Nhọc nhằn Linh xẩm

Thứ năm, 25/07/2019 09:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Nhiều người gọi anh thanh niên Đào Bạch Linh bằng cái tên nôm Linh xẩm. Bởi người ta biết Linh xẩm là truyền nhân cuối cùng của nghệ nhân dân gian Hà Thị Cầu.

“Kỳ duyên” với Xẩm

Linh xẩm kể: “Có lần, vào năm đại học thứ ba, đang nằm nghe đài thì tự dưng nghe thấy một bài hát rất lạ. Giọng một bà cụ cứ phúng phíu, phụng phịu hát một bài hát, lời lẽ thì mộc mạc, điệu hát thì châm biếm. Tiếng đàn nhị thì réo rắt. Nghe xong thì... chết mê chết mệt. Tôi tìm hiểu mới biết đấy là hát xẩm. Biết là xẩm rồi tôi lại đi tìm bà cụ. Mãi bốn tháng sau mới biết bà cụ ấy tên là Hà Thị Cầu”.

“Tôi tìm về tận nhà bà ở Yên Mô, Ninh Bình. Những năm hai lẻ mấy ấy điện thoại thì không có, đi lại thì khó khăn, tìm mãi mới đến nhà. Cứ tưởng cụ phải giàu có, sang trọng chứ không nghĩ đấy lại là một bà cụ quê mùa, nhàu nhĩ đến thế. Trò chuyện với cụ xong thì tôi thích, tôi quý rồi yêu xẩm.

Nghệ nhân Đào Bạch Linh.

Nghệ nhân Đào Bạch Linh.

Vậy là ròng rã mấy năm trời, cứ chiều thứ 6, tôi nhảy xe về nhà cụ để học cụ hát, hết chủ nhật lại quay về Hà Nội đi học, đi làm. Tôi cứ lọ mọ nghe cụ hát rồi tập hát theo. Biết hát rồi thì tính đến chuyện học đàn. Chuyện học đàn cũng ly kỳ lắm. Bởi tìm đến các chỗ dạy đàn nhị thì không chỗ nào đáp ứng được yêu cầu của mình. Bởi lối kéo nhị của hát xẩm nó khác các loại khác.

Hai năm đầu tôi không học được gì nhiều, vì thực ra cụ già quá, cụ giỏi hát nhưng lại không có lối cách truyền dạy, ngay như cụ ngày xưa đi học cũng là kiểu truyền khẩu, thành ra tôi cũng theo cái lệ ấy mà học. Tôi có cái may là tìm đến xẩm nó như một tờ giấy trắng, chả biết gì. Đến năm thứ ba học với cụ Cầu thì tôi hình thành nguyên lý riêng để học. Từ đó, việc thu nhận tri thức của bà Hà Thị Cầu thuận lợi vô cùng.

Cho đến khoảng năm 2008 thì có thể tạm coi là tôi học được hết của cụ Hà Thị Cầu. Kiến thức của cụ tôi biết là còn nhiều, nhưng hồi đó cụ cũng già quá rồi, chỉ còn nhớ được ngần ấy. Năm 2010 thì tôi về Hải Phòng, đôi ba tháng về thăm cụ một lần. Mỗi khi nhà cụ có công có việc, hoặc cụ đau ốm, tôi lại về. Đến khi cụ nằm xuống rồi thì tình cảm của tôi với gia đình cụ vẫn không có gì thay đổi. Đến bây giờ vẫn vậy”.

Ngọn lửa tình yêu với dân gian

Năm 2010 Linh xẩm về hẳn Hải Phòng. Cũng từ thành phố này, Linh xẩm bắt đầu gây dựng chiếu xẩm Hải Phòng. Tới năm 2013 thì CLB Hát Xẩm Hải Thành được thành lập. Từ đó tới nay, CLB hoạt động rất hiệu quả, gìn giữ, đào tạo và quảng bá xẩm ra đời sống. Không nhớ chính xác số lượng học trò đã theo mình học đàn, học hát, nhưng nghệ nhân Linh xẩm nhẩm tính cũng “đã truyền dạy cho hơn 2.000 người”, trong đó nhỏ nhất là các cháu thiếu nhi 7, 8 tuổi, còn học viên lớn tuổi nhất đã 86 tuổi.

Chiếu xẩm Hải Phòng hoạt động thường xuyên, liên tục, tham gia vào nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong và ngoài tỉnh. Cũng theo nghệ sỹ Đào Bạch Linh, hiện cả nước chỉ có 3 chiếu xẩm, Chiếu xẩm Hải Phòng là một trong số ít ỏi đó. Hai chiếu xẩm còn lại là Chiếu xẩm chợ Đồng Xuân và Chiếu xẩm Hà Thành hiện hoạt động khá hiệu quả.

Nghệ nhân Đào Bạch Linh giới thiệu những loại nhạc cụ trong bộ môn nghệ thuật Hát Xẩm

Nghệ nhân Đào Bạch Linh giới thiệu những loại nhạc cụ trong bộ môn nghệ thuật Hát Xẩm

Linh xẩm bảo, chuyện xẩm thì mộc mạc, là tất cả những gì có trong đời sống sống. Xẩm mộc từ cách trình bày, mộc từ ngôn ngữ cho tới nhạc cụ và môi trường diễn xướng. Hát Xẩm có một hệ thống các làn điệu thể hiện nhiều trạng thái tình cảm khác nhau, mỗi một làn điệu đều có những nét đặc trưng riêng.

Từ môi trường mộc mạc, các nghệ nhân đã tổng kết thành 12 làn điệu phổ biến, đó là: Xẩm Thập Ân, Xẩm Huê Tình, Xẩm Hà Liễu, Xẩm Ba Bậc, Xẩm Trống Quân, Xẩm Hò Khoan, Xẩm Phồn Huê, Xẩm Chợ, Xẩm Sai, Xẩm Ngâm và Hát Ai, ngoài ra còn có xẩm Tàu điện là làn điệu xẩm được dân gian sáng tạo từ thời người Pháp bắt đầu xây dựng đường sắt tàu điện trong nội thành Hà Nội.

Nhạc cụ đơn giản nhất của xẩm là đàn nhị và sênh tiền, phổ biến thêm nữa thì có phách bản và trống mảnh. Do tính chất mộc mạc mà thậm chí người hát xẩm có thể cùng lúc chơi được tới 3 loại nhạc cụ khác nhau để phục vụ lời hát.

Yêu xẩm, trăn trở và đổ nhiều mồ hôi cho xẩm như vậy nhưng ít người biết nghệ nhân Đào Bạch Linh lại là một anh công chức... thứ thiệt của Sở Ngoại vụ Hải Phòng. “Tôi cũng là nhà báo giống anh đấy. Vì ngoài các công việc của cơ quan, tôi hiện nay đang phụ trách nội dung của một tờ tạp chí của Sở”, Linh cười.

Trò chuyện vui vẻ, tự dưng giọng Linh xẩm chùng xuống: “Nhưng tôi đang muốn bỏ việc công chức. Bỏ đi để dành toàn bộ thời gian, tâm ý cho hát xẩm. Xẩm là nghệ thuật dân gian chứ không phải chuyên nghiệp, làm gì có đoàn xẩm, làm gì có nhà hát xẩm. Chỉ có nhóm hát xẩm, ông hát xẩm thôi. Giờ một tay tôi phải lo chuyện giỗ tổ nghề, lo tổ chức liên hoan, lo quảng bá, sinh hoạt, lo truyền dạy... Bây giờ không gian diễn xướng cho xẩm cũng khác xưa. Muốn gìn giữ chu toàn thì phải dành toàn bộ thời gian cho nó”.

Tử Hưng

Tin khác

Trên đỉnh đồi C4 anh hùng

Trên đỉnh đồi C4 anh hùng

(CLO) Được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như: Đồi C4 anh hùng, Đồi Ba cây thông… từ năm 1965 đến năm 1973 của thế kỷ trước, trên Đồi C4 đã diễn ra những trận chiến đấu ác liệt của các chiến sĩ Đại đội 4 thuộc Trung đoàn 228 nhằm tiêu diệt máy bay của Đế quốc Mỹ dội bom xuống cầu Hàm Rồng.

Đời sống văn hóa
Âm nhạc hòa quyện cùng mỹ thuật tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Âm nhạc hòa quyện cùng mỹ thuật tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

(CLO) Chương trình "Khi âm nhạc hòa quyện cùng mỹ thuật" của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam diễn ra vào chủ nhật cuối cùng mỗi tháng, miễn phí cho tất cả khách tham quan.

Đời sống văn hóa
Bảo tàng tỉnh Gia Lai tiếp nhận hơn 200 kỷ vật của Anh hùng Núp

Bảo tàng tỉnh Gia Lai tiếp nhận hơn 200 kỷ vật của Anh hùng Núp

(CLO) Việc trao tặng những kỷ vật của Anh hùng Núp cho Bảo tàng tỉnh Gia Lai với mong muốn lan tỏa những câu chuyện vô cùng thú vị về một người con ưu tú của các dân tộc Tây Nguyên.

Đời sống văn hóa
Chiêm ngưỡng bức tranh panorama tái hiện sinh động, hào hùng về chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiêm ngưỡng bức tranh panorama tái hiện sinh động, hào hùng về chiến dịch Điện Biên Phủ

(CLO) Bức tranh panorama được vẽ bằng chất liệu sơn dầu với chiều dài 132m, cao 20,5 m, đường kính 42 m (tổng diện tích 3.225 m2) đã tái hiện hoàn toàn chiến dịch Điện Biên Phủ hào hùng, đầy máu xương mà ông cha đã hi sinh để giành lại độc lập dân tộc.

Đời sống văn hóa
Khẳng định công lao của Giáo sư Đào Duy Anh đối với cách mạng và nền học thuật Việt Nam

Khẳng định công lao của Giáo sư Đào Duy Anh đối với cách mạng và nền học thuật Việt Nam

(CLO) Ngày 28/4, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Hoạt động Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám tổ chức Hội thảo “Giáo sư Đào Duy Anh: Từ chiến sĩ cách mạng đến học giả uyên bác” nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Giáo sư Đào Duy Anh (1904 - 2024).

Đời sống văn hóa