Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Ngân sách nhà nước còn lo thì không có tự chủ

Thứ sáu, 28/10/2022 20:21 PM - 0 Trả lời

(CLO) Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu ví dụ: Như đại học ở Đức là tự chủ nhưng ngân sách nhà nước vẫn lo 85%, còn ở Việt Nam nếu ngân sách nhà nước còn lo thì không có tự chủ.

Cuối phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của Quốc hội chiều 28/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu làm rõ một số nội dung các đại biểu Quốc hội quan tâm, trong đó đề cập nhiều đến lĩnh vực y tế và giáo dục.

Theo Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam là nước đang phát triển, tính về mức độ phát triển trên thế giới thì tổ chức OECD có 38 thành viên. Nếu tính về mức độ thu nhập thì thế giới có 58 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc được xếp là thu nhập cao, 48 quốc gia là thu nhập trung bình cao, sau đó là đến lượt các quốc gia thu nhập trung bình thấp, trong đó có Việt Nam.

"Do tính ưu việt của chế độ chúng ta, do truyền thống của dân tộc Việt Nam chúng ta và sự nỗ lực của cả hệ thống, đặc biệt là của ngành y tế và giáo dục nên 2 ngành này đều được đánh giá có mức phát triển và hiệu quả sử dụng nguồn lực cao hơn rõ rệt so với các nước có cùng trình độ phát triển kinh tế", Phó Thủ tướng nêu rõ.

pho thu tuong vu duc dam ngan sach nha nuoc con lo thi khong co tu chu hinh 1

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu làm rõ một số nội dung các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Để có đủ giáo viên phải tăng biên chế

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Việt Nam có biên chế sử dụng ngân sách nhà nước rất lớn. "Hiện nay nói số tròn có 2 triệu biên chế, trong đó giáo dục là 1.150.000, y tế khoảng 250.000, 2 ngành này chiếm tuyệt đại đa số. Chúng ta không có năng lực để trả lương cao như các nước", Phó Thủ tướng nói và cho biết, bên cạnh vấn đề chung của thế giới cộng với đặc thù của Việt Nam làm nên tình trạng luôn luôn căng thẳng của giáo dục và y tế. Vấn đề căng thẳng này cũng không thể được giải quyết trong 1, 2 năm mà phải tính bằng hàng chục năm và đây là điều rất bình thường trên thế giới.

Theo Phó Thủ tướng, Bộ Giáo dục và Đào tạo lo đào tạo nguồn giáo viên, lo chuẩn về giáo viên và muốn rằng cứ ở đâu có học sinh phải có giáo viên đủ các môn học và số lượng học sinh trên lớp ít nhất có thể. Ở các nước tiên tiến khoảng 20 người, Việt Nam hiện nay chuẩn đề ra phấn đấu khoảng 35 cháu/1 lớp, nhưng vẫn thiếu.

"Đương nhiên, ngành giáo dục lo đào tạo giáo viên, mong có đủ giáo viên, nhưng để có đủ giáo viên chúng ta phải tăng biên chế và muốn tăng biên chế mà không phát triển giáo dục ngoài công lập được thì chúng ta phải tăng ngân sách, tăng ngân sách thì không có tiền. Muốn vậy chúng ta phải đồng bộ rất nhiều", Phó Thủ tướng nêu và cho rằng, để đồng bộ việc đầu tiên phải phát triển nhanh hơn để có nguồn thu nhiều hơn, nhưng sau đó phải thực sự phải làm sao để giáo dục cũng như y tế ngoài công lập phát triển được, phải là thực chất.

Đối với y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, hiện nay, Việt Nam đã rất nỗ lực cả về chuyên môn, bác sĩ, nhiều bác sĩ không hề kém so với các nước phát triển. Nhưng ở các nước một bác sĩ sẽ có đến 3, 4 điều dưỡng viên để chăm sóc người bệnh, không chỉ trị bệnh. Ở Việt Nam 1 bác sĩ mới có chưa đến 1,5 người điều dưỡng viên. Có những nước như Nhật Bản 1 bác sĩ 9 điều dưỡng viên và nếu để đảm bảo mức bằng trung bình thế giới, Việt Nam phải tăng gấp đôi biên chế ngành y tế như hiện nay, trong khi hiện nay chúng ta vẫn yêu cầu phải giảm.

pho thu tuong vu duc dam ngan sach nha nuoc con lo thi khong co tu chu hinh 2

Quang cảnh phiên thảo luận.

Bảo hiểm y tế của Việt Nam mệnh giá chỉ bằng 1/10 đến 1/30 của các nước phát triển

Vấn đề thứ hai, vấn đề về học phí, viện phí, Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã rất cố gắng, nỗ lực và phải nói rằng các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao là với nguồn kinh phí như vậy nhưng vẫn đảm bảo chất lượng giáo dục và y tế tốt hơn rất nhiều so với những nước có cùng mức chi, nhưng cũng chỉ có giới hạn, không thể nào đòi hỏi một chất lượng dịch vụ tốt nhất thế giới, trong khi thu nhập của người dân và chi ngân sách cho dịch vụ đấy lại ở mức thấp trên thế giới, người dân cũng không thể chi trả hơn được.

Phó Thủ tướng cho biết, hiện nay, bảo hiểm y tế của Việt Nam mệnh giá chỉ bằng 1/10 đến 1/30 của các nước phát triển, trong khi thuốc và máy móc thì phải như các nước phát triển.

Còn về giáo dục, Phó Thủ tướng cho biết, hiện nay các trường phổ thông được hưởng 60% từ học phí để lo cho chi chuyên môn. "Vừa qua, bằng những động thái rất cụ thể để hỗ trợ người dân khó khăn sau đại dịch thì Chính phủ đưa ra một chủ trương là sẽ không tăng học phí. Phần tăng người dân phải đóng góp là không tăng. Nhưng muốn để các trường vận hành được thì ngân sách nhà nước phải bù vào phần lẽ ra phải tăng mà không tăng. Chính phủ đang làm những bước cuối cùng để ban hành Nghị quyết theo hướng như vậy.", Phó Thủ tướng nói.

pho thu tuong vu duc dam ngan sach nha nuoc con lo thi khong co tu chu hinh 3

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, tự chủ là vấn đề rất khó khăn từ nhiều năm nay.

Ngân sách nhà nước còn lo thì không có tự chủ

Về vấn đề tự chủ, Phó Thủ tướng cho biết, đây là vấn đề rất khó khăn từ nhiều năm nay. Hai năm vừa qua có giảm nhiều về đầu mối, nhưng tổng biên chế vẫn không giảm, có khoảng 48 nghìn đơn vị sự nghiệp. "Câu chuyện đặt ra là làm sao cơ chế quản trị các đơn vị sự nghiệp này, trong đó chủ yếu là trường học và bệnh viện. Điều này chúng ta vẫn làm nhưng mà chúng ta làm khác thế giới. Thực tế chứng minh vừa qua chúng ta phải thay đổi theo xu thế của thế giới", Phó Thủ tướng phát biểu.

Theo Phó Thủ tướng, ở thế giới, quản trị bệnh viện và trường học xuất phát từ yêu cầu chuyên môn, được phát huy tính tự chủ, sáng tạo của cơ sở, từ đó người ta được quyền tự chủ về bộ máy, về nhân sự, về đầu tư và về lương, về chi. Nhưng ở Việt Nam, vì thiếu tiền cho nên thiết kế theo hướng là lấy tài chính làm tiêu chí đầu tiên, nếu lo được hết cả chi đầu tư và chi thường xuyên thì mới cho tự chủ hoàn toàn, nếu ở mức giá thấp hơn không lo được đầu tư chỉ chi được thường xuyên là tự chủ được, một mức nữa là tự chủ được một phần chi thường xuyên và mức cuối cùng là không tự chủ được.

"Chúng ta ra một phương pháp để quản lý các cơ sở này, chúng tôi vẫn nói với nhau đó là một khóa 4 nấc và 2 chìa. Ví dụ như đại học ở Đức là tự chủ nhưng ngân sách nhà nước vẫn lo 85%, còn ở chúng ta nếu ngân sách nhà nước còn lo thì không có tự chủ và chúng tôi rất tha thiết là sẽ phải thay đổi việc này", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Gia Phát

Bình Luận

Tin khác

Đề xuất miễn phí cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID

Đề xuất miễn phí cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID

(CLO) UBND thành phố Hà Nội đề xuất hỗ trợ 100% mức phí cho công dân yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID.

Tin tức
Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho Tập đoàn Hyosung đầu tư kinh doanh hiệu quả

Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho Tập đoàn Hyosung đầu tư kinh doanh hiệu quả

(CLO) Tiếp ông Lee Sang Woon, Phó Chủ tịch, Giám đốc điều hành Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc), Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định: Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, coi trọng việc cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho Tập đoàn đầu tư kinh doanh hiệu quả và phát triển bền vững.

Tin tức
Cử tri kiến nghị xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm về ký kết hợp đồng lao động

Cử tri kiến nghị xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm về ký kết hợp đồng lao động

(CLO) Cử tri kiến nghị lãnh đạo tỉnh An Giang chỉ đạo đơn vị chức năng xử lý nghiêm đối với những doanh nghiệp vi phạm về việc ký kết hợp đồng lao động.

Tin tức
Tăng cường trao quyền và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong phòng, chống thiên tai

Tăng cường trao quyền và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong phòng, chống thiên tai

(CLO) Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị từng địa phương tập trung nâng cao năng lực điều hành của mình; tăng cường trao quyền và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu địa phương bởi đây mới là người chỉ huy trực tiếp tại chỗ, mới có thể ra quyết định sáng suốt nhất và hợp lý nhất tại thời điểm xảy ra sự cố, thiên tai.

Tin tức
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Kịp thời xử lý các vướng mắc trong xuất khẩu dược liệu

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Kịp thời xử lý các vướng mắc trong xuất khẩu dược liệu

(CLO) Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tiếp tục bám sát tình hình, kịp thời xử lý các vướng mắc trong hoạt động xuất khẩu dược liệu.

Tin tức