Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý Chuyện bây giờ mới kể

Thứ ba, 24/01/2023 19:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Là một nhạc sỹ tài hoa, đào hoa, gốc Bắc, sinh ra ở TP. Vinh (Nghệ An) sống ở Sài Gòn, nhưng Nguyễn Văn Tý lại có nhiều bài hát hay, nổi tiếng về Hà Tĩnh.

Cây mọc phía này, cành ngọn phía bên kia

Tôi đã không dưới vài lần được gặp và trò chuyện với nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý.

Tối 8/4/1995, tại gác 2 trụ sở Sở Văn hoá - Thông tin Hà Tĩnh diễn ra buổi gặp mặt thật ấm áp tình người giữa nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý và những nhà báo,  văn nghệ sỹ Hà Tĩnh yêu mến ông. Đã tròn 20 năm, kể từ “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”, ông mới có dịp trở về thăm Hà Tĩnh. Tuy lúc đó đã 74 tuổi, mái tóc, lông mày bạc trắng, song trông ông vẫn vạm vỡ, khoẻ mạnh, da dẻ hồng hào. Ông kể, ngày còn nhỏ, tôi đã từng hát “Trăm khúc sông đổ về một bên, tôi thương nàng mà khó bén duyên…”. Ấy là ông đang nhớ lại mối tình của ông với một cô gái vùng bãi ngang của Hà Tĩnh. Những ngày ông cùng mẹ với một con thuyền nhỏ, chèo từ Bến Thuỷ Thành Vinh về lấy muối ở Hộ Độ (xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà ngày nay). Lênh đênh với sông nước, mây trời, biển bạc ngày này qua đêm khác, chàng trai trẻ có số đào hoa, lãng tử Nguyễn Văn Tý đem lòng yêu một cô gái ở quê muối nổi tiếng này. Cô tên là Cúc, gương mặt xinh tươi, nụ cười e ấp nửa miệng đã hút hồn ông ngay từ cái nhìn đầu tiên. Tiếc thay mối tình đó không được lâu bền. Chỉ một năm sau ngày cưới, khi đứa con gái đầu lòng tròn 3 tháng tuổi, người mẹ xấu số đó đã phải ra đi vì bệnh tim.

nhac sy nguyen van ty chuyen bay gio moi ke hinh 1

Có lẽ, đó là lý do để ông lần này về thăm Hà Tĩnh và cho ra đời tác phẩm mới, bài hát: “Đường về Hộ Độ”. Ông nói thật lòng, tôi quê đất Tổ, sinh ra tại xóm chợ Trường Thi, song đời sống tình cảm của tôi lại nghiêng về Hà Tĩnh. “Cây mọc ở bên này, cành ngọn lại nghiêng về bên kia, là vậy đó!”. Ra đi, tôi nói với bạn bè là về thăm quê. Tôi nhận thật chứ không phải nhận vờ đâu. Bài này có phần tôi tự trách tôi. Rồi ông hát một đoạn trong bài: “Người đi ai còn nhớ/Đường xưa khó khi về/Ngày xưa, xưa là thế/Sao mặn nồng tình quê/Mà ngày nay, nay là thế/Bấy nhiêu năm sao chẳng thấy ta về?”.

Tôi biết, mối tình đầu với cô gái Hà Tĩnh đã để lại nỗi nhớ da diết, khôn nguôi trong các tác phẩm của ông viết về vùng quê này. Còn nhớ câu: … “Giọt sương mai lung linh nỗi nhớ” hoặc “Thương con đò cắm con sào đứng đợi” trong “Đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh” là sự ẩn dụ, tự vấn của ông với người xưa cũ… Quý mến ông, trân trọng kỷ niệm đẹp của ông với quê nhà, nhạc sỹ Mạnh Chiến đã chỉ đạo ca sỹ Trang Nhung - Đội Tuyên truyền văn hoá Bộ đội Biên phòng tỉnh (lúc bấy giờ) và các nhạc công Trường VHNT tập luyện tích cực để kịp trình diễn trong buổi hôm nay. Bài “Đường về Hộ Độ” với nhịp Valse, tiết tấu chậm, buồn được Trang Nhung biểu diễn khá thành công. Nhìn người nhạc sỹ già, râu tóc bạc phơ,  mắt mơ màng hát theo ca sỹ, tay vỗ nhịp ¾ lên mặt bàn, tôi thấy ông quá đẹp lão và đáng yêu biết bao. Ông dường như quên đi tất cả quanh mình, thả tâm hồn phiêu diêu, trôi theo những hoài niệm của mối tình ngọt ngào thời niên thiếu.

Những tác phẩm để đời

Năm 2015, nhân một dịp đi công tác TP. Hồ Chí Minh hội thảo kêu gọi đầu tư và gặp gỡ đồng hương Hà Tĩnh, tôi tìm đến thăm ông.

Dù tuổi đã cao nhưng khi nhắc đến những lần về sáng tác ở Hà Tĩnh là mắt ông sáng lên, trí nhớ trở nên mẫn tiệp lạ kỳ. Nhìn ra xa, như để ký ức quay trở về với mảnh đất nghèo mà đầy tình nghĩa đã tạo nguồn cảm hứng cho ông có hai tác phẩm âm nhạc để đời là “Đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh”“Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”

nhac sy nguyen van ty chuyen bay gio moi ke hinh 2

Ông kể, năm 1974 trong hoàn cảnh sau chiến tranh còn bộn bề công việc lo cho cả tỉnh cái ăn, cái mặc,  song anh Trần Quang Đạt - Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh vẫn đích thân mời tôi về tìm hiểu, sáng tác bài hát động viên bà con phấn khởi sản xuất, khôi phục kinh tế quê hương. Anh Đạt đã dành xe ô-tô của Ủy ban tỉnh, cho lái xe cùng một cán bộ hằng ngày chở nhạc sỹ về các vùng quê Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc... tìm cảm hứng để sáng tác. Chính anh Đạt cũng là người dành thời gian đọc góp ý về phần lời rất nhiệt tình, còn nhạc sỹ Lê Hàm và anh chị em Đoàn văn công Hà Tĩnh đã giúp tôi phối khí, thể hiện thành công ca khúc này.

Sau đó chỉ vài năm, năm 1976, cũng chính anh Trần Quang Đạt, lúc đó là Chủ tịch UBND Nghệ Tĩnh đã mời tôi về lại Hà Tĩnh, thăm công trình thủy lợi Kẻ Gỗ, một trong những kỳ tích của Nghệ Tĩnh. Gắn bó hàng tháng trời với hàng vạn dân công, chứng kiến sự can trường, sức lao động bên bỉ trong mưa dầm, nắng gắt miền Trung, tôi thật sự xúc động và thán phục. Để được “tắm mình” trong không khí đào núi xây hồ “nghiêng trời lở đất” đó, tôi đã cùng anh chị em văn công tỉnh “ba cùng” với bà con cả tháng trời, tối đến trải chiếu ngủ luôn dưới thềm một ngôi chùa cổ, mặc dù Chủ tịch Đạt không đành lòng nhiều lần mời tôi ra khách sạn thị xã.

“Bởi chúng mình thương bao nhiêu mảnh đất cằn/Mà đời không ngại đào mấy con kênh/Đắp hồ, xây đập, ta đưa dòng nước ngọt”... Bằng chất liệu dân ca Nghệ Tĩnh, mượt mà, sâu lắng, bài hát đã hấp dẫn người nghe ngay từ những câu mở đầu. Nhạc sỹ Lê Hàm, hồi ấy là Trưởng đoàn Văn công Hà Tĩnh, người được lãnh đạo tỉnh cử đi cùng nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý suốt chặng đường thực tế, đã cho anh chị em trong đoàn tập luyện, ghi âm và hát ngay tại loa phóng thanh của công trường. Bài hát “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” trở thành “bài tủ” của Đoàn,và sau này cùng với bài “Đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh” không chỉ trở thành “tỉnh ca” mà còn được hát lên tại nhiều cuộc liên hoan, giao lưu… trong nước.

Kể đến đây, ông với tay lục tìm trong tập sách vở đầu giường ngủ, đưa cho tôi xem mấy bài thơ chúc thọ ông những ngày đầu xuân của Hội Đồng hương Hà Tĩnh tại TP. Hồ Chí Minh. Rồi ông chỉ vào tấm biển ghi nhận “hỗ trợ nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý suốt đời, với số tiền mỗi tháng 5 triệu đồng của Hà Tĩnh”.

nhac sy nguyen van ty chuyen bay gio moi ke hinh 3

Với người Hà Tĩnh, từ lâu nay, nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý cũng là một người con của quê hương.

“Hà Tĩnh quý tôi lắm. Tôi cũng vậy, nên mới có được những bài hát có thể nói là gan ruột nhất, nặng tình nhất với vùng quê này. Chẳng phải vô cớ, tôi là người Nghệ An mà nhiều năm liền, Hội Đồng hương Hà Tĩnh tại TP. Hồ Chí Minh cứ bầu, “bắt” tôi làm Chủ tịch danh dự của hội”, ông nói trong xúc động.  

Năm 2006, nhận lời mời của Tỉnh uỷ Hà Tĩnh, ông cùng con gái Thái Linh về Hà Tĩnh, thăm mộ 10 O (cô gái) Đồng Lộc. “Tôi thấy ánh mắt các O sáng long lanh trong những tấm hình trên từng ngôi mộ. Ánh mắt các O nhìn thẳng vào trái tim tôi và thắp lên ngọn lửa thiêng khiến tôi sáng suốt. Ánh mắt ấy, cái nhìn ấy cứ theo mãi tôi cho đến khi tác phẩm “Mười bông hoa trinh liệt giữa Ngã ba Đồng Lộc” được hoàn thành”. Nói đoạn, ông đưa cho tôi xem bài hát được đăng trong một tờ báo văn nghệ. “Mười bông hoa trinh liệt giữa Ngã ba Đồng Lộc” - đây có thể coi là tác phẩm cuối cùng, kết thúc cuộc đời, sự nghiệp sáng tác nổi tiếng của ông về cả nước cũng như Hà Tĩnh.

Khắc Hiển

Bình Luận

Tin khác

Bế mạc Liên hoan nghệ thuật Sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ I – 2024

Bế mạc Liên hoan nghệ thuật Sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ I – 2024

(CLO) Tối 20/5, tại TP Hải Phòng, Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam phối hợp với UBND TP Hải Phòng tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan nghệ thuật Sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất năm 2024.

Đời sống văn hóa
Hưng Yên: Đình Đại Hạnh được xếp hạng di tích quốc gia

Hưng Yên: Đình Đại Hạnh được xếp hạng di tích quốc gia

(CLO) Bộ VHTT&DL vừa có quyết định xếp hạng di tích quốc gia Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Đại Hạnh, xã Hoàn Long, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.

Đời sống văn hóa
Lần đầu tiên khai mạc Tuần lễ Festival Huế tại điện Kiến Trung

Lần đầu tiên khai mạc Tuần lễ Festival Huế tại điện Kiến Trung

(CLO) Chương trình khai mạc Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024 được dàn dựng công phu, mới lạ, kết hợp hiệu ứng âm thanh, công nghệ chiếu sáng tiên tiến và pháo hoa nghệ thuật.

Đời sống văn hóa
Đức Tăng Thống Myanmar đến thăm Việt Nam mùa Phật đản

Đức Tăng Thống Myanmar đến thăm Việt Nam mùa Phật đản

(CLO) Mới đây, tại Trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ngài Tăng thống - Tiến sĩ Sayadaw Sandimar Bhivamsa - Bậc Đại Thiện Trí Cao Thượng, Bậc Đại Xiển Dương Chánh Pháp Cao Thượng; cùng Tăng đoàn Myanmar đã đến thăm và chúc mừng Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhân dịp Phật đản.

Đời sống văn hóa
Nghệ sĩ góp tiếng nói để phát triển sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng

Nghệ sĩ góp tiếng nói để phát triển sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng

(CLO) Chiều 20/5, tại TP Hải Phòng, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp với Sở Văn hoá Thể thao Hải Phòng tổ chức Toạ đàm “Liên hoan nghệ thuật Sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất năm 2024.

Đời sống văn hóa