Thiếu lao động nhưng thất nghiệp nhiều: Doanh nghiệp phải thay đổi cách ứng xử đối với người lao động

Thứ năm, 07/10/2021 10:18 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Theo các chuyên gia, hiện nay nhu cầu của người lao động là công việc ổn định, an toàn vì thế muốn tuyển được lao động thì các doanh nghiệp phải có chính sách để họ yên tâm trở lại làm việc.

Nghịch lý lao động thất nghiệp nhưng nhà máy thiếu công nhân

Nhiều ngày qua, người lao động ùn ùn kéo nhau rời thành phố về quê trở thành một hiện tượng di dân đặc biệt, nằm ngoài dự tính. Vì cuộc sống bí bách, bấp bênh kéo dài ở các khu đô thị trong đại dịch nên họ đã quyết định về quê sau khi được giãn cách mặc cho chính quyền TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương ra sức mời gọi ở lại.

Việc người lao động kéo nhau về quê đặt ra bài toán, lượng lao động thất nghiệp ngày một lớn nhưng nhà máy, xí nghiệp lại thiếu nhân công, lao động để khôi phục sản xuất. Đây là bài toán hóc búa, nếu không có giải pháp tổng thể thì việc khôi phục lại sản xuất sẽ trở nên khó khăn kéo dài.

Nói về thực trạng này, ông Phạm Đức Hải - Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện tổng cộng lao động tại khu chế xuất, khu công nghiệp chỉ có khoảng 135.000, chỉ bằng 46% so với trước đây, do vậy còn rất thiếu. Hiện nay các doanh nghiệp thuộc khu chế xuất, khu công nghiệp đang rà soát để tiếp tục tuyển dụng bổ sung nguồn lao động cho đơn vị mình.

thieu lao dong nhung that nghiep nhieu doanh nghiep phai thay doi cach ung xu doi voi nguoi lao dong hinh 1

Hiện tượng lao động bỏ về quê, trong khi nhà máy xí nghiệp thiếu lao động cần phải được khắc phục sớm. Ảnh: Quang Hùng

Những doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, chế xuất còn thiếu lao động như vậy thì những nhà máy, xí nghiệp nhỏ lại càng thiếu trầm trọng hơn. Ông Nguyễn Đức Anh - Giám đốc Công ty TNHH Cường Thịnh, ở TP. Hồ Chí Minh cho rằng, doanh nghiệp của ông đã tìm cách liên hệ với người lao động trước đây để động viên họ sớm quay trở lại nhà máy nhưng đều được trả lời đang ở quê, chưa có ý định trở lại thành phố. “Trong dịch doanh nghiệp tạm dừng sản xuất có hỗ trợ 50% thu nhập cho người lao động nhưng số tiền đó không đủ để họ sống ở thành phố. Chính vì vậy, người lao động đã chọn về quê tránh dịch” - ông Nguyễn Đức Anh chia sẻ.

Thực trạng thiếu lao động để khôi phục sản xuất đang là vấn đề của hầu hết các doanh nghiệp sau thời gian đóng cửa vì dịch COVID-19. Ông Bùi Sỹ Lợi - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, việc người lao động di cư tự do về địa phương để tránh dịch, do giãn cách lâu là điều tất yếu. Vấn đề quan trọng đáng lo ngại là khi người lao động rời khu đô thị, trở về địa phương và người ta có nguy cơ không quay lại thị trường lao động. Nếu điều này kéo dài thì sẽ tác động ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn lao động của các doanh nghiệp và các khu công nghiệp lớn dẫn đến ách tắc sản xuất.

Để giải quyết bài toán hóc búa này, theo ông Bùi Sỹ Lợi, trước hết doanh nghiệp phải có chính sách để ưu đãi, hỗ trợ và động viên để người lao động quay trở lại làm việc. “Có chính sách hấp dẫn mới có lao động để phát triển sản xuất. Nếu doanh nghiệp không thay đổi thì đương nhiên thiếu lao động và không có cơ hội để tuyển dụng lao động mới. Nếu có tuyển dụng thì người lao động cũng không có tay nghề và không đáp ứng được điều kiện sản xuất” – ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

Cũng theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Nhà nước cũng nên có cơ chế chính sách khuyến khích người lao động để họ trở lại doanh nghiệp. Cần hỗ trợ để doanh nghiệp có cơ chế, chính sách và có những ưu ái để người lao động trở lại làm việc. “Điều này hết sức quan trọng, nếu không sẽ thiếu lực lượng lao động rất lớn để khôi phục sản xuất phục sau đại dịch COVID-19” - ông Bùi Sỹ Lợi nói.

Hiện nay, tâm lý của lao động là về quê ăn Tết, xong Tết mới tính. Giải thích tâm lý này, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, vì người lao động vừa bị một cuộc khủng hoảng do giãn cách không có việc làm, thất nghiệp, không có thu nhập. Bây giờ mở giãn cách, người lao động được tự do, họ trở về quê để xử lý công việc, thăm thân gia đình. Do đó, họ chưa muốn trở lại công việc là điều có thể lý giải được.

Doanh nghiệp phải thay đổi thì mới có lao động

Trong đại dịch vừa qua, người lao động nhận thấy chỉ có công việc ổn định mới giúp họ sống chung được với đại dịch COVID-19 ở thành phố vốn đắt đỏ. Những công việc mang tính mùa vụ sẽ không đảm bảo cho họ cuộc sống ổn định ở đất khách, quê người. Chính vì lẽ đó, nhiều lao động tự do đã chọn về quê thay vì bám trụ lại thành phố đầy bất trắc. Bàn về thực trạng trên, nguyên Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, những nhà máy, xí nghiệp muốn kêu gọi người lao động trở lại làm việc phải thay đổi môi trường làm việc, có nhiều chính sách để người lao động yên tâm làm việc thì mới thu hút được lao động, sớm phục hồi sản xuất.

Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, hội nhập sống chung với COVID-19 thì bản thân các doanh nghiệp phải vận động, tự tìm các giải pháp để thu hút người lao động. Doanh nghiệp giờ không thể đưa ra viễn cảnh, tương lai mà cần những phương án thực tế, cụ thể như phương án chỗ ăn, chỗ ở, tiền lương và cam kết với người lao động về các điều kiện phòng, chống COVID-19. Có như vậy, thì người lao động mới quay trở lại thành phố làm việc sớm.

“Giờ đây không thể ngồi trông chờ nhiều vào chủ trương của Nhà nước mà bản thân doanh nghiệp phải có phương án thích ứng cho mình để thu hút người lao động. Dịch bệnh khiến cho người lao động có tư duy khác. Vì vậy, doanh nghiệp phải có hướng đi, bảo đảm với người lao động vừa an toàn, vừa thu nhập ổn định. Còn không, làm vài bữa lại nghỉ để chống dịch thì họ không quay lại nhà máy” - ông Nguyễn Ngọc Bảo nhận định.

Cũng theo vị này, hiện nay Chính phủ cũng đang có nhiều phương án để hỗ trợ các doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động nhưng mức hỗ trợ đó không thể kéo dài. Do đó, doanh nghiệp tự thu hút lao động, tự cam kết với người lao động. “Với những doanh nghiệp chỉ nghĩ đến lợi nhuận, dịch bệnh thì đẩy người lao động ra đường, thấy nguy hiểm thì tìm cách sa thải sẽ rất khó để thu hút lao động.

Bản chất người lao động sau đại dịch sẽ không mặn mà với những doanh nghiệp như vậy. Họ nhận thấy sự ổn định, an toàn mới quan trọng. Do đó, chỉ có doanh nghiệp có trách nhiệm, có thái độ đồng hành với người lao động khi khó khăn thì lao động mới chung tay cùng doanh nghiệp nhau vượt qua khó khăn” - nguyên đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo nói.

thieu lao dong nhung that nghiep nhieu doanh nghiep phai thay doi cach ung xu doi voi nguoi lao dong hinh 2

Ông Nguyễn Ngọc Bảo còn cho rằng, người lao động cũng nên có tinh thần sống chung với dịch, không nên chờ hết dịch mới tính. Cần chấp nhận hòa nhập sớm với dịch bệnh COVID-19 để lao động, điều này sẽ giúp cuộc sống của người lao động ổ định hơn và góp phần khôi phục sản xuất. Qua cuộc khủng hoảng lao động lần này theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, đây cũng là bước thử đối với doanh nghiệp. Các doanh nghiệp phải hiểu, bản chất sống còn ngoài công nghệ thì yếu tố người lao động hết sức quan trọng.

Một thời gian, các doanh nghiệp có tư tưởng người lao động đơn giản, dễ kiếm nên không có sự quan tâm đúng mức. “Hiện nay, doanh nghiệp nào quan tâm đúng mức đến đời sống của người lao động thì mới mong tồn tại phát triển được” - vị chuyên gia này khẳng định.

Như vậy, qua trao đổi với các chuyên gia có thể thấy doanh nghiệp muốn thu hút được lao động trở lại làm việc thì phải thay đổi chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc để cuộc sống của họ ổn định và an toàn. Nếu không, lao động khó để quay trở lại làm việc.

Trinh Phúc

Tin khác

TS. Lê Duy Bình: “Gia tăng đầu tư tư nhân là dư địa lớn để nền kinh tế tăng trưởng cao và bền vững”

TS. Lê Duy Bình: “Gia tăng đầu tư tư nhân là dư địa lớn để nền kinh tế tăng trưởng cao và bền vững”

(NB&CL) Trao đổi với Báo Nhà báo & Công luận, TS. Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cho rằng: Sau mỗi cuộc khủng hoảng, doanh nghiệp (DN) Việt Nam lại mạnh mẽ hơn, vững vàng hơn. Nhưng việc hơn 200 nghìn DN rời thị trường cho thấy yêu cầu cấp bách phải nâng cao năng lực nội sinh và bài học về quản trị rủi ro và xây dựng chiến lược để DN có sức chống chọi cao hơn.

Thị trường - Doanh nghiệp
Trung Quốc cảnh báo nguồn cung điện mùa hè thắt chặt do nắng nóng

Trung Quốc cảnh báo nguồn cung điện mùa hè thắt chặt do nắng nóng

(CLO) Đầu tuần này, cơ quan quản lý năng lượng của Trung Quốc dự kiến phụ tải điện tối đa trong mùa hè sẽ tăng hơn 100 triệu kilowatt so với năm ngoái, đe dọa gây căng thẳng nguồn cung ở một số khu vực, đặc biệt là trong thời tiết khắc nghiệt.

Thị trường - Doanh nghiệp
Châu Âu đang 'mộng du' và phụ thuộc vào phân bón Nga

Châu Âu đang "mộng du" và phụ thuộc vào phân bón Nga

(CLO) Một trong những nhà sản xuất phân bón cây trồng lớn nhất cho biết châu Âu đang “mộng du” và trở nên phụ thuộc vào phân bón của Nga, giống như đã từng phụ thuộc vào khí đốt.

Thị trường - Doanh nghiệp
Mới đầu hè, sản lượng tiêu thụ điện tăng kỷ lục

Mới đầu hè, sản lượng tiêu thụ điện tăng kỷ lục

(CLO) Trong tuần qua, nhiều kỷ lục mới về công suất cực đại và sản lượng điện tiêu thụ ngày đã được thiết lập. 

Thị trường - Doanh nghiệp
Thanh Hoá: Dịp lễ 30/4 - 1/5, giá hải sản tăng chóng mặt

Thanh Hoá: Dịp lễ 30/4 - 1/5, giá hải sản tăng chóng mặt

(CLO) Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay, nhu cầu tiêu thụ lớn khiến giá hải sản tại một số nơi ở Thanh Hoá tăng đến 20-30%, có loại tăng gấp đôi.

Thị trường - Doanh nghiệp