Những mảnh ghép yêu thương

Thứ năm, 02/04/2020 14:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Học mỹ thuật, làm mỹ thuật, suốt mấy chục năm, họa sĩ Trần Thanh Thục theo đuổi một dòng tranh riêng – tranh vải. Tôi gọi tranh của chị là “những mảnh ghép yêu thương”.

Năm 1981 khi về Nam Định nghỉ hè, nữ họa sỹ Trần Thanh Thục – lúc đó là một thiếu nữ 21 tuổi, ghé thăm một người bạn làm thợ may. Thấy có những miếng vải vụn đẹp bỏ đi, chị đã thử ghép thành một bức tranh phong cảnh làng quê để khoe bố. Chị cắt hình ngôi nhà, hình cây rồi lấy hồ dán lên tấm bìa. Tranh được bố khen và động viên làm tiếp.

Anh 1

Hôm sau họa sỹ quay lại lục tung đống vải của cô bạn lên và sau ba ngày miệt mài thì cho ra đời một bức tranh về phố Nam Định. Tranh có cổng chùa, có dãy phố, có hàng cây và quan trọng là làm bố vui. Khi nhận ra hiệu ứng thẩm mỹ bất ngờ từ những mẩu vải vụn, lại được sự cổ vũ động viên của cả gia đình, Trần Thanh Thục bắt đầu sưu tầm những mẩu vải vụn có họa tiết.

Anh 2

Ngày trước, vải vóc còn hiếm, họa tiết, hoa văn cũng nghèo nàn hơn bây giờ, nhưng bạn bè, người thân biết đam mê của chị, nên cũng thành thói quen, ai đi đâu thấy có vải vụn cũng xin về cho Thục làm họa phẩm.

Công đoạn làm tranh vải của họa sĩ Thanh Thục mấy chục năm qua không thay đổi, cũng chắp, ghép, tạo hình, mảng miếng, bố cục cho tranh. Có khác thì khác là trước đây chị phải nhờ người mua loại keo dán đặc biệt từ Đông Âu, nay thì dùng loại keo dán công nghiệp. Chị kể, các công đoạn dán keo, miết vải phải làm bằng tay, có những mảng màu từ vải phải vừa đổ keo, vừa miết liên tục, nếu không sẽ làm hỏng bề mặt đặc biệt của mảnh vải. Mải miết làm, có ngày tỉ mẩn “ngồi tới 15, 16 tiếng nhưng không thấy mệt”. Bởi đấy là đam mê của cả cuộc đời chị.

Anh 3

Đã bao nhiêu năm rồi chị ngồi đó một mình trên căn gác nhỏ với đống vải vụn bao quanh. Từng mảnh vải từ nhỏ xíu cho đến lớn đều được chị nhìn ngắm nhìn, vuốt ve, chắt lọc và rồi tỉ mẩn cắt ghép lại thành những bức tranh. Cái bản năng tỉ mỉ của phụ nữ, vốn kiến thức của trường Mỹ thuật, trải nghiệm cuộc đời và cả những khát khao sáng tác trong khó khăn của thời bao cấp đã giúp chị tạo ra những bức tranh cắt vải đẹp đến nao lòng.

“Tôi là người hoài cổ và yêu thiên nhiên vì thế những góc quê yên bình, những góc phố cũ, những miền núi xa xôi là đề tài tôi theo đuổi”. Và trong những khung cảnh đó hay có hình bóng của người mẹ bên con. “Là phụ nữ là được làm mẹ, là yêu con vô điều kiện vì thế nên tranh tôi luôn có hình bóng hai mẹ con”, chị nói.

Anh 4

Bức tranh chị yêu thích là bức “Ký ức quê ngoại” để tặng bố. Đó là bức tranh về một buổi trưa hè yên bình có nắng bên sân nhà, có giàn mướp vàng tươi, có sân gạch nong phơi, có nắng mơ sau cánh cổng, có giếng nước bên giàn đậu ván nở hoa tím, có người mẹ đội con lên đầu trong chiếc thúng. Xem tranh ai đã từng ở quê phải xa quê thì sẽ nhớ lắm, muốn về ngay. Ai chưa biết quê thì sẽ hiểu và yêu quê. Cô đọng trong một bức tranh các hình tượng của làng quê như thế phải là tình yêu da diết lắm, là lắng sâu ký ức ngọt ngào.

Nói về chất liệu đặc biệt để vẽ tranh này, họa sỹ Thanh Thục cho biết, tranh vải vừa có nhiều lợi thế nhưng cũng có không ít bất lợi. Lợi thế bởi, mỗi mảnh vải khi được sản xuất ra đều đã qua tay một người họa sỹ. Bởi vậy, nó đã có tính mỹ thuật trong các họa tiết, màu sắc nên rất phong phú. Có những mảng màu, nếu vẽ chưa chắc đã thể hiện được rõ. Bởi vậy, khi sử dụng nguyên liệu này, họa sỹ Thanh Thục đã tận dụng được sự phong phú vốn có của nó.

Thế nhưng cũng chính điểm này đôi khi cũng là bất lợi cho chị. Bởi đôi lúc có những họa tiết, màu sắc cần dùng chị phải tìm kiếm vô cùng kỳ công. “Có khi mất cả nửa ngày tôi cũng không tìm ra được màu sắc hay chi tiết cần dùng cho bức tranh”, họa sỹ Thanh Thục tâm sự. Chính vì vậy, có nhiều khi chị phải mua cả cây vải may áo dài chỉ để lấy trong đó một hai chi tiết bằng bàn tay. Hay có những lúc bới trong cả hàng trăm tấm vải không tìm ra được chi tiết cho bức tranh, bỗng phát hiện trên chiếc áo đang mặc có họa tiết đó, chị sẵn sàng cắt ngay chiếc áo đó để “vẽ tranh”.

Anh 5

Cũng chính vì sự đa dạng, phức tạp trong các mảng màu của vải mà mỗi sáng tác của chị thường không có phác thảo mà trôi chảy liên tục và đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng kể từ lúc bắt đầu tới khi hoàn thiện, thậm chí, có lúc, tranh đã lên khung, không vừa ý dù chỉ một chi tiết, chị cũng tháo ra để bổ sung cho ưng ý.

Tranh của chị đặc biệt phù hợp với gia đình, không phức tạp hay thách đố về nội dung. Nó hiện lên dung dị và cho cảm giác bình an kỳ lạ. Chị Thanh Thục nói: “Tôi làm tranh với suy nghĩ rằng con người ta cần được nghỉ ngơi sau một ngày vất vả. Lao động vất vả rồi mà còn phải thách thức trí não mệt mỏi bằng việc xem tranh mỗi khi về nhà thì thật không nên”.

Miệt mài lao động nghệ thuật suốt mấy chục năm, năm nay, họa sĩ Thanh Thục đã tròn một “lục thập hoa giáp”, nhưng chị vẫn lao động hằng ngày bên cạnh niềm vui rằng cả hai vợ chồng cô con gái duy nhất của chị cũng theo đam mê của mẹ - làm họa sĩ.

Xúc động lắm khi nghe chị kể: “Mình thương mình, mình thương tình yêu và đam mê của mình. Vừa yêu vừa thương cái đam mê chưa trọn vẹn vì chưa đủ khả năng để nuôi nó, dành trọn vẹn thời gian cho nó”.

Chính vì thế mà tác phẩm chị tâm đắc vẫn còn ở thì tương lai.

 Tử Hưng

Tin khác

Phố phường Hà Nội rực sắc đỏ trong dịp lễ 30/4 và 1/5

Phố phường Hà Nội rực sắc đỏ trong dịp lễ 30/4 và 1/5

(CLO) Những ngày này, nhiều tuyến phố tại Thủ đô Hà Nội được trang trí rực rỡ cờ hoa, băng rôn để chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954- 7/5/2024), 138 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2024).

Đời sống văn hóa
Chuyện người cán bộ công an nặng lòng với kỷ vật chiến tranh

Chuyện người cán bộ công an nặng lòng với kỷ vật chiến tranh

(NB&CL) Hàng ngàn hiện vật quý giá về một thời “mưa bom bão đạn” đã được Thượng tá công an Đào Hà dày công sưu tầm, lưu giữ. Nhưng Đào Hà không dành bộ sưu tập đó cho riêng mình, ông mong muốn chúng mang đến những giá trị văn hóa, lịch sử cho cộng đồng.

Đời sống văn hóa
Trải nghiệm chợ phiên vùng cao giữa Thủ đô dịp nghỉ lễ

Trải nghiệm chợ phiên vùng cao giữa Thủ đô dịp nghỉ lễ

(CLO) Du khách có cơ hội được trải nghiệm những nét văn hóa đặc trưng của một chợ phiên vùng cao ngay tại thủ đô Hà Nội trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay.

Đời sống văn hóa
Khánh thành nhà hát tỉnh Ninh Bình với tổng mức đầu tư 245 tỷ đồng

Khánh thành nhà hát tỉnh Ninh Bình với tổng mức đầu tư 245 tỷ đồng

(CLO) Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới (2014-2024), UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức lễ khánh thành Nhà hát tỉnh Ninh Bình.

Đời sống văn hóa
Việt Nam - Những chiến thắng làm thay đổi dòng chảy lịch sử thế giới

Việt Nam - Những chiến thắng làm thay đổi dòng chảy lịch sử thế giới

(CLO) Triển lãm ảnh “Việt Nam - Những chiến thắng làm thay đổi dòng chảy lịch sử thế giới” trưng bày 70 hình ảnh, tư liệu quý hiếm về 2 sự kiện lịch sử nổi bật của dân tộc ta trong thế kỷ XX.

Đời sống văn hóa