Tháng 4, nhớ về Việt Bắc mà nuôi chí bền!

Thứ năm, 12/04/2018 09:30 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam ghi cột mốc ngời sáng, đó là sự ra đời của báo Thanh Niên vào ngày 21/6/1925, do Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới sáng lập và chỉ đạo. Bước tiếp đường sáng, tháng 4/1950 tại chiến khu Việt Bắc, Hội Những người viết báo Việt Nam được thành lập với đội ngũ ngày càng đông đảo, hồ hởi đồng hành cùng sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam yêu dấu.

Một ngày không thể quên

Cuốn sử “55 năm Hội Nhà báo Việt Nam” do Hội này xuất bản năm 2005 cho biết: Ngày 21/4/1950 của thế kỷ trước, theo Chỉ thị của Tổng Bộ Việt Minh và Bác Hồ, tại bản Roòng Khoa, xã Điềm Mạc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên diễn ra sự kiện lịch sử, đó là Đại hội thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam - sau gọi là Hội Nhà báo Việt Nam.

Theo đó, đại biểu các báo, đài, thông tấn xã (chủ yếu là các cơ quan báo chí Trung ương đóng ở Việt Bắc) như: Sự Thật, Cứu Quốc, Sinh hoạt nội bộ, Độc Lập, Lao Động, Vệ Quốc Quân, Văn Nghệ, Phụ Nữ, Tiền Phong, Việt Nam Thông tấn xã, Đài Tiếng nói Việt Nam… tham gia Đại hội. Điều lệ Đại hội ghi: Tôn chỉ, mục đích của Hội là góp phần vào việc xây dựng nền báo chí dân chủ nhân dân bằng nghề nghiệp của mình; bênh vực quyền lợi của người viết báo; nâng cao địa vị của người viết báo; giúp đỡ lẫn nhau.

 Đại hội bầu nhà báo Xuân Thủy làm Hội trưởng (sau gọi là Chủ tịch). Hai Phó Hội trưởng là Hoàng Tùng (Sự Thật) và Đỗ Đức Dục (Độc Lập). Tổng Thư ký là Nguyễn Thành Lê (Cứu Quốc). Các ủy viên: Đỗ Trọng Giang (Lao Động), Như Quỳnh (Phụ Nữ), Quang Đạm (Sự Thật), Trần Lâm (Tiếng nói Việt Nam) và Hoàng Tuấn (Thống tấn xã).

Trong khói lửa chiến tranh, không chỉ có gươm khua, súng nổ mà còn muôn vàn khó khăn, gian khổ khác chồng chất, nhưng bên Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê của rừng già ATK (An toàn khu) giữa núi ngàn Việt Bắc, các nhà báo cách mạng, những chiến sĩ vừa cầm bút, vừa cầm súng đã hội tụ trí tuệ, tâm hồn và sức trẻ của đời chiến chinh, tạo dựng nên Tổ chức của Những người viết báo kháng chiến. Đó là ký ức sống động, cột mốc đi vào lịch sử báo chí đương đại, mãi mãi không thể nào quên.   

Tính đến cuối năm 1950, bước đầu hội có khoảng 300 hội viên. Các Chi hội bắt đầu được thành lập tại các Liên khu 3,4,5 và Nam Bộ. Ở Việt Bắc, hàng tháng có các cuộc hội thảo nghiệp vụ. Nhiều vấn đề cốt lõi, thời sự từ quan điểm báo chí vô sản đến tính quần chúng, tính trung thực… được các cấp hội, các báo tổ chức tọa đàm, tranh luận rồi lan tỏa khắp núi rừng, len lỏi vào từng trang viết, trang báo in trên giấy nứa, giấy giang thô ráp nhưng bổ ích, hấp dẫn.

Báo Công luận
 Nhà báo Nguyễn Xuân Lương.

Báo chí cách mạng sau ngày lập Hội

Năm 1951, tại Đại hội toàn quốc lần thứ II, Đảng quyết định ra công khai với tên gọi mới Đảng Lao động Việt Nam. Báo Sự thật cũng hoàn thành sứ mạng lịch sử, ngừng xuất bản. Thay vào đó, Đảng ta quyết định xuất bản một tờ báo, lấy tên Nhân Dân - Cơ quan Trung ương của Đảng.

Báo Nhân Dân ra số đầu vào ngày 11/3/1951, đúng vào lúc cuộc kháng chiến của nhân dân ta chuyển sang giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Số báo đầu tiên đăng Tuyên ngôn và Chính cương của Đảng. Cùng số báo lịch sử có bài viết của đồng chí Trường Chinh: “Hồ Chủ tịch người sáng lập và rèn luyện Đảng ta”…

Trong kháng chiến, ngoài tờ Nhân Dân ở Việt Bắc, còn có tờ Nhân Dân Liên khu 5, tờ Nhân Dân Nam Bộ. Thời kỳ 9 năm nếm mật nằm gai, các báo, đài của ta ở Trung ương, địa phương, đã có tác dụng to lớn trong việc tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, Chính phủ, phổ biến kinh nghiệm sản xuất, chiến đấu, xây dựng quê hương, cổ vũ chiến sĩ, đồng bào cả nước quyết tâm kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng. Báo chí cách mạng trước và sau ngày lập Hội, không chỉ là cầu nối giữa Đảng, Chính phủ với nhân dân mà còn trang bị kỹ năng sống, lao động, chiến đấu, giúp giải đáp, uốn nắn về kỹ năng sống, giá trị sống trong thời kỳ mới.

Trong kháng chiến, báo Nhân Dân lúc đầu dự kiến giao cho Tố Hữu chuyên trách, nhưng theo nhà báo Trần Quang Huy kể lại: “Tính anh Lành (bí danh Tố Hữu) thích làm văn nghệ, nay vào Trung ương (khóa II) trong bụng cũng muốn làm cho phong trào văn hóa, văn nghệ có khí thế mới và cũng ngại làm báo bận như con mọn”, nên đồng chí Tố Hữu chỉ làm số đầu, sau đó đồng chí Trường Chinh vừa làm Chủ nhiệm, vừa làm Chủ bút. Hoàng Tùng làm Thư ký Tòa soạn, thực tế là Tổng biên tập được mấy số rồi sang làm Chánh Văn phòng Trung ương. Đồng chí Trần Quang Huy và Vũ Tuân lần lượt làm thay trong mấy năm cho đến khi Hoàng Tùng trở lại chức vụ cũ.

Trong 9 năm kháng chiến trường kỳ, đội ngũ báo chí nước ta ngày càng đông đảo, tay nghề ngày càng thêm vững vàng. Các báo nêu cao tinh thần trách nhiệm, dũng cảm, sáng tạo trong hoạt động nghiệp vụ. Một số nhà báo đã hy sinh vì Tổ quốc, trở thành những nhà báo liệt sỹ đầu tiên của làng báo Việt như: Nguyễn Thúc Tề (1946), Lý Chính Thắng, Trần Kim Xuyến (1947), Trần Mai Ninh, Nam Quốc Cang (1948), Trần Đăng, Hoàng Lộc (1949), Thôi Hữu, Thâm Tâm (1950), Nam Cao, Quang Chính (1951), Nguyễn Văn Nguyễn (1953)…

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, báo chí cách mạng ở hai miền Bắc Nam không ngừng phát triển. Ở miền Bắc, Ban chấp hành Hội được bổ sung thêm nhà báo kỳ cựu Huỳnh Văn Tiểng làm Phó Hội trưởng (thay Đỗ Đức Dục) và Lưu Quý Kỳ làm Tổng Thư ký (thay Nguyễn Thành Lê). Cả hai người mới từ miền Nam ra Bắc.

Ở miền Nam, Hội Nhà báo yêu nước và dân chủ miền Nam cũng được thành lập. Nhiều hoạt động báo chí trên chiến trường, vùng giải phóng, kể cả thành thị bị tạm chiếm thực sự sôi động.

Thống kê chưa đầy đủ, trong cuộc trường chinh đấu tranh giải phóng dân tộc dài ba thập kỷ (1945-1975) cả nước có gần 600 nhà báo liệt sĩ hy sinh vì nghĩa cả. Hội Nhà báo Việt Nam đã long trọng truy tặng Danh hiệu: “Nhà báo liệt sỹ” cùng Huy chương “Vì sự nghiệp Báo chí Việt Nam” đến thân nhân, gia đình liệt sỹ. Kỷ niệm 68 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, chẳng biết nói gì hơn ngoài tấm lòng thành kính tưởng niệm, cầu xin sự siêu thoát cho vong linh các anh hùng, liệt sĩ cả nước và các nhà báo liệt sỹ bất tử.

Báo Công luận
 Bác Hồ tặng hoa và ân cần thăm hỏi các nhà báo.

Duyên nợ Báo chí

Đại hội lần thứ  II Hội Nhà báo Việt Nam họp tại Hà Nội trong hai ngày 16 và 17/4/1959 vinh dự được Bác Hồ và đồng chí Trường Chinh lần đầu đến thăm và nói chuyện. Bác nói: “Bác thay mặt Đảng, Chính phủ đến thăm các đồng chí. Là một người có duyên nợ với báo chí, Bác nêu vài ý kiến giúp các cô, các chú tham khảo”… “Nói đến báo chí, trước hết phải nói đến những người làm báo chí. Các cô, các chú đã có những ưu điểm như đóng góp vào cuộc kháng chiến thắng lợi, xây dựng hòa bình và đấu tranh thống nhất Tổ quốc”… Về Hội Nhà báo, Bác nói: “Đó là một Tổ chức chính trị và nghiệp vụ. Nhiệm vụ của Hội là phải làm cho hội viên đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau để nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ”…

Báo Thanh Niên do Bác Hồ sáng lập giữa năm 1925 được ví là Suối nguồn cách mạng. Sự ra đời Hội Những người viết báo Việt Nam vào tháng 4/1950 giữa đại ngàn Việt Bắc là mạch nguồn trong mát nối dài từ Quảng Châu đến chiến khu Việt Bắc do Đảng, Bác Hồ vun đắp, dựng xây. Hoa trái ngọt ngào này chính là ký ức sống động cuộc hành trình dâng hiến cho Tổ quốc trong gian lao, mẫn tiệp của làng báo Việt đi xuyên thế kỷ rất đỗi tự hào, và ngày thêm lan tỏa khi Hội Nhà báo Việt Nam tròn tuổi 68 đúng Xuân Mậu Tuất - 2018.

Hội là ngôi nhà chung, nơi gặp gỡ, hội tụ của 20.000 hội viên và 18.000 nhà báo được coi là phúc. Ta không vỗ ngực, nhưng có thể coi đó là Phúc bởi như thơ ai đó: “Phúc như Đông hải, trường lưu thủy. Thọ tỷ Nam sơn, bất lão tùng”. (Phúc như biển Đông, nước chảy mãi. Sống thọ như núi Nam Sơn, không bao giờ chết)! Những người làm báo nhận thức, trong hành trình cùng cả nước lo toan sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, phía trước của họ ắp đầy hứa hẹn đan xen thách thức của thời kỳ mới. Dẫu biết rằng đường dài, lắm dốc lắm ụ nhưng nhờ chân cứng, đá mềm họ sẽ vượt qua, đặng xứng đáng sự tôn vinh của Đảng: “Tờ báo là ngọn cờ cách mạng. Nhà báo cũng là chiến sĩ”.

Cận ngày kỷ niệm 68 năm thành lập HNBVN.

Nguyễn Xuân Lương

Tin khác

Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị đôn đốc xử lý nghiêm vụ 2 phóng viên bị hành hung

Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị đôn đốc xử lý nghiêm vụ 2 phóng viên bị hành hung

(CLO) Ngày 26/4, Hội Nhà báo Việt Nam có văn bản gửi UBND Thành phố Hà Nội, Công an Thành phố Hà Nội đề nghị tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo cơ quan chức năng điều tra làm rõ, xử lý nghiêm những đối tượng hành hung các nhà báo xảy ra tại huyện Thanh Trì mới đây.

Công tác hội
Chương trình “Đất nước trọn niềm vui”: Khơi gợi tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc

Chương trình “Đất nước trọn niềm vui”: Khơi gợi tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc

(CLO) Tối 25/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”, chương trình là dịp kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, hướng tới kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV2.

Công tác hội
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và mối duyên nợ đầu tiên với báo chí

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và mối duyên nợ đầu tiên với báo chí

(CLO) Được biết đến không chỉ là một vị tướng lừng danh có sức ảnh hưởng sâu rộng đến lịch sử Việt Nam và thế giới thời hiện đại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là một nhà báo xuất sắc với ngòi bút chiến đấu mạnh mẽ.

Công tác hội
Chi hội nhà báo báo Giáo dục và Thời đại tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động

Chi hội nhà báo báo Giáo dục và Thời đại tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động

(CLO) Chiều 25/4, Ban Kiểm tra (Hội Nhà báo Việt Nam) đã làm việc với Chi hội nhà báo báo Giáo dục và Thời đại nhằm nhìn nhận, đánh giá công tác Hội năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Công tác hội
Hội Nhà báo Việt Nam và Indonesia: Tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa báo chí hai nước

Hội Nhà báo Việt Nam và Indonesia: Tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa báo chí hai nước

(CLO) Chiều 22/4 tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi đã chủ trì cuộc hội đàm với đoàn đại biểu Hội Nhà báo Indonesia do ông Sihono, Giám đốc báo chí Pancasila Hội Nhà báo Indonesia, vùng Yogyakarta làm Trưởng đoàn.

Công tác hội