Sau những lùm xùm, dự án tu bổ tháp Bánh Ít tạm dừng thi công

Thứ sáu, 11/03/2022 13:38 PM - 0 Trả lời

(CLO) Những ngày qua, việc đưa phương tiện cơ giới vào thi công dự án trùng tu, tôn tạo tháp Bánh Ít, Bình Định, đã thu hút sự chú ý của dư luận. Sự việc càng “nóng” hơn khi đơn vị thi công có dấu hiệu che giấu, ngăn cản việc giám sát của cộng đồng.

Xem xét lại một số hạng mục

Tại cuộc họp chiều 10/3 về việc thi công công trình xây dựng, tu bổ, tôn tạo tháp Bánh Ít xâm hại di tích tháp cổ mà báo chí phản ánh, ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã có chỉ đạo tạm dừng thi công các công việc liên quan đến 4 tháp thuộc cụm tháp Bánh Ít.

Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh Bình Định yêu cầu Sở Văn hóa - Thể thao chỉ đạo các nhà thầu không thi công bằng cơ giới ở khu vực các tháp thuộc vùng bảo vệ nghiêm ngặt (vòng 1) của di tích, tuyệt đối không san gạt, đào bới làm ảnh hưởng đến các tháp như thông tin báo chí đã phản ánh.

sau nhung lum xum du an tu bo thap banh it tam dung thi cong hinh 1

Đơn vị thi công dùng xe cơ giới khi thực hiện tu bổ Tháp Bánh Ít

UBND tỉnh Bình Định giao Sở Văn hóa - Thể thao tổ chức tham vấn ý kiến các chuyên gia để điều chỉnh thiết kế liên quan đến các tháp như xem xét bỏ hạng mục xây bồn hoa sát chân tháp, tìm giải pháp thi công lát nền xung quanh các tháp hợp lý để không làm ảnh hưởng đến các tháp…

Trước đó, liên quan đến việc doanh nghiệp đưa xe cơ giới vào thi công dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tháp Bánh Ít, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có văn bản đề nghị ngành văn hóa tỉnh Bình Định kiểm tra, có phương án bảo vệ di tích.

Theo Cục Di sản Văn hóa, vừa qua, đơn vị nhận được thông tin phản ánh về việc thi công tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tháp Bánh Ít có sử dụng xe cơ giới để san gạt mặt bằng; một số vị trí thi công chưa đảm bảo nội dung đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như Cục Di sản Văn hóa thẩm định, thỏa thuận.

Về việc này, Cục Di sản văn hóa đề nghị Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Bình Định kiểm tra thực tế, chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương có giải pháp bảo vệ di tích; căn cứ nội dung dự án đã được thẩm định, thỏa thuận để rà soát các biện pháp thi công đảm bảo không ảnh hưởng đến di tích gốc và cảnh quan, môi trường - sinh thái của di tích. Kết quả gửi báo cáo về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (qua Cục Di sản văn hóa) trước ngày 11/3/2022.

Tu bổ hay phá hoại di tích?

sau nhung lum xum du an tu bo thap banh it tam dung thi cong hinh 2

Chân tháp chính được xây dựng bồn hoa xung quanh. Ảnh: TTXVN

Được biết, dự án xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tháp Bánh Ít được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 9/2021, do Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư, tổng kinh phí xây dựng 25,6 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2021 - 2022. Tháng 10/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản thỏa thuận và đến tháng 12/2021, công trình chính thức khởi công.

Sau đó không lâu, đã có dư luận về việc thi công tháp Bánh Ít không đúng với các biện pháp thi công đã được thẩm định, dùng phương tiện cơ giới thi công làm xâm hại di tích…

Đặc biệt, trong quá trình thi công, tháo dỡ tấm bê tông trước tháp chính của quần thể tháp Bánh Ít đã phát lộ ra một mảnh vỡ của tượng đá. Mảnh vỡ có chiều cao khoảng 40-50cm, chiều ngang khoảng 30cm, có hoa văn điêu khắc Chăm Pa, nghi vấn là tượng đá cổ, có giá trị văn hóa, lịch sử và tôn giáo. Ngoài ra, còn một số dấu tích nền gạch, mảnh vỡ của gốm, đá sa thạch cổ…

Mặc dù vậy, đơn vị thi công vẫn tiếp tục vận chuyển mảnh vỡ gạch, ngói cổ đi nơi khác và triển khai thi công dự án. Đến ngày 4/3, Thanh tra Sở Xây dựng Bình Định mới kiểm tra, yêu cầu dừng việc dùng phương tiện cơ giới san gạt xung quanh tháp chính. Theo hồ sơ dự án, việc đắp cát công trình bằng thủ công và máy đầm đất cầm tay.

Một số chuyên gia khảo cổ đặt câu hỏi, vì sao không dừng thi công để xem xét, tiến hành khai quật khi phát hiện mảnh vỡ của tượng đá và mảnh vỡ này có phải do dùng máy cơ giới trong thi công?

sau nhung lum xum du an tu bo thap banh it tam dung thi cong hinh 3

Mảnh vỡ nghi là tượng Chăm cổ được phát hiện trong quá trình tháo dỡ tấm bêtông tại khu vực Tháp Chính. Ảnh: TTXVN

Ông Đinh Bá Hòa, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Định cho biết, khu vực cụm Tháp Bánh Ít còn nhiều công trình khác đã bị đổ xuống, chưa phát lộ và chưa được khai quật. Do đó, khi đào xuống nếu phát hiện ra hiện vật, vật kiến trúc phải dừng lại, mời các chuyên gia đến kiểm tra, sau đó báo cáo UBND tỉnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để khảo sát, xem xét.

Ông Đinh Bá Hòa cũng cho rằng, Luật Di sản đã quy định rõ trong di tích những vùng cần bảo vệ nghiêm ngặt, bất khả xâm phạm, thế nên việc huy động máy móc, phương tiện cơ giới thi công, san gạt ở khu vực tháp Bánh Ít là hành vi phá hoại di tích.

Tuy nhiên, trên thực tế, dự án tu bổ, tôn tạo tháp Bánh Ít ngay từ đầu đã sử dụng phương tiện cơ giới thi công khu vực không được phép, đến khi phát hiện hiện vật, đơn vị thi công vẫn không dừng lại.

Hơn nữa, sau khi báo chí phản ảnh về những hoạt động có dấu hiệu vi phạm, ngày 5/3, đơn vị thi công khu di tích tháp Bánh Ít đóng kín cổng, treo bảng không đón du khách, không cho người bên ngoài vào và tiếp tục thi công các hạng mục không bị đình chỉ của công trình.

Liên quan đến vụ việc này, ngày 7/3, Sở Văn hóa - Thể thao Bình Định mới có văn bản đề nghị UBND tỉnh cho phép tạm dừng đón khách để thi công, sửa chữa, chỉnh trang cơ sở hạ tầng cảnh quan tại di tích tháp Bánh Ít. Đến ngày 10/3, Sở này mới cùng với Sở Xây dựng kiểm tra các hạng mục đang thi công tại tháp Bánh Ít.

sau nhung lum xum du an tu bo thap banh it tam dung thi cong hinh 4

Trước cổng tháp Bánh Ít treo bảng thông báo tạm dừng đón, phục vụ khách

Do đó có thể thấy, Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Bình Định đã dừng việc đón khách tham quan tháp Bánh Ít trước khi xin chủ trương và sự đồng ý của UBND tỉnh Bình Định. Đồng thời, dư luận cũng đặt ra nghi vấn việc đóng cửa tháp Bánh Ít là để đối phó với việc quay phim, ghi hình các vi phạm và tạo điều kiện để đơn vị thi công xóa dấu vết những vi phạm đó.

Tháp Bánh Ít thuộc thôn Đại Lễ, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Đây là quần thể 4 công trình kiến trúc bằng gạch, được xây dựng từ cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII, đến nay vẫn giữ được kiến trúc nguyên gốc.

Cụm tháp được xếp hạng di tích Kiến trúc nghệ thuật vào năm 1982. Năm 2015, tháp Bánh Ít là địa điểm duy nhất của Việt Nam lọt vào cuốn sách “1001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời” do nhà xuất bản Quintessence nổi tiếng của Anh phát hành.

T.Toàn

Bình Luận

Tin khác

Các họa sĩ trẻ đang dần 'chạm' gần hơn tới lịch sử Việt Nam

Các họa sĩ trẻ đang dần 'chạm' gần hơn tới lịch sử Việt Nam

(CLO) Ngày 4/5, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc Gia Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm chuyên đề “Lịch sử dưới góc nhìn của thế hệ trẻ” hướng tới kỉ niệm 70 năm Chiến Thắng Điện Biên Phủ và nâng cao vai trò của thanh – thiếu niên trong sáng tạo nghệ thuật.

Đời sống văn hóa
Trưng bày 150 tư liệu, sách, báo về Chiến dịch Điện Biên Phủ

Trưng bày 150 tư liệu, sách, báo về Chiến dịch Điện Biên Phủ

(CLO) Triển lãm “Chiến dịch Điện Biên Phủ - Quyết định lịch sử” vừa được tổ chức vào chiều ngày 4/5 tại Nhà triển lãm số 45 Tràng Tiền (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), nhằm giới thiệu đến độc giả Thủ đô về các sự kiện, dấu mốc, diễn biến quan trọng của Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra từ ngày 13/3/1954 đến ngày 7/5/1954...

Đời sống văn hóa
'Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ”: Những hình ảnh chân thực và xúc động về lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam

"Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ”: Những hình ảnh chân thực và xúc động về lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam

(CLO) Tối 3/5, tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương (Hà Nội), hai bộ phim tài liệu “Hồi ức Điện Biên” và “Những người lính già” đã được chiếu mở màn khai mạc “Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ”.

Đời sống văn hóa
Giới thiệu sách “Điện Biên Phủ” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Giới thiệu sách “Điện Biên Phủ” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

(CLO) Chiều 3/5, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cùng gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổ chức Lễ giới thiệu sách “Điện Biên Phủ” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đời sống văn hóa
Du khách thích thú trải nghiệm tour đi bộ ngắm “đại dương xanh”

Du khách thích thú trải nghiệm tour đi bộ ngắm “đại dương xanh”

(CLO) Tối 3/5, UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã khai mạc dự án nghệ thuật công cộng trên Cầu đi bộ Trần Nhật Duật kết nối dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân.

Đời sống văn hóa