng áp lực với cả Israel lẫn Hamas

Đàm phán ngừng bắn ở Gaza: Mỹ gia tăng áp lực với cả Israel lẫn Hamas

(CLO) “Đã đến lúc”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố, thúc giục Hamas chấp nhận các điều khoản của một thỏa thuận ngừng bắn mới được đề xuất. Ông Blinken cũng nói rõ rằng ông mong đợi nhiều hơn từ Israel.

Tiêu điểm Quốc tế