Người dân cần làm gì để tránh “sập bẫy” khi vay tiền qua app, website?

Thứ tư, 22/09/2021 06:04 AM - 0 Trả lời

(CLO) Theo các chuyên gia, để tránh “sập bẫy” khi vay tiền qua app, website; người dân nên tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, khi phát hiện dấu hiệu cho vay nặng lãi, cần sớm tất toán các khoản nợ; nếu bị đe dọa, cần trình báo ngay cho cơ quan Công an để được can thiệp, giúp đỡ.

Người vay bị "cắt phế" ngay

Dịch bệnh kéo dài đã tác động tiêu cực đến thu nhập và việc làm của người lao động. Nhiều người mất việc làm, mất thu nhập, trong khi việc vay tiêu dùng cũng trở nên khó khăn. Lợi dụng điều này, tín dụng đen như “cá gặp nước” lại len lỏi, tiếp cận để cho người dân vay với lãi cắt cổ.

Đặc biệt, việc vay tiền qua ứng dụng điện thoại (hay còn gọi là các app vay tiền) và qua các website gây nhiều rủi ro. Các đối tượng cho vay qua app rất tinh vi, có nhiều app cho vay biến tướng, trở thành một dạng của tín dụng đen, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự cả nước. Đây cũng chính là cái “bẫy” đưa người vay vào vòng xoáy nợ nần.

nguoi dan can lam gi de tranh sap bay khi vay tien qua app website hinh 1

App vay tiêu dùng biến tướng sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy cho người vay tiền. Ảnh: internet

Trao đổi với phóng viên Nhà báo và Công luận, Trung tá Đào Trung Hiếu - Chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an) cho biết, hiện nay đang rộ lên 2 hình thức cho vay phổ biến, đó là cho vay qua ứng dụng trên điện thoại (app) và vay trên website. Đây là các hình thức cho vay không cần tài sản thế chấp, người vay chỉ cần gửi bản chụp giấy tờ tùy thân như CMND, CCCD của mình cho bên cung cấp tín dụng.

Theo Trung tá Đào Trung Hiếu, nếu người dân vay qua app, bên cho vay phải được quyền truy cập về các thông tin cá nhân như danh bạ, tin nhắn, đồng bộ Google và lịch sử cuộc gọi trong vòng 6 tháng trên điện thoại của người vay. Còn vay qua website, người vay sẽ phải gửi đường dẫn tới trang cá nhân của mình như Facebook, Zalo. Khi vay tiền, người vay bị “cắt phế” ngay, tức trừ tiền phí dịch vụ vào khoản vay. Chẳng hạn như vay 100 nghìn đồng, chỉ được nhận về 70 – 80 nghìn, nhưng vẫn ghi nợ đủ số tiền vay.

“Đến hạn trả lãi mà không thanh toán, bên cho vay sẽ truy cập theo danh bạ, lấy số điện thoại để gọi điện quấy nhiễu bất kể ngày đêm, khủng bố tinh thần người vay cùng gia đình, bạn bè của người đó, mục đích gây sức ép để họ phải tác động buộc người vay phải trả tiền. Nhiều trường hợp còn bị đe dọa tung ảnh cá nhân, tin nhắn hội thoại lên mạng xã hội để bêu xấu, làm nhục. Bên cạnh đó, đây cũng thực sự là một kiểu cho vay “tín dụng đen” với mức lãi suất “cắt cổ”, gấp cả chục, thậm chí hàng trăm lần lãi suất ngân hàng”, Trung tá Đào Trung Hiếu nói.

nguoi dan can lam gi de tranh sap bay khi vay tien qua app website hinh 2

Trung tá Đào Trung Hiếu - Chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an).

Cần làm gì khi phải vay lãi ''cắt cổ"

Cũng theo Chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu, hiện nay có nhiều nhóm cho vay qua app với lãi suất quá cao, từ 500 - 700%/năm, phạm vào tội “cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự” quy định tại Điều 201, Bộ luật hình sự 2015. Bởi vì theo quy định của khoản 1, Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 thì lãi suất vay do các bên thỏa thuận, nhưng không được vượt quá 20%/năm. Vì vậy, trường hợp lãi suất phải trả vượt quá quy định này, thì khách vay chỉ phải trả lại số tiền đã vay của app và phần lãi suất tối đa là 20%.

Bên cạnh đó, việc bên cho vay qua app, web đòi nợ đến hạn bằng cách quấy rối điện thoại những người không liên quan đến khoản vay, là hành vi vi phạm pháp luật. Theo quy định tại Thông tư 18/2019/TT-NHNN, các Công ty tài chính không được gọi điện cho người thân của khách hàng vay để đôn đốc, thu hồi nợ. Còn theo điểm g, khoản 3, Điều 102, Nghị định 15/2020/NĐ-CP thì hành vi sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối người khác sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng.

Đối với hành vi “xiết nợ” bằng cách đăng tải hình ảnh người vay lên mạng xã hội cùng với những lời lẽ đe dọa, vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm, thì nạn nhân có quyền yêu cầu cá nhân, tổ chức liên quan gỡ bỏ những hình ảnh đó, đồng thời có thể trình báo tới cơ quan Công an để điều tra xử lý vi phạm.

Hiện nay, theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 84, Nghị định 15/2020/NĐ-CP, người vi phạm có thể bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng nếu thu thập thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin đó; phạt từ 20 - 30 triệu đồng nếu thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác. Trường hợp bôi nhọ, vu khống người khác trên mạng xã hội, người vi phạm có thể bị xử lý về tội làm nhục người khác, hoặc tội vu khống theo Điều 155 và Điều 156 của Bộ luật hình sự năm 2015.

nguoi dan can lam gi de tranh sap bay khi vay tien qua app website hinh 3

Ths. Luật sư Nguyễn Đào Tơ – Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Huy (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).

Siết chặt việc quản lý cấp phép đối với các loại hình dịch vụ cho vay

Trung tá Đào Trung Hiếu cho rằng, để người dân không bị sập bẫy khi vay tiền qua app cũng như để đảm bảo an toàn khi vay tiền online, người dân nên tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, thể hiện đầy đủ các thông tin trên website như tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay (trong đó có trả nợ trước hạn, chậm trả…). Đồng thời cần phải tìm hiểu kỹ thông tin điều khoản, dịch vụ, các quy định về lãi, phí, hạn mức trả nợ… trước khi quyết định vay tiền qua app, web. Cần lưu ý rằng lãi suất cho vay phải không được quá 20%/năm.

Cùng với đó, người dân cần hết sức thận trọng và cảnh giác trước những phương thức, thủ đoạn của các tổ chức tín dụng đen và cho vay nặng lãi. Không vay mượn tiền của các đối tượng cho vay qua số điện thoại được treo, dán trên tờ rơi, cột điện hoặc các app vay tiền không rõ nguồn gốc, từ các đơn vị không được cấp phép.

Đặc biệt, khi vay app không được yêu cầu khách hàng phải cho phép truy cập vào danh bạ, truy cập tài khoản mạng xã hội của mình… Nếu phát hiện app có dấu hiệu cho vay nặng lãi, cần sớm tất toán các khoản nợ; nếu bị các đối tượng đe dọa, cần trình báo ngay cho cơ quan Công an để được can thiệp, giúp đỡ.

Nếu có nhu cầu vay tiền, người dân cần trực tiếp liên hệ đến các công ty tài chính uy tín, được cấp phép hoạt động theo quy định pháp luật để được hướng dẫn.

Còn theo Ths. Luật sư Nguyễn Đào Tơ – Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Huy (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), để hạn chế được tình trạng tín dụng đen, đặc biệt là việc cho vay "nặng lãi" qua các app và website, các cơ quan Nhà nước cần có các phương án để triển khai các chính sách tín dụng trên phạm vi toàn quốc, giới thiệu các chính sách tín dụng để cá nhân, tổ chức tiếp cận được chính sách này của các tổ chức tín dụng, giúp người dân phân biệt được các hình thức tín dụng hợp pháp, nhằm đẩy lùi tình trạng cho vay nặng lãi của tín dụng đen.

Đối với các tổ chức tín dụng cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách cho vay hợp lý, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của các cá nhân, tổ chức đi vay để họ nhận được các chế độ, quyền lợi đảm bảo trong quá trình vay vốn.

"Các cơ quan Nhà nước cần thanh tra, kiểm tra phòng, ngừa, đấu tranh xử lý tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Hơn nữa, cần siết chặt hơn về việc quản lý cấp phép kinh doanh cho các loại hình dịch vụ mà bản chất là tín dụng đen", Luật sư Nguyễn Đào Tơ nói.

Đồng thời, Luật sư Nguyễn Đào Tơ cũng cho rằng, Nhà nước cần tăng cường công tác truyền thông, phổ biến pháp luật, phổ biến kiến thức tài chính tín dụng cho người dân hiện nay, cần giải thích cho người dân về tín dụng đen và hệ lụy của tín dụng đen gây ra để người dân nhận thức và tránh được các chiêu trò của tín dụng đen.

Quốc Trần

Tin khác

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra, đốc thúc một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra, đốc thúc một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam

(CLO) Ngày 29/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đi kiểm tra hiện trường, động viên cán bộ, công nhân đang làm việc trên công trường, đốc thúc một số dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025, đi qua địa bàn các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên và cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Tin tức
Truy điệu 2 cán bộ kiểm lâm hy sinh khi làm nhiệm vụ chữa cháy rừng ở Hà Giang

Truy điệu 2 cán bộ kiểm lâm hy sinh khi làm nhiệm vụ chữa cháy rừng ở Hà Giang

(CLO) Ngày 28/4, tại Nhà tang lễ thành phố Hà Giang, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang cùng các gia đình tổ chức lễ tang, lễ truy điệu 2 cán bộ kiểm lâm đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ chữa cháy rừng. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Quốc Trị dự lễ truy điệu.

Tin tức
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giao thông tới đâu, người dân hưởng lợi tới đó

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giao thông tới đâu, người dân hưởng lợi tới đó

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thực tiễn cho thấy, giao thông phát triển đến đâu sẽ tạo ra giá trị mới, mở ra không gian phát triển mới đến đó.

Tin tức
Hợp luyện toàn bộ khối diễu binh, diễu hành Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hợp luyện toàn bộ khối diễu binh, diễu hành Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Ngày 28/4, tại sân vận động tỉnh Điện Biên, toàn bộ 51 khối tham gia diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã tiến hành hợp luyện lần đầu tiên.

Tin tức
Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát, kiểm tra công tác ứng phó khô hạn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát, kiểm tra công tác ứng phó khô hạn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

(CLO) Ngày 28/4, trong chương trình công tác tại Ninh Thuận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi thị sát, tìm hiểu tình hình hạn hán, kiểm tra công tác ứng phó khô hạn trên địa bàn tỉnh, khảo sát việc vận hành hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, thăm hỏi, động viên người dân bị ảnh hưởng bởi hạn hán.

Tin tức