Nhà báo Trần Lan Anh, Phó Tổng biên tập kiêm Tổng Thư ký báo Nhà báo và Công luận:

Người làm báo hãy luôn nhắc nhớ về sứ mệnh gieo trồng niềm tin cho công chúng

Thứ năm, 18/06/2020 16:36 PM - 0 Trả lời

(CLO) Nhà báo thông qua những tác phẩm báo chí tốt đẹp của mình gieo trồng niềm tin cho công chúng, vun đắp niềm tin cho xã hội, thì nhất định sẽ được công chúng và xã hội dành trọn tình cảm mến yêu- đó là chia sẻ của nhà báo Trần Lan Anh, Phó TBT kiêm TTK báo NB& CL.

Những người làm báo trong bối cảnh hiện tại không chỉ phải chạy đua với sự nhanh nhạy của thông tin từ mạng xã hội trên mặt trận tin tức mà đồng thời còn phải chiến đấu trên mặt trận chống các thông tin giả mạo, sai lệch và giật gân được phát đi dưới hình thức tin tức (fake news). Trong cuộc chiến lâu dài này, những người làm báo phải bền bỉ, thành tâm nuôi dưỡng niềm tin thông qua những tác phẩm báo chí tốt đẹp của mình để gieo niềm tin cho công chúng, vun đắp niềm tin cho xã hội.

Nhà báo Trần Lan Anh, Phó tổng biên tập kiêm Tổng Thư ký báo Nhà báo và Công luận.

Nhà báo Trần Lan Anh, Phó tổng biên tập kiêm Tổng Thư ký báo Nhà báo và Công luận.

Tin giả - hiểm họa thật

Thưa bà, mạng xã hội đang ngày càng phát triển, cùng với đó là vấn nạn tin giả ngày càng đáng báo động. Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, thông tin sai lệch về nó tràn lan trên mạng xã hội. Bà đánh giá thế nào về vấn nạn tin giả trong bối cảnh hiện tại, nhất là trong đại dịch Covid-19?

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà những hoang tin có thể dẫn đến các thảm kịch trong đời sống bởi nó dễ dàng lan truyền với tốc độ chóng mặt từ người này sang người khác thông qua các phần mềm chat hoặc mạng xã hội. Fake news thậm chí có lúc thu hút sự quan tâm nhiều hơn thông tin chính thống. Một nghiên cứu của BuzzFeed phát hiện ra rằng, fake news hút được 8,7 triệu lượt tương tác trong 3 tháng cuối của chiến dịch vận động tranh cử của một quốc gia hàng đầu thế giới, trong khi tin tức của các nguồn tin báo chí lừng danh thế giới như New York Times, Washington Post và CNN chỉ có 7,3 triệu lượt chia sẻ, bình luận.

Chỉ trong vòng hơn một tháng sau khi dịch Covid-19 bắt đầu hoành hành, một "đại dịch" mới đã lan tràn trên mạng, đó là "đại dịch" tin giả. Mỗi ngày, trên các nền tảng Facebook, Twitter, YouTube lại tràn ngập những thông tin mới, giật gân. Không chỉ tại Việt Nam, "đại dịch virus tin giả” đã lan truyền mạnh mẽ ra toàn cầu với tốc độ chóng mặt hơn cả Covid-19. Tới mỗi quốc gia, câu chuyện về dịch bệnh lại được thêm thắt với nhiều tình tiết ly kỳ, đáng sợ. Trong đó, "công thức" thường được sử dụng là "Theo một người bạn của em tại...", "Tôi là người dân ở Vũ Hán...", cùng với thông tin số ca nhiễm bệnh luôn nhiều gấp hàng chục, hàng trăm lần so với thông tin chính thức được đăng tải bởi chính quyền sở tại hoặc Tổ chức Y tế Thế giới. Tin giả về dịch Covid-19 đã tạo nên một sự hoảng loạn trực tuyến và trong đời thực. Nỗi sợ hãi gia tăng và khuếch tán rộng, làm giảm khả năng sàng lọc thông tin của người dân.

Đã có một số trường hợp đăng tải nội dung bịa đặt bị xử phạt, nhưng dường như tình hình đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Và oái oăm thay, báo chí có khi cũng mắc bẫy tin giả - không chỉ ở Việt Nam mà nhiều báo lớn của nước ngoài cũng vậy. Đó là chưa kể nhiều nhà báo vô tình chia sẻ các thông tin giả hoặc không rõ nguồn gốc, góp phần phát tán những thông tin chưa được kiểm chứng hoặc thậm chí sai lệch đó. Tệ hại hơn là tình trạng giả mạo các cơ quan báo chí chính thống bằng các website có tên miền gần giống, hoặc các fanpage, các tài khoản mạng xã hội.

Theo bà, những tin giả trên mạng xã hội ảnh hưởng thế nào đến hoạt động báo chí?

Sự phát triển của công nghệ thông tin đã giúp cho nghề báo ngày nay khác hẳn so với trước kia, vừa thuận lợi lại vừa như một thách thức. Bây giờ mạng Internet cho phép nhà báo truy cập để tìm tư liệu rất nhanh và dễ dàng. Vài chục năm trước để làm việc ấy, người ta có khi phải dùng nhiều giờ trong thư viện, trước các đống tài liệu đồ sộ, còn bây giờ có khi chỉ là cú click chuột mất 5-10 phút. Mạng xã hội là nguồn cung cấp thông tin béo bở nhưng cũng là một cái bẫy. Khó khăn nhất, thách thức lớn nhất là cạnh tranh giữa báo chí và mạng xã hội, một cuộc chạy đua về thông tin đôi khi không cân sức. Và trong cuộc đua tranh ấy, đáng tiếc thay, báo chí đang mất dần độc giả.

Trong khi fake news khuynh đảo xã hội và có nguy cơ lấn át những nguồn tin chính thống ở khắp nơi trên thế giới, thì việc kiểm chứng thông tin trên báo chí lại đang trở nên lỏng lẻo và thật đáng buồn khi không ít tòa soạn thậm chí áp dụng cách làm nguy hiểm “đăng tải trước, chỉnh sửa sau nếu cần thiết”. Không ít trường hợp tin bài trên báo chí chính thống không được kiểm chứng, không đảm bảo công bằng và cân bằng - giá trị cốt lõi của báo chí. Fake news, cùng với những sai lầm của nhiều cơ quan báo chí trong cuộc chạy đua nguy hiểm với mạng xã hội để giành giật độc giả và nguồn thu quảng cáo, đã khiến cho sự tín nhiệm của công chúng với báo chí giảm sút…

Sứ mệnh gieo trồng niềm tin trong xã hội

Bà đánh giá như thế nào về vai trò của báo chí trên mặt trận chống tin giả trong thời đại 4.0 và đặc biệt là trong mùa dịch Covid-19 vừa qua?

Báo chí cũng phải hành động chứ không thể ngồi chờ cơ quan chức năng ra luật, chờ các công ty công nghệ thay đổi thuật toán hay chờ người dùng trở nên thông minh hơn để tự xa lánh fake news. Chưa bao giờ đòi hỏi về một nền báo chí chất lượng cao lại bức thiết như hiện nay. Làm thế nào để gây dựng lại niềm tin của công chúng đối với nội dung báo chí chất lượng cao sẽ là một câu hỏi lớn trong những năm tới dành cho các nhà quản lý, các tòa soạn và bản thân các nhà báo. Nó không chỉ quan trọng đối với sự tồn vong của báo chí mà nó còn quan trọng với sự ổn định xã hội.

Và báo chí Việt Nam đã làm được điều đó trong mùa dịch Covid, bằng sự nhập cuộc quyết liệt, sự chân thực và sống động của mỗi dòng thông tin đã kéo độc giả ra khỏi ma trận của fake news.

Thưa bà, làm thế nào để người đọc có thể sàng lọc thông tin chính thống, tạo một môi trường lành mạnh trên mạng xã hội?

Trong bối cảnh mạng xã hội bùng nổ, tin tức giả có thể được thích (like), chia sẻ (share) vô tội vạ, không kiểm chứng, như vậy thì chống tin giả là trách nhiệm của tất cả các bên có liên quan. Cần đề cao vai trò của luật pháp, giáo dục và truyền thông trong cuộc chiến chống tin giả. Về luật pháp, mỗi quốc gia cần có những điều luật nghiêm khắc để xử lý vấn nạn tin giả. Về giáo dục, cần có những chương trình để giáo dục học sinh, sinh viên nâng cao năng lực phân hóa, tiếp cận với thông tin. Và cuối cùng là sử dụng truyền thông để tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

Đặc biệt, mỗi người đọc cũng cần trở thành người tiêu dùng tin tức thông minh. Có thể dựa vào công thức I’M VAIN mà các chuyên gia của Đại học Stony Brook (Mỹ) đề xuất để thẩm định thông tin. Đó là nguồn tin có khách quan, độc lập với nội dung thông tin không (Independent); nguồn tin có đa chiều không (Multiple); thông tin có được xác nhận, có bằng chứng, có thẩm định chưa (Verify); nguồn cung cấp tin có thẩm quyền không (Authoritative); thông tin ấy có được bằng cách nào (Informed) và nguồn tin có tên tuổi cụ thể hay nguồn ẩn danh (Named).

Các nhà báo cần làm đúng trách nhiệm của người cầm bút: Đưa tin đúng sự thật. Tương tự, độc giả cũng phải có trách nhiệm bằng cách không like, share thông tin khi chưa kiểm chứng. Còn với doanh nghiệp, phải có sự tự tin vào bản thân mình và hệ thống pháp luật. 

Tất cả giải pháp trên chỉ là “phát súng mở màn” cho cuộc chiến chống tin tức giả. Mỗi giải pháp đều có ưu điểm và giới hạn riêng của nó. Thế giới tuy phẳng nhưng tồn tại quá nhiều mâu thuẫn, xung đột về lợi ích. Do vậy, tin tức giả vẫn còn đất sống. Và cuộc chiến chống lại nó sẽ còn dài.

Thời đại công nghệ 4.0 đã và đang đặt ra những thách thức cho người làm báo nói chung và các nhà báo trẻ, sinh viên ngành báo chí nói riêng. Bà có lời khuyên gì dành cho các nhà báo trẻ để có thể trở thành những “chiến sĩ” thực thụ trên mặt trận chống tin giả?

Trong sự bùng nổ thông tin của thời đại ngày nay, báo chí càng cần vững vàng để làm nơi neo đậu niềm tin cho xã hội, với điều kiện người làm báo phải thực hiện bằng trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp của mình. Nếu không làm được điều đó, độc giả không cần báo chí nữa. Nếu thông tin trên mạng và trên báo chí không khác gì nhau, độc giả chỉ cần mạng xã hội là đủ thì báo chí không còn lý do tồn tại. Báo chí muốn tồn tại, phải để độc giả tìm được niềm tin ở đó. Vị trí của nhà báo trong xã hội do chính các nhà báo tạo ra. Nhà báo giỏi, có tâm, có đức, phụng sự lợi ích chung của cộng đồng, của xã hội thì được xã hội tôn trọng, đánh giá cao.

Một khi nhà báo bền bỉ, thành tâm nuôi dưỡng niềm tin, ngày ngày tháng tháng - thông qua những tác phẩm báo chí tốt đẹp của mình - để gieo trồng niềm tin cho công chúng, vun đắp niềm tin cho xã hội, thì nhất định sẽ được công chúng và xã hội dành trọn tình cảm mến yêu. Vị trí của nhà báo trong xã hội do chính các nhà báo tạo ra. Không thể đòi hỏi xã hội coi trọng nếu nhà báo không phụng sự xã hội, phụng sự đất nước và nhân dân mình.

Theo Quỳnh Trang - Thời báo Ngân hàng

Tin khác

Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

(NB&CL) Báo chí không chỉ đồng hành cùng công cuộc bảo vệ Tổ quốc, trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ, ngay trong những ngày tháng diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có những bài báo, những bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc lịch sử hào hùng, phản ánh chân thực, sinh động nhất về diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ và 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường… Những câu chuyện ấy phần nào được kể qua hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam hôm nay.

Nghề báo
Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

(CLO) Chiều 26/4, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Cuộc thi ảnh báo chí, nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam và Quốc phòng toàn dân năm 2024.

Nghề báo
Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chương trình trọng điểm, phát sóng đa nền tảng trên các kênh và nền tảng số của VTV.

Nghề báo
Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(CLO) Ngày 26/4, Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho gần 100 hội viên, nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí trong tỉnh.

Nghề báo
Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống Báo Khánh Hòa, ngày 26/4, Báo Khánh Hòa tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Nước giải khát yến sào Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”.

Nghề báo