Nhà báo Trần Đức Chính: Như tôi đã mến đã thương…

Chủ nhật, 04/02/2024 14:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Nói đến nhà báo Trần Đức Chính - bút danh Lý Sinh Sự, cái tên quen thuộc trong chuyên mục “Nói hay đừng” của Báo Lao Động chắc hẳn các thế hệ bạn đọc khó ai quên.

Ngay khi tôi có dịp ra Hà Nội, tôi đã rủ bạn bè đến thăm anh ngay. Anh ở chung cư, nhà con gái anh cũng gần ngay đó để hằng ngày sang chăm sóc bố mẹ. Con gái anh bảo bố cháu giờ lúc nhớ lúc quên, đã hơi lãng tai, nhưng vẫn thích đọc báo…

Thời tôi mới về đầu quân cho Báo Lao Động (1990), nhà báo Trần Đức Chính và nhà báo Nguyễn An Định (Chu Thượng) là hai cây bút hàng chiến tướng, ít ai bì kịp.

Trước đây, dù đã nghỉ hưu nhưng ngày nào anh cũng có ít nhất một bài viết đăng báo. Có lần gặp tôi, anh bảo: “Tớ vẫn viết, nhưng không giữ chuyên mục nữa. Đỡ phải lo ngay ngáy việc mỗi kỳ phải có một bài cho báo nào đó”.

Thời sung sức, anh viết một ngày ba bốn bài là chuyện thường. Cái chuyên mục tên là “Nói hay đừng” nhưng chuyện phải “nói” là chính, chuyện phải “đừng” thì hiếm khi mà anh đừng được.

nha bao tran duc chinh nhu toi da men da thuong hinh 1

Chân dung nhà báo Trần Đức Chính qua nét vẽ của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân.

Nhà báo Trần Đức Chính sinh năm 1944, từng là học sinh cấp 3 Chu Văn An (Hà Nội). Nhà báo Trần Đức Chính từng tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1967. Từ 1968 – 1972, ông là phóng viên chiến trường tại Vĩnh Linh (Quảng Trị) và đường mòn Hồ Chí Minh. Ông từng học ĐH Văn hóa Leeningrát (Liên Xô cũ). Ông công tác tại báo Lao Động từ cuối năm 1967. Ông nghỉ hưu với cương vị Phó TBT báo Lao Động. Sau đó ông làm Tổng Biên tập Báo Nhà báo & Công luận từ năm 2006 đến năm 2010. Ngoài viết báo, ông cũng tham gia giảng dạy báo chí và tham gia BGK Giải Báo chí Quốc gia.

Tôi để ý thấy anh là người sử dụng cái tam giác của sự thật trên khuôn mặt rất tài tình. Tai nghe, mắt thấy, miệng hỏi. Nhưng mà anh khéo lắm. Không cho người ta biết mình đang nhìn, đang nghe, đang quan tâm. Người ta mất cảnh giác, cứ tuôn ra bao nhiêu chuyện thượng vàng hạ cám, chả biết có một ông nhà báo đang có vẻ ngó lơ đãng ra ngoài sân nhưng thật ra lại đang chú ý nhặt nhạnh, thu lượm từng câu chữ, từng ý tứ trong câu chuyện rôm rả vô thưởng vô phạt kia.

Cái khéo thứ hai của anh là biết chẻ đề tài. Có một đề tài mà anh chẻ nhỏ, bóc tách nó ra thành nhiều ý riêng, góc nhìn riêng với những nhận định khác nhau. Anh viết một lúc cho nhiều báo được là nhờ như thế. Nhưng anh tài tình hơn những người vốn có tài “chẻ sợi tóc làm tư” ở chỗ, anh phả vào câu chuyện sự thông minh, sắc sảo, dí dỏm của mình, nên mỗi câu chuyện tách ra ấy không chọi nhau, không đá nhau, mà trái lại bổ sung tương tác được với nhau. Trong anh, cái sâu sắc của kẻ sĩ Bắc Hà thấy rõ, không lẫn vào đâu được. Lim dim đấy, rủ rỉ đấy, nhưng tung ra câu chữ nào chết người câu ấy…

Tôi có vài lần đi nhậu cùng anh, trà đá vỉa hè cùng anh. Cái đẳng cấp của anh tự nhiên mà có, anh vượt qua những người bên cạnh bởi sự khiêm nhường hơi cố ý, cái kiểu “tao thừa biết” nhưng không nói ra, khiến người thưa chuyện với anh ít khi dám qua mặt anh chuyện nghề nghiệp.

Tôi đi công tác Cao Bằng với anh một chuyến, thấy anh nhậu ve kêu, uống mà tỉnh như sáo, chả bao giờ thấy líu lưỡi. Chuyến đi Cao Bằng về, tôi được anh khen một câu: Toàn đi nhậu mà thằng Nhân về cũng viết được một phóng sự “Cao Bằng mùa hạt dẻ”. Chắc anh không biết rằng trong phóng sự đó của tôi phảng phất câu chữ, lời lẽ, ý tứ của anh hơi nhiều.

Khi về Báo Lao Động công tác, tôi đã thật sự khâm phục anh về trình độ cày bừa trên cánh đồng chữ nghĩa. Sau hơn 20 năm giữ chuyên mục, anh đã có cả mấy vạn bài báo. Sức viết của anh làm bọn trẻ chúng tôi cũng phải ngả mũ. Anh từng kể với một đồng nghiệp: “Sau hơn 20 năm giữ chuyên mục, đến nay tôi có đến cả vạn bài báo. Riêng năm 2014, tôi có đến 800 bài đăng trên Báo Lao Động, mỗi ngày ít nhất 2 bài cho 2 chuyên mục “Nói hay đừng” và “Những điều trông thấy”. Với phong cách hài chính luận, cùng với sức viết khỏe như vậy, nên anh được phong là “tứ trụ phiếm luận” trong làng báo Việt Nam.

Anh là một người thích đùa đúng nghĩa. Chuyện gì anh cũng đùa, cũng tiếu lâm, cũng pha trò được. Anh có biệt tài làm giảm sự căng thẳng của vấn đề, làm mềm hóa sự xơ cứng của những đề tài khô khan bằng những câu nói đùa ý nhị. Đó là nét riêng, phong cách riêng của anh, của chuyên mục “Nói hay đừng”. Châm biếm mà không chọc giận. Nghiêm túc mà vẫn vui vẻ. Anh nói với tôi một câu rất đúng chất “Nói hay đừng” như sau: Mỗi lần tao vào Sài Gòn công tác, vợ tao chỉ dặn hai điều: “Một là không được đi nhậu với thằng Trần Quang. Hai là không được ngồi xe hơi thằng Huỳnh Dũng Nhân cầm lái”. Câu nói đùa vừa có ý phê phán Trần Quang nhậu nhiều, vừa có ý chê Huỳnh Dũng Nhân lái xe dở. Cứ nửa thật nửa đùa. Ai nghe cũng nhớ đời mà chả bao giờ giận anh được.

Khi nói về các Tổng Biên tập Báo Lao Động, người ta sẽ phải mất ít phút để chọn ra vài người nổi bật. Nhưng nếu bảo kể tên một phóng viên tạo ra được thương hiệu của Báo Lao Động, chắc chắn mọi người sẽ nhắc đến một cái tên: Nhà báo Trần Đức Chính!

Huỳnh Dũng Nhân

Bình Luận

Tin khác

Người phóng viên chiến trường Ngọc Đản và những ký ức khó quên

Người phóng viên chiến trường Ngọc Đản và những ký ức khó quên

(NB&CL) “Đối với chúng tôi, những năm tháng làm phóng viên chiến trường là thời gian ghi lại những ký ức hào hùng của dân tộc và cũng là thời gian tích lũy kinh nghiệm, hiểu biết về nghề làm báo, viết báo. Thật tự hào mỗi khi vào lại Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh, tôi lại đắm chìm trong nỗi nhớ ngày 30/4/1975”- Nhà báo Đậu Ngọc Đản - người phóng viên miền Bắc đầu tiên có mặt tại Dinh Độc Lập 30/4/1975, sau 50 năm, vẫn xúc động khi trò chuyện về những năm tháng lịch sử.

Nghề báo
Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

(CLO) Trong những ngày tháng diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có những bài báo, những bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc lịch sử hào hùng, phản ánh chân thực, sinh động nhất về diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ và 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường… Những câu chuyện ấy phần nào được kể qua hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam hôm nay.

Nghề báo
Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

(CLO) Chiều 26/4, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Cuộc thi ảnh báo chí, nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam và Quốc phòng toàn dân năm 2024.

Nghề báo
Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chương trình trọng điểm, phát sóng đa nền tảng trên các kênh và nền tảng số của VTV.

Nghề báo
Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(CLO) Ngày 26/4, Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho gần 100 hội viên, nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí trong tỉnh.

Nghề báo