Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm tháo gỡ vướng mắc, bất cập cho “tam nông”

Thứ hai, 09/04/2018 16:52 PM - 0 Trả lời

(CLO) Sáng nay (9/4), tại TP. Hải Dương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị đối thoại với nông dân với chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc, khơi dòng động lực, tiếp đà 30 năm đổi mới”.

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và 600 đại biểu gồm lãnh đạo các bộ, ban, ngành của Trung ương, tỉnh Hải Dương; lãnh đạo Hội nông dân các tỉnh, thành phố; các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện các doanh nghiệp…

Cuộc đối thoại là dịp để nông dân trực tiếp phản ánh với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề lớn, quan trọng trong đời sống nông nghiệp, nông dân, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, khơi dòng động lực, phát huy sự sáng tạo của nông dân, đưa nông nghiệp tiếp tục phát triển nhanh và bền vững.

Trước cuộc đối thoại, Ban tổ chức cho biết đã nhận được khoảng 1.000 câu hỏi của nông dân và nhân dân cả nước gửi đến Thủ tướng, thuộc nhóm vấn đề về thị trường nông sản, chính sách vốn và đất nông nghiệp, công nghệ và quản lý vật tư nông nghiệp, lao động nông thôn và nông thôn mới…

Báo Công luận
 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đối thoại trực tiếp với nông dân. Ảnh: TTXVN

Phát biểu mở đầu cuộc đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi ý một số vấn đề cần được thảo luận như: Tại sao nông dân chưa giàu lên? Vì sao còn những vướng mắc và vướng mắc đó cụ thể là gì? Tại sao có đến 70% người dân sống ở nông thôn, chiếm trên 43% lao động nhưng chỉ đóng góp cho GDP khoảng 18%? Nguyên nhân có phải là do năng suất lao động thấp?...

Thủ tướng cũng cho rằng, còn nhiều vấn đề đặt ra trong ngành nông nghiệp như thị trường, vốn và đất đai, công nghệ, đầu vào cho nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới... Và trong cuộc đối thoại hôm nay, các thành viên Chính phủ sẵn sàng trả lời những câu hỏi của nông dân; đồng thời đưa ra, tạo ra những thể chế, chính sách mới để có lời giải cho những bài toán nêu trên.

Là người đầu tiên đặt câu hỏi, nông dân Tăng Xuân Trường, thôn Phúc Tân, xã Gia Tân, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, chủ cơ sở chế biến nông sản Hưng Yên, đơn vị mà Thủ tướng đến thăm ngay trước khi bước vào cuộc đối thoại, nêu vấn đề về tình trạng dư thừa nông sản. Có nơi, người nông dân phải nhổ bỏ củ cải, su hào hay đốt bỏ cả mía. Gần đây, tại Đà Lạt, các mặt hàng nông sản như khoai tây, hành tây cũng đang xuống giá. Đó là một thực tế rất mà ngành nông nghiệp nước ta đang phải đối mặt. Theo anh Trường, bản thân vừa là người sản xuất vừa là người làm thương mại xuất khẩu rau củ khá lâu nên anh nhận thấy điểm yếu lớn nhất của mình là khâu tổ chức sản xuất.

Chia sẻ với anh Tăng Xuân Trường, Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi thăm cơ sở sản xuất của anh với quy mô lớn và cho rằng, sự thành công của anh Trường cũng là thành quả lớn mà ngành nông nghiệp Việt Nam đã gây dựng được. Có thể khẳng định chưa bao giờ nông nghiệp có được thành quả lớn như thế, còn những việc nhỏ lẻ như su hào, củ cải, mía chỉ là hiện tượng cục bộ, không phải là tình trạng chung của nông nghiệp cả nước. Từ nông thôn tới đồng bằng, miền núi tới miền xuôi sản xuất nông nghiệp đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, nhiều loại nông sản xuất khẩu có giá trị cao. Nhưng ở đâu đó, vào thời điểm nào đó, vẫn xuất hiện tình trạng được mùa mất giá nông sản và chúng ta phải tìm cách khắc phục.

Thủ tướng cho biết, hiện nay, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, các bộ ngành liên quan đang tiếp tục hoàn thiện chính sách, chỉnh sửa và bổ sung Nghị định 210 về thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp với kỳ vọng chính sách mới này sẽ tạo động lực giúp thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn.

Báo Công luận
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng nhấn mạnh việc tìm các thị trường tiêu thụ mới có ý nghĩa quan trọng để giải quyết tình trạng “được mùa, mất giá” và cho biết, vừa qua, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng đi làm việc ở đâu cũng giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp Việt Nam để mở rộng thị trường.

Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý, nông dân khi sản xuất cái gì đó thì trước hết câu hỏi đặt ra là thị trường ở đâu; cần nhận thức rõ, không phải sản xuất cái mình có mà phải sản xuất sản phẩm mà thị trường cần.

“Bây giờ, với hàng triệu hộ dân mà tự sản, tự tiêu, tự tìm thị trường thì khó, cho nên, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã cùng tham gia với bà con là rất quan trọng. Do đó, cần sự phối hợp giữa 6 nhà: Nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà băng và nhà phân phối, nếu tách ra là không thành công. Cần xây dựng quy hoạch theo vùng, sản xuất phù hợp với năng lực, điều kiện địa phương chứ không phải làm ào ào”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Một vấn đề nữa mà Thủ tướng lưu ý bà con nông dân cần quan tâm, đó là vay vốn sản xuất. Từng có gần 34 năm hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, anh Tô Hiến Thành (Bắc Giang), cho biết, trong những khó khăn mà anh gặp phải thì có khó khăn về vốn. Để duy trì sản xuất, anh phải vay vốn ngân hàng với lãi suất cao, thậm chí phải vay tín dụng đen với lãi suất cao gấp nhiều lần lãi suất ngân hàng. Anh muốn biết Chính phủ có chính sách gì hỗ trợ giảm lãi suất cho vay nông nghiệp được không? Chính phủ có giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng tín dụng đen ở nông thôn?

Cũng về vấn đề này, anh Võ Quan Huy (Long An) bày tỏ khó tiếp cận khoản vốn vay ưu đãi từ phía ngân hàng.

Cảm ơn các câu hỏi mà nông dân đưa ra đề cập đến một trong những vấn đề cấp bách nhất hiện nay, Thủ tướng giao Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú trả lời với tinh thần trách nhiệm cao nhất, cải cách tốt nhất. Thủ tướng gợi ý, Ngân hàng Nhà nước có thể đề xuất với Chính phủ, với Thủ tướng Chính phủ nâng hạn mức vay thế chấp như thế nào? có thể thế chấp đất đai, tài sản trên đất để vay được không? Thủ tướng cũng đề nghị đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT trả lời, để giải quyết làm sao không còn tình trạng tín dụng đen.

Báo Công luận
 Đại diện công ty Hưng Việt đặt câu hỏi tại buổi đối thoại

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, lý do mà người dân khó tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng là tính minh bạch thông tin của người dân. Chính vì thông tin không minh bạch rõ ràng nên các ngân hàng không thể cho vay, bởi rất nhiều người vay vốn nhưng không sử dụng hiệu quả đồng vốn, hoặc sử dụng sai mục đích. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nợ xấu, khiến các ngân hàng siết chặt quy định cho vay. Phó Thống đốc cho biết, sẽ trực tiếp làm việc với các ngân hàng thương mại trong tuần tới để giải quyết những vướng mắc về vấn đề này.

Nông dân Nguyễn Văn Thế (Hưng Yên) nêu câu hỏi: “Mỗi năm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng đã gây thiệt hại hơn 2 tỷ USD với ngành nông nghiệp. Một trong những lý do là chức năng quản lý còn bị buông lỏng, việc điều tra, xử lý còn chậm. Xin Thủ tướng cho biết Chính phủ có biện pháp gì để dẹp nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng hiện nay bởi đây chính là nguyên nhân gây thiệt hại rất lớn cho nông nghiệp?”.

Giao Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT trả lời câu hỏi trên, Thủ tướng cho biết thêm, đã chỉ đạo Bộ Công an, Ban Chỉ đạo 389 xử lý quyết liệt vấn đề này và mong muốn người dân cùng phát hiện, thông báo cho cơ quan chức năng biết cơ sở buôn bán, sản xuất, tiêu thụ phân bón giả để xử lý nghiêm.

Sau hơn 2 tiếng rưỡi đối thoại với nông dân, “chốt” lại các vấn đề, Thủ tướng đề nghị Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục tập hợp các ý kiến của các đại biểu để từ đó hình thành các cơ chế, chính sách. Tại buổi đối thoại hôm nay, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các Bộ trưởng, Thứ trưởng có mặt hôm nay đã rất lắng nghe và sẽ có cuộc họp tiếp thu các vấn đề đặt ra từ cuộc đối thoại này, Thủ tướng khẳng định.

Nêu lên những tồn tại, bất cập của ngành nông nghiệp, Thủ tướng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thấy rất rõ vấn đề này và quyết tâm tháo gỡ những tồn tại, bất cập đó, nâng cao tinh thần trách nhiệm hơn nữa đối với 70% người dân sống ở nông thôn và 43% lao động ở nông thôn hiện nay.

Với tinh thần đó, Thủ tướng nêu rõ tầm nhìn xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các cấp chính quyền phải dành thời gian đối thoại với nông dân, giải quyết khiếu nại của nông dân, nhất là khiếu nại, tố cáo liên quan đến sử dụng, thu hồi đất. Thời gian tới cần làm tốt hơn công tác này, để đáp ứng tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nông dân; giải thích, giải đáp cho người nông dân về chủ trương, chính sách, giữ gìn bình yên ở nông thôn.

Bên cạnh đó, cần tập trung quyết liệt triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh phát triển chế biến sâu, sản phẩm mới, nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm. Đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích phát triển doanh nghiệp ở khu vực nông thôn; tăng cường liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp.

Báo Công luận
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các đại biểu thăm Công ty Hưng Việt

Nhấn mạnh việc giải quyết căn bản vấn đề tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm, hạn chế tối đa tình trạng bị động, dư thừa sản phẩm, phải giải cứu như thời gian qua. Thủ tướng cho rằng, trong quá trình tổ chức sản xuất, ngay người nông dân phải đặt vấn đề tiêu thụ ở đâu, tiêu thụ bao nhiêu, chất lượng thế nào, bao bì, mẫu mã ra sao... Muốn làm được điều đó, các bộ, ngành, địa phương phải tăng cường cải cách hành chính, cải cách thể chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp, phải sát cơ sở hơn, phải lắng nghe hơn để tháo gỡ các vướng mắc, nhất là những yếu tố đầu vào của sản xuất như phân bón, thuốc trừ sâu giả, chất lượng kém, an toàn vệ sinh thực phẩm, thị trường, vốn…

Thủ tướng cũng đề nghị phát huy vai trò của các tổ chức chính trị, tạo điều kiện cho bà con sản xuất kinh doanh; giao Bộ Tài nguyên Môi trường tháo gỡ khó khăn về đất đai để tạo khí thế mới cho nông thôn. “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm sâu sắc hơn nữa đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân”, Thủ tướng khẳng định.

PV

Tin khác

Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Điện Biên trong dịp đại lễ

Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Điện Biên trong dịp đại lễ

(CLO) Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay dài ngày, đặc biệt là trên địa bàn TP Điện Biên Phủ diễn ra chuỗi các sự kiện hướng tới Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ nên lượng người và phương tiện tăng đột biến.

Tin tức
Đảm bảo điều kiện triển khai Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Đảm bảo điều kiện triển khai Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

(CLO) Ngày 1/7 tới đây, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chính thức có hiệu lực thi hành. Hiện, Chính phủ, Bộ Công an đã ban hành các nghị định, thông tư để triển khai thi hành luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở.

Tin tức
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra, đốc thúc một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra, đốc thúc một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam

(CLO) Ngày 29/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đi kiểm tra hiện trường, động viên cán bộ, công nhân đang làm việc trên công trường, đốc thúc một số dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025, đi qua địa bàn các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên và cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Tin tức
Truy điệu 2 cán bộ kiểm lâm hy sinh khi làm nhiệm vụ chữa cháy rừng ở Hà Giang

Truy điệu 2 cán bộ kiểm lâm hy sinh khi làm nhiệm vụ chữa cháy rừng ở Hà Giang

(CLO) Ngày 28/4, tại Nhà tang lễ thành phố Hà Giang, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang cùng các gia đình tổ chức lễ tang, lễ truy điệu 2 cán bộ kiểm lâm đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ chữa cháy rừng. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Quốc Trị dự lễ truy điệu.

Tin tức
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giao thông tới đâu, người dân hưởng lợi tới đó

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giao thông tới đâu, người dân hưởng lợi tới đó

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thực tiễn cho thấy, giao thông phát triển đến đâu sẽ tạo ra giá trị mới, mở ra không gian phát triển mới đến đó.

Tin tức