Những chính khách “hút” truyền thông nhất năm 2018

Thứ năm, 27/12/2018 07:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Những chính khách “hút” truyền thông nhất trong năm 2018 là những chính khách liên tục xuất hiện trên mặt báo, khiến giới báo chí hao tổn giấy mực bởi nhiều chính sách mang tính ảnh hưởng lớn…

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Báo Công luận
 

Đứng đầu trong danh sách những chính khách hút truyền thông nhất trong năm 2018, có lẽ không ai có thể phủ nhận, là Tổng thống Mỹ Donald Trump. “Cuộc chiến” ngôn từ bất phân thắng bại với giới truyền thông Mỹ, chính sách “nước Mỹ trước tiên” đầy tranh cãi dẫn đến hệ lụy là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, cuộc đối đầu Nga - Mỹ, một nước Mỹ đầy bất ổn, xáo trộn và khó lường khi liên tiếp rút ra khỏi nhiều tổ chức đồng minh, nhiều hiệp ước và cam kết quốc tế, hàng loạt các quan chức cao cấp trong chính quyền tiếp tục từ chức, cuộc khủng hoảng di cư… Năm 2019 được dự báo sẽ là 1 năm khó khăn không chỉ đối với đảng Cộng hòa mà cả cá nhân Tổng thống Trump trong chương trình làm luật và đưa ra các quyết sách của mình. Không những vậy, các khó khăn này cũng sẽ gây cản trở không nhỏ tới các nỗ lực vận động tái cử của ông Trump cho năm 2020.

Thủ tướng Anh Theresa May

Báo Công luận
 

Lộ trình Brexit quá đỗi gian nan đã khiến tên tuổi của người đứng đầu Chính phủ Anh xuất hiện dày đặc trên mặt báo toàn cầu trong năm 2018 vừa qua. Lẽ ra đến cuối năm 2018, Anh và EU phải chính thức thông qua được thỏa thuận Brexit và tuyên bố chính trị, đặt nền móng cho tương lai quan hệ hai bên thời hậu Brexit. Tuy nhiên, đến phút chót, mọi sự lỡ dở. Sự phản đối từ các nghị sĩ thuộc các đảng phái khác nhau, kể cả trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền, buộc Thủ tướng Theresa May phải quyết định lui ngày trình Hạ viện thông qua sang tháng 1 năm tới để có thêm thời gian thuyết phục các nghị sĩ ủng hộ thỏa thuận Brexit của Chính phủ. Khả năng dự thảo thỏa thuận Brexit được thông qua tại Hạ viện vẫn chỉ là 50/50. Thế nên, có lẽ chính bà Theresa May sẽ cũng nhận ra rằng mình sẽ còn rất nhiều đỉnh dốc cheo leo sẽ phải vượt qua để đưa Brexit về đích thành công và như vậy, có lẽ bà tiếp tục sẽ là một “thỏi nam châm” thu hút truyền thông trong năm 2019.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron

Báo Công luận
 

Nếu năm 2017, vị Tổng thống trẻ bảnh trai của nước Pháp thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới truyền thông khi là một trong những chính trị gia trẻ nhất trong lịch sử chính trường Pháp bước lên ngôi vị ông chủ điện Elysee  thì năm 2018 lại “hút” truyền thông một cách bất đắc dĩ tương tự như người đồng cấp Theresa May bên nước láng giềng Anh quốc. Bùng nổ từ ngày 17/11 giữa trung tâm thủ đô Paris hoa lệ, phong trào nổi dậy cái tên “Áo vàng” quy tụ hơn 4.000.000 người từ nhiều tầng lớp tham gia. Những cuộc biểu tình không chỉ làm chia rẽ nước Pháp mà không ngoài dự đoán, đã và đang lan sang nhiều quốc  gia khác. Nguyên nhân của phong trào này không gì khác là việc người dân lao động phản ứng với những chính sách cải cách của ông Marcon. Trong một nỗ lực làm dịu cơn giận của đội ngũ “Áo vàng”, ông Macron thừa nhận mình đã “làm tổn thương mọi người” bằng lời nói, đồng thời tuyên bố nhượng bộ với hình thức hỗ trợ tài chính cho người nghèo. Các biện pháp dường như đã kiềm chế được phong trào biểu tình. Tuy nhiên một câu hỏi vẫn đang được đặt ra cho Tổng thống Macron là liệu sang năm mới 2019, ông có thể giành lại niềm tin của người dân Pháp hay không?

Tổng thống Nga V.Putin

Báo Công luận
 

Với vị thế của nước Nga trên trường quốc tế cùng tài năng, cá tính và sức hút đặc biệt của riêng cá nhân V.Putin, dường như không năm nào người đứng đầu nước Nga nằm ngoài danh sách những chính khách thu hút truyền thông nhất trong năm. Chỉ nhìn con số kỷ lục hơn 1.700 phóng viên tham dự cuộc họp báo thường niên cuối năm của Tổng thống Putin cũng đã chứng minh phần nào sức hút lớn từ ông. Một trong những vấn đề khiến người đứng đầu điện Kremin “cân não” nhất và cũng khiến báo giới toàn cầu dõi theo ông nhiều nhất là cuộc đối đầu chiến lược “bất phân thắng bại” giữa Nga và Phương Tây. Một nước Nga hùng mạnh và có ảnh hưởng ngày càng lan rộng trên trường quốc tế rõ ràng không phải là điều phương Tây mong muốn. Trong khi đó việc Tổng thống V.Putin chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tổng thống Nga hồi tháng 3 đã khiến niềm kỳ vọng về việc khôi phục sức mạnh của nước Nga ngày càng tăng. Cuộc khủng hoảng xung quanh vụ điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal được cho là bị đầu độc ở Anh, dẫn đến việc hàng loạt nhà ngoại giao hai bên bị trục xuất về nước… tiếp tục làm trầm trọng và khiến căng thẳng quan hệ Nga - phương Tây càng khó hóa giải. Vụ đụng độ vừa qua giữa hải quân Nga và Ukraine cũng khiến tuyên bố của người đứng đầu nước Nga không thoát khỏi tầm ngắm của giới truyền thông.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

Báo Công luận
 

Với thế giới, Triều Tiên với câu chuyện hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và những vụ thử tên lửa hạt nhân… luôn có sức thu hút đặc biệt. Và trong năm 2018, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un với việc tham gia liên tiếp 3 Hội nghị thượng đỉnh liên Triều, cam kết cải cách quan hệ song phương, thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, làm việc hướng tới “giải trừ hạt nhân hoàn toàn”, tham dự các cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump… đã thu hút sự quan tâm của báo giới. Tuy nhiên, những bước đi có ý nghĩa nhằm tiến tới hòa bình cho cả bán đảo vẫn chưa thoát được bế tắc về cách tiến tới phi hạt nhân hóa. Và đây có lẽ là vấn đề mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ phải tiếp tục đau đầu trong năm 2019 tới.

Hà Anh

 

Tin khác

Ông Biden sắp tranh luận trực tiếp với ông Trump

Ông Biden sắp tranh luận trực tiếp với ông Trump

(CLO) Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Sáu (26/4) cho biết ông sẽ tham gia tranh luận với ông Donald Trump, đối thủ Đảng Cộng hòa của ông trong cuộc bầu cử vào tháng 11.

Thế giới 24h
Nắng nóng và hạn hán diễn ra trên khắp Nam Á và Đông Nam Á

Nắng nóng và hạn hán diễn ra trên khắp Nam Á và Đông Nam Á

(CLO) Hàng triệu người khắp Nam Á và Đông Nam Á tiếp tục phải chịu cái nóng gay gắt trong những ngày cuối tuần này.

Thế giới 24h
Triều Tiên nói Mỹ chính trị hóa vấn đề nhân quyền

Triều Tiên nói Mỹ chính trị hóa vấn đề nhân quyền

(CLO) Triều Tiên hôm thứ Bảy (27/4) cáo buộc Mỹ chính trị hóa nhân quyền ở quốc gia Đông Á này, tố cáo cái mà họ gọi là âm mưu và khiêu khích chính trị.

Thế giới 24h
New York trả lại 30 cổ vật bị đánh cắp cho Campuchia và Indonesia

New York trả lại 30 cổ vật bị đánh cắp cho Campuchia và Indonesia

(CLO) Các công tố viên New York hôm thứ Sáu (26/4) cho biết họ đã trả lại cho Campuchia và Indonesia 30 cổ vật bị cướp, bán hoặc chuyển nhượng trái phép bởi các mạng lưới ở Mỹ.

Thế giới 24h
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Ngoại trưởng Mỹ, nói hai nước nên là 'đối tác'

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Ngoại trưởng Mỹ, nói hai nước nên là 'đối tác'

(CLO) Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm thứ Sáu (26/4) nói với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken rằng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nên là "đối tác chứ không phải đối thủ", nhưng có "một số vấn đề" cần giải quyết trong mối quan hệ của giữa hai nước.

Thế giới 24h