Báo chí và bài toán phát triển nguồn thu:

Nhà báo Huỳnh Kiên-Tổng Biên tập Báo Gia Lai: Đối với các báo tỉnh, ngân sách vẫn là nguồn chính nuôi dưỡng tờ báo

Thứ hai, 29/06/2020 14:33 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Không quá nặng nề, cấp bách trong việc tìm lời giải cho bài toán kinh tế báo chí, nhưng dù vậy, các cơ quan địa phương cũng không thể đứng bên lề câu chuyện tự chủ tài chính. Báo NB&CL đã có cuộc trao đổi với Nhà báo Huỳnh Kiên - Tổng Biên tập Báo Gia Lai xung quanh vấn đề này.

+ Trong câu chuyện tự chủ tài chính trong các cơ quan báo chí, báo chí địa phương được xem là đối tượng ít liên quan nhất. Vậy quan điểm của Tổng Biên tập như thế nào xung quanh câu chuyện tự chủ tài chính đang đặt ra?

- Tự chủ tài chính đối với các cơ quan báo chí, với tư cách là đơn vị sự nghiệp công lập đã được Đảng, Nhà nước ban hành nhiều nghị quyết, nghị định chỉ đạo thực hiện. Việc sắp xếp, đổi mới hoạt động, tinh giản bộ máy nhân sự trong hệ thống chính trị nước ta, tinh giản biên chế là hết sức cần thiết. Các cơ quan báo chí cũng không nằm ngoài tiến trình đó.

Tuy nhiên hiện nay các cơ quan báo chí tự chủ thế nào là vấn đề nan giải. Hầu hết cơ quan báo chí sống nhờ “bầu” ngân sách Nhà nước, phụ thuộc cơ quan chủ quản. Tỉnh nào, ngành nào quan tâm thì cơ quan ngôn luận trực thuộc tỉnh đó, ngành đó được nhờ. Và ngược lại, cơ quan báo chí nào “tự bơi” sẽ hết sức khó khăn, ngoại trừ một số tờ báo lớn đã có chỗ đứng vững chắc, có lượng bạn đọc đông đảo và nền tảng kinh tế, nhân lực tốt.

Báo Công luận

Hiện nay một số cơ quan báo chí ít được “chủ quản” quan tâm để hoạt động được họ “sống” bằng nhiều cách, trong đó có cách phi báo chí: Sử dụng tạp nham cộng tác viên như phóng viên; phóng viên gắn bó với tờ báo không phải trả lương và nhuận bút mà bằng sự “cống nộp” từ công chúng; tin bài đăng tải dễ dãi, buông tuồng, xem thường bạn đọc… làm cho công chúng mất niềm tin vào báo chí. Nói thế để thấy tính 2 mặt của tự chủ tài chính đối với cơ quan báo chí.

+ Báo Gia Lai đã, đang thực hiện bài toán kinh tế báo chí ra sao: Tự lực cánh sinh hay vẫn thụ động sống dựa vào “bầu sữa” ngân sách địa phương?

- Báo Gia Lai hiện có 62 cán bộ công nhân viên (Thời cao điểm 5 năm trước có 75 người) để thực hiện 12 trang báo mỗi ngày và Báo Gia Lai điện tử, báo ảnh 3 thứ tiếng bản địa mỗi tuần. Tuy nhiên, biên chế Nhà nước chỉ cho báo 37 người. 25 người còn lại báo phải tự tìm nguồn thu để nuôi. Nếu nói 25 con người này báo tự chủ cũng được, nếu nói đơn vị sự nghiệp công lập mọi tài sản, nguồn thu đều của Nhà nước, bám vào Nhà nước có lẽ cũng đúng.

+ Tự chủ tài chính báo chí là bài toán rất khó nhưng trên thực tế tồn tại thì khó mấy cũng cần phải có lời giải. Vậy, Báo Gia Lai đã, đang giải bài toán hóc búa này như thế nào?

-  Trong quy hoạch báo chí đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Báo Gia Lai sẽ tăng dần mức độ tự chủ tài chính theo lộ trình hằng năm. Trong điều kiện hiện nay, nguồn thu của Báo Gia Lai chủ yếu dựa vào quảng cáo, còn phát hành thì lỗ do chi phí in ấn và công tác phát hành cao hơn cả giá bán ra. Tuy nhiên, Ban Biên tập Báo xác định xu thế tự chủ tài chính đối với cơ quan báo chí cả nước là tất yếu nên cần chủ động thực hiện. Ngoài nguồn thu từ quảng cáo, phải tính đến các chuyên trang, chuyên mục, tài trợ… Tuy nhiên, đối với các báo tỉnh, ngân sách vẫn là nguồn chính nuôi dưỡng tờ báo. Không có ngân sách, để các báo tự lo chắc chắn hệ lụy khó lường. Khi đó nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước sẽ bị các mục tiêu tồn vong khác lấn át.

+ Để giữ vững sự tồn tại của mình trong bối cảnh hiện nay, kế hoạch tự chủ tài chính của Báo Gia Lai ra sao? Tự chủ hoàn toàn hay tự chủ một phần?

- Báo Gia Lai xác định chỉ tự chủ một phần. Tương lai nếu thực hiện cơ chế “đặt hàng”, Tổng Biên tập sẽ chủ động, năng động hơn trong thực hiện nhiệm vụ.

+ Cơ quan báo chí sẽ vận hành thế nào để cân bằng việc “kiến tạo doanh thu” và trách nhiệm với “thông tin chính xác, kịp thời và khách quan”?

-  Hiện nay nguồn thu từ hoạt động ngoài ngân sách hằng năm của báo rất nhỏ, chỉ hơn 6 tỷ đồng/năm chưa kể chi phí. Khoản thu này hạch toán, chịu thuế như doanh nghiệp. Báo xác định thực hiện đúng tôn chỉ mục đích của mình, từ đó nâng cao uy tín để bạn đọc tin tưởng quảng bá sản phẩm. Với lượng phát hành hơn 10.000 tờ/ngày và lượng truy cập cao trên báo điện tử là cơ sở để “kiến tạo doanh thu từ độc giả”.

Báo Công luận

+ Thu phí truy cập báo điện tử, phát hành, quảng cáo, xuất bản ấn phẩm, tổ chức sự kiện, hợp tác với mạng xã hội sản xuất video clip, làm streaming giao lưu trực tuyến… là những hình thức có thể tạo được nguồn thu cho báo. Vậy hiện ở Báo Gia Lai nguồn thu chính là từ hình thức nào? Và sắp tới sẽ tối ưu hóa nguồn thu từ hình thức nào?

- Nguồn thu chính của Báo Gia Lai ngoài ngân sách như đã nói là từ quảng cáo. Do bị hạn chế về nguồn nhân lực nên các nguồn thu thông qua Báo điện tử Gia Lai còn thấp. Hiện Ban Biên tập đang xây dựng dự án phát triển báo điện tử, chủ yếu đầu tư hạ tầng và nhân lực. Sau đó mới tính đến nguồn thu từ các hoạt động liên quan đến báo điện tử.

 Thanh Hải (Thực hiện)

Tin khác

Báo Phụ nữ TP HCM công bố Cuộc thi viết “Vẻ đẹp của nước”

Báo Phụ nữ TP HCM công bố Cuộc thi viết “Vẻ đẹp của nước”

(CLO) Ngày 2/5, Báo Phụ nữ TP HCM phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức họp báo công bố Cuộc thi viết với chủ đề “Vẻ đẹp của nước”.

Nghề báo
Toạ đàm về xu hướng truyền thông mới: Biến khó khăn thách thức thành cơ hội phát triển

Toạ đàm về xu hướng truyền thông mới: Biến khó khăn thách thức thành cơ hội phát triển

(CLO) Nhằm đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động Đoàn gắn với công tác chuyên môn nghiệp vụ, chiều 2/5, Ban chấp hành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức chương trình tọa đàm “Xu hướng truyền thông mới – Cơ hội và thách thức”.

Nghề báo
Bổ nhiệm ông Trần Văn Biên làm Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu lập pháp

Bổ nhiệm ông Trần Văn Biên làm Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu lập pháp

(CLO) Sáng 2/5, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu Lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu lập pháp.

Nghề báo
“Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp”: Góc nhìn mới về chiến dịch

“Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp”: Góc nhìn mới về chiến dịch

(CLO) Nói về tác phẩm “Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp” nhà báo Trần Thu Hà cho biết: “Bộ phim chỉ 50 phút, nhưng chúng tôi cố gắng chuyển tải được giá trị từ khối lượng thông tin đồ sộ, thành những câu chuyện dễ hiểu, mới mẻ và thu hút được khán giả, nhưng vẫn phải đảm bảo tính chính xác của thông tin”.

Nghề báo
Khai mạc Cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ - 2024, Cúp Báo Quân đội nhân dân”

Khai mạc Cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ - 2024, Cúp Báo Quân đội nhân dân”

(CLO) Chiều 1/5, tại khu vực hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), Báo Quân đội nhân dân (QĐND) phối hợp với Liên đoàn Xe đạp - Mô tô thể thao Việt Nam và một số đơn vị tổ chức Lễ khai mạc Cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ - 2024, Cúp Báo Quân đội nhân dân”.

Nghề báo