Người giữ hồn đàn Pơlơkhơn

Thứ sáu, 03/04/2015 14:15 PM - 0 Trả lời

Người giữ hồn đàn Pơlơkhơn

(Congluan.vn) - Người Bana ở vùng rừng núi Hoài Ân – Bình Định đồn đãi rằng tộc người của họ hiện đang lưu giữ một loại nhạc cụ độc đáo có thể đuổi được chim muông, thú rừng đến phá hoại cây trồng. Đó chính là cây đàn Pơ lơn khơn được làm từ gỗ cây Lonhlay mọc ở đầu nguồn con nước. Và giờ đây người giữ “hồn” tiếng đàn Pơ lơn khơn ấy chính là Yá Chánh ở làng T2 xã miền núi Bok Tới – Hoài Ân…

  • Đường hoa Nguyễn Huệ kẹt cứng giờ khai mạc 

Huyền thoại cây đàn đuổi chim

Bao lần về huyện Hoài Ân, chúng tôi được anh Võ Chí Hà – cán bộ Trung tâm văn hóa và thông tin huyện khoe rằng tiếng đàn Pơ lơn khơn có âm điệu huyền hoặc, trầm bổng lắm, ai nghe một lần nhớ mãi không quên.

Theo lời anh mách bảo, chúng tôi tìm đến vùng núi rừng Đăk Mang, Bok Tới – nơi có người Bana sinh sống trên địa bàn huyện để “mục sở thị” cây đàn huyền thoại Pơ lơn khơn. Họ bảo rằng người giữ hồn tiếng đàn ấy là nghệ nhân Yá Chánh làng T2 – Bok Tới, tuy đã tròn trèm 78 tuổi rồi nhưng ngón đàn của Yá hay lắm, hay không thể tưởng tượng được.

Trên “con ngựa sắt” vượt qua những đoạn núi đồi hoang vu để rồi giữa trưa chúng tôi đã có mặt ngay làng T2. Ngôi nhà của Yá Chánh thật sự đồ sộ, nguy nga nhất làng T2 làm chúng tôi ngạc nhiên khôn cùng. Phía sau ngôi nhà ấy vẫn là ngôi nhà sàn truyền thống của người Bana. Ở đó Yá Chánh đang lui hui bên bếp lửa hồng. Nghe hỏi về ngón đàn sở trường của mình, Yá vui lắm!

Báo Công luận
 
Nhà của Yá Chánh ở Bok Tới
 
Yá kể rằng cho mãi đến tận hôm nay không ai biết rõ loại nhạc cụ này có tự bao giờ. Lũ làng chỉ biết rằng từ thuở xa xưa, nơi đầu con suối lớn trên một ngọn núi cao ngất có tên Kon Trú kia có gia đình bà Yá Pơ sinh sống và trồng trọt. Yá Pơ đã mừng thầm khi thấy nhờ có đất tốt, nước tưới đầy đủ cộng với sự chăm sóc tích cực của gia đình mình mà cây trái lên xanh tươi tốt, lúa mọc đầy rẫy, bắp rộ đầy nương như thế nhà mình sẽ no đủ còn lo sợ điều gì nữa đâu. Thế mà có ngờ đâu khi đến mùa thu hoạch, bỗng dưng có lũ chim ác không biết ở đâu bay về nương rẫy phá sạch hoa màu làm nhà bà không thu hoạch được gì. Cái đói lại cứ quẩn quanh bên cạnh. Yá đã nghĩ đủ mọi cách để đuổi lũ chim đi nhưng không có cách nào trị được chúng. Yá Pơ buồn chán lắm, cứ trăn trở mãi không thôi.

Và rồi một đêm kia, trời mưa to gió lớn, sấm chớp vang rền khắp nơi, có một vị thần núi xuất hiện chỉ cho Yá Pơ biết cách đuổi lũ chim ác đi. Bàng hoàng tỉnh dậy sau cơn mơ, Yá Pơ đã làm theo lời thần núi dạy. Bà cùng con cháu mỗi người cầm một thanh gỗ nhỏ gõ vào chân cầu thang nhà sàn, bỗng nghe từ đó phát ra tiếng vang vào vách núi đồi lan ra xa dần rồi tiếng vang ấy lại dội ngược trở về, âm điệu lúc thì trầm bổng, lúc lại réo rắt du dương thật quyến rũ lòng người. Đồng thời cũng cái âm thanh đó lại khiến cho lũ chim ác hốt hoảng rồi vụt cất cánh bay đi hết trơn.

Cũng kể từ đó gia đình Yá Pơ sống trên ngọn Kon Trú kia dần dần được ấm no nhờ làm rẫy không còn bị lũ chim quậy phá nữa…Và cũng từ lúc đó những thanh gỗ này được trở thành dụng cụ để đuổi chim muông, thú rừng. Qua thời gian, dưới sự sáng tạo của con người, nó được cải tạo thành phương tiện hoạt động trong sinh hoạt phục vụ cho đời sống tinh thần của người đồng bào và được đặt tên là Pơ lơn khơn.

Người giữ hồn tiếng đàn Pơ lơn khơn

Theo lời Yá Chánh, cấu tạo của cây đàn Pơ lơn khơn cũng khá đơn giản. Này nhé, các thanh gỗ làm nên cái đàn ấy được lấy từ cây Lonhlay mọc ở đầu nguồn con nước, đem về lột vỏ phơi thật khô mới làm được đàn. Thế nhưng không được phơi dưới ánh nắng quá gắt, vì như thế sẽ làm nứt thân gỗ. Kế đó chọn ra 6 thanh gỗ rồi gọt nhẵn hình tròn dẹt được nối với nhau treo tòng teng bởi các dây mây được chuốt mỏng sao cho nó có được sự mềm mại, uyển chuyển cho các thanh gỗ nằm ngang. 6 thanh gỗ này được treo trên một giá đỡ làm bằng tre nứa hoặc gỗ có độ cao khoảng tầm người đứng.

Yá Chánh cho biết trong các công đoạn làm thành cây đàn đuổi chim muông, thú rừng kia thì công phu nhất chính là giai đoạn chọn các thanh đàn. Người ta phải chọn làm sao cho các thanh gỗ đó phải ở cùng một cây Lonhlay tính từ gốc đến ngọn rồi mới đến nhánh. Thanh mẹ là đoạn dài nhất cỡ 150 cm, sau khi đã đẽo gọt thì đường kính còn 15 cm. Đoạn tiếp theo ngắn và nhỏ hơn thanh mẹ là thanh chị, rồi kế đó là thanh em, cháu, chắt có chiều dài 100 – 80 cm với đường kính từ 10 cm xuống 8 cm. Tất cả các thanh này được treo với một khoảng cách đều nhau nhất định cách nhau từ 8 – 10 cm, thanh nhỏ (chắt) nằm dưới cùng, còn thanh lớn (mẹ) thì nằm trên hết.

Báo Công luận
 
       Yá Chánh đang biểu diễn đàn Pơ lơ khơn (Ảnh Chí Hà)
 
Ông Đinh Xuân Á – Bí thư Đảng ủy xã Bok Tới cho biết: “Ở Bok Tới người chơi đàn Pơlơnkhơn hay nhất hiện nay chính là Yá Chánh. Yá đã chơi cái loại đàn này từ khi bà 15 tuổi. Bà cũng là nghệ nhân chơi đàn hay nhất còn lại ở xã. Dẫu đã lớn tuổi rồi nhưng ngón đàn của Yá vẫn còn quyến rũ lắm! Bà chẳng những hát hay mà còn biết rất nhiều bài hát của người Bana nữa đấy!”. Nghe khen, Yá Chánh cười ngượng nghịu nhưng đôi mắt lại ánh lên niềm vui: “Mình có hát hay gì đâu. Cán bộ khen quá lời đấy! Mình chỉ biết là cái miệng mình nó thích hát từ khi biết nói. Cái tai mình thích nghe tiếng đàn của cha mình đuổi chim muông và thú rừng đến phá hoại cây trồng từ lúc nào mình không nhớ nổi. Khi mình 15 tuổi, mình đã được cha truyền dạy đánh và làm đàn Pơlơnkhơn rồi!”.

Từ thuở nhỏ, vì mê tiếng đàn Pơlơnkhơn của cha mà trong đêm tối bịt bùng, một mình Yá Chánh lặn lội lên rẫy lấy cây đàn cha treo bên gốc cây trên rẫy xuống mà tập đánh. Mê mẩn với tiếng đàn, không ngừng tập luyện, chẳng bao lâu Yá Chánh trở thành người đánh đàn Pơlơnkhơn giỏi nhất vùng. Bà có thể đánh đàn Pơlơnkhơn cả ngày lẫn đêm không mệt mỏi trong các lễ hội, đám cưới của người Bana.

Bên ánh lửa bập bùng đêm núi rừng vùng cao Bok Tới – huyện Hoài Ân, chúng tôi được thưởng thức âm điệu huyền hoặc, trầm bổng của tiếng đàn Pơlơnkhơn dưới sự điêu luyện tuyệt vời của nghệ nhân Yá Chánh. Yá Chánh cho biết, để chơi đàn cho hay thật ra không khó, nhưng cái khó ở chỗ là phải có sự khéo léo, nhạy cảm tâm huyết với tiếng đàn mới có thể khai thác được tiếng kêu của muông thú, tiếng suối reo, nước chảy, tiếng gió thổi xào xạc vi vu…Cũng bởi thông thạo loại đàn truyền thống này mà Yá Chánh đã dốc lòng truyền dạy cho nhiều người trẻ trong lòng và đã hơn 10 lần liên tục tham gia biểu diễn đàn Pơlơn khơn trong những ngày hội VHTT các dân tộc miền núi tỉnh Bình Định. Yá đã được các cấp ngành khen ngợi bởi tiếng đàn thực sự làm xúc động tâm tư người thưởng thức tiếng đàn bởi những tiết mục độc tấu, hòa tấu các bài dân ca Bana.

Trong những dịp lễ hội của đồng bào Bana hôm nay ở Bok Tới nói riêng và Bình Định nói chung, hòa điệu cùng với những tiếng cồng chiêng, tiếng đàn Pơ ren, Tơ rưng…đàn Pơlơnkhơn đã thật sự trở thành một dụng cụ sinh hoạt trong đời sống văn hóa tinh thần không thể thiếu được của đồng bào nơi đây. Thế nhưng điều mà Yá Chánh băn khoăn nhất là giờ đây những nghệ nhân lớn tuổi như bà không còn sống nữa mà giới trẻ trong làng giờ chẳng mấy tha thiết với đàn Pơlơnkhơn, tụi nó đã “mê” những loại nhạc cụ hiện đại mất rồi. Mà Yá thì cũng già yếu lắm, không thể vào rừng sâu để tìm cây Lonhlay tốt để làm đàn Pơlơnkhơn nữa.

Anh Võ Chí Hà – cán bộ Trung tâm văn hóa thể thao huyện Hoài Ân cũng trăn trở: “Huyện Hoài Ân đã chú trọng việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc Bana, Hrê trên địa bàn. Cứ 2 năm một lần, huyện tổ chức ngày hội văn hóa thể thao cho các dân tộc miền núi trong huyện. Mỗi lần tổ chức, huyện luôn quan tâm, chú trọng khai thác và phát huy các hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian của từng tộc người, lồng ghép một số loại hình văn nghệ thể thao mới để thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Thế nhưng đàn Pơlơnkhơn chỉ sử dụng được vài tháng là đã bị “lạt” âm điệu rồi. Nếu không có người vào rừng sâu, không đam mê tiếng đàn Pơlơnkhơn như Yá Chánh nữa thì e rằng mai này loại đàn truyền thống này của người Bana sẽ không còn nữa!”.

                                                                                                                  Hải Âu

Tin khác

Gia Lai: Quán cà phê 'mọc' giữa ruộng lúa, chính quyền nói chưa sai?

Gia Lai: Quán cà phê "mọc" giữa ruộng lúa, chính quyền nói chưa sai?

(CLO) Hàng trăm cọc bê tông cắm sâu vào nền đất trồng lúa và vô số thanh sắt được gia cố liên kết với nhau thành khung tạo lối đi, sàn nhà làm nơi kinh doanh quán cà phê Lúa Ngô Sơn (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh, Gia Lai). Việc dựng quán, kinh doanh được chính quyền cho rằng chưa phát hiện sai phạm?

Điều tra
Hải Dương: Tạm dừng đầu tư dự án xây dựng cầu vượt sông Bắc Hưng Hải tại thị trấn Kẻ Sặt

Hải Dương: Tạm dừng đầu tư dự án xây dựng cầu vượt sông Bắc Hưng Hải tại thị trấn Kẻ Sặt

(CLO) UBND huyện Bình Giang vừa có văn bản gửi Sở Giao thông vận tải tỉnh Hải Dương và nhiều cơ quan chức năng thông báo việc tạm dừng đầu tư dự án xây dựng cầu vượt sông Bắc Hưng Hải tại thị trấn Kẻ Sặt.

Điều tra
Tiên Lãng (Hải Phòng): Bất cập trong việc quản lý và sử dụng SVĐ huyện sau 16 năm 'xã hội hóa'?

Tiên Lãng (Hải Phòng): Bất cập trong việc quản lý và sử dụng SVĐ huyện sau 16 năm 'xã hội hóa'?

(CLO) Ngày 31/7/2008, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Tiên Lãng, Thành phố Hải phòng đã ban hành Quyết định số 1214/QĐ-UBND về việc cho thuê các ki ốt khán đài sân vận động huyện... Tuy nhiên, sau 16 năm thực hiện chính sách “xã hội hóa”, vẫn còn một số bất cập cần được làm rõ và khắc phục.

Điều tra
Kon Tum: Vì sao doanh thu của Công ty TNHH MTV Lâm Kim Gia Lai 'nhảy múa' theo từng gói thầu?

Kon Tum: Vì sao doanh thu của Công ty TNHH MTV Lâm Kim Gia Lai 'nhảy múa' theo từng gói thầu?

(CLO) Ở mỗi gói thầu tham dự khác nhau, Công ty TNHH MTV Lâm Kim Gia Lai lại thể hiện một hồ sơ năng lực với doanh thu khác nhau?

Điều tra
Thu hồi quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh

Thu hồi quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh

(CLO) Ngay sau phản ánh của báo Nhà báo & Công luận, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã ban hành quyết định thu hồi Quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh và trợ cấp, phụ cấp hàng tháng đối với ông Nguyễn Văn Nam.

Điều tra