"Rằng qua cơn lận đận càng hiểu tận lòng nhau"

Thứ ba, 09/02/2021 09:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Tạm gác lại mọi công việc bộn bề cuối năm, đồng chí Hoàng Trung Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã dành cho PV Báo Nhà báo & Công Luận cuộc trò chuyện thân tình.

+ Hà Tĩnh vừa đi qua một năm với bao khó khăn của dịch dã, thiên tai. Nhưng bằng sức sống mãnh liệt, giống như những cây bàng, hôm nào trơ trụi lá, khẳng khiu cành, nay đã bung chồi non, lộc biếc. Theo đồng chí Bí thư, có phải sức mạnh nội sinh cộng với việc phát huy sức mạnh tổng hợp là những yếu tố giúp Hà Tĩnh “lấy lại sự thăng bằng” sau 2 cơn đại hồng thủy?

- Dù chẳng lạ lẫm gì với cảnh lũ lụt của vùng quê được gọi là “chảo lửa, túi mưa”, song cho đến hôm nay đã hơn 2 tháng trôi qua, tôi và nhiều người vẫn không thể quên được nỗi xót xa, bàng hoàng của hai trận lũ lịch sử cuối tháng 10/2020. Lũ lụt đã nhấn chìm 118 xã, phường, thị trấn của 11/13 huyện, thị, thành phố. Chỉ trong mấy tiếng đồng hồ đã có hơn 53 ngàn hộ dân phải gồng mình chống chọi với thiên tai. Thiệt hại do hai cơn đại hồng thủy tháng 10/2020 cả tỉnh lên tới hơn 5.000 tỷ đồng.

Tuy vậy, nhờ chủ động trước đó và trước khi Đại hội Đảng bộ lần thứ XIX mấy ngày, trên cơ sở dự báo được tình hình, Đoàn Chủ tịch đã báo cáo với Đại hội và quyết định rút ngắn thời gian làm việc. Tại Đại hội đã dành thời gian để đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh triển khai kịp thời kế hoạch phòng, chống bão lụt.

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng cùng lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh tiếp hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng và nhà ở kiên cố cho nhân dân vùng lũ của Tập Đoàn Sun Group.

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng cùng lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh tiếp hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng và nhà ở kiên cố cho nhân dân vùng lũ của Tập Đoàn Sun Group.

Bằng nhiều biện pháp, Hà Tĩnh đã hạn chế được thiệt hại đến mức thấp nhất do thiên tai. Hà Tĩnh đã phát huy tốt truyền thống cố kết trong cộng đồng, “thương người như thể thương thân”, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, động viên, giúp đỡ nhau trong hoạn nạn. Đến với bà con vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ thuộc huyện Cẩm Xuyên mới cảm nhận được hết sức mạnh “4 tại chỗ”. Chỉ trong một đêm, di cư cả 50 ngàn dân lên nơi an toàn, không để sơ suất nào xảy ra. Không thể nêu hết tấm lòng cao đẹp, nghĩa cử nhân ái “nhường áo, sẻ cơm” của bà con mình với nhau lúc hoạn nạn. Đoàn công tác chúng tôi cho xuồng lách vào một hộ dân, được chứng kiến và nhớ mãi hình ảnh cao đẹp, đầy tình người ở đây. Trong những ngôi nhà cao tầng, gia chủ dành hẳn các tầng để mấy gia đình cư trú chung. Mọi người chia nhau, san sớt cho nhau từng mẩu bánh mỳ, chai nước lọc; nhiều nhà dân cao tầng đã trở thành nơi ở, điều trị cho những người bị bệnh, những người già cả không đi lại được. Mọi người coi việc dành nhà, chia sẻ miếng cơm, manh áo cho nhau là việc làm bình thường. Tôi thật sự xúc động khi đang mưa trắng trời, trâu bò, lợn gà, tài sản trôi, hư hỏng hết, chủ nhà vẫn tâm sự: “Dù thế này chứ có bị nặng hơn, chúng tôi vẫn tin Đảng và Nhà nước không để dân đói. Chỉ cần các bác cho mấy cân gạo để sống qua mấy ngày, sau lũ sẽ khôi phục dần!”. Tự nhiên, trong tôi lúc này chợt nhớ về câu hát: “Đừng than phận khó ai ơi/ Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”. Minh triết sống của người dân miền Trung chúng tôi là như vậy. Trong những ngày này, ở các địa phương dấy lên phong trào “những bữa cơm, chiếc bánh nghĩa tình”. Hàng vạn chiếc bánh chưng, hàng ngàn suất cơm từ khắp nơi theo xe, theo xuồng, gùi bộ được chuyển đến cùng hơi ấm tình người, kịp đến với nhân dân các vùng bị nạn. Rất nhiều tấm gương chiến sỹ quân đội, công an băng mình trong nước xiết sơ tán nhân dân, chuyển đồ đạc ra khỏi vùng nguy hiểm. Hàng chục đứa trẻ ra đời  “mẹ tròn con vuông” trong lũ lụt từ bàn tay, trái tim, nồng ấm tình người của các  “mẹ hiền” ngành y tế.

Trong khó khăn, hoạn nạn, Hà Tĩnh đã nhận được sự yêu thương, đùm bọc, sẻ chia lớn lao và hiệu quả của đồng bào cả nước, nhiều tổ chức, cá nhân, kiều bào ta ở ngoài nước; sự quan tâm, động viên hết lòng của Đảng, Chính phủ, các bộ, ban, ngành ở Trung ương. Tôi chỉ muốn dẫn dụ vài ba trường hợp khá đặc biệt để nhà báo biết rõ thêm. Khi xảy ra lũ lụt, được tin qua đài, báo, bà con các dân tộc tỉnh Hà Giang - địa đầu Tổ quốc đã gói trọn tình yêu thương của mình vào trong 20 ngàn chiếc bánh chưng gửi vào cho Hà Tĩnh. Tỉnh Thái Bình dấy lên phong trào phát động quyên góp từng cân gạo, thùng mì tôm gửi tặng Hà Tĩnh. Tỉnh Nghệ An ngoài vật chất, Hà Tĩnh cần bao nhiêu lực lượng cứu trợ, bao nhiêu thuyền đều sẵn sàng đáp ứng. Các đội thuyền du lịch, đội mô tô bay của Nghệ An đã đưa hàng chục thuyền cao su, hàng chục mô tô vào giúp Hà Tĩnh vận chuyển lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ bị ngập...

Hình ảnh một số cá nhân thiện nguyện đã cùng các lực lượng chèo thuyền len lỏi tận từng nhà, trao từng suất quà cứu trợ ở Cẩm Xuyên, Thạch Hà, thành phố Hà Tĩnh. Có những gia đình đã kêu gọi các Mạnh Thường Quân trực tiếp trao tận tay các hộ bị thiệt hại 20 tỷ đồng, gửi tặng tỉnh 20 tỷ đồng để xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh lũ. Đây là những nghĩa cử chúng tôi luôn ghi nhận một cách rất trân trọng.

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng trò chuyện thân mật với PV Báo Nhà báo & Công luận.

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng trò chuyện thân mật với PV Báo Nhà báo & Công luận.

+ Trong nói chuyện với anh em phóng viên tại hội nghị tổng kết công tác báo chí năm 2020, đồng chí có nêu lên chủ trương xây dựng nhà văn hóa vùng lũ rất ấn tượng, với tính khả thi cao. Đặc biệt ý tưởng này đã nhận được sự đồng tình của nhiều tổ chức, doanh nghiệp là con em của Hà Tĩnh.

- Đúng vậy. Qua những trận lũ lịch sử vừa rồi, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về khắc phục hậu quả thiên tai với chiến lược căn cơ, hiệu quả hơn để khi lũ lụt đến, dân có một nơi trú thân an toàn. Đó là xây dựng những nhà văn hóa cộng đồng theo mô hình 2 trong 1, khi bình thường là nơi sinh hoạt văn hóa, khi bão lũ làm nơi tránh trú an toàn. Nhà được xây kiên cố, nền tôn cao để có thể cất giữ lương thực, làm nơi ở tạm cho gia súc trong những ngày bị mưa ngập. Qua khảo sát, trước mắt cần có khoảng 300-350 nhà văn hóa cộng đồng, 4.000 - 5.000 nhà dân vùng lũ cho các đối tượng là gia đình cách mạng, hộ chính sách, hộ nghèo, hộ khó khăn không thể làm được nhà ở. Nguồn kinh phí chủ yếu là xã hội hóa, cùng với sự hỗ trợ về công sức của cộng đồng.

Điều đáng mừng là khi nghe chúng tôi đưa ra ý tưởng này, có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp, doanh nhân rất tán đồng ủng hộ. Ngoài đồng chí Trương Tấn Sang - nguyên Chủ tịch nước, người đồng khởi xướng dự án, còn có nhiều đồng chí là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương đã có sự chung tay, góp sức rất đáng trân trọng.

Trong những ngày còn lại của năm 2020 và quý I/2021, Hà Tĩnh phấn đấu xây dựng 40 nhà văn hóa cộng đồng tránh bão, lũ, mỗi nhà trị giá 2-2,5 tỷ đồng, trên 1.000 nhà dân, mỗi nhà khoảng từ 70-90 triệu đồng bằng nguồn xã hội hóa.

+ Tôi đã nhiều lần được nghe đồng chí Bí thư nói về đội ngũ báo chí qua những sự kiện thiên tai, dịch bệnh của năm 2020 Hà Tĩnh phải hứng chịu, với mối tình cảm sâu sắc và sự đánh giá rất cao...

- Bão lũ rồi sẽ qua đi, dịch bệnh cũng không thể tồn tại trước ý chí, quyết tâm phòng, chống kiên cường của con người. Song với tôi và nhân dân Hà Tĩnh không thể nào quên sự đóng góp rất lớn của những người làm báo. Hình ảnh các phóng viên, nhà báo đằm mình, xông pha trong lũ không quản ngại hy sinh, sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 luôn được người dân Hà Tĩnh trân trọng. Các phóng viên, cộng tác viên đã bất chấp hiểm nguy, bám sát địa bàn, phản ánh kịp thời, sinh động tình hình thực tế, động viên cán bộ, nhân dân vùng bị nạn vượt qua mất mát đau thương, ổn định lại cuộc sống. Đồng thời còn kết nối, kêu gọi nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ Hà Tĩnh hàng trăm tỷ đồng tiền, quà, áo ấm, sách vở... cho các gia đình và học sinh vùng lũ. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh khắc ghi điều đó.

Người dân Nghệ Tĩnh có câu hát nghe rất “gan ruột”,“Rằng qua cơn lận đận mới hiểu tận lòng nhau”. Nhà báo thấy đó, sau bão lũ, trời đã sáng dần lên, tình yêu thương chở che, đùm bọc của Trung ương, Chính phủ, nghĩa cử cao đẹp của đồng bào, anh chị em báo chí đã mang lại sự ấm áp trong những ngôi nhà trước đó còn chơi vơi, lạnh lẽo trong biển nước. Tiếng trống trường lại rộn rã vang lên. Những mầm xanh qua bão lũ bị dập vùi lại vươn dậy với sức sống mới. Chính những ân tình đó đã sưởi ấm những mảnh đời bất hạnh, thiệt thòi, thắp lên trong lòng họ niềm tin vào ngày mai tươi sáng. Và cũng từ những nghĩa cử cao đẹp này của cộng đồng, chúng tôi càng ý thức hơn mình phải làm gì để đưa lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, tạo những bước đột phá mới về kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

+ Xin cảm ơn đồng chí Bí thư về cuộc chuyện trò thú vị này!

Khắc Hiển (Thực hiện)

Tin khác

Nam Định: Tăng cường các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn

Nam Định: Tăng cường các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn

(CLO) UBND tỉnh Nam Định vừa ban hành Công văn yêu cầu các sở, các địa phương, đơn vị liên quan trong tỉnh tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Đời sống
Xe cút kít làm từ gỗ bàn thờ ra trận phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ

Xe cút kít làm từ gỗ bàn thờ ra trận phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ

(CLO) Với khẩu hiệu “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, hàng nghìn người nông dân Việt Nam từ các làng quê nô nức lên đường tham gia chiến dịch, hăng hái đi dân công vận chuyển lương thực thực phẩm cho chiến dịch Điện Biên Phủ, trong số đó có ông Trịnh Đình Bầm.

Đời sống
Đã tìm thấy thi thể 2 ngư dân mất tích trong vụ chìm thuyền câu mực ở Nghệ An

Đã tìm thấy thi thể 2 ngư dân mất tích trong vụ chìm thuyền câu mực ở Nghệ An

(CLO) Liên quan đến vụ chìm thuyền câu mực ở Nghệ An, sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể hai nạn nhân mắc kẹt trong tàu câu mực.

Đời sống
Các 'bóng hồng' Cảnh sát đặc nhiệm diễu binh kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Các "bóng hồng" Cảnh sát đặc nhiệm diễu binh kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Sáng 5/5, chương trình tổng duyệt Lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã diễn ra. Phần trọng tâm là lễ diễu binh, diễu hành với sự tham gia của hơn 12.000 người, trong đó khối Cảnh sát đặc nhiệm là các “bóng hồng” gây ấn tượng với người dân và du khách bằng vẻ ngoài tươi tắn, mạnh mẽ.

Đời sống
Thanh Hóa: Sẵn sàng các điều kiện tổ chức Cầu truyền hình trực tiếp Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thanh Hóa: Sẵn sàng các điều kiện tổ chức Cầu truyền hình trực tiếp Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, vào lúc 20 giờ tối nay ngày 5/5, Đài Truyền hình Việt Nam - VTV sẽ thực hiện chương trình cầu truyền hình trực tiếp "Dưới lá cờ quyết thắng". Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Thanh Hóa đã chuẩn bị tốt, sẵn sàng các điều kiện để tổ chức điểm cầu thực tiếp thành công.

Đời sống