Số ca COVID-19 trên toàn cầu tăng 8%, ca tử vong tăng 21% trong tuần

Chủ nhật, 01/08/2021 07:37 AM - 0 Trả lời

(CLO) Theo thống kê của WHO, số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã tăng 8% và số ca tử vong tăng 21% chỉ trong 1 tuần.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, ngày 29/7/2021. Ảnh: THX

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, ngày 29/7/2021. Ảnh: THX

Theo trang worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, tính đến 6 giờ sáng 1/8 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận trên 520.000 ca COVID-19 và trên 8.500 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 198 triệu ca, trong đó trên 4,23 triệu ca tử vong.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 45.400 ca), Ấn Độ (41.790 ca) và Brazil (37.582 ca). Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Indonesia (1.808 ca), Brazil (858 ca) và Nga (792 ca).

Trong tuần, đại dịch COVID-19 tiếp tục có những diễn biến nghiêm trọng trên toàn thế giới. Theo một thống kê của WHO, số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã tăng 8% và số ca tử vong tăng 21% chỉ trong 1 tuần. Số ca mắc COVID-19 với biến thể Delta đã tăng trung bình lên 540.000 ca/ngày và gần 70.000 ca tử vong/tuần trên toàn cầu. Sự gia tăng này xảy ra trong các điều kiện tương tự như tại đỉnh dịch vào năm ngoái - thời điểm xuất hiện 4 biến thể của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan cao.

Giáo sư Nick Loman tại Đại học Birmingham (Anh) cho biết virus SARS-CoV-2 đã tiến hóa đáng kinh ngạc với khả năng xâm nhập vào tế bào người và thích ứng trên các vật chủ mới. Ông cho rằng không ai có thể tự tin dự đoán sẽ xảy ra chuyện gì trong tương lai.

Một nghiên cứu của Viện Khoa học và công nghệ Áo công bố ngày 30/7 cho thấy, ngoài việc lây lan tại các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp, các chủng kháng vaccine có nguy cơ xuất hiện cao hơn khi hơn 60% dân số của một cộng đồng được tiêm chủng và các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội được dỡ bỏ. Nghiên cứu cho biết việc hình thành một biến thể kháng vaccine vào thời điểm đó có thể dẫn đến các vòng tiến hóa của biến chủng đó.

Nhà dịch tễ học Kerkhove của WHO cảnh báo khi virus lây lan càng nhiều thì sẽ càng biến đổi. Delta sẽ không phải là biến thể cuối cùng và bảng chữ cái có thể không đủ để đặt tên cho các biến thể mới.

Tại Anh, ngày 19/7, nước này bước vào “ngày tự do” nới lỏng mọi hạn chế khi số ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày là 46.000 trường hợp và 68% dân số được tiêm đủ 2 mũi vaccine. Truyền thông khi đó gọi đây là lần đánh cược lớn của London.

Sau gần 2 tuần “ngày tự do” có hiệu lực, số ca mắc mới tại Anh đã giảm. Tờ Guardian (Anh) ngày 31/7 đưa tin số ca mắc mới COVID-19 thậm chí đã giảm 7 ngày liên tiếp trong tuần cuối tháng 7, lần đầu tiên kể từ tháng 11/2020. Tính riêng ngày 29/7, số ca mắc mới đã giảm 40% so với tuần trước đó.

Đã có nhiều giả thiết được đưa ra, bao gồm việc các trường học nghỉ, số người đi xét nghiệm giảm và nước Anh đã đạt được miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Không thành viên nào trong chính phủ đánh giá rằng điều tồi tệ nhất đã qua.

Giáo sư Adam Kucharski tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London đánh giá việc các ca mắc mới giảm là "dấu hiệu ban đầu" cho thấy đỉnh của làn sóng dịch đã qua nhưng ông cũng cảnh báo rằng "chúng ta đã thấy các đỉnh giả trước đây".

Tại Trung Quốc, quốc gia từng được coi là hình mẫu thành công trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 khi liên tiếp đẩy lùi một loạt làn sóng dịch rải rác trong hơn một năm rưỡi qua, đang phải đối mặt với nhiều thách thức do đợt bùng phát dịch mới xuất phát từ thành phố Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô ở miền Đông.

Gần như toàn bộ các ca bệnh ở Nam Kinh đều được xác nhận  nhiễm biến thể Delta với khả năng lây nhiễm siêu nhanh và siêu mạnh. Ngày 31/7, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo Trung Quốc đại lục ngày 30/7 ghi nhận thêm 55 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gồm 30 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 25 ca nhập cảnh.

Theo NHC, trong số các ca lây nhiễm trong cộng đồng, có 19 ca ở tỉnh Giang Tô, 6 ca ở tỉnh Hồ Nam, 2 ca ở thành phố Trùng Khánh trong khi các tỉnh Liêu Ninh, Phúc Kiến và Tứ Xuyên, mỗi nơi ghi nhận 1 ca.

Thủ đô Bắc Kinh và 4 tỉnh khác đã ghi nhận các ca nhiễm biến thể Delta lây lan nhanh. Các địa phương này đã triển khai xét nghiệm hàng loạt, hơn 1 triệu người ở các khu vực bị phong tỏa. Trên cả nước có hơn 200 ca nhiễm có liên quan đến cụm lây nhiễm biến thể Delta ở tỉnh Giang Tô sau khi một nhóm nhân viên vệ sinh tại sân bay ở thành phố Nam Kinh có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 hôm 20/7.

Xét về mặt địa lý, đây là đợt bùng phát mạnh nhất tại Trung Quốc đại lục trong vài tháng trở lại đây. Tính đến hết ngày 30/7, Trung Quốc ghi nhận tổng cộng 92.930 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.636 ca tử vong.

Trong khi đó, nhà chức trách Israel đã quyết định từ ngày 30/7 cấm công dân nước này đi du lịch tới 4 nước là Anh, Gruzia, Cộng hòa Síp và Thổ Nhĩ Kỳ do lo ngại dịch bệnh COVID-19 đang gia tăng mạnh tại các nước này.

Trước đó, Israel đã cấm công dân và thường trú nhân nước này du lịch tới Argentina, Brazil, Nam Phi, Ấn Độ, Mexico, Nga, Belarus, Uzbekistan, Tây Ban Nha và Kyrgyzstan nếu không có giấy phép đặc biệt. Ngoài ra, công dân Israel trở về từ những nước này, kể cả người đã khỏi bệnh hay đã tiêm vaccine ngừa COVID-19, vẫn phải cách ly 7 ngày ngay sau khi nhập cảnh.

T.Toàn

Bình Luận

Tin khác

Cứu sống sản phụ vỡ thai ngoài tử cung, mất hơn 2 lít máu

Cứu sống sản phụ vỡ thai ngoài tử cung, mất hơn 2 lít máu

(CLO) Sản phụ 34 tuổi nhập viện trong tình trạng sốc mất máu, đau bụng nhiều, huyết áp giảm do thai ngoài tử cung bị vỡ và được chỉ định phẫu thuật cấp cứu và truyền 6 đơn vị máu.

Sức khỏe
Dịch bệnh thế giới diễn biến phức tạp, Bộ Y tế chỉ đạo phòng chống dịch từ xa

Dịch bệnh thế giới diễn biến phức tạp, Bộ Y tế chỉ đạo phòng chống dịch từ xa

(CLO) Dịp nghỉ lễ nhu cầu đi lại người dân nhiều nên tăng nguy cơ lây lan dịch, trong bối cảnh Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên thế giới.

Sức khỏe
Giả mạo chữ ký lãnh đạo Bệnh viện Nhi trung ương để huy động tiền từ thiện

Giả mạo chữ ký lãnh đạo Bệnh viện Nhi trung ương để huy động tiền từ thiện

(CLO) Một tài khoản mạng xã hội đã đăng thông tin sai sự thật trên các hội, nhóm và các trang mạng xã hội mạo danh Bệnh viện nhi Trung ương để huy động tiền từ thiện.

Sức khỏe
Nâng cao hơn chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của Hưng Yên

Nâng cao hơn chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của Hưng Yên

(CLO) Ngày 25/4, Đoàn công tác của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương do Phó Trưởng ban Thường trực điều hành Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương Trần Huy Dụng làm trưởng đoàn có buổi làm việc với tỉnh Hưng Yên về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của tỉnh.

Sức khỏe
Uống thuốc nam không rõ nguồn gốc, bé 3 tuổi nhập viện

Uống thuốc nam không rõ nguồn gốc, bé 3 tuổi nhập viện

(CLO) Trẻ nhập viện Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng co giật, nôn nhiều, rối loạn ý thức, da xanh tái.

Sức khỏe