Thủ tướng Haiti Ariel Henry là ai và đang ở đâu?

Thứ bảy, 09/03/2024 10:04 AM - 0 Trả lời

(CLO) Thủ tướng Ariel Henry đang vật lộn để trở về quê nhà Haiti, nơi các cuộc bạo loạn băng đảng đã khiến sân bay quốc tế chính của đất nước phải đóng cửa và áp lực đòi ông từ chức ngày càng gia tăng.

Tính đến trưa thứ Tư (7/3) theo giờ địa phương, Thủ tướng Henry vẫn ở Puerto Rico, nơi ông hạ cánh một ngày trước đó sau khi máy bay của ông bị cấm đáp xuống ở nước láng giềng Cộng hòa Dominica, vì các quan chức ở đó đã đóng cửa không phận đối với các chuyến bay đến và đi từ Haiti.

Không chỉ đang bị mắc kẹt ở bên ngoài, ông Henry còn phải đối mặt với tình trạng bế tắc khi ngày càng nhiều quan chức kêu gọi ông từ chức. Dưới đây là những điều cần biết về vị Thủ tướng Haiti và những khó khăn mà ông phải đối mặt:

Ông Ariel Henry là ai?

Bác sĩ giải phẫu thần kinh 74 tuổi này từng được đào tạo và làm việc ở Pháp. Ông đã tham gia vào chính trường Haiti vào đầu những năm 2000, khi ông trở thành lãnh đạo của một phong trào phản đối Tổng thống lúc bấy giờ là Jean-Bertrand Aristide.

thu tuong haiti ariel henry la ai va dang o dau hinh 1

Thủ tướng Haiti Ariel Henry từng là một bác sĩ giải phẫu thần kinh. Ảnh: AP

Bài liên quan

Sau khi Aristide bị phế truất, ông Henry trở thành thành viên của một hội đồng do Mỹ hậu thuẫn giúp lựa chọn chính quyền chuyển tiếp.

Vào tháng 6 năm 2006, ông được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Bộ Y tế Haiti và sau đó trở thành Chánh văn phòng, giúp quản lý hoạt động ứng phó của Chính phủ Haiti đối với trận động đất kinh hoàng năm 2010.

Năm 2015, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Nội vụ và Cộng đồng Lãnh thổ, đồng thời chịu trách nhiệm giám sát chính sách đối nội và an ninh của Haiti.

Nhiều tháng sau, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng phụ trách các vấn đề xã hội và lao động nhưng phải đối mặt với những lời kêu gọi từ chức sau khi rời khỏi đảng Inite.

Sau đó, ông gần như biến mất khỏi chính trường và làm giảng viên tại một trường đại học y của Haiti cho đến khi được bổ nhiệm làm Thủ tướng, ngay sau vụ cố Tổng thống Jovenel Moise bị ám sát vào tháng 7 năm 2021.

Tại sao ông Henry bị đòi từ chức?

Ông Henry vốn đã phải đối mặt với những lời kêu gọi từ chức kể từ khi ông tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng, dù nhận được sự ủng hộ của Mỹ và một số quốc gia đồng minh.

Những người yêu cầu ông từ chức bao gồm các đảng phái chính trị và một bộ phận người dân Haiti với lý do cuộc tổng tuyển cử đã không được tổ chức trong gần một thập kỷ. Họ cũng lưu ý rằng Henry chưa từng được bầu, song lại có nhiệm kỳ dài nhất so với bất kỳ thủ tướng Haiti nào kể từ khi hiến pháp năm 1987 của đất nước được thành lập.

thu tuong haiti ariel henry la ai va dang o dau hinh 2

Bạo lực vẫn đang bùng phát ở Haiti. Ảnh: AP

Ông Henry đã nhiều lần nói rằng ông tìm kiếm sự đoàn kết và đối thoại, đồng thời lưu ý rằng các cuộc bầu cử không thể được tổ chức cho đến khi an toàn. Vào tháng 2 năm 2023, ông chính thức thiết lập một hội đồng bầu cử để hướng tới mục tiêu đó.

Tuy nhiên, các cuộc bầu cử đã nhiều lần bị trì hoãn do các vụ giết người và bắt cóc liên quan đến băng đảng gia tăng trên khắp đất nước. Năm ngoái, hơn 8.400 người được báo cáo đã thiệt mạng, bị thương hoặc bị bắt cóc, cao hơn gấp đôi con số được báo cáo vào năm 2022.

Tại sao ông Henry không có mặt ở Haiti?

Ông Henry rời Haiti vào tháng trước để tham dự hội nghị kéo dài 4 ngày tại Guyana ở Nam Mỹ do khối thương mại khu vực có tên Caricom tổ chức. Đó là nơi mà cuộc khủng hoảng ngày càng tồi tệ của Haiti được thảo luận sau những cánh cửa đóng kín.

Dù ông Henry không phát biểu với giới truyền thông, song các nhà lãnh đạo Caribe cho biết ông hứa sẽ tổ chức bầu cử vào giữa năm 2025. Một ngày sau, các cuộc tấn công có sự phối hợp của băng đảng bắt đầu bùng phát ở thủ đô của Haiti.

Ông Henry sau đó đã rời Guyana đến Kenya để gặp Tổng thống William Ruto của nước này và thúc đẩy việc triển khai lực lượng cảnh sát Kenya do Liên hợp quốc hậu thuẫn để đến Haiti trấn áp vấn nạn băng đảng.

Các quan chức chưa bao giờ cho biết khi nào Henry sẽ trở lại Haiti sau chuyến đi đến Kenya, và nơi ở của ông chỉ được xác nhận cho đến khi ông bất ngờ hạ cánh xuống Puerto Rico hôm thứ Ba vừa rồi trước sự ngạc nhiên của nhiều người.

Ban đầu ông dự kiến hạ cánh xuống Cộng hòa Dominica, quốc gia có chung đảo Hispaniola với Haiti, nhưng chính quyền nước này đã đóng cửa không phận và không cho máy bay của ông Henry hạ cánh, khiến nó phải đáp xuống Puerto Rico.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Theo một quan chức khu vực giấu tên, các nhà lãnh đạo Caribe đã nói chuyện với ông Henry vào cuối ngày thứ Ba và đưa ra cho ông một số lựa chọn, bao gồm cả việc từ chức, nhưng ông đã từ chối.

Trong khi đó, Thủ tướng Grenada cho biết ông Henry đã nói với các quan chức rằng kế hoạch của ông là trở lại Haiti. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp vào cuối ngày thứ Tư để bàn về Haiti và những rắc rối mà ông Henry phải đối mặt.

Trước cuộc gặp đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết Mỹ và các đối tác đang yêu cầu Henry đẩy nhanh quá trình chuyển giao quyền lực.

Miller nói: “Chúng tôi không kêu gọi ông ấy hay thúc ép ông ấy từ chức, nhưng chúng tôi đang thúc giục ông ấy đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang một cơ cấu quản trị toàn diện và được trao quyền”.

Huy Hoàng (theo AP)

Bình Luận

Tin khác

Nga và Ukraine tiếp tục dùng UAV tấn công lãnh thổ của nhau

Nga và Ukraine tiếp tục dùng UAV tấn công lãnh thổ của nhau

(CLO) Ngày 19/5, Nga cho biết đã bắn hạ khoảng 60 máy bay không người lái (UAV) và một số tên lửa phóng vào lãnh thổ Nga trong đêm, trong khi Ukraine tuyên bố đã phá hủy hơn 30 UAV Nga.

Thế giới 24h
Pháp huy động cảnh sát giành lại quyền kiểm soát đường tới sân bay New Caledonia

Pháp huy động cảnh sát giành lại quyền kiểm soát đường tới sân bay New Caledonia

(CLO) Cảnh sát Pháp đang cố gắng lập lại trật tự trên lãnh thổ hải ngoại New Caledonia ở Thái Bình Dương sau nhiều ngày bất ổn nghiêm trọng, trong đó giành quyền kiểm soát trở lại con đường chính nối sân bay với thủ đô Noumea.

Thế giới 24h
Quân nổi dậy tuyên bố chiếm thị trấn ở Myanmar

Quân nổi dậy tuyên bố chiếm thị trấn ở Myanmar

(CLO) Ngày 19/5, quân nổi dậy có vũ trang Quân đội Arakan tuyên bố đã giành được quyền kiểm soát thị trấn Buthidaung ở bang Rakhine phía tây Myanmar sau nhiều tuần giao tranh.

Thế giới 24h
Ứng viên đối lập Venezuela cam kết tự do chính trị theo hiến pháp

Ứng viên đối lập Venezuela cam kết tự do chính trị theo hiến pháp

(CLO) Ứng cử viên phe đối lập Venezuela Edmundo Gonzalez cho biết hôm thứ Bảy (18/5) rằng ông sẽ đảm bảo tất cả các đảng chính trị được tự do hoạt động theo hiến pháp, nếu ông vượt qua Tổng thống Nicolas Maduro trong cuộc bầu cử vào tháng 7.

Thế giới 24h
Chi phí tang lễ cao khiến nhiều người không nhận thi thể người thân ở Canada

Chi phí tang lễ cao khiến nhiều người không nhận thi thể người thân ở Canada

(CLO) Một số tỉnh của Canada ghi nhận số lượng thi thể không có người nhận tăng vọt trong những năm gần đây, chi phí tang lễ ngày càng tăng là lý do khiến họ bỏ lại thi thể người thân.

Thế giới 24h