Phan Quang - Cây viết uyên bác, đa tài

Thứ năm, 05/11/2020 10:16 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Nhà văn - nhà báo Phan Quang sớm lưu dấu ấn trong tôi, hệt như các ông: Hoàng Tùng, Hồng Hà, Hà Đăng, Thép Mới, Quang Đạm, Hữu Thọ (Báo Nhân Dân); như Trần Lâm (ĐTNVN), Đào Tùng (TTXVN) v.v...

Ngưỡng mộ, nên tôi có nhiều bài viết về ông; cũng như khi trao đổi nghiệp vụ đó đây, tôi thường dẫn về ông; lấy gương ông để đắm say “ngụp lặn’ với nghề “Khắt khe. Nghiệt ngã” nhưng rất đỗi vinh quang!... Xuyên suốt cuộc đời ông là một cây viết uyên bác, đa tài:

Đảm trách thành công nhiều chức trọng

Giàu tài năng, đức độ nên ông được Đảng, Nhà nước giao nhiều việc lớn, như: Ủy viên Bộ Biên tập Báo Nhân Dân; Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản Ban Tuyên huấn Trung ương; Thứ trưởng Bộ Thông tin; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội (3 khóa liên tiếp); Bí thư Đảng - Đoàn, Tổng thư ký - Chủ tịch HNBVN khóa V và VI; Phó Chủ tịch Liên đoàn Tổ chức các Nhà báo Quốc tế (0IJ); Tổng Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam (1988 - 1999) v.v...

Thời gian trôi, lớp lớp hội viên nối tiếp nhau vẫn nói về ông, kể về ông, tri ân công lao ông với niềm hãnh diện, chân tình. Bởi, ông chứ không phải ai khác đã định ra việc cấp Huy chương vì sự nghiệp Báo chí Việt Nam (nay là Kỷ niệm Chương). Chính ông đã cùng lãnh đạo Hội “Mở Hội Báo Xuân” hoành tráng suốt chục năm liền (nay là Hội báo Toàn quốc). Ông cũng là người đề xướng Giải Báo chí Toàn quốc của HNBVN mở ra từ 1991 (nay là Giải Báo chí Quốc gia): Là người định đoạt để có “Quy ước đạo đức Báo chí Việt Nam” (nay là “10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo”)...

Xưa. Hội duy nhất chỉ một nơi làm việc ở 59 Lý Thái Tổ; cán bộ ít, ngân sách eo hẹp. Nghèo đấy, nhưng chung sức, đồng lòng vì công việc... cũng là do Chủ tịch giỏi khích lệ. Tài năng, phong thái đĩnh đạc, ông dồn hết tâm sức cho công việc (dù kiêm nhiệm) nhưng sát sao, cụ thể; biết chia sẻ, biết truyền cảm hứng cho cấp dưới, nói đi đôi với làm nên ông như ngọn “đèn thần” dẫn dắt chúng tôi chỉ một ý chí vươn lên. Công bằng để nói, nhiệm kỳ Quốc hội bàn thảo và thông qua Luật Báo chí năm 1998, thì ông là người góp tiếng nói rất trách nhiệm. Bởi khi ấy ông là Đại biểu Quốc hội, chủ trì việc Sơ thảo Dự Luật Báo chí trước khi trình Quốc hội. Thời điểm ông cầm trịch Hội (1989 - 1999) đã góp sức quan trọng cùng cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý báo chí phấn đấu hết mình “Vì sự nghiệp đổi mới và hiện đại hóa đất nước”...

2 nhà báo lão thành Phan Quang và Hà Đăng chụp ảnh lưu niệm với đại diện các thế hệ nhà báo tại 59 Lý Thái Tổ, Hà Nội. (Ảnh: Trần Sơn Hải)

2 nhà báo lão thành Phan Quang và Hà Đăng chụp ảnh lưu niệm với đại diện các thế hệ nhà báo tại 59 Lý Thái Tổ, Hà Nội. (Ảnh: Trần Sơn Hải)

Đồng nghiệp Đài Tiếng nói Việt Nam viết trong tập “Ký ức người và nghề” dành nhiều ngôn từ đắc địa để nói về tài mở hướng của ông để phát huy vị thế Tiếng nói Việt Nam. Vậy là, sau 40 năm gắn bó với báo viết, theo Quyết định của Trung ương (năm 1988) Phan Quang giữ chức Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam thay nhà báo Trần Lâm nghỉ hưu. Bản tính khiêm tốn, trọng công lao của tiền nhiệm, Phan Quang viết về Trần Lâm: “Người chỉ có hai từ cho một đời cống hiến: “Phát thanh”!”.

Phan Quang luôn nhìn tới ngọn nguồn, lạch sông để nối bước, để bắt nhịp, để sẻ chia, để đi lên khi chặng đường đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, đòi hỏi báo chí phải nhanh chóng bắt nhịp. Ông quan niệm: “Báo chí theo loại hình nào cũng chỉ một chức năng: phục vụ con người!”.

Tư tưởng ấy giúp ông tạo ra khâu “đột phá” của Đài, thôi thúc thực hiện “hai nghe”. Nghe thính giả và nghe cán bộ công nhân viên. Kết cục “hai nghe” giúp ông nhận ra: Đài Quốc gia chỉ có hai hệ Đối nội và Đối ngoại. Thính giả ít được lựa chọn... Lập tức các Ban chức năng được thành lập hướng tới đổi mới, sáng tạo, vì người nghe. Và, việc tách hệ được thực hiện, kéo theo việc đổi mới toàn hệ thống, đổi mới nội dung, phát triển đa hệ chương trình.

Vào cuối năm 1990 sản phẩm “đột phá” bằng việc khai trương Đài FM âm nhạc & tin tức lên sóng, là tiền đề nâng cao chất lượng làn sóng sau này. Đài Tiếng nói Việt Nam phát 2 hệ chương trình Đối nội song song hằng ngày từ 4h55 đến 23h. Hệ 1 – Thời sự Chính trị Kinh tế. Hệ 2 – Văn hóa Xã hội Khoa giáo cùng Ban Bạn nghe Đài, bên cạnh Ban Văn học Nghệ thuật (có trước). Ban Biên tập Đối ngoại riêng hệ... tạo bước chuyển lớn về chất để phát triển hiện đại. Hàm lượng thông tin tăng nhanh, diễn đàn, giao lưu, tư vấn mở rộng. Người nghe lựa chọn tùy thích... đánh dấu mốc đổi mới toàn diện của Đài Tiếng nói Việt Nam (ở thời điểm ấy)!

Cây viết tiêu biểu giao thoa giữa văn với báo

Ngả chiều. Phan Quang tự bạch: “Ta viết, tức là ta tồn tại”!. Nghĩa là Phan Quang vẫn tràn đầy năng lượng với nghề, bút lực dồi dào, sung mãn. Tài năng và sự uyên bác thể hiện đậm trong văn, trong báo. Hơn 70 năm cầm bút, ông cho in và phát hành tới trên 60 đầu sách thuộc nhiều thể loại. Một số sách tái bản nhiều lần, như bút ký “Đồng bằng sông Cửu Long” và “Một mình giữa đại dương” in lần thứ 5... Ông dịch và giới thiệu tới 12 đầu sách, trong đó tập truyện Ả Rập “Nghìn lẻ một đêm”  in tới 39 lần; tập truyện Ba Tư “Nghìn lẻ một ngày” in lần thứ 12 v.v...

Nghề báo, người viết phải tự tạo ra cảm hứng, phải kịp thời, đúng lúc; luôn khát khao vì một xã hội tốt đẹp. Hẳn vì thế nên “50 năm hoạt động báo chí qua nhiều giai đoạn, Phan Quang có mặt và là thành viên tích cực trong những bước chuyển biến quan trọng của phong trào. Điều này thật không dễ dàng với những người viết lâu năm. Và quan trọng hơn, ông đã kết hợp được giữa công tác quản lý và sức viết đều đặn, chín chắn và mới mẻ” (GS Hà Minh Đức – Nhà báo, nhà văn Phan Quang). Nghề văn – nghề nhọc nhằn (theo cách nghĩ của tôi), thì Phan Quang vượt lên tất cả. Sức sáng tạo trong ông thật đáng nể trọng. Tôi luôn cảm nhận trong văn của ông có báo vì sát với đời sống. Trong báo của ông luôn có văn bởi nghệ thuật chuyển tải rất tinh tế, uyên bác.

Bảy mươi năm trong nghề viết cùng với công việc lãnh đạo, ông để lại cho đời khối lượng sách đồ sộ, với đủ các thể loại. Trong văn có báo, trong báo có văn như máu thịt. Chỉ lấy ra 3 tập sách của ông do Nhà xuất bản Văn học ấn hành trong một năm lại đây, đó là tập truyện ngắn “Tím ngát tuổi hai mươi”; tập bút ký “Trên nẻo đường này xưa ta đã đi” và tập tiểu luận - bút ký “Dưới ánh hoàng hôn” đủ thấy ông thực sự là một cây viết rất tiêu biểu về sự giao thoa giữa văn và báo - báo và văn.

Những truyện ngắn trong “Tím ngát tuổi hai mươi” ngồn ngộn sức sống của nông thôn vùng đất Bình Trị Thiên những năm chống thực dân Pháp xâm lược. Ngôn ngữ thuật, tả của ông hết sức dồi dào, đa dạng, sát thực... Mới hay, từ nhỏ, Phan Quang đã có tài quan sát, chịu dấn mình vào cuộc sống với nhân dân, chiến sĩ nên tích tụ được ngôn từ dân dã, phát hiện được nhiều cái mới, cái hay. Chữ nghĩa của ông luôn đầy ắp thông tin, giàu hình tượng, đa sắc màu. Hầu như ông không dùng chữ kiểu “đại ngôn”, nghe lớn lời mà bé nghĩa, tuột trơn, khiến người đọc chẳng khi nào nhàm chán...

Tương tự, khép lại hơn 350 trang hồi ký “Trên nẻo đường này xưa ta đã đi” và mới đây nhất là Bút ký - Tiểu luận, gồm những bài ông viết ở tuổi 90 lại đây “Dưới ánh hoàng hôn” là minh chứng hùng hồn về sự giao thoa đặc sắc ấy, khiến tôi miên man ngẫm ngợi về nghề, về bài học có tính tổng kết quá trình tác nghiệp của người làm báo trong sự giao thoa, hòa quyện mặn nồng giữa văn và báo.

Bạn đọc thời nay có cơ man cái để đọc, để nghe, để xem. Hay, thích, bổ ích thì tìm đến. Trong đó, Phan Quang vẫn là mẫu tác giả luôn hút bạn đọc về phía mình, chỉ vì “trong văn có báo, trong báo có văn”! Nói vậy, không có nghĩa Phan Quang đánh đồng văn với báo, cho dù hoạt động văn học và báo chí đều có khả năng nhận thức và phản ánh xã hội ngang nhau. Cho dù ngôn ngữ văn học và ngôn ngữ báo chí đều là ngôn ngữ chuẩn xác. Cho dù báo chí và văn học đều có chức phận khám phá, phát hiện, sáng tạo trong thể hiện... Khi ấy, văn học thực hiện chức năng khám phá, sáng tạo theo đặc trưng riêng, chú tâm nhiều tới chân, thiện, mỹ nhằm xây dựng nhân cách tốt đẹp cho con người bằng ngôn ngữ giàu hình ảnh và sức biểu cảm. Hơn nữa, văn học được quyền hư cấu, lắp đặt... Khi ấy, báo chí luôn luôn tôn trọng sự thật khách quan. Sự thật là bản ngã, là lẽ sống của báo chí. Nhà báo phải luôn luôn ở nơi đầu nguồn sự kiện, luôn tắm mình trong dòng chảy sự kiện và thời cuộc, thông tin mới nhất, nhanh nhất, chân thực nhất những gì mà mình nhận biết được với những gì xã hội quan tâm. Điều này thì hiển hiện rất rõ trong danh xưng Nhà báo - nhà văn Phan Quang suốt 70 năm cầm bút.

Đọc văn, đọc báo của Phan Quang, tôi thường nảy lời vấn: Vì sao văn của Phan Quang sâu sắc, chuyển tải rất mềm mại? Mới hay, Phan Quang ham đọc sách từ nhỏ. Nhà nghèo thiếu tiền mua sách, Phan Quang lân la tới những ai có sách để mượn, để đọc. Trải đời, ông rút ra: “Đọc là học thông qua việc đọc, là không ngừng nâng cao trình độ văn hóa, làm dày thêm tri thức, cập nhật thông tin. Đi là tạo vốn sống, là trải nghiệm cuộc đời. Nghĩ là độc lập nghĩ suy và sáng tạo. Viết là để thể hiện tính chính trị, tính mục đích, tính khoa học, chất văn hóa “tươi mới”... Bốn khâu ấy hòa quyện với nhau, đặt trên cái nền Viết vì nước vì dân”! Như ông từng giãi bày: “Tôi viết văn, viết báo với tất cả trí tuệ và tâm hồn, viết như một phương thức tồn tại của bản thân, coi những gì mình viết ra đều nhằm giao lưu kết nối với bạn đọc, phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân”!...

Cho nên tôi quý trọng và ngưỡng mộ; Phan Quang luôn là nguồn sáng đề tôi thêm đam mê nghề báo - nghiệp văn!

Ngày 9/11/2020

Nhà văn - nhà báo Nguyễn Uyển

Tin khác

Tuần Du lịch Ninh Bình là sản phẩm du lịch thường niên, đặc sắc của tỉnh

Tuần Du lịch Ninh Bình là sản phẩm du lịch thường niên, đặc sắc của tỉnh

(CLO) Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc khẳng định, Ninh Bình là địa phương có kinh nghiệm tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị, văn hóa lớn mang tầm quốc gia và có ý nghĩa quốc tế. Đặc biệt, sự kiện Tuần Du lịch Ninh Bình được tổ chức thường niên đã trở thành thương hiệu của du lịch Ninh Bình, mang ý nghĩa văn hóa nghệ thuật, hơi thở cuộc sống.

Đời sống văn hóa
TP HCM đề xuất bắn pháo hoa tại 3 điểm trong đêm khai mạc Lễ hội Sông nước lần 2

TP HCM đề xuất bắn pháo hoa tại 3 điểm trong đêm khai mạc Lễ hội Sông nước lần 2

(CLO) UBND TP HCM đề xuất tổ chức bắn pháo hoa 3 điểm tầm thấp trong lễ khai mạc Lễ hội sông nước TP HCM lần thứ 2 ở TP Thủ Đức, quận 1 và quận Bình Thạnh.

Đời sống văn hóa
Quảng Ninh: Để quần thể di tích Đền Cửa Ông - Cặp Tiên ngày càng hấp dẫn du khách

Quảng Ninh: Để quần thể di tích Đền Cửa Ông - Cặp Tiên ngày càng hấp dẫn du khách

(CLO) Di tích Đền Cửa Ông là quần thể di tích bao gồm Đền Cửa Ông và Đền Cặp Tiên được xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt năm 2017; Lễ hội Đền Cửa Ông được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016.

Đời sống văn hóa
Khai mạc Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất

Khai mạc Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất

(CLO) Tối 13/5, Liên hoan Nghệ thuật sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ nhất, năm 2024 chính thức khai mạc tại Nhà hát thành phố Hải Phòng.

Đời sống văn hóa
Ninh Bình giành 2 giải tại cuộc thi Đầu bếp Vàng Hải Phòng 2024

Ninh Bình giành 2 giải tại cuộc thi Đầu bếp Vàng Hải Phòng 2024

(CLO) Hiệp hội Du lịch Hải Phòng vừa tổ chức thành công cuộc thi Đầu Bếp Vàng Hải Phòng 2024 với chủ đề Hương vị địa phương. Trong đó, đội Đầu bếp tỉnh Ninh Bình đã xuất sắc giành 2 giải: 1 giải Vàng và 1 giải món ăn sáng tạo.

Đời sống văn hóa