Nhà báo Trần Lệ Thùy - Giám đốc Trung tâm Sáng kiến ​​Truyền thông và Phát triển (MDI):

Phát triển báo chí dữ liệu tạo ra nguồn doanh thu phải có chiến lược lớn, lâu dài

Thứ năm, 20/01/2022 09:38 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Hiện nay các cơ quan báo chí thường tập trung đầu tư công nghệ để truyền tin nhanh, áp dụng cùng lúc nhiều phương tiện khác nhau. Đồng thời, có một lĩnh vực mà các cơ quan báo chí Việt Nam cũng bắt đầu quan tâm, đó là phát triển báo chí dữ liệu.

Đây có thể được coi là một bước đột phá lớn, tạo ra tác phẩm báo chí đáp ứng nhu cầu bạn đọc và là cơ hội mang lại nguồn doanh thu lớn. Để hiểu rõ hơn về lĩnh vực mới mẻ này, Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Trần Lệ Thùy - Giám đốc Trung tâm Sáng kiến ​​Truyền thông và Phát triển (MDI). Chị từng có 20 năm kinh nghiệm là nhà báo trong nước và quốc tế và là học giả nghiên cứu báo chí tại Viện nghiên cứu báo chí Reuters, Đại học Oxford…

phat trien bao chi du lieu tao ra nguon doanh thu phai co chien luoc lon lau dai hinh 1

Báo chí dữ liệu giúp tác phẩm toàn diện hơn, hấp dẫn hơn

+ Khái niệm báo chí dữ liệu vẫn còn khá mới mẻ với nhiều người, theo chị báo chí dữ liệu là gì? Những yếu tố nào tạo ra tác phẩm báo chí dữ liệu vừa có nhiều thông tin vừa có tính chính xác?

- Như tôi tìm hiểu, khái niệm mà biên tập viên dữ liệu của Google đưa ra gần nhất: báo chí dữ liệu là dùng con số để kể chuyện một cách hay nhất. Báo chí dữ liệu không phải là toán học, biểu bảng hay viết code (ngôn ngữ lập trình). Cũng giống như tác phẩm báo chí, báo chí dữ liệu cũng là kể chuyện nhưng thêm rất nhiều những phương tiện hỗ trợ nữa, đó là những các con số, bảng biểu và code để nhấn mạnh thêm nội dung câu chuyện. Báo chí dữ liệu giúp tác phẩm báo chí toàn diện hơn, câu chuyện sâu hơn, hấp dẫn hơn.

Đặc biệt, nếu nhìn rộng hơn về mặt tòa soạn, báo chí dữ liệu là nguồn doanh thu mới, thậm chí còn có thể là một mô hình kinh doanh mới mà các cơ quan báo chí nên tiếp cận và có hướng thay đổi để thích nghi. Trong quá trình nghiên cứu về báo chí , tôi thấy có một thực tế là nhiều cơ quan báo chí trên thế giới không sống bằng tác phẩm báo chí mà sống bằng việc… bán dữ liệu và họ sống rất khỏe. Thậm chí, có những hãng tin nước ngoài họ chỉ có 3 phóng viên, nhưng có tới 30 người làm báo chí dữ liệu. Đây là thông tin sau khi tôi đi thực tế nhiều nước trên thế giới, học hỏi được ở nhiều tòa soạn khác nhau. Còn ở Việt Nam, chúng tôi cho rằng báo chí vẫn chủ yếu sống bằng view, vẫn ít có cơ quan báo chí chú trọng việc này.

+ Là người nghiên cứu rất bài bản về báo chí dữ liệu, theo chị điều gì sẽ tạo sức hấp dẫn nhất đối với một tác phẩm báo chí dữ liệu?

- Cơ bản nhất vẫn là nghiệp vụ báo chí của nhà báo, đó là biết được những giá trị thông tin, hiểu được bạn đọc cần gì và câu chuyện gì thì hấp dẫn, đặc sắc mà bạn đọc đang cần. Cái đó vẫn là yếu tố chính, còn lại yếu tố công nghệ cũng quan trọng không kém. Hiện công nghệ báo chí dữ liệu phát triển rất nhanh, tiện ích và rất rẻ. Chúng ta nhìn các tác phẩm có nhiều thông tin, hình ảnh tương tác, trông có vẻ khó, nhưng thực chất đã có các công cụ có sẵn và rất dễ làm.

Chủ yếu vẫn là tư duy nghiệp vụ của nhà báo, nhà báo có thể ứng dụng những nghiệp vụ rất cơ bản để áp dụng. Hiện nay chúng ta có hệ thống số liệu, dữ liệu rất nhiều, vấn đề mấu chốt là biết cách khai thác, phân tích, sử dụng như thế nào. Người làm báo phải tinh ý, so sánh, kiểm chứng thông tin. Đồng thời cũng cần trau dồi khả năng phát hiện câu chuyện, kể chuyện, biết giá trị thông tin, và sự nhạy cảm với các vấn đề.

+ Chị có nghĩ báo chí dữ liệu sẽ là xu hướng của báo chí hiện nay và tương lai?

- Tất nhiên là vậy. Báo chí dữ liệu đang là xu hướng phát triển của báo chí hiện nay, vì gần như các cơ quan báo chí trên toàn cầu mà chúng tôi đã gặp gỡ hằng năm hay tại các cuộc hội thảo toàn cầu về báo chí, chúng tôi nhìn thấy xu hướng ngày càng rõ nét. Các tòa soạn này đầu tư rất nhiều về báo chí dữ liệu và đầu tư một cách bài bản, có chiến lược lâu dài. Các tòa soạn còn được nhiều giải thưởng quốc tế về báo chí dữ liệu và họ nâng cao được chất lượng, uy tín nhờ việc đầu tư này.

Quan trọng nữa là nó có khả năng mang lại nguồn doanh thu lớn và rất bền vững. Nhưng tất nhiên, để làm được, phải có sự đầu tư bài bản, lâu dài, trải qua thời gian, phải xử lý một khối lượng công việc khổng lồ. Xu hướng này bắt buộc các cơ quan báo chí phải có tầm nhìn dài hạn, đầu tư nhiều trong giai đoạn ban đầu, càng về sau sẽ mất ít công sức hơn và tạo được nguồn thu bền vững.

phat trien bao chi du lieu tao ra nguon doanh thu phai co chien luoc lon lau dai hinh 2

Để mang lại nguồn doanh thu,  bắt buộc phải có chiến lược lớn, lâu dài

+ Như vậy, nếu một cơ quan báo chí ở Việt Nam quan tâm đến báo chí dữ liệu, theo chị để bắt đầu, họ sẽ phải triển khai như thế nào để có hiệu quả?

- Đây là xu hướng nhưng nếu cơ quan báo chí đó không tập trung đầu tư sẽ rất khó thực hiện được vì hiện nay những người chuyên làm báo chí dữ liệu ở Việt Nam có rất ít. Dĩ nhiên, tôi có được biết hiện tại nhân lực trong nước cũng đã có những người làm được rồi, họ có chuyên môn đã được đào tạo và thực hành một cách bài bản ở nước ngoài. Nhưng thực tế là chưa có cơ quan nào đào tạo cả.

Như Dự án của Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển MDI chúng tôi, khi triển khai phải tuyển người vào đào tạo từ đầu. Để bắt đầu việc này thì cơ quan báo chí đó phải có người am hiểu, có nghiệp vụ đào tạo và phải kiên trì. Ban đầu mỗi cơ quan báo chí cần nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí của mình lên, đó là một cách để bắt đầu với trình độ hiện nay. Tuy nhiên để báo chí dữ liệu mang lại nguồn doanh thu thì bắt buộc phải có chiến lược lớn, lâu dài.

+ Theo chị công nghệ liệu có phải là yếu tố quyết định việc triển khai báo dữ liệu?

- Mọi người thường nghĩ công nghệ có vai trò rất lớn, nhưng tôi nghĩ nó chỉ ở mức vừa phải, nhưng để tạo ra tác phẩm báo chí mang tính tương tác mà tôi đã từng giới thiệu, thì tất cả các phóng viên chỉ cần học một lớp đào tạo khoảng một tuần là có thể triển khai được. Về mặt kỹ thuật chuyên môn cũng không phải là khó khăn, nhưng để tạo ra một tác phẩm báo chí dữ liệu lớn, có doanh thu và tác phẩm đó độc quyền thì vai trò của công nghệ sẽ quan trọng hơn. Nhưng để tạo ra một tác phẩm mang màu sắc riêng độc đáo, phải có code riêng, việc này có thể là cả một nhóm kỹ thuật thực hiện mới đảm bảo được chất lượng.

+ Vậy thưa chị, mỗi một phóng viên cần có những thay đổi như thế nào để thích ứng, hiểu biết và làm được một tác phẩm báo chí dữ liệu?

- Một phóng viên bình thường nếu được đi học hoàn toàn có thể làm được, vì đã có các công cụ hỗ trợ hoàn toàn miễn phí, dễ dàng, thậm chí tòa soạn có thể đầu tư rất ít tiền. Hoặc có thể nâng cấp để sử dụng các phầm mềm có bản quyền, trả phí thì sẽ có nhiều lựa chọn hơn. Một phóng viên có thể nắm được một số kỹ năng cơ bản, biết dùng các công cụ sau đó họ có thể phát triển ra...

Nếu thẩm mỹ tốt thì có thể chọn màu đẹp hơn, trình bày sinh động hơn... Nhà báo không có ai chuyên sâu lĩnh vực nào, quan trọng là biết hỏi chuyên gia nào, nhưng chúng ta chịu khó học hỏi sẽ biết đọc, khai thác dữ liệu một cách cơ bản nhất, biết kiểm chứng thông tin đúng sai, chưa rõ ràng, nắm nguồn thông tin chuẩn xác…

+ Vâng, xin cảm ơn chị!

Lê Tâm (Thực hiện)

Bình Luận

Tin khác

Người phóng viên chiến trường Ngọc Đản và những ký ức khó quên

Người phóng viên chiến trường Ngọc Đản và những ký ức khó quên

(NB&CL) “Đối với chúng tôi, những năm tháng làm phóng viên chiến trường là thời gian ghi lại những ký ức hào hùng của dân tộc và cũng là thời gian tích lũy kinh nghiệm, hiểu biết về nghề làm báo, viết báo. Thật tự hào mỗi khi vào lại Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh, tôi lại đắm chìm trong nỗi nhớ ngày 30/4/1975”- Nhà báo Đậu Ngọc Đản - người phóng viên miền Bắc đầu tiên có mặt tại Dinh Độc Lập 30/4/1975, sau 50 năm, vẫn xúc động khi trò chuyện về những năm tháng lịch sử.

Nghề báo
Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

(CLO) Trong những ngày tháng diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có những bài báo, những bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc lịch sử hào hùng, phản ánh chân thực, sinh động nhất về diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ và 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường… Những câu chuyện ấy phần nào được kể qua hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam hôm nay.

Nghề báo
Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

(CLO) Chiều 26/4, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Cuộc thi ảnh báo chí, nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam và Quốc phòng toàn dân năm 2024.

Nghề báo
Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chương trình trọng điểm, phát sóng đa nền tảng trên các kênh và nền tảng số của VTV.

Nghề báo
Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(CLO) Ngày 26/4, Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho gần 100 hội viên, nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí trong tỉnh.

Nghề báo