Quy hoạch nhà ở xã hội cần gắn với quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch vùng và địa phương

Thứ năm, 24/08/2023 09:23 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Các chuyên gia, đại diện cho doanh nghiệp kỳ vọng dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ được tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện một cách kỹ lưỡng, giải quyết được những bất cập đang tồn tại trong thực tiễn cuộc sống trước khi trình Quốc hội tiếp tục thảo luận, xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6 tới đây.

Góp ý kiến cho Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng: Để người nông dân nghèo có cơ hội tiếp cận với nhà ở xã hội thì cần có cơ chế, chính sách cụ thể, tạo điều kiện để có thể mua được nhà ở xã hội. Muốn vậy, quy hoạch nhà ở xã hội cũng cần gắn với quy hoạch nông thôn mới, gắn với quy hoạch của vùng, miền, địa phương, điều này cũng cần quy định rõ trong luật. Đồng thời, cũng cần có quy hoạch về nhà ở xã hội trong tổng thể quy hoạch chung, có kết nối hạ tầng, trường học, bệnh viện, giao thông.

Không nên bắt buộc nhà ở xã hội phải là nhà chung cư

Theo dự kiến, tại đợt 2 của Phiên họp thứ 25 (diễn ra từ ngày 24 - 25/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Đây là dự án Luật đang nhận được nhiều quan tâm của dư luận xã hội.

Các chuyên gia bày tỏ băn khoăn về chính sách phát triển nhà ở xã hội và cho rằng cần mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách với tiêu chí đơn giản, dễ nhận biết và giảm tối đa thủ tục hành chính; cần có thêm cơ chế, cách làm để huy động toàn dân tham gia thực hiện góp phần giải quyết nơi ở, chỗ ở cho công nhân, người lao động, người có thu nhập thấp…

quy hoach nha o xa hoi can gan voi quy hoach nong thon moi quy hoach vung va dia phuong hinh 1

Theo đó, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, cần xem xét để mở rộng đối tượng được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội. Hiện nay, dự thảo Luật quy định về 9 đối tượng nhưng thực tế có một số đối tượng không thực sự “mặn mà” đến nhà ở xã hội như đối tượng là người có công với cách mạng. Trong khi đó, một số đối tượng có nhu cầu rất cao về nhà ở xã hội nhưng chưa được quy định như người có thu nhập trung bình thấp.

Bên cạnh đó, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị bỏ quy định yêu cầu đối tượng không phải nộp thuế thu nhập cá nhân, bởi quy định này sẽ làm phát sinh thêm thủ tục và thời gian để có xác nhận của cơ quan thuế về việc thuộc đối tượng không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Có cùng quan điểm về việc mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Chí Giang cho rằng dự thảo luật cần có quy định mở rộng đối tượng và phương pháp làm, đặc biệt kéo người dân vào tham gia.

quy hoach nha o xa hoi can gan voi quy hoach nong thon moi quy hoach vung va dia phuong hinh 2

TS. Cấn Văn Lực phát biểu tại hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), do Ủy ban Pháp luật của Quốc hội vừa tổ chức.

TS. Cấn Văn Lực phân tích, đối với nhà ở xã hội cũng cần phải yêu cầu về bảo đảm hệ sinh thái có hạ tầng kỹ thuật và cả hạ tầng xã hội như bệnh viện, trường học… tránh tình trạng mỗi địa phương một kiểu; đồng thời, tránh tình trạng chỉ có xây nhà mà không có các thiết chế đi kèm dẫn đến không có người ở. Đồng thời, cần quy định rõ hạ tầng xã hội thì do ai chủ trì, là địa phương hay chủ đầu tư.

Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam Trần Anh Tuấn thì cho rằng, Dự thảo Luật quy định nhà ở xã hội phải là nhà chung cư và nhà xã hội là nhà liền kề chỉ được xây ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định của Thủ tướng Chính phủ là chưa thực sự phù hợp. Ông Tuấn phân tích, việc xây dựng nhà chung cư chi phí xây dựng rất cao, cao hơn chi phí xây dựng nhà liền kề một trệt, một lầu, hoặc là một trệt khiến cho người dân khó tiếp cận được với nhà ở xã hội, nhất là tại khu vực nông thôn hoặc một số tỉnh, thành có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Do đó, không nên bắt buộc nhà ở xã hội phải là nhà chung cư mà có thể là nhà liền kề và có thể ủy quyền cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh để quyết định về việc này.

Bên cạnh đó, để đảm bảo thuận lợi trong quá trình đánh giá việc đáp ứng điều kiện hưởng chính sách nhà ở xã hội, có ý kiến đề xuất xây dựng cơ sở dữ liệu về nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng với các thông tin chính xác, đầy đủ để chủ đầu tư có nguồn thông tin cần thiết phục vụ việc đánh giá điều kiện mua nhà ở xã hội của khách hàng, đặc biệt là điều kiện về nhà ở.

Việc lấy giá bán căn hộ có giá cao nhất để tính % đóng kinh phí bảo trì là chưa hợp lý

Đóng góp ý kiến về kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu, TS. Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nêu quan điểm: Tại khoản 2 Điều 150 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định “Đối với căn hộ, phần diện tích khác trong nhà chung cư mà chủ đầu tư giữ lại không bán, không cho thuê mua hoặc chưa bán, chưa cho thuê mua tính đến thời điểm bàn giao đưa nhà chung cư vào sử dụng, trừ phần diện tích thuộc sở hữu chung thì chủ đầu tư phải đóng 2% giá trị căn hộ, phần diện tích giữ lại. Phần giá trị này được tính theo giá bán căn hộ có giá cao nhất của nhà chung cư đó”.

Doanh nghiệp cho rằng, quy định trên là chưa hợp lý khi tính theo giá bán căn hộ có giá trị cao nhất của nhà chung cư đó, bởi hiện nay có những nhà chung cư bao gồm nhiều phân khúc và sản phẩm khác nhau với các mức giá chênh lệch. Việc lấy giá bán căn hộ có giá cao nhất để tính % đóng kinh phí bảo trì sẽ gây khó khăn cho các chủ đầu tư bất động sản. Hơn nữa, mức giá cao nhất này có thể bị thay đổi theo xu hướng của thị trường đối với những căn bán sau.

Do vậy, TS. Đậu Anh Tuấn đề nghị điều chỉnh quy định theo hướng sử dụng giá bán căn hộ trung bình của nhà chung cư để đảm bảo cân bằng nguồn tài chính cho chủ đầu tư và tránh việc độn giá đối với các căn hộ, phần diện tích chưa bán hay cho thuê tính đến thời điểm bàn giao đưa vào sử dụng sau này.

Cần chú ý đến đối tượng thụ hưởng là nông dân

Đối với quy định về người thụ hưởng chính sách, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh kiến nghị, cần quy định cụ thể hơn trong lần sửa đổi Luật Nhà ở lần này, cần chú ý đến đối tượng thụ hưởng là nông dân, bởi đa phần người nông dân có thu nhập thấp nhưng đối tượng này chưa được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội. Để người nông dân nghèo có cơ hội tiếp cận với nhà ở xã hội, cần có cơ chế, chính sách cụ thể, tạo điều kiện để có thể mua được nhà ở xã hội. Muốn vậy, quy hoạch nhà ở xã hội cũng cần gắn với quy hoạch nông thôn mới, gắn với quy hoạch của vùng, miền, địa phương, điều này cũng cần quy định rõ trong luật. Đồng thời, cũng cần có quy hoạch về nhà ở xã hội trong tổng thể quy hoạch chung, có kết nối hạ tầng, trường học, bệnh viện, giao thông.

quy hoach nha o xa hoi can gan voi quy hoach nong thon moi quy hoach vung va dia phuong hinh 3

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định, thu nhập bình quân của người lao động hiện nay là rất thấp, để có thể mua được nhà ở xã hội thì người lao động mất khoảng 57 năm mới có thể mua được. Vì vậy, để mua được một căn nhà ở xã hội, người mua nhà phải vay mượn từ gia đình, xã hội, bạn bè, người thân, do đó, chính sách hỗ trợ tín dụng của Nhà nước cũng cần kéo dài hơn từ 25-35 năm để người mua nhà xã hội trả nợ dần và mức cho vay lớn hơn như hiện nay…

Với những ý kiến đóng góp, đề xuất như trên, các chuyên gia, đại diện cho doanh nghiệp kỳ vọng dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ được tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện một cách kỹ lưỡng, giải quyết được những bất cập đang tồn tại trong thực tiễn cuộc sống trước khi trình Quốc hội tiếp tục thảo luận, xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6 tới đây.

Thiên An

Bình Luận

Tin khác

Ra mắt Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội tại Sầm Sơn (Thanh Hóa)

Ra mắt Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội tại Sầm Sơn (Thanh Hóa)

(CLO) Tối 27/4, UBND tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội du lịch biển năm 2024 và khánh thành Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn.

Tin tức
Điện Biên Phủ - “Vành hoa đỏ”, “Thiên sử vàng” chói lọi của lịch sử chống ngoại xâm

Điện Biên Phủ - “Vành hoa đỏ”, “Thiên sử vàng” chói lọi của lịch sử chống ngoại xâm

(CLO) Đã 70 năm trôi qua nhưng âm hưởng của bản hùng ca Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” không chỉ tại Việt Nam mà còn vang vọng mãi đến muôn đời sau, khắp cả năm châu, bốn biển.

Tin tức
Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tiếp xúc cử tri tỉnh An Giang

Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tiếp xúc cử tri tỉnh An Giang

(CLO) Ngày 27/4, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đã tiếp xúc cử tri tại huyện Thoại Sơn và thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Tin tức
Đại tướng Phan Văn Giang tri ân các đồng chí nguyên lãnh đạo Quân đội

Đại tướng Phan Văn Giang tri ân các đồng chí nguyên lãnh đạo Quân đội

(CLO) Đại tướng Phan Văn Giang mong muốn các đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu tiếp tục quan tâm, theo dõi, có nhiều ý kiến đóng góp quý báu, tâm huyết để xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam ngày càng vững mạnh.

Tin tức
Khánh thành Bia truyền thống lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định

Khánh thành Bia truyền thống lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định

(CLO) Công trình hoàn thành không chỉ là niềm vui, phấn khởi của cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang Thành phố Hồ Chí Minh vì đã hoàn thành tâm niệm, sự ấp ủ của các thế hệ đi trước mà còn là nơi để cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang Thành phố tự hào về quá khứ đấu tranh hào hùng.

Tin tức