Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch

Thứ sáu, 01/06/2018 15:00 PM - 0 Trả lời

(CLO) Sáng nay 1/6, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch, các ĐB cho rằng, chưa nên thông qua Luật này, bởi đây là Luật rất quan trọng, là lĩnh vực nảy sinh nhiều tiêu cực hiện nay.

 

Báo Công luận
 Các ĐBQH đều mong muốn nhận được câu trả lời  đúng và trúng trọng tâm từ các Bộ trưởng 

 

Đa số ý kiến đồng tình với việc ban hành Luật nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Quy hoạch. Đồng thời, xóa được khoảng trống pháp lý, xung đột pháp luật gây khó khăn vướng mắc trong lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch. Tuy nhiên các đại biểu cho rằng, nếu cần thiết thì chưa nên thông qua tại Kỳ họp này, cần thời gian để chỉnh sửa thêm. Việc loại bỏ các quy hoạch sản phẩm đang tồn tại hiện nay sẽ loại bỏ những giấy phép trái quy luật của kinh tế thị trường là bước đột phá về thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất kinh doanh; đồng thời, để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Luật Quy hoạch.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch gồm 14 Điều, trong đó có 13 Điều quy định việc sửa đổi 13 Luật và 1 Điều về quy định hiệu lực thi hành luật.

Chính phủ cho rằng, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại 13 luật trên (có hiệu lực đồng thời với Luật Quy hoạch từ 01/01/2019) là cần thiết, tránh tạo ra các khoảng trống pháp lý, các xung đột, cũng như các vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch ngành, góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đầu tư kinh doanh và đảm bảo nguồn kinh phí cho việc lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số Luật có quy định liên quan đến quy hoạch sửa đổi, bổ sung các điều khoản liên quan đến quy hoạch tại 13 Luật, bao gồm: Luật Hóa chất; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Điện lực; Luật Dược số; Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá; Luật Công chứng; Luật Trẻ em; Luật Khoa học và Công nghệ; Luật Đầu tư; Luật An toàn thực phẩm; Luật Đầu tư công; Luật Xây dựng; Luật Quy hoạch đô thị.

Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế về dự án Luật này và cho rằng cần rà soát thật kỹ lưỡng để tránh chồng chéo, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. 

Về dự án Luật công chứng, Điều 7 của dự thảo Luật đã sửa đổi các quy định về quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng theo hướng bỏ quy định về quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng, bổ sung quy định Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện thành lập và hoạt động của văn phòng công chứng; sửa đổi các quy định về thành lập, quản lý hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng và quản lý Nhà nước về công chứng liên quan đến quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị, nhiều ý kiến đề nghị bỏ nội dung quy hoạch xây dựng tỉnh, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện trong Luật Xây dựng. Các đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu rà soát làm rõ nội hàm của quy hoạch xây dựng chỉ có tính chất là quy hoạch kỹ thuật, chuyên ngành để tránh trùng lắp các nội dung với quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành khác. 

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh về sự cần thiết ổn định của quy hoạch. Đại biểu nêu dẫn chứng, mấy chục năm qua, thành công của một số lĩnh vực là nhờ quy hoạch đúng như: hàng không, công nghệ thông tin, điện lực đi đúng hướng, đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế. Nhưng đại biểu cũng lưu ý, quy hoạch cũng là nguồn cơn của nhiều tiêu cực, gây những thiệt hại, nhiều khi quy hoạch đúng nhưng sau đó phá hỏng, làm cho méo mó đi, điều chỉnh một cách tùy tiện theo lợi ích tức thời. Quy hoạch đúng, quy hoạch hợp lý và có từng bước điều chỉnh cho hợp lý hơn, tối ưu hóa lợi ích, chứ không phải điều chỉnh theo giải pháp tình thế, do đó, khi sửa luật phải quán triệt yêu cầu này, ĐB Trương Trọng Nghĩa lưu ý.

ĐBQH Đặng Thế Vinh (Hậu Giang) nhấn mạnh, nguyên tắc rà soát các quy hoạch để sửa đổi, bổ sung phải lấy Luật Quy hoạch làm chuẩn. Mỗi loại quy hoạch có nhiệm vụ riêng, ở cấp độ khác nhau, quy hoạch vùng, tỉnh, quy hoạch ngành, quy hoạch  quốc gia và quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành thì không nên có sự chồng lấn. Do đó, cần xác định nhiệm vụ, nội dung của quy hoạch xây dựng để không chồng chéo, trùng lắp với các quy hoạch khác.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị làm rõ phạm vi, đối tượng nội dung của quy hoạch xây dựng, xác định lại khái niệm quy hoạch xây dựng tại khoản 30 Điều 3 của Luật Xây dựng để thu hẹp nội dung của quy hoạch xây dựng với tính chất là quy hoạch chuyên ngành.  Phải làm rõ phạm vi đối tượng nội dung của quy hoạch xây dựng thì mới xác định mối quan hệ của quy hoạch xây dựng với các quy hoạch ngành, quốc gia, vùng và quy hoạch tỉnh. 

ĐB Đặng Thế Vinh cho rằng, việc bỏ quy hoạch tổng thể về hành nghề công chứng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập các văn phòng công chứng, đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp. ĐB cũng cho rằng, không nên lo ngại việc bỏ quy hoạch thì các văn phòng công chứng sẽ thành lập tràn lan, cạnh tranh không lành mạnh. Vì công chứng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã được quy định trong Luật Đầu tư. 

Ngoài ra, Luật Công chứng cũng quy định chặt chẽ các điều kiện hành nghề công chứng viên, điều kiện thành lập và hoạt động của văn phòng công chứng. Nếu cạnh tranh không lành mạnh thì xử lý theo quy định của Luật Cạnh tranh. Tuy nhiên, hiện nay các văn phòng công chứng mới chủ yếu thành lập ở đô thị, hiếm có ở vùng sâu, vùng xa. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu bổ sung quy định đẩy mạnh chính sách khuyến khích thành lập các văn phòng công chứng ở vùng sâu, vùng xa, hoặc thành lập mới các Văn phòng công chứng nhà nước để đáp ứng yêu cầu của người dân ở vùng không có hoạt động của văn phòng công chứng

ĐBQH Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) cho rằng, do công công chứng là nghề nghiệp đặc thù, cần phải quản ký chặt chẽ. Trước đây, công chứng là dịch vụ công, nay Nhà nước ủy quyền cho tư nhân làm. Với tính chất đặc thù như vậy nên hoạt động công chứng rất cần được quản lý chặt chẽ. Vì các vấn đề phát sinh khi các tổ chức công chứng cạnh tranh nhau, cạnh tranh khách hàng, khi đó rủi ro về pháp lý là rất lớn, hiện tượng Công chứng viên “bắt tay” với người đi công chứng trong chuyển nhượng bất động sản cũng đã từng xảy ra, gây nhiều hệ lụy’.

Trước đó, trong phiên thảo luận tại tổ, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP HCM) cũng nêu lên thực tế hiện nay là công tác quy hoạch đang làm khổ người dân, làm kìm hãm tốc độ phát triển của đất nước. Nhiều "quy hoạch treo" có tầm nhìn dài tới 30 -50 năm, trong khi thực tiễn cuộc sống thay đổi liên tục. Trong khi nhà, đất của người dân khi nằm trong diện bị quy hoạch là lập tức giá trị bị suy giảm đời sống, khó khăn. 

Do đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị, nên tiến hành hậu kiểm tất cả các quy hoạch trên từng khu vực để nhanh chóng thu hồi ngay những quy hoạch nào nếu nhận thấy không thể thực hiện được và giải phóng quy hoạch đó để người dân có thể đầu tư xây dựng lại. Bên cạnh đó, khi Luật Quy hoạch mới được ban hành đụng đến nhiều luật khác, cho nên tại Kỳ họp thứ 5 này cần rà soát và thông qua các điều khoản liên quan đến các luật để làm sao không bị chồng chéo và kìm hãm lẫn nhau.

Đắc Nguyên

Tin khác

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra, đốc thúc một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra, đốc thúc một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam

(CLO) Ngày 29/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đi kiểm tra hiện trường, động viên cán bộ, công nhân đang làm việc trên công trường, đốc thúc một số dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025, đi qua địa bàn các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên và cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Tin tức
Truy điệu 2 cán bộ kiểm lâm hy sinh khi làm nhiệm vụ chữa cháy rừng ở Hà Giang

Truy điệu 2 cán bộ kiểm lâm hy sinh khi làm nhiệm vụ chữa cháy rừng ở Hà Giang

(CLO) Ngày 28/4, tại Nhà tang lễ thành phố Hà Giang, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang cùng các gia đình tổ chức lễ tang, lễ truy điệu 2 cán bộ kiểm lâm đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ chữa cháy rừng. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Quốc Trị dự lễ truy điệu.

Tin tức
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giao thông tới đâu, người dân hưởng lợi tới đó

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giao thông tới đâu, người dân hưởng lợi tới đó

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thực tiễn cho thấy, giao thông phát triển đến đâu sẽ tạo ra giá trị mới, mở ra không gian phát triển mới đến đó.

Tin tức
Hợp luyện toàn bộ khối diễu binh, diễu hành Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hợp luyện toàn bộ khối diễu binh, diễu hành Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Ngày 28/4, tại sân vận động tỉnh Điện Biên, toàn bộ 51 khối tham gia diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã tiến hành hợp luyện lần đầu tiên.

Tin tức
Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát, kiểm tra công tác ứng phó khô hạn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát, kiểm tra công tác ứng phó khô hạn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

(CLO) Ngày 28/4, trong chương trình công tác tại Ninh Thuận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi thị sát, tìm hiểu tình hình hạn hán, kiểm tra công tác ứng phó khô hạn trên địa bàn tỉnh, khảo sát việc vận hành hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, thăm hỏi, động viên người dân bị ảnh hưởng bởi hạn hán.

Tin tức