Tác nghiệp tại Thổ Nhĩ Kỳ: Thách thức và cơ hội thể hiện bản lĩnh người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam

Thứ năm, 23/02/2023 10:07 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Thiếu tá, nhà báo Phạm Văn Hiếu - phóng viên Báo Quân đội nhân dân (QĐND) là một trong 76 thành viên của lực lượng QĐND Việt Nam tham gia chuyến đi khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong điều kiện tác nghiệp đầy khó khăn, những tác phẩm báo chí được gửi về đã khơi gợi thêm tinh thần tương thân tương ái, vun đắp tinh thần đoàn kết, hữu nghị quốc tế.

Tác nghiệp trong điều kiện dã chiến

Với tinh thần tương thân tương ái và ý chí quyết tâm, không ngại khó, ngại khổ, đoàn công tác cứu hộ cứu nạn của QĐND Việt Nam đã và đang tích cực tham gia hỗ trợ cứu nạn, cứu hộ nhân đạo khẩn cấp tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 14/2, ngay khi đến tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ, các tổ trinh sát bắt đầu hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn. Khu vực nhà báo Văn Hiếu cùng các đồng đội làm việc là thành phố Antakya thủ phủ của tỉnh Hatay, hiện là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất do thảm họa động đất vừa qua gây ra. Cơ sở hạ tầng bị phá hủy, đường giao thông tê liệt, nhiệt độ ban ngày tại Hatay hiện cao nhất là 11 độ C, ban đêm xuống -2 độ C.

tac nghiep tai tho nhi ky thach thuc va co hoi the hien ban linh nguoi chien si quan doi nhan dan viet nam hinh 1

Nhà báo Phạm Văn Hiếu - phóng viên Báo Quân đội nhân dân tác nghiệp tại thành phố Antakya thủ phủ của tỉnh Hatay - Thổ Nhĩ Kỳ.

Từ khi sang làm nhiệm vụ, đoàn đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Trong điều kiện dã chiến đoàn đã căng bạt dựng lều, sắp xếp chỗ nghỉ ngơi lấy sức bắt đầu công việc. Lều của đoàn cũng đơn giản chỉ có chăn thay cho đệm để chống chọi với thời tiết khá lạnh, xuất hiện nhiều băng tuyết. Điện lưới thường xuyên bị mất, chủ yếu vẫn sử dụng máy phát điện.

Nhà báo Văn Hiếu đã từng đi tác nghiệp ở nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, tuy nhiên tại một đất nước đang trải qua thảm họa lớn, với thời tiết khắc nghiệt như Thổ Nhĩ Kỳ thì hoàn toàn khác. Nguy hiểm rình rập, dư chấn tiếp tục xảy ra, các tòa nhà cao tầng có thể bị đổ bất cứ lúc nào, tuy nhiên anh xác định chuyến đi này như ra “chiến trường” nếu như chỉ đứng ở chỗ an toàn thì không có những thông tin hình ảnh hấp dẫn.

Nhà báo Văn Hiếu kể rằng, do xác định quá trình tác nghiệp tại hiện trường là những đống đổ nát, khó di chuyển… để cơ động hơn, anh chỉ mang theo những vật dụng cần thiết, đơn giản. Như máy tính xách tay, máy ảnh, máy ghi âm. Điện thoại cũng được tận dụng để quay chụp và dựng clip rất tốt. Anh được hỗ trợ một số thiết bị kết nối mạng internet 4G không dây, có thể chủ động gửi thông tin, hình ảnh, clip về cơ quan. Tuy nhiên đường truyền mạng không ổn định do các thiết bị thu phát 4G đã bị phá hủy bởi động đất.

Vận dụng hết khả năng của người lính

Thảm họa động đất xảy ra khiến Thổ Nhĩ Kỳ bị thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Sự kiện quốc tế này hiện đang được người dân cả nước nói chung cũng như cộng đồng quốc tế vô cùng quan tâm, nhà báo Văn Hiếu xác định đây vừa là thách thức vừa là cơ hội để thể hiện khả năng của mình, bản lĩnh của người chiến sỹ QĐND Việt Nam.

Suốt trong nhiều ngày công tác cứu hộ của lực lượng QĐND được anh thông tin đậm nét, liên tục để đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc trong nước. Đã có nhiều bài viết được đăng tải như: Quân đội nhân dân Việt Nam bắt đầu thực hiện cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ; Xác định thêm các vị trí nạn nhân; Cuộc sống của bộ đội ở “trận chiến” cứu hộ; Sử dụng công nghệ hỗ trợ tìm kiếm nạn nhân…

tac nghiep tai tho nhi ky thach thuc va co hoi the hien ban linh nguoi chien si quan doi nhan dan viet nam hinh 2

Nhà báo Phạm Văn Hiếu tác nghiệp tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Hay như ngày 17/2, bài viết lực lượng cứu hộ, cứu nạn của QĐND Việt Nam đã giúp một gia đình lấy lại tài sản từ một tòa nhà cao tầng bị hư hại nặng bởi trận động đất… tất cả những hình ảnh, clip và những bài viết về công tác cứu hộ của QĐND Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ đều được anh cập nhật chân thực trên Báo QĐND.

Nhà báo Văn Hiếu cho biết: Tôi thường sử dụng điện thoại để gõ text trước, hình ảnh được gửi ngay qua mạng xã hội, zalo cho các đồng nghiệp ở tòa soạn để thuận tiện và nhanh chóng. Chúng tôi may mắn trong đoàn có một thành viên là người Việt sinh sống và làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ, thường xuyên giúp đỡ trong việc phiên dịch. Tôi cũng gặp được một số người dân sử dụng tiếng Anh vì thế giải quyết được vấn đề phỏng vấn, khai thác thông tin.

Hậu phương vững chắc

Là sự kiện lớn, nhận được sự quan tâm của công chúng, từ khi triển khai nhiệm vụ anh cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực từ ban biên tập. Tòa soạn đã lập ra một nhóm riêng để hỗ trợ sản xuất tin thời sự, các bài viết phóng sự ảnh, video... Tất cả đều được lựa chọn, chỉnh sửa để đảm bảo chất lượng tốt nhất khi đăng báo giấy và báo điện tử.

Khi sự kiện đang gấp rút mà cần đăng tải sớm, anh gọi điện về tòa soạn, “ở nhà” sẽ ghi âm lại, bóc băng và biên tập lại cho hoàn chỉnh, điều này tạo được thuận lợi cho phóng viên khi ra chiến trường. Thực tế cho thấy thời tiết tại Thổ Nhĩ Kỳ rất khắc nghiệt, nhất là buổi tối nhiệt độ xuống thấp làm cơ thể lạnh cóng, tê tay không thể gõ text.

“Bên cạnh đó, cơ quan đã xây dựng phương án hỗ trợ từ nhà, cộng với việc chuẩn bị của phóng viên nên mọi việc đều khá suôn sẻ, cầu nối thông tin liên lạc giữa cơ quan và phóng viên được duy trì xuyên suốt. Tôi may mắn là hai vợ chồng cùng làm việc trong ngành báo chí nên tôi nhận được sự thấu hiểu của bà xã và ngược lại. Vì thế, ngay khi thông báo về chuyến công tác gấp này, vợ tôi động viên tôi cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và hỗ trợ tôi chuẩn bị quân tư trang”, anh Văn Hiếu chia sẻ thêm.

Có thể nói, mỗi chuyến đi, mỗi chuyến tác nghiệp đối với người làm báo sẽ là những kỷ niệm không bao giờ quên. Đối với nhà báo Văn Hiếu cũng vậy, qua mỗi ngày cùng đoàn công tác anh lại thấy được tình cảm người lính quân đội nhân dân Việt Nam dành cho người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là lòng nhân ái, đúng như câu thành ngữ “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Và đáp lại tình cảm đó là lòng biết ơn của người dân Thổ Nhĩ Kỳ dành cho đoàn. Ở nhiều nơi, nhiều quãng đường khi thấy bộ đội Việt Nam, người Thổ Nhĩ Kỳ đặt tay lên ngực trái bày bỏ sự cảm ơn. Dù khác biệt về ngôn ngữ, nhưng qua những hình ảnh đó càng thôi thúc đoàn tiếp tục cố gắng nỗ lực hơn.

Công tác cứu hộ vẫn đang diễn ra, nhiệm vụ của người lính vẫn tiếp tục. Với trang thiết bị đơn giản nhất có thể, nhà báo Văn Hiếu cố gắng xông pha, đi đến những nơi nào đang gặp khó khăn nhất, những khu vực nguy hiểm mà đoàn đang giải cứu để tác nghiệp, dù vẫn biết các rủi ro có thể tới bất cứ lúc nào, bất cứ đâu.

Nhà báo Văn Hiếu tâm sự: “Lần đầu tiên lực lượng quân đội cử người ra nước ngoài để hỗ trợ thảm họa, mình thấy khi đã sang được đây, nơi tâm điểm của tin tức sự kiện thế giới, đó như bơi trong biển lớn vì thế cần phải có định hướng riêng để có những tác phẩm báo chí chất lượng tốt nhất, tranh thủ thời gian để có nhiều bài viết, những phóng sự đầu tư một cách công phu, tất cả để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ cơ quan giao phó”.

Lê Tâm

Bình Luận

Tin khác

Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

(NB&CL) Báo chí không chỉ đồng hành cùng công cuộc bảo vệ Tổ quốc, trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ, ngay trong những ngày tháng diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có những bài báo, những bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc lịch sử hào hùng, phản ánh chân thực, sinh động nhất về diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ và 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường… Những câu chuyện ấy phần nào được kể qua hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam hôm nay.

Nghề báo
Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

(CLO) Chiều 26/4, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Cuộc thi ảnh báo chí, nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam và Quốc phòng toàn dân năm 2024.

Nghề báo
Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chương trình trọng điểm, phát sóng đa nền tảng trên các kênh và nền tảng số của VTV.

Nghề báo
Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(CLO) Ngày 26/4, Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho gần 100 hội viên, nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí trong tỉnh.

Nghề báo
Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống Báo Khánh Hòa, ngày 26/4, Báo Khánh Hòa tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Nước giải khát yến sào Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”.

Nghề báo