Sinh viên “kêu trời” vì trường công thu học phí “trên trời”: Cần quy định trần học phí đối với trường công

Thứ năm, 11/06/2020 12:12 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Hiện nay rất nhiều trường công nhưng lại có mức học phí lên đến gần 100 triệu đồng mỗi năm, gây ra áp lực lớn đối với sinh viên muốn theo học.

Việc đua nhau tăng học phí đang được các trường cho là do “cơ chế tự chủ”, về lâu dài sẽ tạo ra những hệ lụy khi nhiều sinh viên đã có quan điểm: để học trường này phải có tiền!. Do đó, Nhà nước cần sớm có quy định mức trần học phí và giám sát chặt chẽ chất lượng đào tạo.

Đua nhau tăng học phí

Hiện nay, nhiều trường công lập đang “rục rịch” cách tăng học phí. Tại trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh mức học phí tăng cao nhất từ mức 13 triệu đồng/năm với tất cả các ngành lên mức 30 - 70 triệu đồng/năm áp dụng cho khóa tuyển sinh 2020 - 2021. Ngành có mức học phí cao nhất là răng - hàm - mặt với 70 triệu đồng/năm, ngành y khoa là 68 triệu đồng. Với mức tính cả khóa học 6 năm cùng với chi phí ăn ở tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều người nhẩm tính một thí sinh muốn tốt nghiệp những khoa này phải tiêu tốn ít nhất gần 1 tỷ đồng.

Hiện nay nhiều trường Y – Dược đang tăng học phí một cách vô lý (ảnh mang tính minh họa).

Hiện nay nhiều trường Y – Dược đang tăng học phí một cách vô lý (ảnh mang tính minh họa).

Không chỉ Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh mà nhiều trường cũng có mức học phí tăng mạnh. Đáng chú ý ngành răng hàm mặt của trường Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có mức học phí cao lên tới 88 triệu đồng/năm, trong khi Đại học Y Dược Cần Thơ là 24,6 triệu đồng/năm. Ngoài ra các trường Đại học như Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh có mức học phí dao động từ 20 đến 40 triệu đồng/năm. Các trường miền Bắc mức học phí cũng tăng như Đại học Bách Khoa Hà Nội mức học phí áp dụng cho sinh viên khóa mới (K65) năm học 2020 - 2021 là 17 đến 25 triệu đồng/học kỳ. Đại học Kinh tế quốc dân mức học phí cho khóa mới vẫn duy trì 14 đến 19 triệu/năm học, còn các khoa tiên tiến dạy bằng tiếng Anh mức học phí là cao nhất lên đến 80 triệu đồng/năm học. Việc các trường đại học liên tục tăng học phí khiến áp lực đối với sinh viên theo học ngày một tăng.

Trao đổi với PV Báo Nhà báo & Công luận, Hồ Vĩ - người dân tộc Vân Kiều hiện đang học năm thứ 3 Đại học Lâm Nghiệp cho biết, trừ những gia đình khá giả, còn đại đa số những gia đình trung bình khá trở xuống sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu học phí tiếp tục tăng. Em mong muốn, Nhà nước nên xem xét, không nên tăng học phí quá cao. Với các bạn người dân tộc, hộ nghèo mong được miễn giảm và hỗ trợ thêm tiền để theo học. Hiện nay để có đủ tiền ăn, chi phí sinh hoạt hàng ngày Hồ Vĩ và nhiều bạn như em phải đi làm thêm.

Tăng học phí sẽ là gánh nặng với sinh viên

Học phí luôn là gánh nặng với các sinh viên học xa nhà, đối với sinh viên nghèo càng áp lực hơn. Câu chuyện của em Phạm Thu Trang - sinh viên năm 1, ngành Marketing, trường Đại học Kinh tế Quốc dân là một ví dụ.

Trang quê Thanh Hóa, mẹ làm công nhân giày da, bố sức khỏe yếu làm nghề tự do. Để đủ tiền chi phí học tập, Trang luôn cố gắng học để giành học bổng. Ngoài ra, hằng ngày Trang dậy sớm đi bán hàng ăn sáng, tranh thủ đi làm gia sư để có tiền. Thời gian đi làm không được nhiều nên thu nhập hằng tháng của Trang cũng chỉ thêm được 1 - 1,5 triệu đồng. Việc tăng học phí với Trang là một tin buồn. Vừa qua em vừa đóng 12 triệu đồng tiền học phí kỳ 1, hiện còn phải đóng tiếp 10 triệu đồng học phí cho học kỳ 2. “Dịch bệnh Covid -19, công việc của bố mẹ không có thu nhập, em cũng không đi làm được trong khi tiền phòng trọ vẫn phải đóng khiến em rất khó khăn” - Trang tâm sự.

Ước mơ có một nền học phí phù hợp là ước mơ chung của nhiều bạn trẻ trước ngưỡng cửa vào đại học (ảnh minh họa – Trinh Phúc).

Ước mơ có một nền học phí phù hợp là ước mơ chung của nhiều bạn trẻ trước ngưỡng cửa vào đại học (ảnh minh họa – Trinh Phúc).

Tăng học phí chỉ để tăng lương cho thầy cô thì nguy!

Theo GS Phạm Tất Dong, trường nào muốn thu cao học phí thì phải giải trình. Muốn thu học phí cao chất lượng phải cao. Chất lượng cao như thế nào phải giải trình được với Nhà nước. Hiện nay nâng học phí lên chủ yếu là để nâng lương cho thầy cô. Mà tăng học phí chỉ vì mục đích nâng lương thì nguy.

Do đó, khi được hỏi về xu hướng trường đại học công lập tăng học phí, Trang lo lắng, mức học phí quá cao so với khả năng tài chính thì cổng trường đại học sẽ khép lại với rất nhiều bạn. Nhiều sinh viên cũng lo sợ, nếu học phí cứ tăng phi mã thì quãng đời sinh viên của nhiều em như vậy càng thêm cơ cực. Sinh viên Nguyễn Thị Ánh quê Cao Bằng đang theo học năm thứ 3, trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng với học phí như hiện nay không hẳn quá cao với các bạn có điều kiện nhưng với những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, con nông dân như Ánh là vấn đề rất lớn. Ánh hy vọng sẽ có nhiều học bổng để các bạn sinh viên nghèo, vượt khó, học giỏi có thể phấn đấu đạt được.

Các bạn Hồ Vĩ, Phạm Thu Trang, Nguyễn Thị Ánh là những sinh viên vừa giành được học bổng “Tiếp sức đến trường”.  Số tiền các em được hỗ trợ là 3 triệu đồng nhưng đó là một “cứu cánh” trong gian đoạn khó khăn sau dịch Covid -19. Khi đặt số tiền 3 triệu đồng đó bên cạnh mức học phí 60 - 80 triệu đồng nhiều ngành học đưa ra hiện nay cho thấy sự bất cập quá lớn trong chính sách học phí. Nếu không thay đổi thì quãng đời sinh viên của nhiều sinh viên sẽ khổ vô cùng.

Cần quy định trần học phí đối với trường công

Theo TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, thực trạng tăng học phí có nguyên nhân từ việc các trường được cơ chế tự chủ nhưng nhiều khi cố hiểu thành “tự túc”. Bản chất tự chủ khác “tự túc”. Vì “tự túc” là Nhà nước không cấp xu nào trong khi tự chủ không hoàn toàn như vậy. Nhà nước sẽ cấp ngân sách cho các trường có chất lượng đào tạo tốt.

Kinh nghiệm một số nước, trường tư muốn thu học phí bao nhiêu là quyền của các nhà trường nhưng với trường công bao giờ cũng được giới hạn. Học phí trường công là căn cứ vào mức thu nhập trung bình của người dân chứ không phải học phí “trên trời”. Như mức thu của Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh hay Khoa  Y của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh gần 100 triệu/năm học là thu kiểu “trên trời”.

Mức học phí này chỉ phù hợp với người có thu nhập cao (những người như vậy quá ít) còn đối với thu nhập trung bình của người dân là không phù hợp. Ngay cả tại Hoa Kỳ, học phí trường công luôn bị khống chế. Tại quốc gia Indonesia, trong Luật Giáo dục của họ đã quy định rõ ràng về vấn đề này nhưng hiện nước ta thì chưa có quy định.

Đồng quan điểm, GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng: “Nếu tự chủ đại học mà chỉ nhăm nhăm về mặt tiền nong là quá nguy hiểm”. Tự chủ quan trọng nhất là tự chủ học thuật, các nhà trường phải chịu trách nhiệm đào tạo trước Nhà nước, phải đảm bảo chuẩn chất lượng chứ không phải thu tiền là xong. Không thể cứ tự chủ là tăng giá, nâng “vống” học phí lên gần 100 triệu đồng. Học phí như vậy là “chết rồi còn gì nữa” - ông Dong lo lắng. Mức thu học phí phải bảo đảm phù hợp với năng lực chi tiêu của người dân. Còn thu như vậy, con nông dân chỉ có nước thất học.

Nhà trường tăng học phí phi mã là lỗi của Bộ GD&ĐT

Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, trước thực trạng học phí tăng cao thì Bộ GD&ĐT nên có văn bản quy định trần học phí. Việc không quy định tiền học phí đối với các trường tự chủ đại học là lỗi quản lý nhà nước thuộc về Bộ. Còn các trường lợi dụng việc này để tăng học phí là có lỗi với người dân, lỗi với cộng đồng. Do đó, giữa trường, Bộ và các cơ quan quản lý nhà nước phải có thỏa thuận với nhau.

Trinh Phúc

Tin khác

Cổng đăng ký trực tuyến Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 mở trong 9 ngày

Cổng đăng ký trực tuyến Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 mở trong 9 ngày

(CLO) Từ ngày 2/5 đến 17 giờ ngày 10/5, cổng đăng ký trực tuyến Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được mở để phục vụ thí sinh đăng ký dự thi chính thức.

Giáo dục
Ngày mai, thí sinh bắt đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp

Ngày mai, thí sinh bắt đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp

(CLO) Từ ngày 2/5 đến 17h ngày 10/5, học sinh cả nước sẽ đăng ký dự thi tốt ngiệp THPT năm 2024.

Giáo dục
Bảng xếp hạng đại học châu Á: Việt Nam có 5 trường

Bảng xếp hạng đại học châu Á: Việt Nam có 5 trường

(CLO) Trong bảng xếp hạng mới nhất, bất ngờ khi trường Tôn Đức Thắng được đánh giá cao nhất trong số 5 trường đại học của Việt Nam được xếp hạng.

Giáo dục
Các trường quân đội áp dụng thêm hai phương thức tuyển sinh mới

Các trường quân đội áp dụng thêm hai phương thức tuyển sinh mới

(CLO) Năm 2024, các trường quân đội có một số đổi mới trong tuyển sinh. Trong đó, thí sinh có thêm hai phương thức xét tuyển khi đăng ký dự tuyển.

Giáo dục
Huyện Chư Pưh (Gia Lai) tích cực nâng cao kỹ năng sống cho học sinh

Huyện Chư Pưh (Gia Lai) tích cực nâng cao kỹ năng sống cho học sinh

(CLO) Để hạn chế các tai nạn thương tích xảy ra với học sinh, thời gian qua ngành Giáo dục huyện Chư Pưh đã tích cực phối hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật, tăng cường các kỹ năng sống, những hoạt động này được các em và phụ huynh nhiệt tình hưởng ứng.

Giáo dục