Nghệ sỹ ứng xử văn minh trên mạng xã hội: Liệu có quá khó?

Thứ năm, 22/06/2023 14:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Việc không ít nghệ sĩ có ứng xử thiếu văn hóa, “lệch chuẩn” đạo đức trên mạng xã hội (MXH) được nhắc tới từ lâu, nhưng suốt trong thời gian qua tình trạng này vẫn chưa có xu hướng thuyên giảm. Vậy làm thế nào để hạn chế điều đó?

Sự kiện: mạng xã hội

Bài liên quan

Từ bỏ thói quen xấu

Nhìn nhận về hành vi ứng xử của nghệ sĩ, những người nổi tiếng trên MXH hiện nay, Chủ tịch Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội, NSND Trần Quốc Chiêm cho rằng, chưa bao giờ văn hóa ứng xử của người nổi tiếng lại đáng báo động như lúc này. Những phát ngôn phóng túng theo kiểu văn hóa “chợ búa” trên không gian mạng khiến nhiều nghệ sĩ “mất điểm” trong lòng công chúng. Trong khi đó, nghệ sĩ là những người làm văn hóa, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật, lan tỏa những điều tốt đẹp, nhân văn. Lời nói, ngôn ngữ vốn là “cái vỏ vật chất của tư duy” nên hiện tượng “lệch chuẩn” trong văn hóa ứng xử của một số văn nghệ sĩ trên không gian mạng thời gian qua là một chỉ báo cho thấy cả nhận thức, đạo đức và lối sống của họ đang đáng báo động.

nghe sy ung xu van minh tren mang xa hoi lieu co qua kho hinh 1

NSƯT Xuân Bắc lên tiếng xin lỗi sau lùm xùm phát ngôn hậu chương trình Táo quân năm 2023. Ảnh: VTV

Điều lo ngại là một số nghệ sĩ lợi dụng MXH để có những hành vi, lối ứng xử kém văn hóa, đi lệch với chuẩn mực của văn hóa ứng xử văn minh mà người nghệ sĩ cần có. Hiện tượng lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử của nghệ sĩ trên MXH được biểu hiện cụ thể như việc sử dụng những lời lẽ thô tục, vô văn hóa để gây sự chú ý nhằm “câu like”, “câu view”, tăng tương tác...

Việc tương tác giữa nghệ sĩ với công chúng, người hâm mộ vốn là điều bình thường, nhưng khi xã hội càng phát triển, sự tương tác giữa nghệ sĩ và công chúng cũng thay đổi. Sự khen - chê giờ đây diễn ra chủ yếu trên MXH làm biến dạng sự tương tác giữa nghệ sĩ và công chúng.

Không ít nghệ sĩ chỉ vì lỡ lời, vạ miệng khi đăng tải dòng trạng thái lên trang Facebook cá nhân bị chỉ trích, thậm chí bị tẩy chay. Rồi cách lựa chọn phản hồi các bình luận trên cộng đồng mạng của nhiều nghệ sĩ cũng chưa thấu đáo và thiếu cân nhắc. Nhiều nghệ sĩ không ngần ngại sử dụng những câu từ thiếu văn hóa, đụng chạm đến lòng tự trọng, danh dự của người khác, khiến cộng đồng mạng “dậy sóng”.

Chia sẻ quan điểm về những ứng xử “lệch chuẩn” trên MXH, PSG.TS Trương Đại Lượng - Trưởng khoa Đào tạo Đại học Văn hóa Hà Nội nói: “Nhiều người, trong đó có không ít nghệ sĩ chưa nhận thức đủ rằng MXH rất dễ bị kích động, cộng đồng mạng rất hay a dua, chạy theo. Nhiều người vi phạm những thứ mà họ cũng không biết là vi phạm, dẫn đến phát ngôn, truyền tin ngây thơ”.

Đánh giá về cách tương tác với công chúng hâm mộ của một số nghệ sĩ, nhà báo Trần Việt Văn (Báo Lao Động) cho rằng: “Nghệ sĩ có tên tuổi, người của công chúng phải luôn ứng xử chuẩn mực và cân nhắc tới hậu quả trong phát ngôn của mình. Trong cuộc sống, việc khen chê là bình thường, nhưng nhiều nghệ sĩ phản ứng thái quá làm bộc lộ tính cách, thể hiện trình độ văn hóa thấp. Chẳng hạn khi một người công chúng có ý kiến trái chiều, có nghệ sĩ phản ứng dữ dội theo thói quen, thậm chí có người chê thẳng thừng…”.

Ý thức nghề nghiệp, xây dựng phong cách ứng xử văn minh

Theo PSG.TS Trương Đại Lượng: “Nghệ sĩ là con người, cũng có “vui, buồn, mừng, giận” như người bình thường. Nghệ sĩ cũng có người thế này, thế kia. Có người tính cách mạnh mẽ, người kín đáo, hay cũng có nghệ sĩ được đào tạo, người không được đào tạo. Dù thế nào thì nghệ sĩ là những người có tác động và ảnh hưởng tới công chúng. Vì thế, nếu nghệ sĩ phát huy được các giá trị văn hóa tốt đẹp trên MXH sẽ rất có ích cho xã hội, có thể tạo ra những điều tích cực, đặc biệt cho lớp trẻ”.

nghe sy ung xu van minh tren mang xa hoi lieu co qua kho hinh 2

PSG.TS Trương Đại Lượng - Trưởng khoa Đào tạo, Đại học Văn hóa Hà Nội. Ảnh: Hữu Kế

Vậy, ứng xử văn minh trên MXH có khó không? Chia sẻ về kinh nghiệm sử dụng MXH, ca sĩ Tuyết Mai cho biết: “Đối với Mai, đã là nghệ sĩ hoặc là người nổi tiếng bất kỳ hình thức nào thì luôn phải cẩn trọng với hình ảnh, lời nói và việc làm của mình khi đưa lên MXH. Vì là người của công chúng nên sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến những người theo dõi mình. Mai thường dùng MXH để đăng tải những hoạt động và công việc của mình. Vì là một người làm về nghệ thuật nên MXH đối với Mai khá cần thiết và phù hợp. Trước bình luận tiêu cực, Mai thường nhẹ nhàng và lịch sự trả lời những bình luận đó để hướng họ theo cách tích cực. Nếu họ vẫn tiếp tục bình luận tiêu cực, Mai sẽ block (khóa) luôn”.

Về phần mình, ca sĩ Lương Ngọc Diệp cho biết cô chỉ lướt MXH trong giờ giải lao, cập nhật tin tức xã hội cũng như quan tâm tới những người bạn thân thiết, hoặc chia sẻ cùng cộng đồng những điều hay lẽ phải, có ích cho xã hội. “Cũng có lúc bực bội, nhưng khi nghĩ lại, quan điểm mỗi người khác nhau, chúng ta cũng không nên tranh luận gay gắt để gây hận thù, điều đó thường không tốt. Ai cũng có lúc lỡ miệng, nhưng đã là nghệ sĩ được công chúng yêu thích, là hình mẫu về những điều tốt đẹp, mình nghĩ nghệ sĩ phải khắt khe với mình hơn trong việc kiềm chế cảm xúc, và nhận định về thế giới quan”, Ngọc Diệp nói.

Trong khi đó, người mẫu Phạm Thị Ngọc Giang chia sẻ: “Mình làm nghệ thuật hơn 10 năm nay. Về nguyên tắc của mình khi tham gia MXH là mình luôn luôn sử dụng từ ngữ chuẩn mực, không tuyên truyền những nội dung trái pháp luật. Tất nhiên là nghề của mình nói riêng và các nghề khác nói chung vẫn có những từ ngữ công kích. Khi gặp những tình huống như vậy, hầu như mình sẽ giữ im lặng, để mọi người tự cảm nhận việc đó. Mình chứng minh bằng cách thể hiện bản thân”.

Theo PGS.TS.NGND Nguyễn Đình Thi - Hiệu trưởng trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội: “Xã hội càng phát triển, càng có nhiều kênh thông tin thì sự lan tỏa, ảnh hưởng của nghệ sĩ với công chúng càng lớn. Nhưng khi càng nổi tiếng, có sức lan tỏa, chúng ta lại càng phải giữ gìn. Nghệ sĩ chuyên nghiệp là phải thế, luôn phải giữ gìn hình ảnh của mình. Nghệ sĩ phát ngôn cái gì cũng phải suy nghĩ, phải biết được rằng những phát ngôn ấy có tác động thế nào đối với công chúng”. Ông nhấn mạnh: “Danh xưng nghệ sĩ rất quý giá. Không phải mới ra trường làm nghề đã được coi là nghệ sĩ, bởi vì bản thân danh xưng nghệ sĩ ấy bao gồm 2 tầng ý nghĩa: tài năng chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Cũng phải nói thêm, nhiều người không phải là nghệ sĩ chuyên nghiệp nhưng có nhận thức tốt về mặt xã hội, thì họ vẫn có những ứng xử tốt. Còn ngay cả nhiều người có học trong nhà trường nhưng không rèn luyện hoặc rèn giũa không tốt, chắc chắn rất dễ bị vấp ngã. Trên thực tế là có”.

nghe sy ung xu van minh tren mang xa hoi lieu co qua kho hinh 3

Ca sĩ Lương Ngọc Diệp cho rằng các nghệ sĩ phải khắt khe với mình hơn trong việc kiềm chế cảm xúc - Ảnh: Thu Hương

Trong đời sống xã hội, nghệ sĩ có một vai trò rất quan trọng, nhưng đi kèm với đó là trách nhiệm. Mỗi nghệ sĩ phải biết cân bằng giữa cảm xúc và bản lĩnh thì mới chịu được áp lực và làm tròn trách nhiệm của mình. Để làm được điều đó, theo PGS.TS.NGND Nguyễn Đình Thi, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, các nghệ sĩ cần ý thức trau dồi đạo đức nghề nghiệp, hành động chuẩn mực, nghiêm ngắn. “Giữ gìn đạo đức ra sao? Chuẩn mực là thế nào? Có rất nhiều tài liệu, mà cụ thể là Bộ quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật do Bộ VHTTDL ban hành, để chúng ta căn cứ, từ đó xác định và định hướng cho mình trong việc phát ngôn, ứng xử trong cuộc sống hằng ngày”, ông nói.

“Nếu là một nghệ sĩ thì phải có kiến thức, hiểu biết và ứng xử khéo léo. Tại sao phải có việc siết chặt các quy định cho một nghệ sĩ? Nếu nghệ sĩ mà không nhận thức được, phải phụ thuộc vào việc đó thì không còn là nghệ sĩ nữa”, ca sĩ Tuyết Mai tâm sự.

Hơn lúc nào hết, ngoài việc các cơ quan chức năng siết chặt kỷ luật, bản thân các nghệ sĩ cần nâng cao ý thức nghề nghiệp, chủ động và tích cực xây dựng phong cách ứng xử văn minh trên MXH, để xứng danh những người làm văn hóa!

Hữu Kế

Bình Luận

Tin khác

Thừa Thiên Huế: 4 ngày nghỉ lễ tổng doanh thu ngành du lịch ước đạt 170 tỷ đồng

Thừa Thiên Huế: 4 ngày nghỉ lễ tổng doanh thu ngành du lịch ước đạt 170 tỷ đồng

(CLO) Thừa Thiên Huế đón khoảng 110.000 khách du lịch đến địa phương, tổng lượng khách đã đặt phòng lưu trú ước đạt 58.000 lượt (trong đó có khoảng 43.000 khách nội địa và 15.000 khách quốc tế), tổng doanh thu ước đạt 170 tỷ đồng.

Đời sống văn hóa
Đặc sắc lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui của người Jrai

Đặc sắc lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui của người Jrai

(CLO) Nghi lễ cúng cầu mưa Yang Pơtao Apui diễn ra trên đỉnh núi thần Chư Tao Yang, được phục dựng nguyên bản theo phong tục của người Jrai bản địa.

Đời sống văn hóa
A Huynh và hành trình chế tác cây đàn đá của người Ja Rai

A Huynh và hành trình chế tác cây đàn đá của người Ja Rai

(NB&CL) Dù không trải qua một trường lớp âm nhạc nào nhưng bằng tài năng thiên bẩm cùng với niềm đam mê cháy bỏng về các loại nhạc cụ cổ xưa của người Ja Rai, Nghệ nhân Ưu tú A Huynh ở Kon Tum đã kiên trì mày mò, tự nghiên cứu và chế tác thành công đàn đá, loại cụ kỳ lạ nhất của người Tây Nguyên, cũng là thứ nhạc cụ cổ xưa nhất của loài người.

Đời sống văn hóa
Du khách hào hứng trải nghiệm không gian phố đi bộ Tam Đảo

Du khách hào hứng trải nghiệm không gian phố đi bộ Tam Đảo

(CLO) Hàng nghìn khách du lịch hòa mình vào không gian phố đi bộ đầu tiên ở thị trấn Tam Đảo, tham dự các chương trình vui chơi giải trí, thưởng thức âm nhạc và ẩm thực đường phố...

Đời sống văn hóa
Hải Phòng: Hấp dẫn đêm nghệ thuật “Đồ Sơn - Điểm đến 4 mùa”

Hải Phòng: Hấp dẫn đêm nghệ thuật “Đồ Sơn - Điểm đến 4 mùa”

(CLO) Một sân khấu hoành tráng với các tiết mục nghệ thuật đặc sắc trong đêm nghệ thuật "Đồ Sơn - Điểm đến 4 mùa" diễn ra tối 30/4 đem lại cho người dân và du khách những trải nghiệm khó quên.

Đời sống văn hóa