Thanh Hóa: Nỗ lực để trở thành cực tăng trưởng mới ở khu vực phía Bắc

Thứ năm, 18/02/2021 16:47 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Ngày 5/8/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW, về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 58) với mục tiêu đưa Thanh Hóa một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc

Ngày 5/8/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW, về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 58) với mục tiêu đưa Thanh Hóa một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; nơi người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước, các giá trị di sản văn hóa và lịch sử được bảo tồn, phát huy; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; các tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Đường lớn đã mở

Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị ban hành trước thời điểm diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX hơn 2 tháng. Theo đó, các nội dung cốt lõi của Nghị quyết 58 đã được cập nhật, bổ sung vào các văn kiện tại Đại hội Đảng bộ tỉnh. Mục tiêu của Nghị quyết là đến năm 2030 đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2045 là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.

Ông Đỗ Minh Tuấn - Phó Bí Thư, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

Ông Đỗ Minh Tuấn - Phó Bí Thư, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết riêng về Thanh Hóa được xem là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, mở ra cho tỉnh những thời cơ, vận hội mới để phát triển đột phá. Bởi lẽ, không có nhiều tỉnh, thành trong cả nước được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết riêng để phát triển. Có thể hiểu đây là một dạng cơ chế “đặc thù” của Trung ương được áp dụng đối với những địa phương có những tiềm năng, lợi thế nổi trội, khác biệt.

Theo các chuyên gia, sở dĩ Thanh Hóa được Trung ương, Bộ Chính trị “chọn mặt gửi vàng” là bởi địa phương này là một trong số ít các tỉnh có 3 vùng địa lý; có quy mô lớn về diện tích (thứ 5 cả nước); là tỉnh có tài nguyên thiên nhiên phong phú; là vùng đất “địa linh nhân kiệt” với tên gọi có từ hơn 990 năm qua; dân số đông thứ 3 cả nước; nhiều di sản văn hóa, lịch sử đặc sắc; có nhiều đóng góp to lớn trong các cuộc kháng chiến của dân tộc, là “kho người, kho của” trong kháng chiến. Thanh Hóa là địa phương có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh; là nơi kết nối đồng bằng sông Hồng với Tây Bắc, Bắc Trung Bộ. Thanh Hóa có đầy đủ 5 loại hình giao thông; nằm trên tuyến đường huyết mạch Bắc - Nam.

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Phó trưởng Ban Kinh tế T.Ư nhận định: Trong 10 năm qua (Giai đoạn 2010-2020), Thanh Hóa có nhiều đột phá phát triển: Đặc biệt là đột phá về tăng trưởng, đột phá về thu ngân sách; đột phá về thu hút vốn đầu tư; quy mô nền kinh tế nằm trong nhóm đầu cả nước. Thanh Hóa có cơ sở hạ tầng kinh tế quan trọng đã được xây dựng trong thời kỳ vừa qua như: Khu Kinh tế Nghi Sơn; Cảng nước sâu; Cảng hàng không Thọ Xuân… Thanh Hóa đang cần một tầm nhìn mới cho phát triển.

Cũng theo ông Nguyễn Hồng Sơn, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 58 sẽ giúp Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới, với tác động cộng hưởng, lôi kéo, thúc đẩy kinh tế vùng; cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển, giảm áp lực cho Thủ đô về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, giảm áp lực cho ngân sách Trung ương; trở thành hình mẫu về phát triển hài hòa, nhanh, bền vững.

Cơ hội và thách thức đan xen

Nghị quyết 58 được xem là dấu mốc quan trọng trên chặng đường xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa, thể hiện sự ghi nhận của Bộ Chính trị đối với những thành quả đã đạt được của tỉnh Thanh Hóa; khẳng định quan điểm của Đảng về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của Thanh Hóa. Đồng thời, tạo sự thống nhất cao trong tư tưởng và nhận thức; mở đường cho những giải pháp mới, đột phá, thu hút nguồn lực trong bối cảnh mới… Tuy nhiên, mục tiêu rất cao của Nghị quyết cũng là một thách thức đối với Thanh Hóa, nhất là vào thời điểm tình hình kinh tế thế giới và trong nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Một số chỉ tiêu Nghị quyết đặt ra giai đoạn 2021-2025 khá cao. Chẳng hạn như: Bình quân hằng năm, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 11% trở lên; thu ngân sách trên địa bàn tăng 10% trở lên; Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt 750.000 tỷ đồng trở lên. Đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người đạt 5.200 USD trở lên (gấp khoảng 2 lần hiện nay); kim ngạch xuất khẩu đạt 8 tỷ USD; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 40%...

Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2030 trở thành cực tăng trưởng mới, tứ giác phát triển ở khu vực phía Bắc.

Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2030 trở thành cực tăng trưởng mới, tứ giác phát triển ở khu vực phía Bắc.

Các chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chính sách đều đánh giá cao tiềm năng, thế mạnh của Thanh Hóa và dư địa phát triển của tỉnh này. Tuy nhiên, hiện tại, dù quy mô nền kinh tế đã vươn lên thứ 8 cả nước, đứng đầu khu vực miền Trung nhưng về cơ bản Thanh Hóa vẫn chưa cân đối được ngân sách. Cùng với đó là 11 huyện miền núi còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội…

Để “sánh vai” với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, những đầu tàu kinh tế ở khu vực phía Bắc, Thanh Hóa cần nỗ lực gấp nhiều lần so với hiện tại.

Đi cùng với đó là những thách thức về phát triển bền vững. Làm thế nào để các lợi ích kinh tế, các con số về tăng trưởng phải hài hòa với các lợi ích về môi trường, an sinh xã hội, để Thanh Hóa vừa đạt mục tiêu thành “cực tăng trưởng mới” vừa là nơi đáng đến, đáng sống.

“Dọn tổ” đón “đại bàng”

Ngay sau khi Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX thành công, chương trình hành động của nhiệm kỳ 2020-2025 đã được xây dựng, trong đó xác định những khâu đột phá, những lĩnh vực ưu tiên để thúc đẩy sự phát triển. Trọng tâm là phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở tập trung phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 5 trụ cột tăng trưởng, 6 hành lang kinh tế và 6 vùng liên huyện.

Trước đó tại Hội nghị xúc tiến đầu tư diễn ra vào tháng 6/2020, tỉnh Thanh Hóa đã trao Giấy chứng nhận đầu tư, Quyết định chủ trương đầu tư cho chủ đầu tư của 19 dự án, với tổng số vốn đăng ký đầu tư 56.758 tỷ đồng; trong đó, có 10 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, 2 dự án thuộc lĩnh vực đô thị và cơ sở hạ tầng, 3 dự án thuộc lĩnh vực du lịch, 3 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp và 1 dự án thuộc lĩnh vực y tế. Đại diện chủ đầu tư của 15 dự án khác đang xúc tiến đầu tư vào Thanh Hóa cũng ký kết Biên bản ghi nhớ đầu tư với đại diện lãnh đạo tỉnh, dự kiến tổng vốn đầu tư 285.177 tỷ đồng. Tổng vốn của 34 dự án nói trên, với tổng mức đầu tư hơn 341.900 tỷ đồng (tương đương 14,8 tỷ USD).

Mới nhất vào cuối tháng 12/2020, Tập đoàn Xuân Thiện (Ninh Bình) đã khởi công dự án khu liên hợp sản xuất chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện 1 có tổng mức đầu tư 36.000 tỷ đồng tương đương 1,5 tỷ đô la Mỹ. Hằng năm, dự án tạo ra 180 nghìn tấn thực phẩm từ thịt lợn; 50 nghìn tấn thành phẩm từ trái cây, rau củ quả; 1,2 triệu tấn thức ăn chăn nuôi; 600 nghìn tấn phân vi sinh hữu cơ; hình thành tổng đàn lợn 67.500 lợn nái và cung cấp 1,5 triệu lợn thịt/năm; tổng doanh thu 38.000 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách 1.000 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động.

Đây chỉ là một trong số hàng chục dự án lớn hứa hẹn sẽ “đổ bộ” vào Thanh Hóa trong năm 2021, góp phần làm thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội của địa phương.

Quang Duy

Tin khác

Ngọn lửa bao trùm cửa hàng FPT Shop ở TPHCM, thiệt hại nhiều tài sản giá trị

Ngọn lửa bao trùm cửa hàng FPT Shop ở TPHCM, thiệt hại nhiều tài sản giá trị

(CLO) Phát hiện đám cháy bên trong cửa hàng FPT ở Gò Vấp (TP.HCM), các nhân viên cùng người dân nỗ lực dập tắt đám cháy nhưng bất thành. Rất may không có thương vong về người.

Đời sống
Tạm giữ người đàn ông vi phạm nồng độ cồn, đốt xe máy

Tạm giữ người đàn ông vi phạm nồng độ cồn, đốt xe máy

(CLO) Khi tổ công tác lập biên bản vi phạm hành chính về lỗi vi phạm nồng độ cồn, ông T. đã ký vào biên bản và đi ra ngoài, sau đó leo lên thùng xe Cảnh sát giật nắp bình xăng, châm lửa chiếc xe máy.

Đời sống
Quảng Ninh: Nét mới đặc sắc trong Lễ hội Carnaval Hạ Long 2024

Quảng Ninh: Nét mới đặc sắc trong Lễ hội Carnaval Hạ Long 2024

(CLO) Độc đáo, Lễ hội Carnaval Hạ Long 2024 lần đầu tiên tổ chức tại mép nước bãi tắm Công viên nước Đại Dương (phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long) với nhiều tiết mục đặc sắc, hấp dẫn. Sự kiện diễn ra vào 20h ngày 28/4.

Đời sống
Homestay ven Hà Nội cạn kiệt phòng trống, người dân kéo nhau cắm trại giữa trời

Homestay ven Hà Nội cạn kiệt phòng trống, người dân kéo nhau cắm trại giữa trời

(CLO) Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, thay vì đi du lịch xa, người dân Hà Nội tận hưởng kỳ nghỉ tại các homestay ven Hà Nội khiến nhiều nơi cạn kiệt phòng trống. Dân tình chuyển hướng sang cắm trại cùng ven đô, tận hưởng không khí trong lành.

Đời sống
Cận cảnh vụ phá rừng quy mô lớn khu vực giáp ranh Gia Lai – Đăk Lăk

Cận cảnh vụ phá rừng quy mô lớn khu vực giáp ranh Gia Lai – Đăk Lăk

(CLO) Hàng nghìn cây gỗ lớn, nhỏ bị đốn hạ không thương tiếc, tại hiện trường từng khoảnh rừng đã bị “hạ trắng”, đốt sạch. Vụ phá rừng thuộc khu vực giáp ranh huyện Chư Prông (Gia Lai) và huyện Ea Sup (Đăk Lăk).

Đời sống