Phan Quang - Tình một thuở còn vương

Thứ ba, 21/04/2020 09:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Phan Quang là mẫu mực của nhà văn, nhà báo giỏi về chắt lọc ngôn từ. Chữ nghĩa của ông thường đầy ắp thông tin, giàu hình tượng, đa sắc màu. Hầu như ông không mượn chữ để “đại ngôn”, để lớn lời mà bé nghĩa, tuột trơn. Tập “Tím ngát tuổi hai mươi” là bằng chứng về điều ấy...

Chuẩn bị xuất bản tuyển tập truyện ngắn “Tím ngát tuổi hai mươi”, nhà văn Phan Quang chuyển qua Email bản thảo cho tôi đọc, ông lưu ý: Xin anh cứ thẳng thắn cho ý kiến, nên hay không nên in, bởi truyện của những chuyện xa xưa lắm rồi! Tôi đọc, đọc kỹ càng, liền mạch, chỉ ngừng khi trận đấu giữa đội U22 Việt Nam với U22 Lào tại Sea Games 30 ở Philippines diễn ra mới chịu tạm dừng nghỉ.

Sáng sau tôi phóng xe tới nhà ông. Không để ông kịp pha nước, tôi liến thoắng:

- Bác Phan Quang ơi! Em đọc đi đọc lại thấy hay đấy. Được lắm đấy! Viết từ lâu nhưng chuyện đâu có cũ, đâu có han rỉ. Thời gian trôi, năm tháng phủ, nay khơi lên nói theo khảo cổ học thì đó là cổ vật; nói theo văn hóa nó là di sản; nói theo của nả thì đó là vàng là ngọc ngà đấy ạ!

Nhà báo Phan Quang.

Nhà báo Phan Quang.

Ông chủ tập bản thảo có mái tóc trắng phau buông bó lấy mang tai rất đỗi nghệ sĩ, điềm tĩnh ngước mắt nhìn tôi miệng tủm tỉm, giọng miền Trung âm lượng âm vang:

- Anh em mình sống chết với chữ nghĩa nên nghĩ vậy, chẳng biết thiên hạ có đồng cảm không. Vấn đề làm tôi băn khoăn trăn trở hơn cả là những con người, cảnh huống và câu chuyện về một thuở xa xưa cách đây hơn bảy chục năm, liệu có nên mang ra trình bạn đọc thời đại @ và công nghệ 4.0?. Vì mình viết ra để thiên hạ đọc!

Tôi vội đế theo:

- Sách bác phát hành, nhất định em sẽ mượn lời thơ của Đoàn Phú Tứ để thổ lộ với bạn đọc: Phan Quang - Tình một thuở còn vương.

Ông bật cười, mái tóc phau phau cũng rung rung lên, lời ông buông theo như căn vặn:

+Thì anh sẽ nói gì với họ về cuốn sách này?

Được thể tôi xả lời như thả phanh:

- Thì em sẽ thưa với họ rằng: “Tím ngát tuổi hai mươi” rất đáng đọc. Đọc để hiểu về một khúc ruột miền Trung chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giữ gìn độc lập tự do, gian lao lắm, anh dũng lắm. Đọc để hiểu những năm ở tuổi hai mươi nhà văn nhà báo Phan Quang, dịch giả của “Nghìn lẻ một đêm”, “Nghìn lẻ một ngày”, tác giả hơn 50 đầu sách đã ấn hành, thuở chập chững vào nghề đã viết văn rất nghề như thế!

Sợ ông cắt mạch chuyện, tôi bắt ngay vào chủ đích:

Người trong nghề có muôn ngàn cách định tiêu chí về truyện ngắn hay. Chung quy là truyện phải có cốt, có tình huống. Truyện hay luôn có sức trường tồn.

Truyện trong tập “Tím ngát tuổi hai mươi” không hẳn như thế nhưng đọc rồi ta muốn được ngẫm ngợi, muốn liên tưởng gần xa, muốn soi mình vào nhân vật, yêu ghét, giận hờn trồi vọt. Nhiều truyện lại muốn đọc thật chậm để dò bắt những chi tiết ấn tượng, tinh tế, những ngôn từ ăm ắp âm thanh, hình tượng, ngữ nghĩa, cho dù đó là tiếng nói của một vùng cư dân. Có những truyện hoàn toàn không có cốt truyện, không có tình tiết éo le, ly kỳ, phi thực tế..., khó kể lại được thành truyện mà lại cứ bâng khuâng... bởi mạch chuyện được dắt dẫn lôgic như lẽ đời là thế nên hay, nên nhớ.

Cách viết từ thưở xa xưa ấy của Phan Quang thường là tường thuật và trần thuật để chuyển tải dụng ý sâu xa của mình. Thành công trong truyện ngắn thời trẻ trai của ông bắt nguồn từ tư tưởng nghệ thuật, ngôn từ và thủ pháp nghệ thuật.

Ví như truyện “Bên phá Tam Giang” hoàn toàn không có cốt truyện, vậy mà đọc rồi cứ lay lả lòng dạ, tâm can chúng ta về tội ác man rợ của quân thù, về nỗi đau của những đứa con thơ mất mẹ vì bị giặc sát hại.

Ngôn từ thuật, tả đôi mắt con trẻ mất mẹ làm xao động lòng người đọc biết nhường nào: “Em bé quay lại, ngước mắt nhìn tôi. Trời! Có bao giờ tôi quên được đôi mắt ấy! Dưới mái tóc loà xòa còn mịn như tơ, đôi mắt đen lay láy mở to, long lanh như hai ngôi sao giữa khuôn mặt bé choắt tái xanh nhem nhuốc. Đôi mắt em nhìn tôi nửa như cật vấn nửa như khẩn cầu, đôi mắt trẻ con sao mà sâu xa đến vậy! Đôi mắt em ngây thơ như mắt chim bồ câu nhưng cũng già dặn như mắt một người đàn bà từng trải qua nhiều đau khổ trong đời. Đôi mắt ấy ngước nhìn tôi chăm chăm. Lát sau, chắc nhận ra đây là chú bộ đội, em quay lại đưa tay chỉ ra cái phá mênh mông mà gọi: Mạ! Mạ!”.

Bởi thế, nên nhà thơ Nguyễn Xuân Thâm mới tạc lại đoạn văn Phan Quang thành thơ, đăng báo Quân đội nhân dân cuối tuần số ra đầu năm 2017 với tiêu đề “Đôi mắt”: “Bắt gặp đôi mắt đứa bé/ Đôi mắt đen lay láy mở to/ Long lanh trên gương mặt âu lo/ Tóc xanh nhem nhuốc/ Nửa như khẩn cầu chở che/ Nửa như cật vấn/ Đôi mắt trẻ con sao sâu xa/ Như mắt người đàn bà từng đau khổ lắm...”.

Bìa Tím ngát tuổi hai mươi.

Bìa Tím ngát tuổi hai mươi.

Tài hoa của nhà văn, nhà báo Phan Quang xuất phát từ khi ông còn nhỏ. Thiên hạ quen gọi đó là năng khiếu, là tài năng, là trời phú, là quý nhân phù trợ. Thêm vào đó trời cho ông đức tính ham học, ham đọc, ham hiểu biết, ham suy ngẫm... Nhờ thế ông mới sớm là dịch giả của hàng chục tập sách về văn học Pháp, về sử thi huyền thoại của xứnày của châu lục nọ mà thật lớp lang được bạn đọc Việt Nam yêu thích.

Làm báo ông sát sao, thức thả với thời cuộc, thời đại. Viết văn ông trăn trở vui buồn, xót thương, dằn vặt với sự đời với thân phận con người. Ấn phẩm nào, tác phẩm nào ông cũng hướng đến một thế giới tinh thần rạng rỡ, một cuộc sống nhân văn đẹp đẽ... cho nên hầu hết các truyện của ông đều đậm dư vị ấm áp tươi sáng của tình người, tình đời...

Điều tôi vừa nói ở trên thấm đẫm trong truyện “Lửa hồng” viết về tình quân dân như cá với nước. Không thấy tên nhân vật, chỉ thấy mấy đại từ danh xưng giới tính là ông lão, là đồng chí, là anh Vệ quốc đoàn, là o gái... trong đêm mưa giá lạnh mà ấm áp lòng dạ biết bao giữa thời kháng chiến gian lao..., một thế giới tinh thần quyện pha chất trữ tình nhẹ nhàng mà ấm áp, thân thiện và tha thiết tình người.

Gấp tập truyện lại, tôi bâng khuâng ngẫm ngợi mãi về tài kết nối lớp lang, tình huống, đan cài chi tiết sống động ngay từ thời trẻ trai của tác giả trong truyện ngắn “Chiếc khăn tang”.

Mở đầu là nhân vật cụ Ca đi đâu về thì thầm nói với vợ và con dâu, khi giặc Pháp bắt đầu cắm bốt lập vùng tề ở xã... Khi ấy con trai cụ là Cơ đã trong quân ngũ bộ đội Cụ Hồ, vợ anh là o Hường. Để che mắt giặc, gia đình giả để tang anh Cơ đã hy sinh.... Diễn tiến sự việc nhẹ tênh như nước chảy mây trôi, điềm tĩnh, tự nhiên xen với cách tái hiện nội tâm nhân vật của người vợ là Hường và nỗi thấp thỏm mong chờ của mẹ Cơ, tính cách nhân vật bộc lộ vốn như lẽ đời là thế, không cầu kỳ, công thức khiến người đọc phải ngốn ngấu cho bằng hết. Hơn thế, đọc rồi thêm yêu thêm nhớ bởi cái kết có hậu. Niềm vui nhân đôi, nhân ba vỡ òa khắp làng xã, khắp đấttrời xứ Huế thân thương một thời kháng chiến.

Tương tự là truyện “Đêm” nói về thân phận khốn khổ của anh thợ cày tên Cao, chuyên cày thuê cho mấy nhà giàu trước cải cách ruộng đất. Truyện với lượng từ không hề nhỏ nhưng cuốn hút tôi bởi cách tả, cách thuật, bởi lối ngắt câu, đặt chữ hết sức tài tình của tác giả khiến tôi luôn có cảm giácmình như sống trong cảnh ấy, vui, buồn, thương,nhớ, xót đau, tủi nhục cùng nhân vật.

Đây là truyện ngắn rất kiệm lời thoại, nhưng nội tâm nhân vật được lột tả tới cùng tận, bởi sức tả sức thuật tài tình, sát thực với nỗi niềm nhân vật, sát thực với cảnh vật. Đọc rồi tôi tự vấn, thời trai trẻ ấy làm sao Phan Quang có cái vốn ngôn từ vựng phong phú và rất nông dân, rất thôn quê đến thế?

Phan Quang là mẫu mực của nhà văn, nhà báo giỏi về chắt lọc ngôn từ. Chữ nghĩa của ông thường đầy ắp thông tin, giàu hình tượng, đa sắc màu. Hầu như ông không mượn chữ để “đại ngôn”, để lớn lời mà bé nghĩa, tuột trơn. Tập “Tím ngát tuổi hai mươi” là bằng chứng về điều ấy khiến người đọc, đọc chẳng khi nào nhàm chán. Bởi thế tôi mong mỏi, tôi đợi chờ ấn phẩm này sớm ra đời. Cho dù đang ở thời @ và công nghệ 4.0, bạn đọc vẫn mặn nồng với văn của Phan Quang ở tuổi hai mươi như tất cả những ngày đã qua trong suốt cuộc đời ông!

Hà Nội, Mùa dập dịch Covid-19

Vĩnh Hà

Tin khác

Chiêm ngưỡng những kỷ vật kháng chiến gắn với chiến thắng Điện Biên Phủ

Chiêm ngưỡng những kỷ vật kháng chiến gắn với chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phản ánh về trận quyết chiến lược Điện Biên Phủ năm 1954 hiện đang thu hút nhiều người dân Thủ đô Hà Nội và du khách quốc tế tới tham quan, khám phá.

Đời sống văn hóa
Hào hứng Lễ hội thả diều - Hello Sunny Phan Thiết

Hào hứng Lễ hội thả diều - Hello Sunny Phan Thiết

(CLO) Hơn 100 cánh diều đầy màu sắc và hình dạng độc đáo bay lượn giữa bầu trời xanh tại Lễ hội thả diều Hello Sunny Phan Thiết.

Đời sống văn hóa
Họa sĩ Lê Vinh - Bậc thầy vẽ tranh bằng bút bi cực thực

Họa sĩ Lê Vinh - Bậc thầy vẽ tranh bằng bút bi cực thực

(NB&CL) Được đào tạo sử dụng các chất liệu màu nước, sơn dầu, lụa, khắc gỗ… nhưng họa sĩ Lê Vinh, chàng trai sinh năm 1979 tại huyện Ba Vì, Hà Nội, lại chọn hướng đi riêng sau khi tốt nghiệp, để rồi thể loại tranh vẽ bằng bút bi mới lạ đưa anh trở thành hiện tượng trong làng hội họa Việt Nam.

Đời sống văn hóa
Lễ hội đường phố Đồng Hới rực rỡ sắc màu

Lễ hội đường phố Đồng Hới rực rỡ sắc màu

(CLO) Ngày 28/4, tại trung tâm thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), Ủy ban nhân dân thành phố Đồng Hới đã tổ chức Lễ hội đường phố năm 2024, với sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ biểu diễn nhiều tiết mục văn nghệ, thời trang...

Đời sống văn hóa
Trên đỉnh đồi C4 anh hùng

Trên đỉnh đồi C4 anh hùng

(CLO) Được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như: Đồi C4 anh hùng, Đồi Ba cây thông… từ năm 1965 đến năm 1973 của thế kỷ trước, trên Đồi C4 đã diễn ra những trận chiến đấu ác liệt của các chiến sĩ Đại đội 4 thuộc Trung đoàn 228 nhằm tiêu diệt máy bay của Đế quốc Mỹ dội bom xuống cầu Hàm Rồng.

Đời sống văn hóa