Nhan nhản tình trạng "coi tài sản công như của chùa" ở nhiều công sở

Thứ bảy, 05/05/2018 08:18 AM - 0 Trả lời

Việc lãng phí, thất thoát trong việc sử dụng tài sản nhà nước đang diễn ra khá nghiêm trọng, mức độ lãng phí có xu hướng ngày càng gia tăng trên nhiều phương diện.

Báo Công luận
Quản lý đấu giá thanh lý tài sản nhà nước vẫn là chủ đề nóng hiện nay. Ảnh minh họa. 

Tài sản công thuộc sở hữu của nhà nước, tập thể, nói rộng ra là thuộc sở hữu của toàn dân. Việc giữ gìn, bảo quản tài sản công phải tuân thủ những quy định chặt chẽ của pháp luật. 

Tuy vậy, thực tế hiện nay cho thấy, việc lãng phí, thất thoát trong việc sử dụng tài sản nhà nước đang diễn ra khá nghiêm trọng, mức độ lãng phí có xu hướng ngày càng gia tăng trên nhiều phương diện. 

Từ xây dựng cơ bản, quản lý và sử dụng đất, xây dựng trụ sở, sử dụng ô tô, xe máy đến thiết bị văn phòng;… gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Đến các văn phòng cơ sở, nơi được trang bị hệ thống máy tính, điều hòa, điện thoại, không khó để bắt gặp cảnh một vài người ngồi chơi điện tử, buôn dưa lê qua điện thoại, qua máy tính. Mặc dù tất cả công sở có quy định, nhân viên khi đi ra ngoài, hoặc trước khi ra về phải tắt điện, tắt máy tính, quạt, điều hòa;... nhưng không ít văn phòng, máy điều hòa vẫn chạy, điện vẫn bật sáng cả đêm.

 Tình trạng coi tài sản của Nhà nước như của chùa, cha chung không ai khóc, sử dụng tùy tiện xảy ra khá phổ biến ở nhiều cơ quan công sở, khiến cho các trang thiết bị nhanh xuống cấp và khi đó, các trang thiết bị lại được thanh lý với giá rẻ.

Chị Nguyễn Thị Liên ở quận Ba Đình, Hà Nội cho rằng, nguyên nhân chính của tình trạng lãng phí nơi công sở là do một số cán bộ, công chức thiếu ý thức.

“Tôi thấy hiện nay, ở các cơ quan công sở, tài sản nhà nước rất nhanh xuống cấp vì mọi người sử dụng một cách vô tội vạ và không có ý thức bảo quản, tiết kiệm. Chống lãng phí không ở đâu xa mà ở ngay trong ý thức của các cán bộ trong các cơ quan nhà nước. Chỉ cần sử dụng có ý thức là cũng tiết kiệm được tiền” - chị Liên nói.

Việc các quan chức nhà nước có xe công để đi lại, thực hiện nhiệm vụ là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, điều mà người dân đặt câu hỏi là những cán bộ nào được sử dụng xe công và xe công được sử dụng như thế nào. Bởi, không thể phủ nhận một thực tế đang tồn tại ở nước ta những năm qua là các ngành, các địa phương đều ồ ạt mua sắm xe công. 

Ngoài chi phí mua xe còn phát sinh hàng loạt chi phí tốn kém như tiền xăng, tiền bảo dưỡng, tiền lương cho lái xe,... Không chỉ mua sắm xe không đúng quy định mà việc sử dụng xe công làm việc riêng như đi chùa, đi đám cưới xảy ra khá phổ biến.

Anh Dương Văn Tài ở thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh nêu thực trạng: “Tôi thấy, hằng năm đến mùa lễ hội có rất nhiều xe công đi lễ chùa. Thời gian gần đây hiện tượng đó có giảm bớt. Theo suy nghĩ của tôi, đời sống của một số người dân còn hết sức khó khăn. 

Trong khi đó, một số cán bộ nhà nước lợi dụng tài sản công đi như thế thì rất lãng phí và ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước”.

Ở lĩnh vực xây dựng thì tình trạng lãng phí không phải là ít. Ở nhiều địa phương, nhiều khu công nghiệp lấy đất nông nghiệp, giải phóng mặt bằng với khối lượng lớn nhưng lại bỏ trống nhiều năm hoặc có thực hiện nhưng lại chậm tiến độ.

Nhiều cơ quan, đơn vị xin cấp kinh phí xây dựng trụ sở rộng thênh thang nhưng lại sử dụng không hết, tùy tiện đem bán, đấu thầu hoặc cho thuê sai mục đích, nguyên tắc.

Bày tỏ sự không đồng tình với tình trạng sử dụng lãng phí trụ sở của cơ quan nhà nước, bà Lê Thị Hiên ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội nêu quan điểm: “Tôi được biết, hiện ở nhiều địa phương trụ sở của các cơ quan nhà nước được xây rất bề thế, rộng thênh thang trên các khu đất có giá trị. 

Trong khi nhiều người dân không có đất để ở, không có đất để sản xuất. Chưa kể có nhiều cơ quan có nhiều đất, không sử dụng hết cho thuê lại, như vậy là sử dụng đất không đúng mục đích”.

Có nhiều giải pháp để chống lãng phí trong quản lý và sử dụng tài sản công. Tuy nhiên có một vấn đề cần phải nói đến là cơ chế chính sách. Nghe có vẻ mâu thuẫn, bởi thực tế, chủ trương, chính sách của chúng ta không thiếu, thậm chí có nhiều nhưng lại rất yếu về sự đồng bộ, chặt chẽ. 

Chính sự vừa thừa, vừa thiếu này làm cho cuộc chiến chống lãng phí trong sử dụng tài sản công chưa được như mong muốn.

Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Hậu, phó Chủ tịch Hội luật gia thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Chúng ta phải xây dựng một cơ chế, chính sách về giao dự toán ngân sách mua sắm tài sản công và phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, giám sát mua sắm tài sản công, đặc biệt phải có sự đấu thầu. 

Luật quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2018. Chính phủ và Bộ Tài chính cũng phải có những quy định cụ thể làm sao chúng ta quản lý tốt nhất tài sản công”.

Một vấn đề nữa cần phải nói tới ở nước ta hiện nay là các tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công tuy đã quy định nhưng lại thiếu yếu tố hiệu quả. Một khi hệ thống tiêu chuẩn, định mức không chính xác, lạc hậu tất yếu dẫn đến việc chấp hành tùy tiện.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Chí Hiếu, vấn đề cấp thiết hiện nay là phải nhanh chóng hoàn thiện, bổ sung hệ thống chế độ định mức, tiêu chuẩn về sử dụng tài sản công: “Chính phủ ban hành về việc sử dụng đó như thế nào, những quy chuẩn nào và từ quy chuẩn đó sử dụng và để có thể thẩm định xem những tài sản nào đang được sử dụng một cách hợp lý hoặc là không? Trước hết phải có một quy định chung chứ không phải để địa phương tùy tiện”.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, để quản lý và giám sát tài sản công hiệu quả thì việc công khai các nội dung như tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, giá trị tài sản của nhà nước là rất quan trọng.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, xã hội và nhân dân kỳ vọng báo cáo công khai tình hình quản lý và sử dụng tài sản công, có những thông tin cụ thể, chi tiết như chi phí mua xe công, chi phí bảo dưỡng sửa chữa giá trị còn lại của tài sản. 

Thậm chí cả đối tượng được giao quản lý, sử dụng tài sản công. Chứ không phải một báo cáo chung chung, hay lặp lại các thông tin từ lâu nằm trong diện công bố.

 Khi có được một báo cáo chi tiết, Nhà nước và nhân dân sẽ có biện pháp quản lý và giám sát tài sản công một cách hiệu quả.

“Tôi nghĩ Việt Nam cần phải thực hiện rất nghiêm việc công khai, minh bạch một cách rất cụ thể thì mới có thể tránh được việc sự lãng phí, ví dụ như một cơ quan hiện nay đã bội chi rất nhiều mà không biết lấy tiền đâu để bù vào điều đó”- chuyên gia  kinh tế Lê Đăng Doanh nói./.

 Theo VOV

Tin khác

Lễ Thượng cờ “Thống nhất non sông” tại Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải

Lễ Thượng cờ “Thống nhất non sông” tại Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải

(CLO) Sáng 30/4, tại Kỳ đài ở Khu Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức Lễ Thượng cờ “Thống nhất non sông” nhân dịp Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), 52 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972-1/5/2024).

Tin tức
Cảnh sát biển Việt Nam và Trung Quốc kết thúc tốt đẹp chuyến tuần tra liên hợp

Cảnh sát biển Việt Nam và Trung Quốc kết thúc tốt đẹp chuyến tuần tra liên hợp

(CLO) Ngày 29/4, Cảnh sát biển hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã kết thúc tốt đẹp chuyến tuần tra liên hợp trên vùng biển lân cận đường phân định Vịnh Bắc Bộ lần thứ nhất năm 2024.

Tin tức
Chiến tranh đã kết thúc như thế…

Chiến tranh đã kết thúc như thế…

(NB&CL) 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975 cờ Giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Thời khắc ấy báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã toàn thắng, cũng là thời khắc báo hiệu chiến tranh đã kết thúc. Thời khắc đáng nhớ ấy, nhiều năm sau, vẫn như đọng nguyên trong ký ức của nhiều ký giả quốc tế - những con người đã có cơ may hiếm có được ghi nhận, chứng kiến những biến động một đi không trở lại của lịch sử.

Tin tức
Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn tri ân các đồng chí tướng lĩnh Quân đội

Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn tri ân các đồng chí tướng lĩnh Quân đội

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024) và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), ngày 29/4, đoàn Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng do Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam làm trưởng đoàn đã đến dâng hoa, dâng hương tưởng niệm, tri ân các đồng chí tướng lĩnh Quân đội.

Tin tức
Thúc đẩy hợp tác văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ giữa Việt Nam - Nhật Bản

Thúc đẩy hợp tác văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ giữa Việt Nam - Nhật Bản

(CLO) Ngày 29/4, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tiếp Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản Moriyama Masahito đang có chuyến thăm Việt Nam.

Tin tức