Hiệp định Paris 1973: Đường đến mùa Xuân, đường đến hoà bình

Tết hòa bình đầu tiên

Thứ bảy, 28/01/2023 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) 50 năm trước, Tết Quý Sửu 1973 đến chỉ ít ngày sau khi Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết (Hiệp định ký ngày 27/1 thì Tết Quý Sửu là ngày 3/2).

Tết Quý Sửu 1973, như nhìn nhận của nhà báo nổi tiếng Wilfred Burchett, thực sự là Tết hòa bình (The Tet of Peace), người dân đã có “cuộc trở về vĩ đại từ nơi sơ tán” để đón một cái Tết đúng nghĩa với đào hoa rực rỡ. Cùng nhớ lại cái Tết hòa bình đầu tiên qua hồi ức của những người đã có may mắn từng được đắm mình trong cái Tết đặc biệt ấy.

Bài liên quan

Cái Tết đặc biệt thú vị của nhà báo Hà Đăng

Nói đến những nhà báo kì cựu nhất của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam không thể không nhắc tới nhà báo Hà Đăng. Ông không chỉ là cây bút nổi tiếng với hàng trăm bài chính luận sắc sảo, bài báo “Ba lần đuổi kịp trung nông” của ông ngày ấy đã mở đầu cho phong trào thi đua Gió Đại Phong nổi tiếng mà còn là một nhà lãnh đạo báo chí lâu năm, từng kinh qua nhiều cương vị quan trọng: nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Trợ lý Tổng Bí thư…

Nhưng có lẽ không nhiều người biết rằng ông còn từng sở hữu một vinh dự lớn: Năm 1968, được cử làm thành viên Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đàm phán tại Paris, như chia sẻ của nhà báo Hà Đăng sau này là “được phân công viết những bài phát biểu chuẩn bị sẵn của Trưởng đoàn ta”.

tet hoa binh dau tien hinh 1

Người dân làng hoa Nghi Tàm Tết 1973. Ảnh: Werner Schulze

Suốt 5 năm tham gia bàn đàm phán Paris, nhà báo Hà Đăng luôn đinh ninh rằng sẽ có một ngày Mỹ phải ký kết hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam. Và đúng như thế, 1 tuần sau thất bại với trận “Điện Biên phủ trên không” cuối năm 1972, Mỹ đã phải nối lại bàn đàm phán. Sau đó 3 tuần thì Mỹ đã chính thức ký hiệp định theo đúng đòi hỏi của chúng ta. Đó là những đòi hỏi mà trước đó Mỹ muốn ép ta phải thay đổi bằng nỗ lực chiến tranh cuối cùng của họ - tức là trận tập kích chiến lược bằng B52 đánh vào miền Bắc Việt Nam.

Nhà báo Hà Đăng nhớ lại: “Khi nhìn các bên ký hiệp định, tôi như được sống trong giây phút vừa hiện thực, vừa lãng mạn, mường tượng đến ngày này 2 tháng sau, khi quân Mỹ phải cuốn cờ về nước, đánh dấu sự chấm dứt của quân chiếm đóng nước ngoài ở nước ta”.

Cũng bởi là một trong những “người trong cuộc”, từng trải qua những ngày đấu trí, đấu lý hết sức căng thẳng trên bàn đàm phán tại Paris năm 1973 nên với ông, cái Tết Quý Sửu 1973 là cái Tết hết sức đặc biệt. Bởi, đó là “cái Tết hòa bình đầu tiên của nhân dân ta sau hàng chục năm đấu tranh gian khổ”.

Nhà báo Hà Đăng kể: “Năm ấy, Tết đến đúng bảy ngày sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Là thành viên Đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời tại Hội nghị, tôi có mặt tại Paris từ cuối năm 1968. Bốn năm liền chúng tôi ăn Tết trên đất Pháp. Quý Sửu là tết thứ 5. Cái Tết đặc biệt thú vị. Cái Tết hòa bình đầu tiên của nhân dân ta sau hàng chục năm đấu tranh gian khổ.

Trước mắt chúng tôi vẫn còn công việc chuẩn bị cho Hội nghị quốc tế được triệu tập sau đó một tháng để ký Định ước quốc tế về Việt Nam (2/3/1973). Sau đó nữa là Hội nghị hai bên miền Nam Việt Nam (Chính phủ Cách mạng lâm thời và Chính quyền Sài Gòn) để giải quyết những vấn đề thuộc nội bộ miền Nam. Dẫu sao vẫn phải ăn Tết cái đã. Hẵng để cho đầu óc các nhà đàm phán thư giãn mấy hôm”.

tet hoa binh dau tien hinh 2

Một điểm bán hàng Tết năm 1973 tại Hà Nội. Ảnh: T.L

Cũng trong hồi ức của nhà báo Hà Đăng: “Một ngày giáp Tết, Bộ trưởng Xuân Thủy cùng một số anh chị em trong Đoàn VNDCCH đến trụ sở Đoàn miền Nam ở Verie Lơ Buytxông chúc tết Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình và anh chị em Đoàn chúng tôi. Công khai nói như vậy, thật ra anh Xuân (Xuân Thủy) đến với chúng tôi như người anh cả trong nhà. Anh chúc Tết theo kiểu nhà thơ, nghĩa là nói chuyện thơ, chuyện văn, chuyện đời.

Cho đến tối 3 tháng 2 năm 1973, tối mùng Một Tết Quý Sửu, kiều bào ta ở Pháp tổ chức ngày hội mừng Xuân, mừng thắng lợi vừa giành được, Bộ trưởng Xuân Thủy mới đọc mấy câu thơ vừa sáng tác: Xuân Bảy ba đậm đà thắng lợi/Xuân bay lên phơi phới trời xanh/Chào Việt Nam, Tổ quốc quang vinh!Chào chiến sĩ, Chào nhân dân! Chào tình bốn biển! Hăm bảy tháng Giêng, ngày mừng chữ ký/Giữa Pa-ri lộng lẫy sắc cờ ta…”.

Nhà báo Wilfred Burchett: Tết hoà bình 1973 - cái Tết mong chờ bao năm

Với đất nước Việt Nam nói chung, những người làm báo Việt Nam nói riêng, Wilfred Burchett (1911 - 1983) không chỉ là một đồng nghiệp lớn, một trong những nhà báo xuất sắc của thế kỷ 20, mà còn là một người bạn chung thủy, chân tình. Nhà báo người Australia từng có tới non 3 thập kỷ gắn bó với Việt Nam, dấu chân ông đã in trên nhiều vùng đất Việt Nam, suốt từ Bắc chí Nam.

8 cuốn sách, hàng trăm bài báo, hàng nghìn bức ảnh của ông về Việt Nam được in ở nhiều tờ báo lớn trên thế giới đã góp phần làm dấy lên làn sóng dư luận phản đối cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam. 

“Nếu phải mắc nợ ai đó vì đã thức tỉnh công luận phương Tây về bản chất của cuộc chiến tranh này và khiến cho mọi người biết đến cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, thì người đó là Wilfred Burchett” - nhà triết học người Anh nổi tiếng Bertrand Rusell, được giải Nobel hòa bình năm 1966 đã viết như vậy.

tet hoa binh dau tien hinh 3

Người dân phố Khâm Thiên tìm lại những viên gạch để xây lại những ngôi nhà bị bom tàn phá.Ảnh: T.L

Khi chiến dịch Điện Biên Phủ sắp kết thúc, Wilfred Burchett đến Việt Nam, và lần đầu tiên được gặp và phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ấn tượng từ một nhà lãnh đạo thông tuệ, sâu sắc và giản dị có lẽ đã khiến Wilfred Burchett gắn bó và dành sâu nặng suốt cả chặng đường đời sau này cho Việt Nam. Ông đã chứng kiến việc ký Hiệp định Geneve ngày 20/7/1954, là một trong những nhà báo nước ngoài đầu tiên cùng các đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam tiến về tiếp quản Thủ đô Hà Nội ngày 10/10/1954.

Wilfred Burchett cũng đã là một trong số ít nhà báo nước ngoài đầu tiên đến vùng giải phóng miền Nam Việt Nam, có dịp đặt chân lên đường mòn Hồ Chí Minh ngay từ những năm 60, đến cả vùng đất thép Củ Chi, là phóng viên phương Tây hiếm hoi từng sống cùng cán bộ, chiến sĩ Việt Nam tại chiến khu Việt Bắc và chiến trường miền nam trong hai cuộc kháng chiến.

“Wilfred Burchett là nhà báo nước ngoài đầu tiên đến miền Nam Việt Nam. Ở thời điểm khi một số người chỉ đánh võ mồm bằng cách gọi đế quốc Mỹ là “con hổ giấy” và nhiều người khác còn chưa hoàn toàn tin vào thắng lợi cuối cùng của chúng ta. Chúng ta không thể không đánh giá cao lòng dũng cảm của nhà báo ấy. Người đã tình nguyện nhảy vào lửa để tìm ra sự thật. Khi miền Nam Việt Nam còn chìm trong hỗn loạn, khi đất nước còn rung chuyển dưới gót giày bọn xâm lược và tay sai của chúng, Burchett đã xin phép Bác Hồ để được vào Nam” - nhà báo Thép Mới trong bài báo nhan đề “Người Đồng chí Chiến đấu của Việt Nam” đã viết như vậy về Wilfred Burchett.

Cũng bởi từng ấy năm lăn lộn, chia sớt cùng người dân Việt Nam, nên ông có nhiều cơ hội trải qua không ít những cái Tết Nguyên đán đáng nhớ của người Việt, trong đó có Tết năm 1973. Trước đó, năm 1968, khi Hội nghị Paris về Việt Nam khai mạc, Wilfred Burchett bay sang Pháp theo dõi và đưa tin về cuộc đàm phán bốn bên, vì thế, Wilfred Burchett rất thấu hiểu ý nghĩa của cái Tết năm 1973 với người dân Việt Nam.

Về sau này, trong cuốn sách “Châu chấu đá xe: Vì sao Mỹ mất Việt Nam cộng hòa (Grasshoppers & Elephants: Why Vietnam fell)", trong chương 12 với tên gọi “Tết hòa bình - The Tet of Peace”, Wilfred Burchett đã ghi lại khá cụ thể về Tết năm 1973.

tet hoa binh dau tien hinh 4

Cờ đỏ sao vàng tung bay tại một căn nhà ở Hà Nội tháng 3/1973. Ảnh: T.L

Ngày 23/1/1973, Đài Tiếng nói Việt Nam thông báo Hiệp định Paris đã được các bên ký tắt. Hòa bình thật rồi. Dân chúng bằng mọi cách ào về Hà Nội. Từ sáng sớm, các ngả đường đông đúc xe cộ, nóc xe khách hiệu Ba Đình ngất ngưởng đồ đạc, xe đạp thì treo móc đủ thứ và nhiều gia đình không mua được vé ô tô, lại không có xe đạp đành tay xách, nách mang lếch thếch hành quân bộ trong cái rét tê tái và mưa phùn cuối năm. Nhưng ai ai cũng hồ hởi...

“Tin xuân đến ngọn cây đào” rồi, từ ngày 27/1, dân xếp hàng dài dằng dặc trước các cửa hàng bách hóa Yên Phụ, Quán Thánh, Kim Liên, số 5 Nam Bộ, phố Huế... và đông nhất là Bách hóa Tổng hợp Tràng Tiền mua túi hàng Tết. Các cửa hàng thực phẩm, lương thực cũng đông nghẹt người sốt ruột khi lâu lâu mới nhích lên được một tí. Mua được là mừng, gạo đen hay trắng, nếp ngon hay có hạt chấm vàng cũng tốt.

Trước đó, chưa bao giờ các cửa hàng bách hóa, thực phẩm bán qua Giao thừa và Tết Quý Sửu là lần đầu tiên. Mọi năm chợ hoa Tết Hàng Lược bắt đầu họp từ 23 tháng Chạp, do dân từ nơi sơ tán về muộn nên chợ họp vào sáng 25. Thời tiết không thuận, hoa đào không đẹp, người ta quay ra mua lay ơn, thược dược, cúc, hoa bướm...

9h tối 30 Tết, chợ không còn một cành hoa, nhiều gia đình chưa kịp mua đành bấm bụng mua đồng tiền kép, dơn bằng nhựa. Đêm 30 Tết trên hè phố vẫn còn nhà luộc bánh chưng, ánh lửa sáng hơn cả đèn đường. Dù thiếu thốn nhưng bù lại Tết Quý Sửu vô cùng phong phú các hoạt động nghệ thuật: thi hoa ở Công viên Thống Nhất, biểu diễn ca nhạc ngoài trời; đêm 30 tại Câu lạc bộ Thanh Niên hồ Thiền Quang, Đoàn cải lương Thăng Long diễn vở “Mẫu đơn tiên”.

Câu lạc bộ Lao Động (nay là Công đoàn thành phố Hà Nội) chiếu phim, tối mùng 2 Tết tại rạp Công Nhân, Đoàn kịch nói Hà Nội diễn vở “Con tôi cả” của tác giả Arthur Miller (Mỹ). Nhưng Hồ Gươm mới là trung tâm của Tết, các bóng đèn tròn được sơn màu xanh, đỏ, vàng treo lên cây, thành phố cho đặt 3 chiếc vô tuyến truyền hình (thời đó gọi như vậy), một tại Câu lạc bộ Đoàn Kết (cuối phố Cổ Tân), một ở đền Bà Kiệu và một trước cửa Nhà văn hóa 16 Lê Thái Tổ...

Bờ Hồ đông vui, nhộn nhịp thêm khi mấy chục công nhân Cuba đang làm đường 21 ở Xuân Mai về Hà Nội chung vui Giao thừa hòa bình. Họ nắm tay nhau nhảy quanh hồ và hát  “Oăn ta ra mê ra” ầm cả đền Bà Kiệu. Pháo hoa sáng góc trời và trong khi nhiều người đang mừng cái Tết hòa  bình ở miền Bắc thì không ít người mẹ, người vợ Hà Nội âm thầm nhớ và lo cho chồng, con đang chiến đấu ngoài mặt trận...

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

Tết hoà bình 1973 của người Việt trong cảm nhận của Wilfred Burchett, qua bản dịch của Lê Đỗ Huy: “Giao thừa 1973 là đẹp nhất, là được “ăn” cái Tết to nhất. Cuộc kháng chiến giành thắng lợi vô cùng quan trọng, kẻ xâm lược phải ký hiệp định cam kết rút hết quân trước toàn thế giới”.

Nhà báo Australia nhớ lại: “Trên con đường từ sân bay về Thủ đô, xe chúng tôi đi chậm rì, giữa dòng xe cộ kỳ lạ, gồm xe tải, xe ngựa, xe bò, cả những xe ba gác do người già và thanh niên kéo hoặc đẩy. Trên các xe đều chất đầy những giường, tủ, bàn ghế - đồ gia dụng của một gia đình Việt bậc trung hôm nay, với người cao tuổi và trẻ em ngồi đầy trên đống đồ đạc, hoặc ngồi xen giữa chúng. Đạp xe đạp vun vút len lách giữa dòng xe cộ là đàn ông, phụ nữ, đặt trẻ em trên ghế mây buộc đằng trước xe, hoặc trên giá đèo hàng. Đây là cuộc Trở về vĩ đại từ nơi sơ tán”.

“Tôi trở lại Hà Nội vào ngày giáp Tết âm lịch trong hòa bình, để được hưởng một cái Tết không thể quên được, với tất cả những ai có được nó. Tết Việt Nam giống như sự kết nối dịp lễ Noel và Tết dương lịch ở phương Tây. Đó là một dịp gia đình sum họp, là những hy vọng, những dự định mới cho năm mới, là những bữa ăn ngon, những chuyến du xuân trong phạm vi ngân sách gia đình cho phép” - Wilfred Burchett nhớ lại.

tet hoa binh dau tien hinh 5

Hà Nội năm1973. Ảnh: T.L

Trong cảm nhận của nhà báo phương Tây này, đó là một cái Tết tưng bừng chưa từng có: “Con phố hẹp dẫn đến chợ Trung tâm (phố Hàng Đào, chợ Đồng Xuân) vào buổi sáng tinh mơ, ngay sau ngày tôi tới Hà Nội, đã san sát những quầy bán hàng Tết, rực rỡ sắc hoa xuân, nhất là những cành đào thắm, và những cây quất cảnh treo đầy những quả nhỏ, rực rỡ như những chiếc đèn lồng xinh xắn.

Cành đào và chậu quất là những thứ không thể thiếu được đối với người Việt lúc đón Xuân. Nhưng vẫn còn vô số những loài hoa cảnh, làm chợ hoa Tết ấy tưởng như hoa nhiều chưa từng có, lung linh trên nền của vô số những bể lớn đầy cá cảnh đủ màu, đủ cỡ, của những hoa giấy, tranh Tết, và những băng pháo bọc giấy hồng điều - tất cả những gì chói lọi, những gì mang lại điềm lành.

Các gian hàng trong chợ lại đầy ắp những rau và hoa quả, với bánh chưng, bánh giầy - các đặc sản chỉ thưởng thức khi Tết đến. Những dòng suối người tuôn trào, làm nhiều chỗ nghẽn đường, không thể đạp xe nổi. Nhiều chàng trai và cả những cô gái vẫn mang quân phục, đội mũ cát có lưới ngụy trang của Quân đội nhân dân. Nhưng khắp nơi là hàng ngàn gia đình vừa hội ngộ, đang du xuân. Bọn trẻ ngồi lên cổ cha anh, sắc mặt sáng ngời như những cánh hồng, những trái cam chín vàng trong ngày lễ - sắc màu những của ngon vật lạ bày đầy hai bên đường…

Dòng người đi sơ tán trở về Hà Nội tuôn trào qua mọi cửa ô. Chưa bao giờ người Hà Nội có một nguồn cơn tốt lành đến như thế để trẩy hội, cũng chưa tin vui Xuân mới nào về đúng lúc đến thế. Dịp Tết này, vì thế càng trở thành ước nguyện sum họp chưa từng có cho mỗi gia đình Hà Nội. Biết bao cặp vợ chồng đã vì công việc, chức trách, phải xa nhau, xa con cái hàng năm trời đằng đẵng. Con em các gia đình cũng xa cách, chia ly, vì trường lớp đi sơ tán ở những địa bàn khác nhau, đường thư gián đoạn nhiều, do thời chiến.

Để bảo đảm cuộc sống cho mỗi người dân, biết bao nghịch cảnh ly tán đã xảy ra. Để rồi nay Hà thành được chứng kiến cuộc tái hợp lớn trong từng gia đình, họ mạc. Và dòng đầu tiên của Hiệp định Paris trở thành món quà Tết mà mỗi người dân Đất Việt có thể tưởng tượng được: “Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Genève năm 1954 về Việt Nam đã công nhận”...

Hà Trang

Bình Luận

Tin khác

Đồng chí Lương Cường được phân công giữ chức Thường trực Ban Bí thư

Đồng chí Lương Cường được phân công giữ chức Thường trực Ban Bí thư

(CLO) Ngày 16/5, tại Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Trung ương cho ý kiến về công tác nhân sự và xem xét, kỷ luật cán bộ.

Tin tức
Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khai mạc Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khai mạc Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

(CLO) Báo Nhà báo và Công luận trân trọng giới thiệu toàn văn Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khai mạc Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Tin tức
Hà Nội điều chỉnh quy hoạch để cải tạo, nâng cấp trạm cấp nước Sài Đồng

Hà Nội điều chỉnh quy hoạch để cải tạo, nâng cấp trạm cấp nước Sài Đồng

(CLO) Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn vừa ký ban hành quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch ô đất ký hiệu CX2 và đường giao thông quanh ô đất trong Quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Sài Đồng, tỷ lệ 1/500, để thực hiện dự án xây dựng trạm bơm tăng áp cấp nước Sài Đồng.

Tin tức
Khai mạc Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Khai mạc Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

(CLO) Sáng 16/5, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội.

Tin tức
Hà Nội sẽ tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Hà Nội sẽ tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

(CLO) Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh ký ban hành Kế hoạch tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

Tin tức