Sống lại ký ức về Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua triển lãm thơ diễn ca lịch sử

Thứ năm, 23/12/2021 09:57 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Đó là cảm nhận của công chúng khi bước chân vào triển lãm “Theo dấu chân Đại tướng” - một triển lãm thơ diễn ca lịch sử đầy ấn tượng được tổ chức tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Triển lãm gồm 110 bài thơ được sáng tác bởi nhà giáo, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Thị Mỹ Dung - người có cơ duyên gặp gỡ, viết nhiều bài báo, nhiều bài thơ về vị tướng tài ba trong suốt hơn 20 năm qua.

Cách tiếp cận độc đáo để lịch sử dễ gần, dễ hiểu trong từng lời thơ

Triển lãm “Theo dấu chân Đại tướng” là sự kiện đặc biệt ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và 77 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Triển lãm tái hiện dấu mốc chiến thắng Điện Biên Phủ vàng son cũng như cuộc sống đời thường của vị Tổng tư lệnh toàn quyền Võ Nguyên Giáp qua những vần thơ chan chứa tình cảm kính yêu. 

song lai ky uc ve dai tuong vo nguyen giap qua trien lam tho dien ca lich su hinh 1

Các đại biểu tham quan và nghe chia sẻ về từng tác phẩm.

Phát biểu mở đầu sự kiện, bà Nguyễn Hải Vân - Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh đây là lần đầu tiên Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức triển lãm diễn ca bằng thơ của nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Thị Mỹ Dung - một người phụ nữ với tấm lòng tri ân tôn kính dành cho người Đại tướng huyền thoại. Với cách tiếp cận độc đáo, triển lãm đã minh chứng rằng cách tiếp cận của người phụ nữ luôn tạo ra sức mạnh riêng từ sự mềm mại và nữ tính trong tâm hồn, và có sức lan tỏa mạnh mẽ. 

Triển lãm gồm 3 chủ đề: “Làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ”, “Vị tướng trong lòng dân” “Sáng mãi ngàn năm”, lần lượt tái hiện chiến thắng lừng lẫy dưới sự lãnh đạo của Đại tướng, những hình ảnh dung dị, đời thường của một con người vĩ đại và bày tỏ tình cảm kính trọng, mến yêu của nhân dân Việt Nam dành cho Đại tướng, mang lại những bài học về sự đoàn kết đồng lòng phát huy sức mạnh tập thể của dân tộc Việt Nam từ hơn một nửa thế kỷ trước.

Điểm độc đáo của triển lãm này cũng phải kể đến cách thức trình bày quy mô trên 92 tấm pa-nô in lụa và khung tre ngà, với hình ảnh minh hoạ do Thông tấn xã Việt Nam và nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hồng cung cấp. Trong tất cả các bài thơ đều có chú thích rõ ràng, mạch lạc, nhắc nhớ về những năm tháng oanh liệt của 56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt... Chính bởi sự tỉ mỉ, cẩn trọng, công phu, vừa mang giá trị thẩm mỹ cao vừa đầy sức thuyết phục đã khiến công chúng thưởng lãm không thể rời mắt. 

song lai ky uc ve dai tuong vo nguyen giap qua trien lam tho dien ca lich su hinh 2

Các đại biểu thực hiện nghi lễ Khai mạc triển lãm.

Hòa chung vào đó là một “bữa tiệc âm nhạc” với những ca khúc đặc sắc do ca sĩ Mỹ Linh, Tùng Dương thể hiện, đặc biệt ca sĩ Tùng Dương thể hiện ca khúc “Việt Nam - Võ Nguyên Giáp” được phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung với giai điệu hào hùng, chan chứa đầy tình cảm tôn kính, đã khiến không gian buổi lễ trở nên trang trọng, tràn ngập cảm xúc tự hào về một vị tướng vĩ đại của dân tộc.  

Có thể nói, triển lãm “Theo dấu chân Đại tướng” tái hiện bằng thơ dấu mốc của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cũng như cuộc sống đời thường của vị Tổng tư lệnh quân đội và tình cảm nhân dân dành cho ông. Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung cho biết: “Tôi muốn mở cuộc triển lãm này chính là vì tôi thấm câu nói của Bác Hồ: “Dân ta phải biết sử ta”, tôi thấm câu nói của Đại tướng: “Phải làm cho lớp trẻ hiểu lịch sử sâu sắc hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Vì thế mà tôi diễn ca lịch sử để cho người dân dễ hiểu, dễ nhớ. Dễ hiểu, dễ nhớ ở đây chỉ có hai việc thôi: lịch sử và nhân vật. Lịch sử tôi chọn ở đây là chiến dịch Điện Biên Phủ, còn nhân vật là Đại tướng Võ Nguyên Giáp”

Một trái tim nhiệt huyết với góc nhìn tinh tế 

Công chúng đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi chứng kiến một người phụ nữ đã ở vào độ tuổi 83 mà giọng nói vẫn đầy sung mãn, hào sảng, trò chuyện tâm tình, làm chủ sân khấu, cùng hát cùng đọc thơ, cùng chia sẻ, đi từng bài thơ để giới thiệu với khách tham quan, khiến cho ai nấy đều cảm thấy đầy hào hứng.

Xuất thân từ một nhà giáo, say mê thơ ca và đam mê nghề báo cùng với lòng tôn kính đặc biệt với Đại tướng Võ Nguyên Giáp có lẽ đã giúp bà tràn đầy năng lượng, dồi dào nội lực khi sáng tác những vần thơ. Bà đã miệt mài sáng tác trong suốt 23 năm qua với tất cả lòng kính trọng, yêu thương và biết ơn, như tình cảm của mọi người dân Việt Nam với vị tướng huyền thoại. Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung cho biết đã nghiên cứu rất nhiều sách báo, tài liệu về Đại tướng để hiểu rõ về sự nghiệp và cuộc đời vị Tổng tư lệnh.

Sau đó, bà đã tới Điện Biên, lần theo những dấu chân Đại tướng, thăm lại chiến trường xưa và những địa danh nổi tiếng để tìm cảm hứng và sáng tác. “Đi đến đâu tôi cũng hình dung ra bóng dáng Đại tướng đang làm việc, đang chỉ huy chiến dịch. Theo dấu chân Đại tướng, những tứ thơ bắt đầu xuất hiện trong tôi”, nhà thơ Mỹ Dung xúc động chia sẻ. 

Không chỉ khắc họa sự nghiệp lẫy lừng của Đại tướng, bà Nguyễn Thị Mỹ Dung còn sáng tác ra những vần thơ giản dị đầy cảm xúc về cuộc sống thường ngày của vị Anh hùng dân tộc. Nhà thơ Mỹ Dung đã được vinh dự gặp Đại tướng lần đầu tiên vào mùa xuân 1998 và sau này có nhiều cơ hội đến thăm Đại tướng ở nhà riêng. Chính những câu chuyện giản dị, chân tình trong nhiều lần gặp gỡ đã trở thành nguồn cảm hứng cho những bài báo, những khúc diễn ca bằng thơ của nhà thơ Mỹ Dung trong nhiều năm tháng sau này, kể cả sau khi Đại tướng đã ra đi. 

song lai ky uc ve dai tuong vo nguyen giap qua trien lam tho dien ca lich su hinh 3

Nhà giáo, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Thị Mỹ Dung.

Kể về hành trình sáng tác của mình, nhà thơ Mỹ Dung chia sẻ: “Phải từ nhìn Thấy đến Cảm - rung động trái tim và đặc biệt là phải  Nghĩ – suy nghĩ điều gì trong đó và đằng sau đó... khi cả 3 yếu tố đến với nhau thì tôi làm thành thơ rất nhanh. Các bài thơ của tôi không khuôn mẫu ở một thể thơ mà khi tôi dùng lục bát khi thì song thất lục bát, đường luật... tùy từng vấn đề, hoàn cảnh. Mỗi câu thơ đều chất chứa tâm huyết, là tình cảm tận đáy lòng... dành cho vị Đại tướng trong lòng dân”.

Sự tinh tế trong các bài thơ của bà là ở sự “lựa chọn” khoảnh khắc đắt nhất chứ không nói điều to tát, lớn lao. Chẳng hạn như khi nói về chiến trận, bà đi vào khía cạnh “lựa chọn phương án” với ý thơ “Lệnh này khó nhất trong đời chỉ huy của tôi” để diễn tả một thời khắc vô cùng khó khăn trong việc đưa ra quyết định trong chiến đấu. Hay như khi bắt gặp bức ảnh về mâm cơm của Đại tướng do NSNA Trần Hồng chụp, nhà thơ Mỹ Dung ngay lập tức có thơ: 

“Cao lương mĩ vị có gì đâu!

Chỉ miếng cá kho với đĩa rau!

Quả trứng luộc còn nguyên trong đọi

Vợ chồng Đại tướng mải nhìn nhau!...”

Nhà giáo, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Thị Mỹ Dung có hơn 30 năm cầm bút, bà có 10 tập thơ, 3 tác phẩm tiểu thuyết, 1 tập truyện ngắn, 7 tập bút ký xuất bản riêng và gần 100 tác phẩm in chung. Không chỉ say mê thơ, bà còn đam mê nghề báo. Bà đã viết nhiều bài báo, bài thơ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng mưu lược dũng mãnh và đầy bản lĩnh trên chiến trường nhưng vô cùng bình dị, ấm áp trong đời thường.

Với lòng ngưỡng mộ và tri ân sâu nặng Đại tướng, bà đã xuất bản sách “Tri ân Đại tướng – Người hiền” nhân 100 ngày mất của Đại tướng. Đặc biệt, bà Nguyễn Thị Mỹ Dung đã dốc tâm huyết và trí tuệ sáng tác hàng trăm bài thơ “Theo dấu chân Đại tướng”. Bà Mỹ Dung kể lại quãng thời gian viết báo, say mê thơ ca của mình cũng đầy thú vị, để thấy những lao động không ngừng của người cầm bút: “Tôi cứ viết được bài này, lại xin phép được vào tặng Đại tướng, thậm chí có khi buổi chiều vào tặng, đêm về lại viết bài thứ 2… có tháng tôi xin vào nhà Đại tướng tới hai lần… Có những câu chuyện được nghe kể, những bức ảnh được nhìn đều khiến tôi xúc động và làm thơ...”.

Tôi rời buổi triển lãm trong cảm giác của một người vẫn còn tiếc khi chưa được nghe nhiều hơn nữa câu chuyện của bà. Bởi một thời say mê viết báo, với hàng trăm bài báo, hàng nghìn trang viết, những năm tháng sôi nổi với nghề cầm bút mà bà chất chứa trong cuốn “Duyên cầm bút”... vẫn còn là điều đáng để được nghe chia sẻ và lan tỏa. Đôi khi những cơ duyên nghề nghiệp trong cuộc đời cầm bút cũng rất đặc biệt - rằng sẽ có dịp nào viết thêm về đời văn, đời báo của bà, một mạch nguồn năng lượng sáng tạo không ngừng chảy!

Hà Vân

Bình Luận

Tin khác

Phố phường Hà Nội rực sắc đỏ trong dịp lễ 30/4 và 1/5

Phố phường Hà Nội rực sắc đỏ trong dịp lễ 30/4 và 1/5

(CLO) Những ngày này, nhiều tuyến phố tại Thủ đô Hà Nội được trang trí rực rỡ cờ hoa, băng rôn để chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954- 7/5/2024), 138 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2024).

Đời sống văn hóa
Chuyện người cán bộ công an nặng lòng với kỷ vật chiến tranh

Chuyện người cán bộ công an nặng lòng với kỷ vật chiến tranh

(NB&CL) Hàng ngàn hiện vật quý giá về một thời “mưa bom bão đạn” đã được Thượng tá công an Đào Hà dày công sưu tầm, lưu giữ. Nhưng Đào Hà không dành bộ sưu tập đó cho riêng mình, ông mong muốn chúng mang đến những giá trị văn hóa, lịch sử cho cộng đồng.

Đời sống văn hóa
Trải nghiệm chợ phiên vùng cao giữa Thủ đô dịp nghỉ lễ

Trải nghiệm chợ phiên vùng cao giữa Thủ đô dịp nghỉ lễ

(CLO) Du khách có cơ hội được trải nghiệm những nét văn hóa đặc trưng của một chợ phiên vùng cao ngay tại thủ đô Hà Nội trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay.

Đời sống văn hóa
Khánh thành nhà hát tỉnh Ninh Bình với tổng mức đầu tư 245 tỷ đồng

Khánh thành nhà hát tỉnh Ninh Bình với tổng mức đầu tư 245 tỷ đồng

(CLO) Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới (2014-2024), UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức lễ khánh thành Nhà hát tỉnh Ninh Bình.

Đời sống văn hóa
Việt Nam - Những chiến thắng làm thay đổi dòng chảy lịch sử thế giới

Việt Nam - Những chiến thắng làm thay đổi dòng chảy lịch sử thế giới

(CLO) Triển lãm ảnh “Việt Nam - Những chiến thắng làm thay đổi dòng chảy lịch sử thế giới” trưng bày 70 hình ảnh, tư liệu quý hiếm về 2 sự kiện lịch sử nổi bật của dân tộc ta trong thế kỷ XX.

Đời sống văn hóa