Nhân kỷ niệm 74 năm Ngày TBLS 27/7: Hai đồng nghiệp của chúng tôi đã hy sinh như thế!

Thứ hai, 26/07/2021 14:34 PM - 0 Trả lời

(CLO) Sự kiện máy bay Mỹ ném bom cầu Gia Bẩy ngày 17/10/1965 khiến nhiều người chiến đấu và hy sinh anh dũng, trong đó có 2 đồng nghiệp của chúng tôi có lẽ cần nhắc nhớ với hậu thế.

Trong các sự kiện lớn của những năm chống chiến tranh phá hoại của Mỹ trên quê hương Thái Nguyên, ngoài khúc tráng ca Đại đội 915 TNXP với 60 chiến sỹ hy sinh chiều 24/12/1972 tại ga Lưu Xá luôn được nhắc nhớ, sự kiện máy bay Mỹ ném bom cầu Gia Bẩy ngày 17/10/1965 khiến nhiều người chiến đấu và hy sinh anh dũng, trong đó có 2 đồng nghiệp của chúng tôi có lẽ cần nhắc nhớ với hậu thế. Tôi là người trong cuộc, đem tâm sự này kể chuyện với nhà báo Phan Hữu Minh và được đồng chí ấy động viên nên viết…

Ngày 25/8/1962, trong một quyết định do Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Lê Đức Chỉnh ký, Đài Truyền thanh Thái Nguyên và Tờ tin Thái Nguyên về chung một nhà và là cơ quan báo chí cấp tỉnh, gọi là cơ quan đài, báo Thái Nguyên. Riêng phần Truyền thanh chúng tôi thì ra đời từ 2/9/1956, do Liên Xô giúp nên thuộc loại mạnh của các tỉnh miền Bắc lúc đó.

Ngày 3 buổi “Đây là Đài truyền thanh Thái Nguyên” cất lên ở hệ thống loa công cộng toàn thành phố thật rạo rực lòng người. Ngày 5/8/1964, Mỹ phát động chiến tranh phá hoại miền Bắc XHCN bằng không quân và hải quân, Thái Nguyên là trọng điểm đánh phá, đài chúng tôi trở thành phương tiện báo động phòng không số 1, sẵn sàng phát 24/24 giờ. 

“Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý, máy bay địch cách…” là thông tin mà chúng tôi đọc thuộc lòng. Và những người làm phát thanh, báo chí đều hiểu vinh dự, nguy hiểm cũng như đóng góp của mình cho cuộc sống mà lằn ranh sống - chết tính bằng phút, bằng giây…

Bia tưởng niệm nạn nhân trận bom đánh Cầu Gia Bẩy... Danh sách hy sinh chưa có tên 2 liệt sỹ của Đài Truyền thanh Thái Nguyên.

Bia tưởng niệm nạn nhân trận bom đánh Cầu Gia Bẩy... Danh sách hy sinh chưa có tên 2 liệt sỹ của Đài Truyền thanh Thái Nguyên.

… Hôm ấy là Chủ nhật - ngày 17 tháng 10 năm 1965, sau khi phát xong bản tin phục vụ cho bà con các dân tộc đi chợ phiên cứ 5 ngày một lần họp (mùng 3, mùng 8 ta…) lại có một buổi phát thanh phục vụ bà con các dân tộc đi chợ Thái. Tôi ra khỏi phòng thu thì đã nghe tiếng máy bay gầm rú trên bầu trời. Tôi chạy vội xuống hầm, nơi để máy phát thanh và định gọi điện hỏi Ban phòng không tỉnh đội Bắc Thái xem là máy bay của ta đang tập luyện hay máy bay của địch…

Chưa kịp gọi điện thì đã nghe tiếng bom rung chuyển từ khu vực Cầu Gia Bẩy. Loạt bom rơi đầu tiên làm mất toàn bộ điện lưới của thành phố. Tôi vội gọi bác Lã Quốc Tự là Trưởng Đài chạy máy nổ, ngay lúc đó, trần nhà đặt máy nổ bị sập rơi trúng đầu bác Tự.

Mặc dù vậy, bác vẫn một tay ôm đầu đầy máu, 1 tay quay ma-li-ven cho máy nổ hoạt động. Có điện, tôi chạy xuống hầm bấm còi báo động toàn thành phố và thông báo trên loa truyền thanh: “Máy bay địch đã bất ngờ xâm phạm vùng trời thành phố Thái Nguyên, các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu, bà con nhân dân ai không có nhiệm vụ nhanh chóng xuống hầm trú ẩn”.

Lúc này đồng chí Xuân Hè của Ban phòng không tỉnh đội Bắc Thái mới liên lạc được với Đài để thông báo tình hình chiến sự đang diễn ra tại khu vực Cầu Gia Bẩy, kẻ địch phá cầu để cắt đứt nguồn viện trợ từ các nước Xã hội chủ nghĩa đang tích cực chi viện cho chiến trường miền Nam.

Cụm loa truyền thanh tại khu Gia Bẩy bị bom Mỹ đánh tan. Bác Lã Quốc Tự phân công 2 đồng chí trực đường dây là đồng chí Vũ Văn Soái và Nguyễn Thừa Cơ mang hai loa nén 25w cùng dây truyền thanh lên ngay khu vực Cầu Gia Bẩy để nối lại đường dây và lắp thêm hai loa truyền thanh, để kịp thời thông báo tình hình chiến đấu của các lực lượng vũ trang do Tỉnh đội Bắc Thái chuyển tới.

Lúc này, đồng chí Doanh Hằng - Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Bắc Thái đã sang Đài chỉ thị công an cứu hỏa đến khu vực Cầu Gia Bẩy để dập tắt các đám cháy do bom Mỹ vừa tàn phá và kêu gọi bà con không ai được xuống Sông Cầu vớt cá để phòng máy bay địch quay trở lại.

Nhận chỉ thị tại chỗ của Chủ tịch, tôi thông báo lên hệ thống loa, lúc này bất ngờ máy bay địch lại đánh phá lần thứ 2. Những người có mặt và sống sót tại trận địa pháo phòng không đồi Két Nước kể lại: Hai đồng chí Cơ và Soái đang treo loa trên cột điện đều bị bom phạt và hy sinh…

Được tin, một mặt Đài tiếp tục cử người nối dây cho dòng tin thông suốt và lo mai táng hai đồng chí tại nghĩa trang liệt sĩ Dốc Lim… Đó là mất mát to lớn và đầu tiên của cơ quan báo chí Thái Nguyên…

Ngoài chỉ thị của tỉnh, ngay tối hôm đó (17/10/1965), nhận lệnh của Trung ương, đồng chí Nguyễn Đậu - Cục trưởng Cục Truyền thanh cùng với một kỹ sư, hai kỹ thuật đường dây từ Hà Nội lên yêu cầu Đài Thái Nguyên phải tháo dỡ toàn bộ máy móc, thiết bị sơ tán sang Hang Leo (Đồng Hỷ).

Với tinh thần: Biến đau thương thành hành động cách mạng, chúng tôi đã cả đêm kéo đường dây qua sông, kết nối với cụm phi đơ trong thành phố để từ đó chuyển tải qua các tuyến đường dây truyền thanh hoạt động bình thường. Đến 5 giờ sáng ngày 18/10/1965, toàn thành phố lại vang vang: “Đây là Đài Truyền thanh Thái Nguyên… Mời đồng bào và các bạn nghe bản tin sáng nay có những nội dung chính sau đây: Vào lúc 9h45 phút hôm qua 17/10, giặc Mỹ đã gây tội ác vô cùng thảm khốc với đồng bào và chiến sỹ tỉnh nhà…”.

Bản tin đặc biệt ấy tố cáo: “Từ 9h45 phút đến 10h30 phút sáng 17/10/1965”, Mỹ đã huy động 29 lần chiếc máy bay, ném 116 quả bom, phóng nhiều rốc két xuống khu vực Cầu Gia Bẩy. 80 người đã bị sát hại, 67 người bị thương trong đó có 15 chiến sỹ Đại đội tự vệ Tiểu khu Hoàng Văn Thụ hy sinh, 17 chiến sỹ bị thương; 2 cán bộ của Đài truyền thanh Thái Nguyên hy sinh, 45 ngôi nhà bị phá hủy… Lực lượng vũ trang và dân quân tự vệ chiến đấu ngoan cường, giữ được cầu và bắn hạ 1 máy bay Mỹ…

Báo Công luận

56 năm rồi, thế hệ chúng tôi cũng đã Bát thập niên tuế cả rồi nhưng trong lòng chúng tôi, những người làm truyền thanh, phát thanh vẫn ghi nhớ ngày 17 tháng 10 năm 1965 bi tráng đó, ngày mà Đài chúng tôi đã có hai liệt sĩ đã ngã xuống để cho dòng tin thông suốt…

…Ở phía hữu ngạn Sông Cầu, ngay đầu cầu Gia Bẩy, có một tượng đài nhỏ hình cờ Tổ quốc, ngoài hương án tưởng nhớ những người đã mất trong trận bom dã man hôm đó, còn có một bia ghi danh các liệt sỹ đã hy sinh. Chưa thấy tên liệt sỹ Cơ, liệt sỹ Soái của lực lượng báo chí chúng tôi? Nhân dịp này, chúng tôi đề nghị Hội Nhà báo tỉnh, Đài PTTH tỉnh tìm hiểu và đề nghị… Thiết nghĩ đó là việc làm thiết thực tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh xương máu của mình để nghề báo luôn vinh quang; đất nước được bình yên, tươi đẹp.

Nguyễn Thị Khánh

(Hội viên HNBVN -  CLB Nhà báo cao tuổi - HNBTN)

Tin khác

“Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp”: Góc nhìn mới về chiến dịch

“Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp”: Góc nhìn mới về chiến dịch

(CLO) Nói về tác phẩm “Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp” nhà báo Trần Thu Hà cho biết: “Bộ phim chỉ 50 phút, nhưng chúng tôi cố gắng chuyển tải được giá trị từ khối lượng thông tin đồ sộ, thành những câu chuyện dễ hiểu, mới mẻ và thu hút được khán giả, nhưng vẫn phải đảm bảo tính chính xác của thông tin”.

Nghề báo
Khai mạc Cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ - 2024, Cúp Báo Quân đội nhân dân”

Khai mạc Cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ - 2024, Cúp Báo Quân đội nhân dân”

(CLO) Chiều 1/5, tại khu vực hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), Báo Quân đội nhân dân (QĐND) phối hợp với Liên đoàn Xe đạp - Mô tô thể thao Việt Nam và một số đơn vị tổ chức Lễ khai mạc Cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ - 2024, Cúp Báo Quân đội nhân dân”.

Nghề báo
Nhà báo Đinh Quang Thành với giờ phút may mắn trong cuộc đời nghề nghiệp

Nhà báo Đinh Quang Thành với giờ phút may mắn trong cuộc đời nghề nghiệp

(CLO) Theo nhà báo Đinh Quang Thành: “Trưa ngày 30/4/1975, tôi không nghĩ mình có thể vào được Dinh Độc Lập ở giây phút lịch sử đó. Sau bao ngày cùng các đơn vị bộ đội trải qua gian khổ…, có mặt ở thời khắc lịch sử quan trọng ấy, đối với tôi đó là điều vô cùng may mắn trong cuộc đời nghề nghiệp”.

Nghề báo
Người phóng viên chiến trường Ngọc Đản và những ký ức khó quên

Người phóng viên chiến trường Ngọc Đản và những ký ức khó quên

(NB&CL) “Đối với chúng tôi, những năm tháng làm phóng viên chiến trường là thời gian ghi lại những ký ức hào hùng của dân tộc và cũng là thời gian tích lũy kinh nghiệm, hiểu biết về nghề làm báo, viết báo. Thật tự hào mỗi khi vào lại Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh, tôi lại đắm chìm trong nỗi nhớ ngày 30/4/1975”- Nhà báo Đậu Ngọc Đản - người phóng viên miền Bắc đầu tiên có mặt tại Dinh Độc Lập 30/4/1975, sau 50 năm, vẫn xúc động khi trò chuyện về những năm tháng lịch sử.

Nghề báo
Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

(CLO) Trong những ngày tháng diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có những bài báo, những bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc lịch sử hào hùng, phản ánh chân thực, sinh động nhất về diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ và 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường… Những câu chuyện ấy phần nào được kể qua hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam hôm nay.

Nghề báo