Nhìn lại thân phận nàng Kiều qua những thảm họa của điện ảnh Việt

Thứ hai, 12/04/2021 14:56 PM - 0 Trả lời

(CLO) Nếu như cuộc lưu lạc 15 năm của Kiều trong tác phẩm mà thi hào Nguyễn Du viết đầy truân chuyên, khổ ải, thì trong điện ảnh Việt, số phận của nàng cũng không khá hơn khi được lấy cảm hứng hay phóng tác thành những bản phim thảm họa.

Từ kiệt tác của văn học Việt đến cái khó khi được chuyển thể

Truyện Kiều của Nguyễn Du lâu nay đã không còn xa lạ với nhiều thế hệ người Việt với nhiều trích đoạn được dạy và học trong chương trình phổ thông cũng như rất nhiều hình thức sáng tạo phát triển từ tác phẩm này. Người ta bói Kiều, lẩy Kiều hay dùng Kiều để nói về muôn mặt đời sống lâu dần đã trở thành nét văn hóa trong tâm thức người Việt.

Tuy Nguyễn Du đã mượn cốt truyện từ tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Nhưng những sáng tạo vào việc lồng ghép các yếu tố Việt vào câu chuyện cũ đã biến tác phẩm của ông thành tuyệt bút muôn đời. Chữ Nôm cùng các điển tích, điển cố, câu nói dân gian đã đưa vào Truyện Kiều rất khéo léo nhằm mang lại hiệu quả nghệ thuật cao nhất.

Có thể nói, "Truyện Kiều" một kiệt tác văn học xứng tầm với Romeo và Juliet hay Hamlet của William Shakespeare. Truyện Kiều phải được chuyển thể từ lâu, thậm chí là rất nhiều trong nền văn hóa, nghệ thuật nước nhà. Thế nhưng, do một số hạn chế và khó khăn mà có rất ít tác phẩm sân khấu hay điện ảnh làm điều này.

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh nhiều năm qua đã ấp ủ dự định làm phim truyền hình và điện ảnh về Kiều như mong ước của người cha quá cố - nhà thơ Lưu Trọng Lư. Song ông cũng chỉ ra cái khó rằng, nếu chỉ tập trung vào câu chuyện thì thành làm lại Kim Vân Kiều, nhưng để chuyển tải được áng thơ bất hủ, sâu sắc của Nguyễn Du cũng là vấn đề không hề đơn giản.

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh luôn muốn thực hiện di nguyện của cha là chuyển thể Truyện Kiều thành phim.

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh luôn muốn thực hiện di nguyện của cha là chuyển thể Truyện Kiều thành phim.

Đặc trưng của Truyện Kiều là ngoài chất tự sự còn có cả chất trữ tình, cả hai quấn quít, thấm đượm vào nhau để làm nên một tổng thể hài hòa, hợp lý. Việc đưa cả tổng thể đó lên phim là thử thách đối với bất cứ đạo diễn nào. Đó chính là cái khó khi chuyển thể hoặc phóng tác Truyện Kiều.

Nhà nghiên cứu điện ảnh Timothy Corrigan trong cuốn Film and Literature (Điện ảnh và Văn học) đã quả quyết rằng: “Trong những thể loại văn học khác nhau mà điện ảnh vay mượn hay bị ảnh hưởng, thơ ca là vô hình nhất”. Hiểu theo một nghĩa tương tự, thơ ca cũng là khó chuyển thể nhất.

Enoch Arden, tác phẩm thơ hiếm hoi được Griffith chuyển thể thành phim từ những năm 1911 là trường hợp đáng học hỏi. Ngay từ thuở sơ khai, giới làm phim cũng đã đặt mình vào những thử thách chuyển thể thơ sang phim và vẫn thành công theo cách riêng. Còn ở Việt Nam, Truyện Kiều vẫn chưa có được một bản phim đúng nghĩa.

Với sân khấu kịch, khán giả mới chỉ được thưởng thức hình ảnh của người con gái "Một hai nghiêng nước nghiêng thành/Sắc đành đòi một, tài đành họa hai" trong vở "Chuyện nàng Kiều" của cố NSND Anh Tú cách đây 4 năm do các nghệ sĩ thuộc Nhà hát Kịch Việt Nam biểu diễn. Khi đó, cố đạo diễn từng nói rằng lựa chọn của ông là “sự liều mình”.

Báo Công luận

"Chuyện nàng Kiều" là tác phẩm hiếm hoi trên sân khấu kịch được lấy nguyên tác từ "Truyện Kiều".

Tuy vậy “sự liều mình” ấy đã được khán giả đón nhận dù diễn xuất của người đóng nàng Kiều vẫn khiến nhiều người lăn tăn. "Chuyện nàng Kiều" của cố nghệ sĩ Anh Tú giữ nguyên cốt truyện về người con gái tài sắc, đồng thời phản ánh mặt trái của đồng tiền làm đảo lộn mọi giá trị tốt đẹp và cuối cùng là tôn vinh sự thiện lương của con người.

Ngoài ra, mảng sân khấu của còn có dự án Nàng K... - Cách tiếp cận mới vào một di sản văn hóa do Viện Goethe khởi xướng vào năm 2017. Đến cuối năm 2019, dự án sân khấu thể nghiệm này ra mắt 4 vở diễn chỉ khoảng 25-30 phút cho mỗi vở, trong đó có vở khai thác chuyện nàng Kiều, nhưng nhìn chung là tập trung vào số phận người phụ nữ nói chung.

Sự lưu lạc của nàng Kiều trên phim Việt

Ngoài những dự án ít ỏi Truyện Kiều trên sân khấu kịch, thì điện ảnh Việt đã có ba bộ phim là "Sài Gòn nhật thực", "Kiều@" và "Kiều" được lấy cảm hứng hay phóng tác từ tác phẩm của Nguyễn Du. Điểm chung của ba phim này là cả ba đều không phải là bản chuyển thể đúng nghĩa, mà thực chất chỉ là mượn danh kiệt tác để thu hút sự quan tâm.

Đối với điện ảnh, việc lấy cảm hứng hoặc phóng tác một tác phẩm văn học vốn không hiếm nhưng vấn đề đặt ra ở đây là sự sáng tạo. Sáng tạo bao nhiêu là đủ, có tôn trọng nguyên tác hay không và ý đồ của những chi tiết mới là gì luôn phải được bàn đến. Việc đi quá xa tinh thần bản gốc chính là lỗi khiến cả ba phim trên đều thất bại.

Báo Công luận

"Sài Gòn nhật thực" biến tấu câu chuyện về nàng Kiều nhưng lại làm lệch lạc cái nhìn về tệ nạn mua bán phụ nữ.

Trong khi "Kiều @" thực chất không có nội dung gì liên quan đến đến kiệt tác của Nguyễn Du nhưng vẫn cố bám vào danh nàng Kiều do khai thác chuyện "gái bán hoa". "Sài Gòn nhật thực" trước đó chọn biến tấu những nhân vật từ Truyện Kiều thành những cái tên nhân vật có nhiều nét tương đồng như Kiều, Kim, Hải, bà Tú.

Bộ phim mới đây của Mai Thu Huyền lại ở một đẳng cấp cao hơn là phóng tác, nhưng nữ đạo diễn cũng đã thất bại ngay từ khâu viết kịch bản vì không hiểu câu chữ của Nguyễn Du. Đạo diễn Lưu Trọng Ninh từng cho biết, sẽ cải biên "Truyện Kiều" khi đưa lên phim nhưng cũng bắt buộc phải có Nguyễn Du.

Nàng Kiều trong cả ba phim đều trở thành “nạn nhân” khi mà "Sài Gòn nhật thực", "Kiều@" và "Kiều" không chỉ là thảm họa phòng vé mà còn là nỗi buồn của giới làm phim Việt. Nhiều người cho biết, giá như không dính đến Kiều, các phim có thể bớt bị phản ứng tiêu cực hơn do không bị nhận định là phỉ báng kiệt tác văn học.

Báo Công luận

"Kiều @" lạm dụng yếu tố cảnh nóng để PR cho bộ phim.

"Sài Gòn nhật thực" được đạo diễn, tác giả kịch bản công khai "là một tác phẩm phỏng theo cuộc đời của Kiều" và tập trung vào chuyện Kiều (Trương Ngọc Ánh) bán mình để cứu gia đình. Song, tác phẩm bị chỉ trích vì làm quá cẩu thả với góc nhìn lệch lạc về nạn mua bán phụ nữ.

Trong khi đó, "Kiều @" của đạo diễn Đỗ Thành An lại không khác gì một bản 18+ vì quá dung tục, sử dụng cảnh nóng rẻ tiền để câu khách và phải nhận đủ những lời chê bai từ nhiều phía. Trước đó, phim được PR khá bài bản và rầm rộ với nhiều “mỹ từ” như bộ phim one-shot (một cú quay) đầu tiên của điện ảnh Việt hay lấy cảm hứng từ Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Báo Công luận

"Kiều" mô tả chuyện tình tay ba sống sượng và cảnh nóng “kém sang” khiến phim thất bại.

Còn chuyện tình của Thúy Kiều và Thúc Sinh trong Kiều vốn đã có thể hay hơn rất nhiều vì hai người từng yêu nhau thật lòng. Nhưng lại biến thành tệ do biến Kiều thành nhu nhược, Thúc Sinh thành phi logic, bỏ quên cốt tủy của thương nhớ trong khi lạm dụng cảnh ái ân thô thiển, sống sượng. Trang phục, kỹ xảo và tình tiết phim cũng lộn xộn khó cứu vãn.

Nếu không có một bàn tay phóng tác văn học tài năng thì việc chuyển thể Truyện Kiều trên màn ảnh đúng nghĩa sẽ mãi là ấp ủ và ước mơ. Hơn nữa, khán giả hay đại thi hào Nguyễn Du cũng không cần những tác phẩm “khóc ông” dở tệ, bởi lẽ vị thi hào từng viết rằng: "Bất tri tam bách dư niên hậu/Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?" (Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa / Người đời ai khóc Tố Như chăng?).

Khang Lâm

Tin khác

'Lật mặt 7' của Lý Hải đạt doanh thu khủng sau 3 ngày chiếu

'Lật mặt 7' của Lý Hải đạt doanh thu khủng sau 3 ngày chiếu

(CLO) Tính tới sáng 29/3, bộ phim "Lật mặt 7: Một điều ước" của đạo diễn Lý Hải đã thu về hơn 100 tỉ đồng, phá kỉ lục của các phần phim cùng tên của anh làm trước đó.

Giải trí
Người đẹp Ukraine là Hoa hậu Môi trường thế giới, Việt Nam trượt top 21

Người đẹp Ukraine là Hoa hậu Môi trường thế giới, Việt Nam trượt top 21

(CLO) Đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Môi trường thế giới (Miss Eco International 2024) đã khép lại với vị trí cao nhất thuộc về người đẹp Ukraine, trong khi đó đại diện đến từ Việt Nam trượt top 21.

Giải trí
Điện ảnh QĐND tổ chức Tuần phim kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Điện ảnh QĐND tổ chức Tuần phim kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Điện ảnh Quân đội nhân dân (QĐND) tổ chức Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024) từ ngày 3-6/5/2024 tại Rạp chiếu phim Điện ảnh QĐND (số 17 Lý Nam Đế, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Giải trí
'Lật mặt 7: Một điều ước' của Lý Hải thu gần 50 tỷ đồng sau 2 ngày

'Lật mặt 7: Một điều ước' của Lý Hải thu gần 50 tỷ đồng sau 2 ngày

(CLO) Bộ phim "Lật mặt 7: Một điều ước" của đạo diễn Lý Hải đã thu về 47,5 tỷ đồng sau hai ngày công chiếu. Doanh thu trên đã bao gồm tiền thu được từ suất chiếu sớm.

Giải trí
Gần 300 ứng viên tham dự cuộc thi Hoa hậu Du lịch Việt Nam năm 2024

Gần 300 ứng viên tham dự cuộc thi Hoa hậu Du lịch Việt Nam năm 2024

(CLO) Sáng 27/4, tại Hà Nội, cuộc thi Hoa hậu Du lịch Việt Nam năm 2024 chính thức khởi động nhằm tìm kiếm gương mặt Đại sứ du lịch hội tụ nhan sắc, trí tuệ, tài năng và bản lĩnh, góp phần quảng bá đến bạn bè quốc tế hình ảnh một Việt Nam hiện đại, năng động và không ngừng phát triển cùng với những cảnh quan du lịch tuyệt đẹp được thiên nhiên ban tặng.

Giải trí