Phan Thế Cải - Cánh chim không mỏi giữa bầu trời báo và thơ

Thứ hai, 29/06/2020 13:30 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Như cánh chim không mỏi giữa bầu trời báo và thơ, nhà báo – nhà thơ Phan Thế Cải đã làm nên những dấu ấn không thể trộn lẫn với bất cứ ai...

Chúng tôi có cơ duyên được gặp nhà báo Phan Thế Cải trong ngôi nhà ở đường Hải Thượng Lãn Ông (phường Bắc Hà, thành phố Hà Tĩnh). Trong khi bác gái niềm nở rót nước mời khách, những thanh âm lạch cạch của chiếc máy tính cũ kỹ phát ra từ trên gác hai phòng làm việc của ông vẫn không ngơi nghỉ. Ở cái tuổi 63, nhà báo Phan Thế Cải vẫn mải miết với từng vần thơ, trang báo, góp phần truyền lửa đam mê cho những nhà thơ, nhà báo trẻ.

Mối duyên với thơ ca

Cậu bé Phan Thế Cải sinh ra trong một gia đình trung nông giàu truyền thống cách mạng tại xã Sơn Thủy, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Từ nhỏ, Phan Thế Cải đã sớm bộc lộ năng khiếu văn chương, minh chứng là lúc mới học cấp 2, ông đã sáng tác được một số bài thơ về đồi sim, con suối, tiếng ve đọc cho bạn bè cùng trang lứa nghe. Say thơ, cậu bé ấy lại có một trí nhớ “thần đồng”, chỉ cần đọc thơ trên sách, trên báo vài ba lần là cậu đã thuộc lòng. Hồi mới mười lăm tuổi, trên giá sách của cậu bên cạnh các tác phẩm như Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, đã có đủ các tác phẩm của các nhà thơ hiện đại nổi tiếng. Không những mê thơ, cậu bé còn ham nghe ngóng tình hình thời sự trên đài và thích xem báo. Từ khi còn là một cậu bé nhỏ xíu học lớp 2, ông đã xin anh trai mỗi năm 5 đồng bạc để mua báo Thiếu niên Tiền phong về đọc.

Chân dung nhà báo Phan Thế Cải.

Chân dung nhà báo Phan Thế Cải.

Thế rồi, Phan Thế Cải bén duyên với nghề báo, nghiệp thơ như một sự sắp đặt sẵn. Tháng 6/1974, Phan Thế Cải tạm gác lại trang sách, hăng hái lên đường nhập ngũ.

Sau 6 tháng huấn luyện, tình cờ ở trung đoàn 22B của ông lúc ấy cần một người viết bản tin và ông đã được chọn. Phan Thế Cải chăm chỉ đi săn tin của các đơn vị trong trung đoàn rồi viết, in và phát cho từng đại đội.

Thời gian này, ông được tiếp xúc, gần gũi với ông Nguyễn Trọng Tạo - sau này là nhạc sỹ, nhà thơ nổi tiếng. Phan Thế Cải đưa cho Nguyễn Trọng Tạo xem cuốn sổ tay viết những bài thơ do mình sáng tác. Đọc xong, Nguyễn Trọng Tạo khen và động viên ông hãy đi theo nghiệp thơ. Một hôm vào dịp cuối năm 1974, Nguyễn Trọng Tạo vào thị xã Hà Tĩnh công tác và ghé qua báo Hà Tĩnh. Nguyễn Trọng Tạo có cho nhà thơ Duy Thảo xem bài thơ “Đồng Tràm” của Phan Thế Cải. Chẳng ngờ, bài thơ này đã được vinh dự in trên số tết tất niên năm 1975 của báo Hà Tĩnh. Sự kiện này đã cổ vũ, khích lệ lòng đam mê làm thơ trong Phan Thế Cải.

Năm 1975, bài “Nắng Rừng” của Phan Thế Cải lại tiếp tục được nhà thơ Xuân Hoài giới thiệu trên số 3, tạp chí của Hội Văn nghệ Hà Tĩnh. Những thành công bước đầu tạo cho ông nhiều hứng khởi, trong thời gian đầu bén duyên với thơ ca. Những năm sau đó, ông miệt mài thả hồn mình vào sáng tác và tiếp tục gặt hái những thành công đáng mừng.

Tính đến năm 1981, Phan Thế Cải đã có tổng cộng gần 70 bài thơ được in trên các báo Trung ương như: báo Quân đội nhân dân, Phụ nữ, Văn nghệ, Lao động, Độc lập, Người giáo viên nhân dân. Trong đó có bài “Khi mỗi ngày ta biết sống vì nhau”, “Thơ tình viết bên sông”, “Mùa thi” được bạn trẻ yêu thích và chép vào sổ tay.

Cũng trong năm này, nhà xuất bản đã chọn 2 bài thơ của ông để in trong sách giáo khoa lớp 3 tiểu học, đó là: “Chiếc võng của bố” và “Tiếng kẻng cô nuôi cá”.

Năm 1998, Phan Thế Cải sáng tác tập thơ “Mắt suối” được Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành, với những bài thơ giàu chất trữ tình, cách nhìn khá tinh tế.

Đối với Phan Thế Cải, thơ ca là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của ông. Đó vừa là trang giáo án dạy ông cách trưởng thành, vừa là cuốn nhật ký ghi lại những giây phút thăng hoa của cuộc đời mà ông vừa “chộp” được.

Nhà báo Phan Thế Cải (người mặc áo xanh hàng đầu bên phải) đang phỏng vấn cựu Đại tá Hoàng Xuân Vinh - người bắt sống tướng Đờ Cát tại đồi A1 - Điện Biên Phủ.

Nhà báo Phan Thế Cải (người mặc áo xanh hàng đầu bên phải) đang phỏng vấn cựu Đại tá Hoàng Xuân Vinh - người bắt sống tướng Đờ Cát tại đồi A1 - Điện Biên Phủ.

Món nợ với báo chí

Năm 1975 miền Nam được giải phóng hoàn toàn, đất nước chuyển mình sang giai đoạn mới, cũng là thời điểm đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc đời nhà báo Phan Thế Cải. Từ lính của trung đoàn 22, Phan Thế Cải được cấp trên giao làm trợ lý câu lạc bộ Đoàn 40A và được cử đi một lớp bồi dưỡng cộng tác viên của Quân khu 4 về viết báo. Hoàn thành chương trình học, ông đã viết rất nhiều tin bài để đăng ở các báo Quân khu 4, Báo Quân đội Nhân dân.

Đầu 1978, báo Nghệ Tĩnh nhận thấy Phan Thế Cải là một chiến sỹ trẻ, lại có nhiều tin bài có chất lượng nên tiếp nhận ông về làm việc. Sáu tháng đầu, ông được tòa soạn phân công làm morat, sửa bài cho nhà in rồi dần trở thành phóng viên tập sự. Giai đoạn mới về tờ báo này, Phan Thế Cải gặp phải không ít sự hoài nghi từ các đồng nghiệp. Họ băn khoăn vì nghĩ tuổi đời ông còn quá trẻ, lại chỉ biết làm thơ thôi, trong khi tư duy báo chí và tư duy văn học khác hẳn nhau - thơ là tư duy hình tượng, còn báo là tư duy logic.

Nhà báo Phan Thế Cải (đứng thứ 6, bên phải sang) nhận Giải báo chí Búa liềm vàng của tỉnh Hà Tĩnh.

Nhà báo Phan Thế Cải (đứng thứ 6, bên phải sang) nhận Giải báo chí Búa liềm vàng của tỉnh Hà Tĩnh.

Nhưng ông đã ngay lập tức gỡ bỏ sự hoài nghi đó bằng bài báo “Ngày hội tòng quân trên quê hương Lý Tự Trọng” theo thể loại ghi nhanh được Báo Nghệ Tĩnh đăng ngay trên trang nhất và còn được đăng cả trên trang báo Quân đội nhân dân. Đây là động lực, giúp Phan Thế Cải có niềm tin vững chắc hơn vào ngòi bút của mình trên mặt trận báo chí.

Về sau, giới báo chí ưu ái đặt cho ông biệt danh “Phu chữ”, bởi khả năng tạo dựng hàng trăm phóng sự được đăng trên các báo: Nhân dân, Lao động, Quân đội nhân dân, Văn nghệ, Đại đoàn kết…

Những cây bút lão làng và ngay cả các đồng nghiệp trước đây từng nghi ngờ khả năng của ông cũng phải công nhận: “Phan Thế Cải có một sở trường rất riêng, rất nhạy cảm, đó chính là góc nhìn rất chính trị, mang đậm tính thời sự”.

Nhờ vậy, sau này Phan Thế Cải được giao nhiệm vụ viết về mảng phản ánh rồi ghi dấu ấn qua những tác phẩm như: “Những điều không hay xảy ra qua vụ tượng đồng đen ở chùa Yên Lạc (Cẩm Nhượng)”; “Sợi dây thừng oan nghiệt”... đăng trên tờ Nghệ Tĩnh Chủ Nhật nổi tiếng một thời.

Năm 1991, sau khi tỉnh Nghệ Tĩnh tách thành Nghệ An và Hà Tĩnh, Phan Thế Cải về Hà Tĩnh làm phóng viên Báo Hà Tĩnh. Lúc này, ông cũng là cộng tác viên đặc biệt cho Báo Nhân Dân, Báo Lao Động với các tác phẩm nổi tiếng mà nhiều người vẫn còn nhắc lại như: “Dốc Đậu Liêu trâu cười, người khóc”, đăng trên Báo Hà Tĩnh và Báo Nhân Dân. Đặc biệt, tác phẩm “Ngã ba Đồng Lộc – lối rẽ về hiện tại” đăng ở Nhân Dân chủ nhật để lại cho Phan Thế Cải nhiều kỷ niệm và vun đắp thêm tình yêu của ông với nghề.

Còn nhớ độ ấy, tác phẩm này đã chạm tới trái tim, lấy đi nước mắt của khá nhiều độc giả. Sau bài báo, Tổng cục Hàng không và Vietnam airlines đã gửi số tiền 12 triệu đồng cho nhân vật trong bài báo là anh hùng LLVT Vương Đình Nhỏ và thân nhân gia đình 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc. Cũng chính tác phẩm này của ông đã vinh dự đạt giải B bút ký của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Trong suốt cuộc đời làm nghề của mình, bằng ngòi bút xuất sắc và cái nhìn tinh tế, Phan Thế Cải đã gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp báo chí như: giải B của Báo Nhân Dân với bài viết “Bản vui cây lúa, bản đẹp tình người”, giải Nhì mảng phóng sự của Báo Nhân Dân với tác phẩm “Bi hài bình xét hộ nghèo”…

Không ít con người được đào tạo bài bản chuyên sâu nhưng cả đời chỉ theo nghề dang dở bởi thiếu một chữ “duyên”!. Nhưng cũng có những con người vô tình chạm vào hai chữ “báo chí” một lần mà cả đời không dứt nổi. Đó chính là trường hợp của Phan Thế Cải, chàng sinh viên khóa 3 Trường Tuyên giáo Trung ương (nay là Học viện Báo chí  - Tuyên truyền). Và bởi duyên nợ, tình yêu với nghề, Phan Thế Cải đã thật sự tự tôi rèn, “làm khổ” chính mình để rồi giờ đây người ta biết đến ông như là một nhà báo có tên tuổi, đa tài, đầy bản lĩnh.

Trần Phong

Tin khác

Báo Phụ nữ TP HCM công bố Cuộc thi viết “Vẻ đẹp của nước”

Báo Phụ nữ TP HCM công bố Cuộc thi viết “Vẻ đẹp của nước”

(CLO) Ngày 2/5, Báo Phụ nữ TP HCM phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức họp báo công bố Cuộc thi viết với chủ đề “Vẻ đẹp của nước”.

Nghề báo
Toạ đàm về xu hướng truyền thông mới: Biến khó khăn thách thức thành cơ hội phát triển

Toạ đàm về xu hướng truyền thông mới: Biến khó khăn thách thức thành cơ hội phát triển

(CLO) Nhằm đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động Đoàn gắn với công tác chuyên môn nghiệp vụ, chiều 2/5, Ban chấp hành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức chương trình tọa đàm “Xu hướng truyền thông mới – Cơ hội và thách thức”.

Nghề báo
Bổ nhiệm ông Trần Văn Biên làm Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu lập pháp

Bổ nhiệm ông Trần Văn Biên làm Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu lập pháp

(CLO) Sáng 2/5, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu Lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu lập pháp.

Nghề báo
“Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp”: Góc nhìn mới về chiến dịch

“Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp”: Góc nhìn mới về chiến dịch

(CLO) Nói về tác phẩm “Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp” nhà báo Trần Thu Hà cho biết: “Bộ phim chỉ 50 phút, nhưng chúng tôi cố gắng chuyển tải được giá trị từ khối lượng thông tin đồ sộ, thành những câu chuyện dễ hiểu, mới mẻ và thu hút được khán giả, nhưng vẫn phải đảm bảo tính chính xác của thông tin”.

Nghề báo
Khai mạc Cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ - 2024, Cúp Báo Quân đội nhân dân”

Khai mạc Cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ - 2024, Cúp Báo Quân đội nhân dân”

(CLO) Chiều 1/5, tại khu vực hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), Báo Quân đội nhân dân (QĐND) phối hợp với Liên đoàn Xe đạp - Mô tô thể thao Việt Nam và một số đơn vị tổ chức Lễ khai mạc Cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ - 2024, Cúp Báo Quân đội nhân dân”.

Nghề báo