Những người tuyên chiến với dịch bệnh truyền nhiễm

Thứ năm, 27/02/2020 09:41 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện tuyến cuối tại miền Bắc, do đó nhịp độ làm việc ở đây lúc nào cũng trong tình trạng căng thẳng và “nóng” nhất cả nước. Đội ngũ y, bác sĩ ngày ngày tiếp xúc với những người mắc bệnh truyền nhiễm, có nguy cơ lây lan cao, nhưng chưa bao giờ làm họ phải e ngại…

Đến Khoa Hồi sức tích cực – Bệnh viện Bạch Mai, được cho là khoa “nóng” nhất bệnh viện, thường xuyên có các bệnh nhân nặng, thậm chí được tiên liệu là “khó qua khỏi”. Các phòng bệnh ở đây hầu hết luôn trong tình trạng kín giường, với những bệnh nhân thở máy, phải lọc máu… nhiều người đã hôn mê sâu. Trong phòng này dường như lúc nào cũng yên tĩnh, chỉ nghe thấy những tiếng “tít…tít…tít” của máy móc và những bước chân hối hả của y, bác sĩ, khi phải tranh thủ từng phút, từng giây giành giật sự sống cho bệnh nhân.

PGS. TS. Đào Xuân Cơ - Trưởng khoa Hồi sức tích cực cho biết, nhiệm vụ của y, bác sĩ ở đây là tiếp nhận những bệnh nhân phải thở máy, làm các can thiệp chuyên sâu nguy hiểm đến tính mạng cần phải cứu chữa ngay. Do đó, mỗi y, bác sĩ lúc nào cũng tập trung tuyệt đối vào công việc để xử lý một cách chính xác. Áp lực gần như từ sáng tới tối không có giờ nghỉ, với nhiệm vụ là cứu sống những người bệnh nặng, nhiều rủi ro tai nạn nghề nghiệp, cho nên rất ít bác sĩ có thể chịu được áp lực công việc. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành, đội ngũ y, bác sĩ lại căng mình hơn, lúc nào cũng trực chiến, sẵn sàng ứng phó với các tình huống khẩn cấp.

Cổng chính bệnh viện Bạch Mai.

Cổng chính bệnh viện Bạch Mai.

Hiện tại, Bệnh viện Bạch Mai có tới gần 8 nghìn bệnh nhân tới thăm khám mỗi ngày, điều trị từ bệnh nhẹ đến bệnh nặng. Việc phải tiếp xúc với các bệnh nhân, những người có thể có mang những mầm bệnh truyền nhiễm là không thể tránh khỏi tại đây. Bảo đảm hoạt động khám, chữa bệnh là nhiệm vụ cấp bách, nhưng cũng phải bảo đảm an toàn cho đội ngũ y, bác sĩ là yêu cầu hàng đầu của lãnh đạo bệnh viện. Để làm được việc này, theo TS.BS. Dương Đức Hùng - Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Bạch Mai, ngay từ những ngày đầu có dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona, lãnh đạo đơn vị đã nhanh chóng chỉ đạo các đơn vị trong bệnh viện tích cực đảm bảo công tác phòng chống dịch. Thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, các phương án tiếp nhận, sàng lọc, phân luồng, cách ly bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp đến khám. Đồng thời cung cấp các phương tiện phòng hộ cho cán bộ nhân viên, thiết lập khu vực tiếp nhận bệnh nhân, tập huấn cho toàn bộ y bác sĩ bệnh viện về phòng chống dịch CoVid-19, lập 2 đội cấp cứu phản ứng nhanh để sẵn sàng hỗ trợ tuyến trước.

Đội cơ động chống dịch nCoV Bệnh viện Bạch Mai hướng dẫn bệnh nhân cách đeo khẩu trang tại huyện Bình Xuyên.

Đội cơ động chống dịch nCoV Bệnh viện Bạch Mai hướng dẫn bệnh nhân cách đeo khẩu trang tại huyện Bình Xuyên.

Như trong kỳ nghỉ Tết Canh Tý 2020 vừa qua, cán bộ y bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai luôn trong tư thế sẵn sàng khám chữa bệnh với tinh thần phòng chống, ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan. Tính từ đầu vụ dịch đến nay bệnh viện đã tiếp nhận trên 1.500 bệnh nhân nghi ngờ đến khám sàng lọc. Ngày 26/1, bệnh viện đã tiếp nhận một bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ đến khám và sau đó kết quả xét nghiệm dương tính với virus Corona. Ngay lập tức, Bệnh viện Bạch Mai đã chuyển bệnh nhân này tới điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương theo quy định phân tuyến của Bộ Y tế.

TS.BS. Dương Đức Hùng cho biết, có những bệnh nhân vào viện trong tình trạng sự sống và cái chết đang ở ranh giới rất mong manh, các bác sĩ sẵn sàng lao ra cứu họ mà trên người không hề có đồ bảo hộ. Trong đầu các y, bác sĩ chỉ tập trung để giành giật từng tia hy vọng sống mong manh tới cho người bệnh và khi bệnh nhân qua khỏi cơn nguy kịch các bác sĩ mới thở phào nhẹ nhõm. Là những người tuyến đầu, trực tiếp tiếp xúc, điều trị cho những bệnh nhân mang trong mình bệnh truyền nhiễm như Covid-19, đội ngũ bác sỹ, điều dưỡng là những người có nguy cơ cao mắc bệnh từ người bệnh, không chỉ cho bản thân mà cho cả những người thân xung quanh. Tuy nhiên nhiều bác sĩ, điều dưỡng lại không nhận được sự tôn trọng đáng có mà thay vào đó là sự xa lánh, kỳ thị. Vượt lên trên tất cả, khi cứu người bệnh không bác sĩ nào nghĩ mình làm là để được khen thưởng, được cảm ơn mà đó là sự hy sinh, là trách nhiệm với cộng đồng...

Bác sỹ Khoa Thận Tiết niệu (Bệnh viện Bạch Mai) thăm khám cho bệnh nhân.

Bác sỹ Khoa Thận Tiết niệu (Bệnh viện Bạch Mai) thăm khám cho bệnh nhân.

Các khoa khác cũng vậy, tại thời điểm này, tất cả các nhân viên từ trưởng phó Khoa đến y bác sĩ đều không e ngại mà đăng ký tình nguyện tham gia chống dịch nếu dịch bệnh lan rộng. Như tại Khoa Hồi sức tích cực, một trong những đơn vị đã từng được “thử lửa” qua những đại dịch lớn, điều trị cho các bệnh nhân nặng của khu vực miền Bắc, lúc nào cũng trong tình trạng sẵn sàng đối mặt, tự tin cứu chữa bệnh nhân cũng như tích cực phòng chống dịch bệnh.

ThS. BS. Phạm Thế Thạch - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực chia sẻ với chúng tôi, giờ làm việc của y bác sĩ ở đây chia làm 2 khung giờ chính là: hành chính và trực tối. Khung giờ trực tối từ 16h30 chiều hôm trước đến 8h sáng hôm sau, thông thường các bác sĩ thường ở lại đến tận trưa hoặc chiều hôm sau. Trong thời điểm cả nước đang chung tay phòng chống dịch bệnh Covid-19; đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên trong Khoa luôn cố gắng dành nhiều thời gian hơn cho công việc nên về muộn hơn thường ngày.

BS. Thạch nhấn mạnh:“Đứng trước một bệnh nhân nặng, nguy cơ lây nhiễm cao đối với người bình thường sẽ có tâm lý lo lắng, ngại tiếp xúc thậm chí là hắt hủi, xa lánh. Nhưng đứng trước sự sống và cái chết của bệnh nhân, người thầy thuốc sẵn sàng làm nhiệm vụ một cách tốt nhất để cho bệnh nhân được sống, để bệnh nhân phục hồi sớm. Điều này đòi hỏi, bác sĩ phải trang bị những kiến thức về phòng chống lây nhiễm cho chính mình và những người xung quanh...”. Khi được hỏi về việc trong quá trình điều trị những bệnh truyền nhiễm có khả năng cao lây cho chính bản thân mình liệu có khiến anh nao núng, nhụt chí trên chặng đường cứu sống bệnh nhân hay không, ThS. BS. Phạm Thế Thạch chỉ cười và nói rằng: “Sợ thì có sợ nhưng chưa đến mức làm cho mình bỏ nghề!”.

Thế Anh

Tin khác

Bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng kỹ thuật thay khớp gối không cắt gân cơ, có thể vận động sau 1 ngày

Bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng kỹ thuật thay khớp gối không cắt gân cơ, có thể vận động sau 1 ngày

(CLO) BVĐK Hồng Ngọc ứng dụng kỹ thuật thay khớp gối gióng trục động học không cắt gân cơ độc quyền của Giáo sư Nhật vào phẫu thuật thay khớp, mở ra cơ hội cho nhiều bệnh nhân thoái hóa khớp gối giai đoạn 4, đi lại khó khăn, biến dạng lệch trục, vẹo khớp…

Sức khỏe
Diễn biến mới nhất vụ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì ở Đồng Nai

Diễn biến mới nhất vụ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì ở Đồng Nai

(CLO) Hiện tại có 120 bệnh nhân được điều trị ngoại viện, 399 ca đang điều trị tại các bệnh viện và 2 bệnh nhi chuyển biến nặng phải chuyển lên tuyến trên.

Sức khỏe
Thai phụ 32 tuổi mất con ở tuần 40 vì biến chứng tiểu đường

Thai phụ 32 tuổi mất con ở tuần 40 vì biến chứng tiểu đường

(CLO) Thai phụ này trong quá trình mang thai rất nhiều yếu tố nguy cơ hoặc dấu hiệu bị đái tháo đường nhưng chủ quan đã không tham khám và điều trị đúng cách dẫn đến thai lưu.

Sức khỏe
Thái Bình: Gắn biển công trình Bệnh viện Đa khoa huyện Tiền Hải chào mừng kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thái Bình: Gắn biển công trình Bệnh viện Đa khoa huyện Tiền Hải chào mừng kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

(CLO) Sáng ngày 4/5, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh phối hợp với Sở Y tế tổ chức lễ gắn biển công trình “Kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh” (19/5/1890-19/5/2024), tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tiền Hải.

Sức khỏe
Cứu sống người đàn ông bị xà beng đâm xuyên thành bụng

Cứu sống người đàn ông bị xà beng đâm xuyên thành bụng

(CLO) Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá đã phẫu thuật cấp cứu thành công cho nam bệnh nhân bị thanh xà beng sắt dài hơn 1m đâm xuyên thành bụng do tai nạn lao động.

Sức khỏe