Bộ TT&TT quyết liệt chấn chỉnh tình trạng “báo hóa” tạp chí:

“Thuốc đắng” sẽ “dã tật”?

Thứ năm, 17/11/2022 09:24 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Dù tình trạng “báo hóa” tạp chí, trang TTĐT, “tư nhân hóa” báo chí đã được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần, nhưng cho đến nay hiện tượng này vẫn còn phức tạp. Nhiều chuyên gia, nhà quản lý báo chí, nhà báo coi đây là “căn bệnh” cần chấn chỉnh, phải áp dụng các chế tài xử lý nghiêm khắc để xử lý...

Chiều 15/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4. Đối với lĩnh vực TT&TT, Quốc hội quyết nghị yêu cầu Bộ TT&TT rà soát, giám sát, thanh tra, kiểm tra, tăng cường hoạt động hậu kiểm, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp đăng tải tin giả, thông tin xấu độc trên mạng. Trong năm 2023, tập trung giải quyết cơ bản và chấn chỉnh tình trạng “báo hóa” tạp chí, trang thông tin điện tử tổng hợp. Dù tình trạng “báo hóa” tạp chí, trang TTĐT, “tư nhân hóa” báo chí đã được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần, nhưng cho đến nay hiện tượng này vẫn còn phức tạp. Nhiều chuyên gia, nhà quản lý báo chí và người cầm bút coi đây là “căn bệnh” cần chấn chỉnh, phải áp dụng các chế tài xử lý nghiêm khắc, để hạn chế những hệ lụy có thể xảy ra.

Xử nghiêm để lấy lại niềm tin

Thống kê của Bộ TT-TT cho thấy, cả nước có khoảng 40.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí, trên 17.100 người được cấp thẻ nhà báo.

Trong hơn 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, kinh tế báo chí tiếp tục gặp nhiều khó khăn, lại bị chi phối, cạnh tranh bởi các nền tảng xuyên biên giới, mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới. Bên cạnh những mặt tích cực đạt được, hoạt động báo chí ngày càng nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực, tồn tại.

Trong đó, nổi cộm là việc nhiều cơ quan tạp chí, nhất là tạp chí của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp chưa bám sát tôn chỉ, mục đích; một số tạp chí khoa học chưa thực hiện đúng chức năng công bố kết quả nghiên cứu khoa học, các bài viết mang tính nghiên cứu lý luận còn ít.

Một số tạp chí có biểu hiện “báo hóa” như: chú trọng phản ánh các vấn đề, vụ việc tiêu cực trong xã hội nhưng lượng thông tin chuyên sâu, chuyên ngành hạn chế, thậm chí không có; đăng tải tin, bài hoặc cử phóng viên hoạt động tác nghiệp ngoài phạm vi tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép; sử dụng danh nghĩa báo chí hoạt động tác nghiệp để điều tra theo đơn thư, yêu cầu, thậm chí đe dọa buộc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp… cung cấp hồ sơ, tài liệu, tự cho mình quyền hạn như cơ quan thanh tra, điều tra.

thuoc dang se da tat hinh 1

Một số cơ quan báo chí có biểu hiện “tư nhân hóa”, thể hiện ở việc giao chuyên trang, chuyên mục cho văn phòng đại diện, nhóm phóng viên hoặc đối tác hợp tác chịu trách nhiệm; thành lập và khoán doanh thu tùy tiện cho các văn phòng đại diện; thực hiện liên doanh liên kết theo hướng người đứng đầu cơ quan báo chí buông lỏng quản lý; chuyển giao quyền kiểm soát nội dung trên thực tế cho đối tác để đổi lấy lợi ích...

Trước thực trạng đáng lo ngại trên, căn cứ yêu cầu thực tiễn công tác quản lý nhà nước về báo chí, Bộ TT&TT đã và đang tập trung thực hiện công tác xử lý tình trạng “báo hóa” tạp chí, biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí một cách quyết liệt, quy mô, bài bản, chi tiết, minh bạch, đi vào trọng tâm, trọng điểm những vấn đề nổi cộm mà dư luận xã hội quan tâm, bức xúc.

Qua rà soát, theo dõi, Bộ TT&TT bước đầu phát hiện, xác định khoảng 30 cơ quan báo chí có dấu hiệu “báo hóa” tạp chí, “tư nhân hóa” báo chí. Trên cơ sở đó, Bộ TT&TT đã lập các đoàn thanh tra, kiểm tra tiến hành rà soát, đánh giá, xem xét để chấn chỉnh và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, nếu có.

Đại diện Bộ TT&TT cũng cho biết, các cơ quan báo chí bị xử lý đều nghiêm túc nhận ra những sai sót, khuyết điểm, chấp hành quyết định xử phạt; có văn bản cam kết cụ thể về biện pháp, kế hoạch chấn chỉnh hoạt động; rà soát, kiểm tra nội dung thông tin, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; bảo đảm kiểm soát nội dung thông tin, năng lực sản xuất tin, bài, kinh tế báo chí, an toàn, an ninh thông tin; tuân thủ quy định pháp luật về báo chí.

Các cơ quan báo chí bị xử lý đã gỡ bỏ hàng ngàn tin, bài có nội dung không đúng tôn chỉ, mục đích do cơ quan chức năng chỉ ra; cam kết tự rà soát, chủ động gỡ bỏ những tin, bài có nội dung ngoài phạm vi tôn chỉ, mục đích. Các cơ quan chủ quản có cơ quan báo chí bị xử lý cũng nhận thức có việc buông lỏng, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong việc chỉ đạo cơ quan báo chí và cam kết sẽ chỉ đạo các cơ quan báo chí khắc phục các vi phạm, khuyết điểm và thực hiện đúng các quy định.

Theo Bộ TT&TT, từ tháng 10/2022 sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 kế hoạch xử lý tình trạng “báo hóa” tạp chí, biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí; thanh tra, kiểm tra, đánh giá, xem xét hoạt động đối với khoảng 15 cơ quan báo chí. Việc xử lý được thực hiện trên tinh thần cương quyết, nghiêm minh, thậm chí tước quyền sử dụng giấy phép đối với những cơ quan báo chí để xảy ra sai phạm nghiêm trọng, kéo dài, không nhận thức được việc khắc phục sai phạm. Đồng thời, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương xem xét, kiến nghị xử lý trách nhiệm cơ quan chủ quản báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí.

Liên tục chấn chỉnh

Vấn đề “báo hóa” tạp chí, trang TTĐT được Chính phủ và Bộ TT&TT quan tâm, chỉ đạo liên tục để chấn chỉnh tình trạng này. Cụ thể, trong văn bản số 3359 ngày 21/5/2021 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ TT&TT khẩn trương có giải pháp hiệu quả chấn chỉnh các sai phạm trong hoạt động của tạp chí điện tử, trang TTĐT tổng hợp. Đồng thời làm rõ trách nhiệm của cơ quan báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí khi để các chuyên trang, ấn phẩm có nhiều vi phạm, sai phạm. Xử lý nghiêm các trường hợp hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo.

thuoc dang se da tat hinh 2

Tại văn bản số 4854 ngày 26/11/2021, Bộ TT&TT nhấn mạnh sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về báo chí, trong đó tập trung về các hành vi cơ quan báo chí thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích… Đối với những vụ việc phức tạp, có dấu hiệu vi phạm hình sự, Bộ TT&TT sẽ chuyển, phối hợp các cơ quan chức năng xem xét, xử lý.

Mới đây nhất, tại Công văn số 844, Bộ TT&TT nêu rõ việc một số tạp chí có biểu hiện “báo hoá”, như: Chú trọng phản ánh các vấn đề, vụ việc tiêu cực trong xã hội nhưng lượng thông tin lý luận, khoa học, chuyên ngành hạn chế, thậm chí không có; đăng tải tin, bài hoặc cử phóng viên hoạt động tác nghiệp về những nội dung ngoài phạm vi tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép…

Một số cơ quan báo chí có biểu hiện “tư nhân hoá” báo chí, thể hiện chủ yếu ở việc giao chuyên trang, chuyên mục cho văn phòng đại diện, nhóm phóng viên hoặc đối tác hợp tác chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động, thành lập và khoán doanh thu tùy tiện cho các văn phòng đại diện cơ quan báo chí, thực hiện liên doanh liên kết theo hướng người đứng đầu cơ quan báo chí buông lỏng quản lý, chuyển giao quyền kiểm soát nội dung trên thực tế cho đối tác để đổi lấy lợi ích.

Nhằm tiếp tục siết chặt kỷ cương trong hoạt động báo chí, trong năm 2022, Bộ TT&TT sẽ tăng cường việc đo kiểm, rà quét nội dung thông tin hằng ngày và thông báo tại giao ban báo chí hằng tuần để các cơ quan báo chí biết và có giải pháp khắc phục kịp thời.

Bộ TT&TT sẽ kiểm tra, đánh giá hoạt động của các cơ quan báo chí để nhắc nhở, chấn chỉnh; trường hợp phát hiện có cơ quan báo chí vi phạm, Bộ sẽ chỉ đạo đơn vị chức năng xử phạt nghiêm theo quy định, thậm chí đình bản, thu hồi giấy phép hoạt động báo chí và hằng tháng có thông báo kết quả xử lý tới các cơ quan chủ quản và các các đơn vị liên quan.

Đồng bộ nhiều giải pháp để xử lý dứt điểm trong năm 2023

Mặc dù các biện pháp xử lý vấn đề này trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định, song Bộ TT&TT cũng thừa nhận, các quy định của pháp luật hiện hành vẫn còn chưa thật sự chặt chẽ, đầy đủ trong việc quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ trang thông tin điện tử, mạng xã hội dẫn đến tình trạng một số trang tin tổng hợp, mạng xã hội lợi dụng các kẽ hở này để “báo hóa”, tự sản xuất tin bài hoặc cung cấp nội dung gây nhầm lẫn như là cơ quan báo chí.

Ý thức tuân thủ pháp luật của một số tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội kém, thậm chí cố tình vi phạm nhiều lần, cơ quan quản lý nhà nước khó xử lý, rút giấy phép ngay vì vướng quy trình xử lý theo quy định; chế tài xử phạt còn thiếu, mức phạt thấp chưa đủ sức răn đe.

thuoc dang se da tat hinh 3

Trong thời gian tới, Bộ TT&TT cho biết sẽ tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp nhằm tăng cường công tác kiểm tra, quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử và nền tảng trực tuyến trong và ngoài nước.

Trước mắt sẽ tập trung hoàn thiện và trình Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, trong đó thể chế hóa khái niệm “báo hóa”, tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định quản lý trang tin, mạng xã hội, tên miền, các hoạt động truyền thông xã hội trên không gian mạng, quản lý nền tảng xuyên biên giới.

Rà soát toàn bộ giấy phép trang thông tin điện tử tổng hợp, quy định cụ thể, rõ ràng phạm vi cung cấp thông tin của từng trang, yêu cầu ghi rõ từng chuyên mục vào giấy phép. T

iếp tục phối hợp với các Sở TT&TT, các cơ quan chức năng tăng cường rà soát, giám sát, thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm để phát hiện vi phạm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là vi phạm về “báo hóa” trang tin điện tử, mạng xã hội, về đăng tải tin giả, thông tin xấu độc trên mạng.

Thông tin thêm về vấn đề này tại phiên trả lời chất vấn Quốc hội ngày 4/11, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: Việc xử lý vấn nạn “báo hóa” tạp chí, trang tin đã có giải pháp rất mới, hiệu quả là công khai bộ tiêu chí để nhận diện dấu hiệu, biểu hiện. Thay vì chỉ Bộ TT&TT, hiện nay toàn dân đã có thể giám sát thế nào là một trang thông tin, một tạp chí “báo hóa”.

Trong số 650 tạp chí, số lượng tạp chí có dấu hiệu bị “báo hóa” là khoảng 30 - con số này không phải là lớn. Các trang tin đã được cấp phép là gần 2.000 trang tin, số lượng trang tin có dấu hiệu cũng gần như vậy.

Đảng, Nhà nước đang chỉ đạo quyết liệt về việc thanh kiểm tra tạp chí, trang tin điện tử có dấu hiệu “báo hóa”. Hiện nay Bộ TT&TT đã tiếp tục tiến hành đợt tổng kiểm tra, dự kiến kết thúc vào cuối năm 2022. Bộ TT&TT cũng đặt mục tiêu cuối năm 2023, vấn đề này cơ bản sẽ được giải quyết.

Báo chí đang đứng trước các thách thức lớn chưa từng có, nhưng thách thức nào cũng chính là cơ hội, cơ hội để đổi mới chính mình. Không phải vô tình mà năm 2022, chúng ta nói quá nhiều đến sứ mệnh và giá trị cốt lõi của nghề báo. Báo chí hiện đại không thể không trở lại những giá trị cốt lõi, đồng thời thể hiện tầm cao trí tuệ, gắn với công nghệ hiện đại trong thời đại mới. Không thể nào khác. Thông tin nhanh, chính xác, trung thực, đi liền với bình luận thấu đáo, sắc sảo, thấm thía.

Kỷ nguyên số 4.0 cho phép những người làm báo cách mạng Việt Nam nhiều phương tiện, nhiều “vũ khí” hơn để thuận lợi hơn trong việc hoàn thành vai trò cơ quan ngôn luận của Đảng và Nhà nước, diễn đàn rộng rãi của nhân dân.

Kỷ nguyên số 4.0 cũng đồng thời tạo áp lực để mỗi nhà báo, mỗi cơ quan và loại hình báo chí phải khách quan, thẳng thắn nhìn nhận lại chính mình, xét lại ý chí, tri thức và nghị lực của mình, xét lại cái tâm của mình để đủ dũng khí bảo vệ cái đúng, kiên quyết đấu tranh với cái xấu, để mỗi nhà báo, mỗi tờ báo thực sự là cột mốc vững chãi, đáng tin cậy giữa “biển sóng” thông tin trong đa chiều không gian, là những chấm sáng góp phần cho một bức tranh toàn cảnh bớt đi những mảng xám của Báo chí Việt Nam những năm tới và trên hành trình giữ vững giá trị cốt lõi của nghề.

 Khánh An

Tin khác

Tài thao lược kiệt xuất của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tài thao lược kiệt xuất của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh

(NB&CL) 70 năm qua, nhiều nhà khoa học quân sự thế giới đã và vẫn dày công tìm hiểu, nghiên cứu phân tích, lý giải: Tại sao “Việt Minh” đánh thắng! Tại sao đội quân viễn chinh nhà nghề của thực dân Pháp có số quân đông là lực lượng mạnh nhất lúc bấy giờ, với đầy đủ trang bị kỹ thuật hiện đại, với mọi thủ đoạn nham hiểm xảo quyệt lại chịu thất bại thảm hại tại Điện Biên Phủ? Trong rất nhiều nhân tố mang lại chiến thắng lịch sử, tài thao lược kiệt xuất, sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình, sáng tạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, là yếu tố hàng đầu.

Góc nhìn
Thế trận hậu cần nơi lòng chảo Điện Biên

Thế trận hậu cần nơi lòng chảo Điện Biên

(NB&CL) Khi Điện Biên Phủ, vùng rừng núi hiểm trở cách xa hậu phương 600 đến 700 km, trở thành nơi quyết chiến chiến lược của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận định: “Trên mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược là nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật, khó khăn về cung cấp lương thực không kém khó khăn về tác chiến”.

Góc nhìn
Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Thành phố Hồ Chí Minh: Tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng để thúc đẩy liên kết vùng

Thành phố Hồ Chí Minh: Tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng để thúc đẩy liên kết vùng

(NB&CL) Nằm trong xu thế phát triển chung, vấn đề liên kết vùng, liên kết ngành là định hướng quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là một trong những vấn đề được TP.HCM đặc biệt coi trọng, xem đây là một trong những nguồn lực quan trọng trong quá trình phát triển.

Góc nhìn
Việt Nam quê hương ta đẹp lắm…

Việt Nam quê hương ta đẹp lắm…

(CLO) Trong những ngày này, cả nước đang hồ hởi, phấn khởi chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Góc nhìn