Quốc hội tiếp tục thảo luận về kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước

Thứ tư, 01/11/2017 19:00 PM - 0 Trả lời

(CLO) Ngày 1/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính- ngân sách nhà nước 3 năm 2018- 2020.

Tại phiên thảo luận hôm nay đã có 38 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu, 8 đại biểu tranh luận và 4 Bộ trưởng phát biểu giải trình, làm rõ những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. 


Báo Công luận
 Ngày 1/11, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước 

Các nội dung đại biểu Quốc hội nêu gồm nhiều vấn đề “nóng” trong phát triển kinh tế- xã hội như: Cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư kinh doanh; phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; vấn đề bảo vệ môi trường; những nội dung về thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; các giải pháp quản lý, bảo vệ rừng; bảo đảm trật tự an toàn xã hội; đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái; cải cách chính sách tiền lương…

Ngăn ngừa hiện tượng lạm dụng Quỹ bảo hiểm y tế


Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, vừa qua đã xuất hiện quá nhiều sự bất cập trong lĩnh vực bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, bội chi, lạm dụng, trục lợi bảo hiểm y tế; vướng mắc bất cập trong quản lý sử dụng thanh toán Quỹ bảo hiểm y tế đang là vấn đề nóng. Đại biểu cho rằng, Chính phủ cần khẩn trương có giải pháp tháo gỡ tích cực, bởi nếu không có giải pháp quyết liệt thì mục tiêu đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội và 30% tham gia bảo hiểm thất nghiệp rất khó khả thi.

Giải trình, làm rõ thêm về nội dung này tại phiên họp chiều nay, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, chúng ta đã đạt tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế khá cao, 82%, vượt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, tính cả lương, chi phí vào đó, làm cho người dân giảm chi phí tiền túi vì được bảo hiểm chi trả đồng thời nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.


Báo Công luận
 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến giải trình, trả lời một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, việc thanh toán khám, chữa bệnh do bảo hiểm y tế chi trả thường chậm, “treo” khối lượng lớn- đây là vấn đề nhiều địa phương rất bức xúc.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, đến đầu năm 2016, kết dư Quỹ bảo hiểm y tế là 47 nghìn tỷ đồng. Kết dư nhiều như vậy cũng có mặt không tốt, bởi đây là quỹ ngắn hạn, người dân được hưởng hàng năm, kết dư lớn chứng tỏ người dân không được tiếp cận tất cả các dịch vụ tốt, nhất là vùng sâu, vùng xa. 

Đến cuối năm 2016, khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế khiến bội chi tăng lên, phải lấy nguồn kết dư đó để bù vào. Dự kiến hết năm 2019 sẽ sử dụng hết phần quỹ kết dư với giá dịch vụ y tế duy trì như hiện nay. Bởi vậy, dù chưa vỡ quỹ ngay nhưng “có nguy cơ”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định. 

Về giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, sẽ tham mưu Chính phủ sửa Nghị định 105 nhằm kiểm soát việc sử dụng các dịch vụ quá mức, không hợp lý và hành vi trục lợi, trong đó, sẽ khoán mức trần chi phí. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin... nhằm khống chế tối đa các hiện tượng lạm dụng Quỹ bảo hiểm y tế.

Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) băn khoăn: Bộ máy hành chính cứ nhập vào rồi lại tách ra. Nhập vào, tách ra đều có lý cả, nhưng mang yếu tố chủ quan của người thực thi nhiều hơn.

"Tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 về sắp xếp lại bộ máy yêu cầu không để nhiệm vụ trùng lắp và các cấp trung gian là rất chính xác. Tuy nhiên vừa rồi, một số đề án gợi ý thì chưa phù hợp, cần thảo luận rất kĩ", đại biểu Bùi Văn Phương nêu quan điểm.

Cũng theo đại biểu Bùi Văn Phương, phân cấp, phân quyền trong bộ máy hành chính chưa phù hợp. Nhất là tại cấp gần dân nhất là cấp xã, chế độ đãi ngộ thấp nhất trong các cán bộ hành chính hiện nay nên động lực phấn đấu để trưởng thành không được tốt. Chế độ chính sách đãi ngộ như thế nên có chuyện: Các cán bộ cấp xã nói đãi ngộ như thế thì làm như thế thôi, trong khi cấp trên thì cho rằng “làm như thế thì đãi ngộ như thế”.


Báo Công luận
 Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh phát biểu

Cho rằng bảo vệ môi trường là vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế- xã hội, song đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Long An) còn băn khoăn về tính xác thực của số liệu đánh giá môi trường.

Đại biểu dẫn chứng, theo báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường năm 2016 là 86%, năm 2017 đạt 87%, năm 2018 kế hoạch đạt 88%. Tuy nhiên, tại Kỳ họp này, Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo về kết quả thực hiện trả lời chất vấn lại đưa ra con số tính đến tháng 9/2017, số khu công nghiệp đang hoạt động đã hoàn thành hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tỷ lệ 76%. 

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, việc đưa ra số liệu khác nhau và chưa xác thực tới 10% sẽ dẫn tới sự chủ quan, đánh giá cao thành tích đạt được và không có giải pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Đại biểu đề nghị, Chính phủ cần kiểm tra lại và báo cáo cụ thể với Quốc hội về thực trạng bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và có số liệu chính xác về chỉ tiêu này.

Liên quan đến vấn đề kết hợp kinh tế với bảo đảm quốc phòng- an ninh, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng, vấn đề kết hợp kinh tế với bảo đảm quốc phòng- an ninh là vấn đề lớn, được quy định tại Điều 68 Hiến pháp 2013.

Đại biểu cho biết, thời gian qua, dư luận xã hội ồn ào với câu chuyện Quân đội làm kinh tế hay không làm kinh tế? Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, nhiều cử tri cũng nêu vấn đề này.

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, đánh giá thực tế hiệu quả quân đội làm kinh tế cho thấy, không phải lĩnh vực nào và ở khu vực nào, lực lượng dân sự cũng đảm đương được. Ví dụ, không thể phủ nhận thành quả của Tập đoàn Viettel trong đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế nước ta. Thực tế khảo sát cũng cho thấy, các tập đoàn kinh tế đóng chân trên những địa bàn chiến lược đều xác định nhiệm vụ chủ yếu là góp phần bảo vệ Tổ quốc.

Quyết liệt xử lý 12 dự án thua lỗ

Tại phiên thảo luận hôm nay, đã có 4 vị Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Về 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, 12 dự án này rất phức tạp, trải qua nhiều thời kì, giai đoạn khác nhau. Phần lớn đều có nguyên nhân cả chủ quan và khách quan. Để xử lý, phải làm đồng bộ, đánh giá toàn diện hệ thống những vấn đề tồn tại, vướng mắc.


Báo Công luận
 Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm

Trong 2 năm qua, Chính phủ đã thành lập ban chỉ đạo đánh giá toàn diện, kiểm tra tổng thể các dự án để tìm ra nguyên nhân; năm 2017 hoàn tất việc chuẩn bị xử lý; năm 2018 tập trung giải quyết căn bản các dự án và đến năm 2020 sẽ giải quyết dứt điểm. Hiện nay, có 4 dự án phân bón đã khôi phục sản xuất, 3 dự án xăng sinh học đang khởi động lại, đến năm 2018 sẽ tham gia thị trường.

Về công tác phòng chống buôn lậu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết đây là tình trạng vẫn diễn ra nhức nhối ở nhiều địa phương. Nguyên nhân là do chế tài của chúng ta chưa đủ mạnh, dẫn đến hiện tượng nhờn pháp luật, các đối tượng buôn lậu cấu kết tinh vi, sự phối hợp của từng lực lượng phòng chống buôn lậu còn chưa chặt chẽ, thường xuyên dẫn đến hiệu quả đấu tranh còn yếu; mặt khác, chất lượng, chuyên môn, phẩm chất của lực lượng phòng chống buôn lậu cũng còn khoảng cách so với đòi hỏi thực tiễn...

Theo Bộ trưởng, có 3 nhiệm vụ lớn cần tập trung: Tăng cường hơn nữa việc phối hợp các lực lượng chuyên ngành để đấu tranh chống buôn lậu, phát huy trách nhiệm từng lực lượng; xem xét hoàn chỉnh khung khổ pháp lý, thể chế, tăng chế tài; có quan điểm đồng bộ, toàn diện nhất quán, nghiêm khắc xử lý hành vi buôn lậu.

Giải trình về nội dung chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và cơ chế thị trường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh thời gian qua, biến đổi khí hậu cực đoan hơn, dị thường hơn, gay gắt hơn, do vậy tái cơ cấu nông nghiệp phải coi đây là nguyên tắc cơ bản để thích ứng khi xây dựng các ngành hàng chủ lực. Bên cạnh đó, chúng ta đã xuất khẩu nông sản đi hơn 180 nước, do vậy phải chấp nhận độ mở về thị trường.


Báo Công luận
 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu trước Quốc hội sáng 1/11

Bộ trưởng khẳng định, nếu quyết tâm chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng các sản phẩm thế mạnh, ngành hàng chủ lực có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Ví dụ, tại Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phát triển 2 ngành hàng chủ lực là tôm, cá; các tỉnh đều có thể phát triển các sản phẩm đặc sản của địa phương như: Cam Cao Phong, nhãn lồng Hưng Yên, xoài Cao Lãnh, vải thiều Lục Ngạn, nho Ninh Thuận, hoa Đà Lạt...

Bộ trưởng cho biết, nông nghiệp đang nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, của các doanh nghiệp, nhân dân. Hiện nay các ngành hàng lớn đều đã có các doanh nghiệp lớn, làm “rường cột” để phát triển thị trường nông sản như sữa, cà phê, thủy sản...

Về vấn đề phân bón, Bộ trưởng cho biết Chính phủ đã xây dựng Nghị quyết để quản lý vấn đề này; sắp tới Bộ sẽ trình Chính phủ một nghị định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực phân bón với chế tài mạnh, thậm chí nơi nào vi phạm sẽ bị dừng sản xuất; đồng thời phối hợp với các bộ ngành liên quan, rà soát lại theo hướng gọn bớt đầu mối, sản phẩm phân bón, tăng lượng sản phẩm phân hữu cơ để phục vụ phát triển nông nghiệp sạch...


T.Toàn



Tin khác

Ra mắt Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội tại Sầm Sơn (Thanh Hóa)

Ra mắt Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội tại Sầm Sơn (Thanh Hóa)

(CLO) Tối 27/4, UBND tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội du lịch biển năm 2024 và khánh thành Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn.

Tin tức
Điện Biên Phủ - “Vành hoa đỏ”, “Thiên sử vàng” chói lọi của lịch sử chống ngoại xâm

Điện Biên Phủ - “Vành hoa đỏ”, “Thiên sử vàng” chói lọi của lịch sử chống ngoại xâm

(CLO) Đã 70 năm trôi qua nhưng âm hưởng của bản hùng ca Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” không chỉ tại Việt Nam mà còn vang vọng mãi đến muôn đời sau, khắp cả năm châu, bốn biển.

Tin tức
Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tiếp xúc cử tri tỉnh An Giang

Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tiếp xúc cử tri tỉnh An Giang

(CLO) Ngày 27/4, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đã tiếp xúc cử tri tại huyện Thoại Sơn và thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Tin tức
Đại tướng Phan Văn Giang tri ân các đồng chí nguyên lãnh đạo Quân đội

Đại tướng Phan Văn Giang tri ân các đồng chí nguyên lãnh đạo Quân đội

(CLO) Đại tướng Phan Văn Giang mong muốn các đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu tiếp tục quan tâm, theo dõi, có nhiều ý kiến đóng góp quý báu, tâm huyết để xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam ngày càng vững mạnh.

Tin tức
Khánh thành Bia truyền thống lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định

Khánh thành Bia truyền thống lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định

(CLO) Công trình hoàn thành không chỉ là niềm vui, phấn khởi của cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang Thành phố Hồ Chí Minh vì đã hoàn thành tâm niệm, sự ấp ủ của các thế hệ đi trước mà còn là nơi để cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang Thành phố tự hào về quá khứ đấu tranh hào hùng.

Tin tức