Tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu giảm tốc, vì sao?

Thứ năm, 17/08/2023 09:14 AM - 0 Trả lời

(CLO) Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), sau 1 năm bứt phá, với tốc độ tăng trưởng GDP lên tới 8%, kinh tế Việt Nam đang có xu hướng giảm tốc trong nửa đầu 2023. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2023, GDP Việt Nam tăng 3,7%, thấp hơn nhiều so với con số 6,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định: Kinh tế Việt Nam giảm tốc là do sức cầu bên ngoài giảm mạnh và sức cầu trong nước yếu đi.

tang truong kinh te viet nam dang co dau hieu giam toc vi sao hinh 1

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Ảnh: Việt Vũ

+ Trong báo cáo của WB nhận định, kinh tế Việt Nam đang giảm tốc trong nửa đầu năm 2023. Theo bà, đâu là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này?

- Kinh tế Việt Nam giảm tốc là do sức cầu bên ngoài giảm mạnh và sức cầu trong nước yếu đi. Thứ nhất là xuất khẩu, chỉ số kinh tế này đóng góp tới 50% GDP Việt Nam, thế nhưng, trong 6 tháng qua, xuất khẩu đã giảm tới 12%.

Các ngành xuất khẩu chủ lực đều giảm, như hàng điện tử giảm tới 13,9%, máy móc giảm 8,6%, dệt may giảm 15,8% và giày da giảm 16,9%. Các thị trường xuất khẩu chủ lực cũng giảm mạnh. Đơn cử như xuất khẩu sang Mỹ giảm 21,3% so với 5 tháng đầu năm ngoái, xuất khẩu sang Liên minh châu Âu cũng giảm 9,6% so với cùng kỳ 5 tháng đầu năm.

Thứ hai, sức cầu trong nước cũng chững lại sau đợt phục hồi mạnh mẽ hậu COVID-19 vào năm trước, do hiệu ứng xuất phát điểm ban đầu giảm dần và niềm tin của người tiêu dùng yếu đi.

Một khảo sát người tiêu dùng vào tháng 6/2023 cho thấy 43% người trả lời cho rằng tình hình kinh tế kém hơn năm trước, so với tỷ lệ 27% vào tháng 1/2023.

Bên cạnh 2 lý do chính nêu trên, kinh tế Việt Nam trong thời gian vừa qua còn đối mặt với một rào cản khác cho sự tăng trưởng kinh tế, đó là vấn đề năng lượng - điện năng.

Trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua, miền Bắc phải chịu cảnh mất điện luân phiên thường xuyên, gây ảnh hưởng đến các hộ gia đình và doanh nghiệp ở quy mô lớn.

Ước tính sơ bộ cho thấy phí tổn kinh tế của các đợt mất điện vào tháng 5 và tháng 6 rơi vào khoảng 1,4 tỷ USD, tương đương 0,3% GDP. Và qua một khảo sát nhỏ trong lĩnh vực công nghiệp, các doanh nghiệp ở miền Bắc cho biết tổn thất về doanh thu lên đến 10%.

Tôi cho rằng, vào mùa hè, việc mất điện gián đoạn đã ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống xã hội lẫn nền kinh tế. Với người dân, chỉ riêng việc tủ lạnh bị mất điện đã gây ra rất nhiều phiền hà rồi, đấy là còn chưa nói đến hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ chịu ảnh hưởng rất tiêu cực từ việc thiếu điện.

+ Sự giảm tốc của nền kinh tế đã có tác động thế nào tới người lao động Việt Nam, thưa bà?

- Nhu cầu bên ngoài suy giảm đặc biệt gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và người lao động trong các lĩnh vực chế tạo chế biến ở các địa bàn xuất khẩu trọng tâm, như một số khu vực lân cận Hà Nội và TP.HCM.

Theo khảo sát vào tháng 4/2023 của Ban Nghiên cứu Phát triển Khu vực Tư nhân, 71,2% doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ phải cắt giảm 5% lao động, còn 60,1% cho biết doanh thu bị giảm ít nhất 20% trong 4 tháng đầu năm 2023. Trong số các doanh nghiệp tham gia khảo sát, 59,2% cho biết bị giảm đơn hàng.

Trong thời gian tới, trên 80% doanh nghiệp dự báo tình hình kinh tế và kinh doanh sẽ kém đi trong các tháng còn lại của năm 2023.

Tương tự như kết quả khảo sát trên, số liệu về lao động của 63 tỉnh thành do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố cho thấy số lượng đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng khoảng 59% từ quý 1 đến quý 2 năm 2023.

Mức tăng trên không đồng đều giữa các vùng miền, trong đó khu vực Đông Nam Bộ có số người hưởng trợ cấp thất nghiệp trong quý 2 tăng đến trên 62% so với quý trước.

Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm không thay đổi trong nửa đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước, nhưng tăng trưởng việc làm giảm từ 2,2% so cùng kỳ trong quý đầu năm 2023 xuống còn 1,4% so cùng kỳ trong quý 2, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 4% trong giai đoạn trước đại dịch, phản ánh hoạt động kinh tế đang hạ nhiệt.

+ Vậy thưa bà, “điểm sáng” của kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 là gì?

- Có thể thấy rằng, thương mại dịch vụ tiếp tục quay về các mức trước đại dịch, nhờ số lượt du khách quốc tế đến Việt Nam được phục hồi. Đặc biệt, cán cân thương mại dịch vụ được cải thiện đáng kể, qua thâm hụt giảm xuống trong nửa đầu năm 2023 xuống còn 2,4 tỷ USD.

Số lượt khách quốc tế đến với Việt Nam phục hồi mạnh trong nửa đầu năm, tăng thêm 5 triệu lượt khách trong nửa đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022 là lý do đem lại sự cải thiện trên.

Bên cạnh đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký tuy giảm, nhưng vốn FDI thực hiện vẫn được duy trì trong nửa đầu năm 2023.

Do những bất định của nền kinh tế toàn cầu tiếp tục ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà đầu tư, vốn FDI đăng ký trong nửa đầu năm 2023 đạt 13,4 tỷ USD, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2022, tương đương 66% so với mức trước đại dịch (nửa đầu năm 2019).

Ngược lại, vốn FDI thực hiện đạt 10 tỷ USD trong nửa đầu năm 2023, tương đương cùng kỳ năm 2022, và tương đương các mức trước đại dịch.

+ Theo bà, để nền kinh tế phục hồi bền vững, Việt Nam cần phải làm gì?

- Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ có thể hỗ trợ tổng cầu thông qua đầu tư công hiệu quả, qua đó tạo việc làm và kích thích hoạt động kinh tế.

Trong năm 2022 - 2023, các chương trình phục hồi kinh tế đã phần nào giúp nền kinh tế phục hồi đầu tư công, tuy nhiên, đầu tư công tại Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều thách thức, đặc biệt là giải ngân đầu tư công.

Ví dụ, lũy kế cuối tháng 6/2023, tốc độ giải ngân đầu tư công đạt được là rất thấp, chỉ đạt được 30% dự toán ngân sách cho năm nay. Điều này cho thấy, Việt Nam cần phải cải thiện hiệu quả việc sử dụng và giải ngân đầu tư công.

Trong đó, Việt Nam cần xử lý gấp các nút thắt đang tạo ra rào cản cho quá trình giải ngân vốn đầu tư công, như khó khăn trong quá trình giải phóng mặt bằng, các thủ tục hành chính phức tạp, kéo dài thời gian thi công, triển khai dự án...

Nếu các nút thắt này được giải quyết sẽ giúp đầu tư công tăng tốc và điều này sẽ gia tăng tổng cầu, đây là một trong những động lực chính cho sự tăng trưởng của Việt Nam.

Bên cạnh đó, đầu tư công cần có trọng tâm vào một số lĩnh vực cần thiết, tập trung là ngành năng lượng, vì đây là ngành nghề cốt lõi của nền kinh tế. Chúng tôi đã thấy có một số sự phục hồi phần nào trong việc đầu tư vào hệ thống truyền tải điện, sẽ góp phần tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong tương lai.

Ngoài các biện pháp hỗ trợ ngắn hạn, Chính phủ không nên bỏ qua các cải cách thể chế cơ cấu bao gồm cả trong lĩnh vực năng lượng và ngân hàng vì những lĩnh vực này là điều bắt buộc đối với tăng trưởng dài hạn.

+ Xin chân thành cảm ơn bà!

Việt Vũ (Thực hiện)

Bình Luận

Tin khác

Giá vàng SJC tăng chóng mặt, Ngân hàng Nhà nước giảm khối lượng đấu thầu

Giá vàng SJC tăng chóng mặt, Ngân hàng Nhà nước giảm khối lượng đấu thầu

(CLO) 9h30 sáng nay (8/5), Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức đấu thầu vàng miếng SJC. Trên thị trường, giá vàng SJC tăng chóng mặt lên mức 87,5 triệu đồng/lượng.

Thị trường - Doanh nghiệp
Giá lúa mì xuất khẩu của Nga tiếp tục tăng

Giá lúa mì xuất khẩu của Nga tiếp tục tăng

(CLO) Giá xuất khẩu lúa mì của Nga tiếp tục tăng trong tuần trước do điều kiện thời tiết bất ổn khiến dự báo sản lượng trong vụ mùa khó khăn.

Thị trường - Doanh nghiệp
EU đề xuất phương án mới để khai thác tài sản của Nga

EU đề xuất phương án mới để khai thác tài sản của Nga

(CLO) EU được cho là sẽ cho phép các quốc gia thành viên trung lập từ chối kế hoạch sử dụng doanh thu được tạo ra từ dự trữ bị đóng băng của ngân hàng trung ương Nga để mua vũ khí cho Ukraine và hạn chế cung cấp viện trợ phi quân sự cho nước này.

Thị trường - Doanh nghiệp
BAC A BANK đồng hành cùng chuỗi hoạt động tri ân Điện Biên - mảnh đất anh hùng

BAC A BANK đồng hành cùng chuỗi hoạt động tri ân Điện Biên - mảnh đất anh hùng

(CLO) Trong những ngày đầu tháng 5 lịch sử, Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAC A BANK) đồng hành cùng chuỗi hoạt động tri ân, hướng về Điện Biên, trong đó nổi bật là đồng hành cùng Cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ 2024 - Cúp Báo Quân đội nhân dân”- gây quỹ xây trường học cho vùng sâu; Trình chiếu 3D mapping bức tranh Panorama 3D “Chiến dịch Điện Biên Phủ”.

Thị trường - Doanh nghiệp
Hải quan Việt Nam - Australia tăng cường hợp tác đấu tranh chống hàng lậu

Hải quan Việt Nam - Australia tăng cường hợp tác đấu tranh chống hàng lậu

(CLO) Ngày 7/5, Tổng cục Hải quan Việt Nam đã có cuộc Hội đàm song phương và ký Kế hoạch hợp tác điều tra với Cơ quan Bảo vệ Biên giới Australia.

Thị trường - Doanh nghiệp