Nỗ lực thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2019, tạo nền tảng vững chắc cho năm 2020

Thứ tư, 04/09/2019 23:40 PM - 0 Trả lời

(CLO) Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện kế hoạch năm 2019, tạo nền tảng vững chắc cho năm 2020.

Thủ tướng phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ tháng 8/2019. Ảnh: VGP

Thủ tướng phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ tháng 8/2019. Ảnh: VGP

Như tin đã đưa, ngày 4/9, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8/2019.

Tham dự phiên họp có Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh.

Tại phiên họp này, Chính phủ thảo luận về: Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP, tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2019; Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2019; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020; Báo cáo kế hoạch tài chính ngân sách Nhà nước 3 năm 2020 - 2022; Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ giao và kết quả kiểm tra tháng 8 của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và một số nội dung khác.

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm của nước ta tiếp tục xu hướng tích cực; các ngành, lĩnh vực đều phát triển ổn định; môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, năng lực cạnh tranh được nâng lên; tăng trưởng GDP cả năm hoàn toàn có thể đạt cận cao trong mục tiêu tăng trưởng Quốc hội giao năm 2019 (6,6 - 6,8%).

Trong đó, một số kết quả nổi bật trong 8 tháng là chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 2,57% so với cùng kỳ, đây là mức tăng bình quân 8 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển khá. Sản xuất công nghiệp đạt mức tăng 9,5%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,6%; đặc biệt trong tháng 8/2019, ngành khai khoáng tăng mạnh (IIP khai khoáng tăng 14,4%).

Về giải ngân vốn FDI đạt 12 tỷ USD, tăng 6,3%. Các khoản thu nội địa cao hơn mức bình quân chung (thu ngân sách Trung ương đạt 66% dự toán, thu từ dầu thô đạt 81,3%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 74,6%); chi ngân sách tiếp tục bảo đảm đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ đầu tư phát triển, chi trả nợ, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hoạt động của bộ máy Nhà nước. Thu ngân sách tăng khá thể hiện thực lực của nền kinh tế, đặc biệt là thu ngân sách Trung ương tăng vượt dự toán liên tiếp trong 3 năm.

Bên cạnh đó, cầu nội địa tiếp tục tăng; khách quốc tế tiếp tục đà tăng cao, trên 14% so với tháng trước và cùng kỳ năm trước, vượt mốc 1,5 triệu lượt khách/tháng; đạt 11,3 triệu lượt khách quốc tế.

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu sụt giảm, nước ta vẫn xuất siêu 3,4 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu đạt gần 170 tỷ USD, tăng 7,3%; riêng khu vực trong nước tăng 13,9%, cao hơn tốc độ tăng của khu vực FDI là 4,6%. Đóng góp của khu vực trong nước có xu hướng tăng lên, tỷ trọng chiếm 30,6%; có 26 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch trên 1 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu đạt gần 166,6 tỷ USD, tăng 8,5%, nhiều mặt hàng nguyên liệu nhập khẩu để phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu tăng mạnh.

Cùng với đó, công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng được đẩy mạnh. Các lĩnh vực về văn hoá, xã hội tiếp tục được quan tâm...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức. Ngành nông nghiệp đang gặp khó khăn khi giá bán của hầu hết các sản phẩm nông nghiệp vẫn đang ở mức thấp so với cùng kỳ; thiên tai diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng nề. Một số dự án năng lượng, kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm tiếp tục chậm tiến độ; nhiều sản phẩm công nghiệp quan trọng giảm. Giải ngân vốn đầu tư từ NSNN vẫn chưa cải thiện nhiều. Thời gian qua phát sinh nhiều vấn đề về văn hóa, xã hội, an ninh trật tự đòi hỏi chúng ta cần phải quan tâm nhiều hơn nữa như dịch sốt xuất huyết; tai nạn giao thông, một số vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng…

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, chỉ còn 4 tháng nữa là kết thúc năm 2019, các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra, kịp thời có đối sách phù hợp với tình hình quốc tế và trong nước, phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, chung sức đồng lòng cùng cả nước, nỗ lực phấn đấu cao nhất để thực hiện thắng lợi toàn diện kế hoạch năm 2019, tạo nền tảng vững chắc cho năm 2020, góp phần thực hiện thành công kế hoạch 2016 - 2020.

Thủ tướng nêu rõ yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. “Nhiều nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế cho rằng, “đổi mới 1” đã đưa đến những thành công vang dội trong hơn 30 năm qua nhưng các động lực cho nền kinh tế đã bị giới hạn và chúng ta cần có “đổi mới 2” với những cải cách thể chế, chính sách kinh tế mạnh mẽ để tạo ra động lực phát triển mới”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, chúng ta có lợi thế rất lớn về ổn định chính trị, xã hội. Vấn đề đặt ra là phải có cơ chế, chính sách pháp luật thông thoáng, thuận lợi, đủ sức cạnh tranh với khu vực và quốc tế để thu hút nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nếu chúng ta không làm thực sự quyết liệt, hiệu quả nhiệm vụ này thì chúng ta thua ngay trên sân nhà, thua ngay các đối tác truyền thống đang cải cách rất mạnh mẽ.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu tập trung cao độ cho công tác rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách để phát triển nhanh, bền vững trong thời kỳ hội nhập, cạnh tranh và cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là yêu cầu bắt buộc.

“Các nhà khoa học, các chuyên gia quốc tế và trong nước đều nhận định, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nâng cấp thể chế kinh tế lên một tầm cao mới thì mới có thể cạnh tranh, thu hút được các nguồn lực từ công nghệ, trình độ quản trị hiện đại đến vốn đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng cao với quy mô đủ lớn để phát triển vượt lên, thu hẹp khoảng cách và bắt kịp những bước đi trước trong khu vực và trên thế giới”, Thủ tướng nêu rõ.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019. Ảnh: VGP

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019. Ảnh: VGP

Thủ tướng yêu cầu theo dõi chặt chẽ tình hình thế giới và trong nước để có đối sách phù hợp, kịp thời, hiệu quả, không để bị động bất ngờ trong chỉ đạo, điều hành. Vừa ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải đưa ra các công cụ, giải pháp tạo thêm dư địa cho điều hành, thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh nhiều nước đang áp dụng các gói kích thích kinh tế. Cần vận dụng các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt để ứng phó với các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực; tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động khó lường của kinh tế và thương mại thế giới. Nâng cao chất lượng công tác thống kê, phân tích, dự báo để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành; chủ động đón các tập đoàn công nghệ muốn vào Việt Nam.

Tại phiên họp, Thủ tướng đã nêu những giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; hoàn thiện thể chế, chính sách; giải quyết những vấn đề bức xúc về văn hóa - xã hội, khoa học - công nghệ; củng cố quốc phòng, an ninh và đẩy mạnh hoạt động đối ngoại; bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích quốc gia.

Thủ tướng cũng cho biết, từ nay đến cuối năm, Chính phủ tiếp tục tổ chức các hội nghị chuyên ngành để thúc đẩy phát triển một số lĩnh vực quan trọng. Các bộ, ngành cần chuẩn bị tốt cho các hội nghị này, trong đó đề xuất cơ chế, chính sách mới, tạo đột phá phát triển.

PV

Tin khác

Sẽ trình UBTVQH, Quốc hội dự thảo Nghị quyết sửa đổi cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng

Sẽ trình UBTVQH, Quốc hội dự thảo Nghị quyết sửa đổi cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng

(CLO) Chính phủ thống nhất thông qua dự thảo Nghị quyết và dự thảo Tờ trình của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về dự thảo Nghị quyết sửa đổi cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Tin tức
Ông Nguyễn Tiến Thanh giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Ông Nguyễn Tiến Thanh giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn vừa ký Quyết định số 1279/QĐ-BGDĐT về việc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Tin tức
Khởi công 7 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643 MW và 150 MWp

Khởi công 7 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643 MW và 150 MWp

(CLO) Giai đoạn 2021 - 2025 sẽ khởi công 07 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643 MW và 150 MWp gồm: Thủy điện Hòa Bình MR, thủy điện Ialy MR, nhiệt điện Quảng Trạch I, thủy điện Trị An MR, thủy điện tích năng Bác Ái và điện mặt trời Phước Thái 2, 3.

Tin tức
Hà Nội tăng cường xe buýt phục vụ dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Hà Nội tăng cường xe buýt phục vụ dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

(CLO) Nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp nghỉ 30/4, 1/5, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch vận tải hành khách công cộng phục vụ Nhân dân.

Tin tức
Xem xét hỗ trợ phí khi làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID

Xem xét hỗ trợ phí khi làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID

(CLO) Dự kiến, kỳ họp thứ 16 HĐND TP Hà Nội (kỳ họp chuyên đề) sẽ xem xét, quyết nghị 08 nội dung, trong đó có Nghị quyết về “Hỗ trợ phí yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp khi công dân thực hiện thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID”.

Tin tức