Tiếng kêu cứu từ những dòng sông “chết” ở Thủ đô

Thứ năm, 28/05/2020 09:28 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Rác thải tràn ngập mặt sông, màu nước đen kịt vì nước thải sinh hoạt của các hộ dân đổ trực tiếp xuống, mùi hôi thối, xú uế bốc lên khiến ai cũng phải bịt mũi khi qua đây… là thực trạng của một số dòng sông, kênh mương chảy xung quanh địa bàn TP. Hà Nội.

Bức tử sông Nhuệ

Có mặt tại một nhánh của sông Nhuệ, trước mắt chúng tôi là một màu đen kịt với mùi xú uế nồng nặc. Dưới mặt sông là rác thải bu kín bề mặt. Ở đâu cũng thấy rác, dòng nước thỉnh thoảng có những chỗ bị chặn bởi rác. Men theo hai bên bờ sông, trước mắt chúng tôi là các ống, cống nước thải sinh hoạt của các hộ dân sinh sống gần khu vực đang được xả trực tiếp xuống dòng sông. Còn phía trên bờ, đâu đâu cũng thấy rác. Thỉnh thoảng còn có nhiều đống rác lớn được “tập kết” ngay cạnh bờ sông. Mùi xú uế bốc lên nồng nặc khiến không khí lúc nào cũng ngột ngạt, khó thở.

Sông Nhuệ đoạn chảy qua quận Hà Đông.

Sông Nhuệ đoạn chảy qua quận Hà Đông.

Chúng tôi đến nhà anh Lê Quang Trình (Tả Thanh Oai – Hà Nội), một hộ dân đang sinh sống gần khu vực sông Nhuệ. Lúc này, gia đình anh Trình đang vo gạo, chuẩn bị nấu cơm, nhưng lại sử dụng nguồn nước là nước mưa được lưu trữ trong các két nước ở nhà. Do ở cạnh sông Nhuệ, cho nên nguồn nước cũng bị ô nhiễm, gia đình anh Trình phải sử dụng nước mưa để nấu ăn. Còn nước giếng khoan, mặc dù đã lọc rất nhiều lần, nhưng chỉ được dùng để tắm, giặt và những việc khác cho sinh hoạt của gia đình.

Qua quan sát của chúng tôi, ngôi nhà cấp 4 của vợ chồng anh Trình nằm gần mép sông Nhuệ còn có hệ thống chuồng chăn nuôi lợn. Theo anh Trình, vào lúc cao điểm gia đình anh nuôi gần 100 con lớn, nhỏ. Điều đáng nói, tất cả nước thải từ phân, cám thừa, nước rửa chuồng đều đổ cả xuống sông Nhuệ. Đây cũng là thực trạng của nhiều hộ dân sinh sống, sản xuất ở gần khu vực sông Nhuệ, khi tất cả rác thải sinh hoạt đều… xả thẳng xuống sông.

Hình ảnh gần trạm bơm Hà Đông – Cần Thơ có một cống nước đang chảy ra kênh có màu vàng như nghệ.

Hình ảnh gần trạm bơm Hà Đông – Cần Thơ có một cống nước đang chảy ra kênh có màu vàng như nghệ.

Tiếp tục đến phường Dương Nội (quận Hà Đông), qua ghi nhận, chúng tôi nhận thấy tại đây cũng có nhiều ống nước thải từ các nhà máy dệt, nhuộm xả thẳng ra môi trường. Tại các điểm xả thải này, nước thải chảy ra môi trường đủ các loại màu vàng, tím chỉ cần quan sát bằng mắt thường cũng có thể thấy mức độ ô nhiễm là cực kỳ lớn.

Ngay gần trạm bơm Hà Đông – Cần Thơ có một cống nước đang chảy ra kênh. Dòng nước thải có màu vàng nghệ, lại được xả với công suất lớn nên cả một khu vực kênh bị nhuộm vàng ươm. Người dân địa phương cho biết, các ống xả trên đều của các xưởng dệt, xưởng in trên địa bàn, dòng nước tại đây có dấu hiệu ô nhiễm nặng, cả đoạn kênh bốc mùi thối nồng nặc, kết hợp với mùi hóa chất của dệt nhuộm tạo nên bầu không khí ngột ngạt, khó thở.

Đánh giá từ các chuyên gia cho thấy, hiện nay mức độ ô nhiễm tại các dòng sông, kênh trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đang báo động, khi phần lớn nước thải sinh hoạt, nước thải của các cụm, điểm công nghiệp, các làng nghề đều đổ thẳng ra các hệ thống sông, kênh này mà không được xử lý. Có thể thấy ngay hậu quả của việc này khi người dân đang biến các con sông Tô Lịch, sông Lừ thành hệ thống tiêu nước cho toàn bộ khu vực nội thành. Còn phía ngoài các huyện ngoại thành, các dòng sông như: sông Nhuệ, sông Đáy hàng chục năm qua cũng bị “bức tử” bởi nước thải không qua xử lý. Những dòng sông này đã từ lâu được coi là những dòng sông “chết”. Bằng chứng là theo kết quả giám sát cuối năm 2019 của Viện Quy hoạch thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, nước sông Nhuệ có hàm lượng chất thải hữu cơ trong nước vượt quá giới hạn từ 2 đến 9 lần; hàm lượng amoni - gây suy giảm chất lượng nước, vượt quá giới hạn từ 0,4 đến 11 lần.

Nhiều đống rác thải được người dân vứt xuống sông Nhuệ.

Nhiều đống rác thải được người dân vứt xuống sông Nhuệ.

Ông Ngô Thanh Sơn - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Sông Nhuệ cho biết, nguồn nước sông Nhuệ đang bị ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến 25.000ha đất sản xuất của 9 quận, huyện của Thủ đô Hà Nội và 3 huyện, thành phố của tỉnh Hà Nam. Nguyên nhân khiến nguồn nước sông Nhuệ bị ô nhiễm là do hai bên lưu vực sông có gần 800 điểm xả nước thải chưa qua xử lý thuộc các cơ sở sản xuất công nghiệp, làng nghề và hộ dân.

Sông Đáy cũng đang “hấp hối”

Ngoài hệ thống thủy lợi sông Nhuệ, ngoại thành Hà Nội còn có sông Đáy dài gần 100km, bắt nguồn từ xã Vân Nam (huyện Phúc Thọ), chảy qua các quận, huyện: Hoài Đức, Quốc Oai, Hà Đông, Chương Mỹ, Thanh Oai, Ứng Hòa đến xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức). Trong đó, tại huyện Hoài Đức, sông Đáy chảy qua các xã: Dương Liễu, Cát Quế, Yên Sở, Đắc Sở, Tiền Yên, Vân Côn... và đây cũng là nơi có nguồn gây ô nhiễm lớn. 

Ghi nhận của PV, sông Đáy đoạn chảy qua địa phận huyện Hoài Đức có tình trạng đen kịt, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Tại các xã Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế - nơi được cho là đầu nguồn gây ô nhiễm, các loại nước thải sinh hoạt, chăn nuôi và đặc biệt là nước, bã thải từ hàng chục hộ làm nghề chế biến tinh bột chưa qua xử lý vẫn xả trực tiếp ra sông Đáy... Đây được coi là “thủ phạm” gây ô nhiễm sông Đáy suốt thời gian qua.

Qua tìm hiểu của PV, trên địa bàn xã Dương Liễu hiện có 50 hộ sản xuất tinh bột sắn và dong riềng quy mô lớn (trong đó vùng bãi có 35 hộ) và hàng chục hộ dân có quy mô vừa và nhỏ với sản lượng bình quân trên 1.000 tấn nguyên liệu/ngày. Toàn bộ nước và bã thải đều được các hộ sản xuất này xả thẳng ra sông Đáy.

Kênh tiêu T5 đoạn chảy qua thôn 9 xã Cát Quế dòng nước đen kịt chảy thẳng ra sông Đáy.

Kênh tiêu T5 đoạn chảy qua thôn 9 xã Cát Quế dòng nước đen kịt chảy thẳng ra sông Đáy.

Còn đến ghi nhận tại điểm công nghiệp An Phát, nơi đây có hàng chục công ty, xưởng sản xuất lớn, nhỏ hoạt động. Phía bên ngoài, nước thải sản xuất từ các cơ sở này chảy trực tiếp ra các mương tiêu, đặc quánh bốc mùi hôi thối nồng nặc.

Theo tìm hiểu của PV, năm 2019 các cơ quan chức năng huyện Hoài Đức đã kiểm tra, xử phạt 37 cơ sở vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường với số tiền 2,6 tỷ đồng. Riêng tại xã Dương Liễu, lực lượng chức năng cũng đã xử phạt hành chính và đình chỉ hoạt động 8 cơ sở sản xuất tinh bột. Thế nhưng, sau khi xử phạt thì các cơ sở vi phạm vẫn tiếp tục vi phạm và dòng sông vẫn được coi là địa điểm xả thải của các hộ dân và cơ sở sản xuất quanh khu vực. Bằng chứng là ngoài nước thải làng nghề, nước thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi, nước thải công nghiệp và nước thải sản xuất của nhiều doanh nghiệp lớn, nhỏ tại các xã Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế cũng đổ ra kênh tiêu T5 (dài hơn 5km) rồi xả thẳng xuống sông Đáy gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Nước thải đen ngòm, hôi thối tại điểm công nghiệp An Phát (Dương Liễu – Hoài Đức).

Nước thải đen ngòm, hôi thối tại điểm công nghiệp An Phát (Dương Liễu – Hoài Đức).

Mỗi ngày, rác sinh hoạt, nước thải công nghiệp chưa qua xử lý từ các làng nghề, các xí nghiệp vẫn trực tiếp đổ ra sông Nhuệ, sông Đáy, kéo theo nhiều hệ lụy, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cũng như cuộc sống của người dân. Đây là thực trạng đã tồn tại từ nhiều năm nay, các bãi rác cứ ngẫu nhiên hình thành ngày càng nhiều. Lượng rác thải đang quá lớn, lại không có người dọn và chế tài xử phạt đủ sức răn đe, cho nên vẫn còn nhiều trường hợp đổ trộm, xả thải ra dòng sông. Dường như chính quyền địa phương không đủ khả năng để xử lý và 2 con sông này vẫn đang “hấp hối” chờ… giải cứu.

Hà Hùng Long

Tin khác

Homestay ven Hà Nội cạn kiệt phòng trống, người dân kéo nhau cắm trại giữa trời

Homestay ven Hà Nội cạn kiệt phòng trống, người dân kéo nhau cắm trại giữa trời

(CLO) Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, thay vì đi du lịch xa, người dân Hà Nội tận hưởng kỳ nghỉ tại các homestay ven Hà Nội khiến nhiều nơi cạn kiệt phòng trống. Dân tình chuyển hướng sang cắm trại cùng ven đô, tận hưởng không khí trong lành.

Đời sống
Cận cảnh vụ phá rừng quy mô lớn khu vực giáp ranh Gia Lai – Đăk Lăk

Cận cảnh vụ phá rừng quy mô lớn khu vực giáp ranh Gia Lai – Đăk Lăk

(CLO) Hàng nghìn cây gỗ lớn, nhỏ bị đốn hạ không thương tiếc, tại hiện trường từng khoảnh rừng đã bị “hạ trắng”, đốt sạch. Vụ phá rừng thuộc khu vực giáp ranh huyện Chư Prông (Gia Lai) và huyện Ea Sup (Đăk Lăk).

Đời sống
Nắng nóng gay gắt, hàng nghìn lượt người đổ về Công viên nước Hồ Tây 'giải nhiệt'

Nắng nóng gay gắt, hàng nghìn lượt người đổ về Công viên nước Hồ Tây "giải nhiệt"

(CLO) Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, thời tiết ở Hà Nội rất oi bức, nền nhiệt ngoài trời có lúc lên đến 40 độ C nên nhiều người dân đã đến Công viên nước Hồ Tây để "giải nhiệt" và vui chơi.

Đời sống
Xử phạt tài xế xe khách lạng lách trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Xử phạt tài xế xe khách lạng lách trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

(CLO) Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 2 đã xử lý tài xế xe Limousine có hành vi lạng lách trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng qua phản ánh của người dân.

Đời sống
Gần 4.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trong ngày thứ 2 kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Gần 4.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trong ngày thứ 2 kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5

(CLO) Ngày thứ 2 kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Cảnh sát giao thông (CSGT) toàn quốc đã xử lý 14.515 trường hợp trong đó có 3.916 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Đời sống